Sản xuất lúa giống theo mô hình công nghệ sinh học

       Để sản xuất lúa giống theo mô hình công nghệ sinh học thì các loại phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học được sử dụng hợp lý bảo vệ thiên địch trên ruộng.

Sản xuất lúa giống theo mô hình công nghệ sinh học của Doseco giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ảnh: Ngọc Trinh.

Sản xuất lúa giống theo mô hình công nghệ sinh học của Doseco giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ảnh: Ngọc Trinh.

       Để đáp ứng nhu cầu giống lúa chất lượng cho nông dân sản xuất đạt hiệu quả năng suất và chất lượng, vụ Hè Thu 2020, Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) sản xuất các giống nguyên chủng: OM 5451, OM 9582, VD 20, IR 4625, ĐTR4, OM 380, OM 18 trên 5,42 ha, sản xuất 30 giống lúa trình diễn trên 0,35 ha, tổ chức phục tráng giống siêu nguyên chủng theo đúng quy trình của Bộ NN-PTNT gồm các loại giống: OM18, IR4625, ĐS1, ML48 trên 0,37 ha và 142 bộ giống mới trên 0,3 ha…

       Có thể nói các giống lúa nêu trên rất dễ làm, dễ chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết, thời gian sinh trưởng từ 98 - 105 ngày. Các giống lúa luôn đảm bảo an toàn, chất lượng, cho năng suất khá, giá cả bán ra ổn định ở mức cao nên được nông dân tin tưởng, an tâm sử dụng trên ruộng.

       Bà Nguyễn Thị Oanh - Phó Giám đốc Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong cho biết: Vụ mùa này, Trại thực hiện sản xuất lúa giống theo mô hình công nghệ sinh học khoảng 7ha, trong đó gieo mạ khay sử dụng máy cấy.

       Đối với các giống lúa nguyên chủng, lượng giống sử dụng 50kg/ha. Sản xuất lúa giống theo mô hình công nghệ sinh học nên các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đều được Trại thực nghiệm sử dụng hợp lý nhằm bảo vệ thiên địch trên ruộng.

       Để phòng ngừa chuột cắn phá, Trại thực nghiệm sử dụng tấm nilon bao quanh, che chắn diện tích lúa. Đến nay, trà lúa gieo cấy còn vài tuần nữa chuẩn bị bước vào thu hoạch, hiện lúa phát triển tốt, hạt đến cậy, ít lép.

Để phòng ngừa chuột cắn phá, Trại thực nghiệm sử dụng tấm nilon bao quanh, che chắn diện tích lúa. Ảnh: Ngọc Trinh.

Để phòng ngừa chuột cắn phá, Trại thực nghiệm sử dụng tấm nilon bao quanh, che chắn diện tích lúa. Ảnh: Ngọc Trinh.

       Cũng theo bà Oanh, sản xuất lúa giống theo mô hình công nghệ sinh học không phun xịt chất kích thích sinh trưởng cho lúa và thuốc dưỡng hạt để bảo quản hạt giống tốt hơn.

       Đồng thời, tiết kiệm được chi phí đầu tư, giảm được giá thành trong sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo vệ các loại côn trùng có lợi… nâng cao chất lượng giống lúa.

       Hướng tới, Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong sẽ nhân rộng mô hình cho các Tổ sản xuất giống của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đồng Tháp (Doseco).

       Sau khi đi tham quan thực tế trên cánh đồng sản xuất lúa giống theo mô hình công nghệ sinh học của Trại, đa số nông dân đều đánh giá cao hiệu quả của mô hình này và chất lượng của các nhóm giống lúa nêu trên.

       Cụ thể, đặc tính giống lúa OM 9582 là có thời gian sinh trưởng không quá 100 ngày, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, lá đòng thẳng, dạng hình đẹp, trổ bông tập trung, hạt thon dài, chịu phèn và mặn khá, phản ứng với bệnh vàng lùn trung bình, đạo ôn cấp 6 và rầy nâu cấp 3 - 5. Năng suất vụ Đông Xuân vừa rồi từ 7 - 9 tấn/ha, vụ Hè Thu từ 5 - 7 tấn/ha. Chất lượng gạo khá ngon, hạt gạo trong, cơm mềm.

       Ông Lê Văn Tứ ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông canh tác 4ha lúa giống OM 4900. Vụ Hè Thu 2020, ông Tứ thu hoạch đạt năng suất 6 tấn/ha, bán giá 5.600 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, còn lãi gần 50 triệu đồng.

       Ông Tứ vui vẻ chia sẻ: Cuối năm 2019 tôi được đến Trại giống An Phong của Cty Cổ phần Giống cây trồng Đồng Tháp tham quan thực tế cách sản xuất lúa giống theo mô hình công nghệ sinh học thấy đem lại kết quả cao vì ít sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó tôi quyết định xin liên kết với Cty để làm ăn trong sản xuất giống. 2 vụ lúa vừa qua tôi thực hiện sản xuất lúa giống OM 9582 và tiến hành áp dụng sản xuất theo hướng công nghệ sinh học để giảm giá thành đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm an toàn.

       Tuy nhiên theo ông Tứ, sản xuất lúa giống có cực công hơn so với canh tác lúa hàng hóa, nhưng được cái là yên tâm đầu ra, giá bán lại cao hơn lúa hàng hóa từ 500 -1.000 đồng/kg (tùy giống).

Hằng năm, Doseco xuất bán từ 5.000 - 6.000 tấn lúa giống các loại chất lượng cao ra ngoài thị trường, đều được bà con nông dân đón nhận. Ảnh: Ngọc Trinh.

Hằng năm, Doseco xuất bán từ 5.000 - 6.000 tấn lúa giống các loại chất lượng cao ra ngoài thị trường, đều được bà con nông dân đón nhận. Ảnh: Ngọc Trinh.

       Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Doseco cho biết: Doseco là địa chỉ cung cấp lúa giống chất lượng, uy tín cho nhiều nông dân vùng ĐBSCL. Công ty đã xây dựng mạng lưới sản xuất giống lúa nguyên liệu trên tổng diện tích gần cả ngàn ha.

       Trong đó, có khoảng 800 ha sản xuất giống lúa xác nhận và trên dưới 50ha sản xuất giống lúa nguyên chủng. Doseco xác định 11 giống lúa chủ lực gồm nhóm giống lúa chất lượng cao là OM 4900, OM 5451, OM 7347, OM 6162, nhóm giống lúa thơm là VD 20, Jasmine 85 và nhóm giống lúa trung bình là IR 50404, Butyl, OM 576, OM 6976.

       Doseco  trực tiếp sản xuất giống trên 6 ha tại Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong và mạng lưới sản xuất giống của các HTX, THT, câu lạc bộ, với 50 nông hộ sản xuất từ 250 - 300ha. Chất lượng các loại giống lúa của Doseco xuất bán đảm bảo an toàn, luôn được khách hàng ưa chuộng và an tâm chọn sử dụng.

       Hằng năm, Doseco xuất bán từ 5.000 - 6.000 tấn lúa giống các loại chất lượng cao ra ngoài thị trường, đều được bà con nông dân đón nhận.

NGỌC TRINH – THANH BÌNH

Nguồn: https://nongnghiep.vn/san-xuat-lua-giong-theo-mo-hinh-cong-nghe-sinh-hoc-d268508.html