Sản xuất sạch bước tiên phong cho sản phẩm OCOP

       Với quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Thới Bình đang tích cực xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ phù hợp với xu thế người tiêu dùng, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

       Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, con tôm và cây lúa là những ngành hàng chủ lực của địa phương. Cùng với đó, những năm qua, huyện Thới Bình nỗ lực xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ kết hợp với nuôi tôm sinh thái, không chỉ giúp nông dân nâng cao giá trị, giảm giá thành sản xuất, mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng, phù hợp với xu thế người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sản xuất bền vững.

 Hiện giá lúa sạch, lúa hữu cơ được thương lái thu mua cao hơn lúa thường từ 500-700 đồng/kg.

       Thới Bình là địa phương có diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm chiếm gần 50% tổng diện tích của toàn tỉnh. Trưởng phòng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, huyện đang xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa sạch, kết hợp với nuôi tôm càng xanh được khoảng 14.000 ha; vùng lúa - tôm đặc sản an toàn, lúa - tôm chất lượng cao với các giống ST20, ST24, quy mô khoảng 3.000 ha, tập trung ở các xã: Trí Phải, Trí Lực, Thới Bình, Biển Bạch Ðông.

       Song song với quá trình xây dựng thương hiệu lúa sạch, Thới Bình đang xây dựng thí điểm mô hình lúa hữu cơ trên đất nuôi tôm bước đầu mang lại hiệu quả với hơn 327 ha tại các xã: Thới Bình, Trí Lực và Tân Lộc Bắc. Với hiệu quả mang lại, cuối năm 2018, địa phương này đã xây dựng Đề án bảo hộ nhãn hiệu "Lúa sạch Thới Bình", với mục tiêu đạt từ 10.000-20.000 ha mỗi năm, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp chứng nhận. Ông Lâm cho biết thêm, nhờ sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giá lúa cao hơn thị trường từ 500-700 đồng/kg.

       Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho hay, trên địa bàn huyện hiện có một nhà máy xay xát lúa gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Công ty Nông sản thực phẩm Agrimexco, thuộc Tổng công ty lương thực miền Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do thiếu vốn, hoạt động kém hiệu quả, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

       Mục tiêu của đề án đặt ra là đến cuối năm 2020, huyện Thới Bình phải tiêu chuẩn hoá ít nhất 6 sản phẩm trên địa bàn huyện, trong đó có 4 sản phẩm thực hiện theo kế hoạch của tỉnh và huyện phấn đấu thêm 2 sản phẩm. Công nhận, chứng nhận ít nhất 1 sản phẩm đạt 3-4 sao. Phát triển, nâng cấp ít nhất 2 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.

       Ông Lý Minh Vững cho biết thêm: "Địa phương xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Do đó, việc chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Chương trình OCOP phải có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, lãnh đạo địa phương và người dân phải nhìn nhận rõ nét về thế mạnh, đặc trưng của sản phẩm chủ lực để định hướng chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp với từng địa phương. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP để huy động, phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng tham gia thực hiện thành công mục tiêu của đề án. Chương trình này đang được đặt nhiều kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới góp phần đổi thay đời sống Nhân dân, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương"./.

Trung Đỉnh

Nguồn: http://baocamau.com.vn/nong-lam/san-xuat-sach-buoc-tien-phong-cho-san-pham-ocop-64966.html