Tăng cường công tác bảo hộ thương hiệu đặc sản ở Cà Mau

Với vị trí địa lý thuận lợi như: có ba mặt tiếp giáp biển, hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng, hệ thống sông ngòi chằng chịt, có nhiều sông lớn và bãi bồi, đầm, ao, hồ,…nên thiên nhiên đã ưu đãi cho Cà Mau nhiều sản vật đặc sản ngon và hấp dẫn. Đặc sản Cà Mau là niềm tự hào cũng là nguồn thu nhập đáng kể của người dân nơi đây. Nếu ai đã từng một lần đến Cà Mau, chắc hẳn sẽ không quên những món ăn dân giả đậm chất miền Tây, những món ngon được chế biến công phu, cầu kỳ, nổi tiếng được lưu truyền từ rất lâu khi qua tay các bà nội trợ. Tất cả tạo nên một bức tranh ẩm thực phong phú đầy màu sắc, mang đậm nét đặc trưng của vùng đất mũi Cà Mau.

Một trong những đặc sản rất phổ biến của Cà Mau mà không thể không nhắc đến, đó là tôm khô, cua biển, sò huyết, vọp, cá lóc, cá sặc rằn, cá trê, mật ong,… và các loại thủy hải sản được nuôi trồng và đánh bắt từ biển. Đây là lợi thế để Cà Mau thu hút khách du lịch cũng như xuất khẩu mang lại nguồn thu rất lớn cho người dân và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, để giữ vững thương hiệu cho đặc sản Cà Mau trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay là rất khó khăn vì tình trạng gian lận thương mại ngày càng tăng; hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều với những thủ đoạn rất tinh vi nên phần nào đã làm suy giảm uy tín, thương hiệu của các loại đặc sản. Thực tế cho thấy, một số sản phẩm đặc sản của địa phương đã từng nổi tiếng trên thị trường, do không được quan tâm đúng mức, không đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu đã trở nên mai một, mất uy tín và không còn đủ sức cạnh tranh. Việt Nam chúng ta đã gia nhập AFTA, WTO, TPP,…nên việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm đặc sản cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng hiện nay là việc làm hết sức cần thiết.

Cá khô bổi U Minh 

Có thể kể đến một số chủ trương, hành động tiêu biểu, thiết thực của lãnh đạo địa phương trong tuyên truyền, vận động đăng ký và bảo hộ thương hiệu đối với đặc sản ở Cà Mau như:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND ngày 15/9/2010 quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Quyết định đã góp phần thúc đẩy quá trình đăng ký và bảo hộ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Đây là sự quan tâm rất lớn của Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình phát triển và bảo hộ tài sản trí tuệ ở địa phương.

- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với một số sản phẩm đặc sản của địa phương. Kết quả được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 05 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: “Mật ong U Minh Hạ”, “Tôm khô Rạch Gốc”, “Cá khô bổi U Minh”, “Cua Năm Căn - Cà Mau”, “Mắm cá lóc Thới Bình -  Cà Mau”. Năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tiếp tục hỗ trợ địa phương đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm “Cây bồn bồn Cái Nước – Cà Mau” và  “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”.

- Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau thực hiện dự án xây dựng và phát sóng trên sóng Đài Phát thanh –Truyền hình Cà Mau chương trình “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống ”. Kết quả đã thực hiện được 44 chương trình phát sóng theo định kỳ 2 tuần/ lần (20 phút/ chương trình); 08 chương trình phát sóng theo định kỳ 3 tháng/ lần (30 phút/ chương trình); 32 phim tình huống vi phạm hoặc không vi phạm thuộc chương trình “Chắp cánh thương hiệu” của VTV3; 12 phim tình huống mới do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau xây dựng; bộ câu hỏi pháp luật về Sở hữu trí tuệ gồm các tình huống vi phạm hoặc không vi phạm phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội ở tỉnh Cà Mau.

- Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Cà Mau chủ trì thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu tập thể: “Mật ong U Minh Hạ”, “Tôm khô Rạch Gốc” và “Cá khô bổi U Minh”. Kết quả đã hỗ trợ công bố chất lượng sản phẩm được 09 cơ sở, có 06 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện An toàn thực phẩm, có 09 cơ sở công bố tiêu chuẩn cơ sở, có 10 cơ sở được cấp mã số mã vạch, thiết kế 08 mẫu nhãn hiệu và xây dựng hoàn thành 03 trang web quảng bá thương hiệu sản phẩm mật ong, tôm khô và cá khô bổi trên internet.

- Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã đồng ý giao Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối chủ trì và thành lập Ban chủ nhiệm chương trình “Xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển các đặc sản đặc thù ở địa phương” thực hiện trong năm 2015.

Trao thưởng thuộc dự án sở hữu trí tuệ

Nhìn chung, công tác xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương trong thời gian qua luôn được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức và đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo được niềm tin và phấn khởi trong nhân dân. Bảo hộ thương hiệu đặc sản của địa phương được pháp luật công nhận là bước đi rất quan trọng để giữ gìn và phát huy, nâng cao giá trị của từng sản phẩm mang nhãn hiệu thời hội nhập. Chúng ta đã trực tiếp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mang nhãn hiệu có nhiều cơ hội việc làm hơn, thu nhập cao hơn và theo đó là cuộc sống của người dân sẽ ổn định hơn. Đồng thời, đây cũng là cách để chúng ta bảo tồn, lưu giữ bí quyết, giá trị tinh thần, hương vị, tinh hoa trong từng sản phẩm được lâu dài và rất có thể chúng sẽ trường tồn mãi với thời gian nếu chúng ta biết trân trọng và gìn giữ một cách khoa học cộng với tình yêu quê hương đất nước. Hy vọng một ngày không xa, sản phẩm đặc sản của quê hương Cà Mau được bảo hộ nhiều hơn nữa, để mỗi người con của Cà Mau dù có đi đâu, về đâu cũng nhìn thấy được đặc sản của quê mình trên cả nước và nhiều nơi trên thế giới.

Hùng Anh