Tập huấn về kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển,

        Thực hiện Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật thiệt lập hành lang bảo vệ bờ biển. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Khóa tập huấn về Kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển cho cán bộ quản lý, kỹ thuật của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển

        Thành phần khóa tập huấn gồm có ông Vũ Sĩ Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Tiến sĩ Stefan Groenewold – đại diện GIZ tại Việt Nam; ông Đặng Sơn Hải – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo cùng với đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Biển và Hải đảo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

Ông Vũ Sĩ Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu khai mạc tại Khóa tập huấn.

        Nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong quá trình thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, tại buổi tập huấn, các học viên được phổ biến những nội dung quy định hiện hành về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển bao gồm: lập danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, xác định chiều rộng và ranh giới hành lang, cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển, giải đáp những vấn đề liên quan đến kỹ thuật xác định hành lang bảo vệ bờ biển. Bên cạnh đó, các học viên còn tham quan thực tế những địa điểm có nhu cầu cấp bách, cần thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

        Hành lang bảo vệ bờ biển là một trong những công cụ quản lý tổng hợp vùng bờ hiệu quả hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ cảnh quan, bảo tồn hệ sinh thái, giá trị dịch vụ hệ sinh thái ven biển, hỗ trợ phát triển vùng ven biển, bảo đảm quyền tiếp cận của cộng đồng, tổ chức và cá nhân đồng thời duy trì tính thẩm mỹ của bờ biển. Trong thời gian qua, đa số các hoạt động phát triển tại các vùng ven biển diễn ra khá sôi động, những quy định về hành lang bảo vệ bờ biển là cơ sở để tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan chuyên ngành, khu vực tư nhân và các nhóm cộng đồng nhằm đạt được các mục đích chung, giúp cải thiện sự phối hợp trong quá trình thực hiện chính sách, chiến lược đầu tư, đồng thời tạo nên tính linh hoạt, hiệu quả, bền vững trong các cho các khu vực phát triển.

Mũi Cà Mau; Ảnh Tg

        Cà Mau là tỉnh có chiều dài bờ biển trên 254km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu long, nhiều cửa sông thông ra biển như: Gành Hào, Bồ Đề, Rạch Gốc, Bảy Háp, Vàm Sông Ông Đốc, Ông Trang, Khánh Hội…., nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước, đảm bảo việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vùng bờ, hiện nay, tỉnh Cà Mau đang trong quá trình thực hiện Dự án thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại các huyện ven biển như: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh. Trong giai đoạn này, Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với đơn vị tư vấn tiến hành Lập danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, bao gồm: thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu và khảo sát, điều tra, đo đạc bổ sung thông tin dữ liệu; Dựa trên thông tin, dữ liệu thu thập được, tiến hành phân tích đánh giá hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ, hiện trạng hệ sinh thái, đặc điểm chế độ sóng ven bờ, tình trạng sạt lở, bồi tụ tại các khu vực vùng bờ; Xác định các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Dự án tiếp tục thực hiện các công việc liên quan đến xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển; Cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển ngoài thực địa, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019.