Thách thức trong phát triển kinh doanh gỗ rừng tràm ở Cà Mau.

       Hiện trạng và thách thức trong phát triển kinh doanh gỗ rừng tràm

       Diện tích đất rừng của tỉnh Cà Mau 164.638 ha trong đó chỉ có 95.415 ha  (56 % tổng diện tích đất lâm nghiệp) là đất có rừng, điều này cho thấy gần một nửa đất lâm nghiệp còn lại chưa sử dụng để trồng rừng (Báo cáo theo dõi diễn biến rừng, 2018). Mặc dù diện tích còn lại chưa hẵn đã sử dụng sai quy hoạch tổng thể của tỉnh; Nhưng vấn đề đất hoang hoá và thoái hoá đang xãy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

       Toàn diện tích đất rừng có 7.925 lô trạng thái, tính trung bình mỗi trạng thái rừng có 1,78 ha, đối với đất rừng diện tích chưa đủ 3 ha được xem là diện tích rất nhỏ. Trong đó, có trên 2.500 hộ trên địa bàn tỉnh được giao khoán, nhận khoán đất rừng  phần còn lại thuộc cơ quan và tổ chức khác. Số liệu ban đầu cho thấy sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm nghiệp quy mô nhỏ lẽ, không đồng bộ.

       Cà Mau là tỉnh có tiềm năng trong phát triển ngành công nghiệp gỗ tại đồng bằng Sông Cửu Long. Phát triển công nghiệp gỗ hiện ở Cà Mau luôn chú trọng đến rừng tràm, rừng ngập mặn quan tâm đến thuỷ sản và chất đốt. Đất rừng tràm để sản xuất gỗ, sản phẩm khác đều là đất rừng sản xuất, tập trung ở các công ty, hộ gia đình. Rừng sản xuất ngập phèn có diện tích khoảng 11.491ha thuộc hai huyện là Huyện Trần Thời 2.469 ha  và Huyện U Minh 4.194 ha (công văn số 49/BC-KL, ngày 26/02/2019).

       Đến nay, tổng diện tích rừng trồng tập trung Keo lai ở ĐBSCL khoảng hơn 12.000 ha. Trong đó, chủ yếu vẫn là ở Cà Mau (8.600 ha bao gồm rừng sản xuất và rừng đặc dụng) phần còn lại ở các tỉnh như: An Giang (3.100 ha trồng xen),Long An (800ha), Sóc Trăng (412 ha) và Kiên Giang (khoảng 200ha). Cà Mau chiếm hơn 71% tổng diện tích trồng keo. Tuy nhiên, trên thị trường gỗ của vùng thì gỗ Cà Mau chiếm thị phần thấp. Kinh doanh rừng trồng cung cấp gỗ đặc biệt là rừng gỗ lớn ở tỉnh đứng trước nhiều khó khăn thách thức.

       Đất sử dụng trồng rừng sản xuất có diện tích nhỏ, kinh doanh rừng mang tính tự phát. Năm 2018, khai thác 2.316 lô/3.598,8 ha trung bình khai thác 1 lô 0,53 ha như vậy mỗi líp có bề rộng thấp nhất 6 m chiều dài líp 200-  800m. Điều này dẫn đến khó áp dụng máy móc vào sản xuất.

       Các máy hiện đang sử dụng trong kinh  doanh rừng tràm ở Cà Mau có trọng lượng và kích thước rất lớn. Đưa các máy này vào đến các líp tốn rất nhiều nhân, vật lực nhưng sử dụng không hiệu quả. Với công suất máy làm việc liên tục là 40-100 tấn/ngày nếu đi thẳng khoảng 2 tháng là khai thác hết toàn bộ diện tích rừng trồng ngập phèn của tỉnh. Tuy nhiên, do líp ngắn phải quay đầu  sang líp khác mất một nửa thời gian, gây thiệt hại rất nhiều về kinh tế. Do đó cần giải quyết vấn đề diện tích nhỏ lẽ này.

Hình google map 12/6/2019 Hình ảnh cho thấy diện tích nhỏ phân cách, các líp ngang dọc khác nhau, màu của hình ảnh cho thấy tuổi rừng hoặc loài cây khác biệt.

       Máy móc sử dụng cho trồng và khai thác rừng chưa phù hợp. Nền rừng là nền đất ngập nước, các máy cắt cây hoặc máy trồng cây dạng bánh xích, bánh hơi khó di chuyển đến các líp trồng rừng.  Đồng thời, các máy bánh xích hoặc bánh hơi hoàn toàn sẽ tác động đến tầng đất mặt. Do trọng lượng quá nặng trong quá trình hoạt động sẽ làm đất nén chặt gây khó khăn cho xử lý đất trong kỳ kinh doanh tiếp theo. Cải biến máy móc cho phù hợp với điều kiện của địa phương là điều cần thiết.

Hình: Xáng cuốc và máy cắt cây đang được sử dụng tại Cà Mau (nguồn youtobe)

       Trồng rừng cho phát triển công nghiệp gỗ, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn  tại Cà Mau thì giống cây trồng là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết từ loài cây đến chất lượng cây. Căn cứ quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN, ngày 17/11/2014 của Bộ NN&PTNT ban hành Danh mục loài cây trồng rừng chủ lực và Danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng ở các vùng sinh thái lâm nghiệp. Theo đó, vùng Tây Nam Bộ gồm 11 giống Keo lai (AH1, AH7, TB1, TB6, TB11, TB12, TB15, BV10, BV16, BV32, BV33) và 02 giống Keo lá tràm (AA1, AA9). Tuy nhiên, do  người dân không được phổ biến rộng rãi về các nghiên cứu liên quan tới giống cây trồng nên hiệu quả kinh doanh không cao, chọn giống cây trồng không hợp lý. Các giống tiến bộ kỹ thuật chưa được khảo nghiệm lại cho vùng đất phèn đặc thù, nên nhiều giống không phù hợp dẫn đến rừng trồng sinh trưởng kém, cây phân cành, chẻ ngọn sớm làm đổ gãy và bị sâu bệnh hại tấn công làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng rừng trồng.

       Công tác sản xuất giống tại Cà Mau tương đối tốt, nhưng sử dụng cây giống không tốt, cây giống thường được nhập về tỉnh và bán lại cho người dân, doanh nghiệp không qua kiểm tra chất lượng. Theo kết quả khảo sát, giống cây trồng rừng sản xuất được mua theo” cảm tính” chiếm trên 90%. Người dân chọn giống thường bằng kinh nghiệm của bản thân hoặc là kinh nghiệm truyền tai nhau ví dụ như chọn AH7 thông qua màu lá vàng hơn các giống Keo khác , lá 5 gân….. không thông qua chứng nhận, không thông qua đặc tính di truyền của loài…. Giống không tốt dẫn đến năng suất không tốt, kinh doanh rừng dựa vào yếu tố may rũi, người  dân không nắm chắc lợi nhuận.

       Cây trồng và quy hoạch cây trồng rất cần sự quan tâm của cơ quan chuyên môn. Trên diện tích rừng tràm loài cây sử dụng trồng rừng không chỉ là Keo và Tràm, vẩn có các lô sử dụng Gáo, Bạch đàn … trong trồng rừng.  Gáo sinh trưởng rất nhanh ở Indonesia nhưng không hẵn đã sinh trưởng tốt ở Cà Mau. Theo nghiên cứu của Võ Ngươn Thảo năm 2016 thì đường kính cây Gáo sau 3 năm nhỏ hơn 2- 3 lần so với trồng tại Indonesia. Bạch đàn tương tự cây Gáo, sinh trưởng kém ở Cà Mau. Ngoài ra do trồng nhỏ lẽ nên tiêu thụ khó khăn, thường bị thương nhân ép giá. Tuy nhiên, trồng khu vực cao hoặc lên líp cao không bị nhiễm phèn thì các loài  Gáo, Bạch đàn …phát triển rất tốt. Do đó cần có sự phối hợp của cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý nhằm xác định khu vực trồng phù hợp với loài và mô hình hướng phát triển trồng rừng  gỗ lớn trên diện rộng.

       Vấn đề phát triển công nghiệp gỗ rừng ngập phèn tại tỉnh Cà Mau còn nhiều bất cập, ngay cả trong lĩnh vực mua bán gỗ cũng xãy ra nhiều vấn đề. Theo thống kê sơ bộ  của Chi Cục Kiểm Lâm năm 2018, tỉnh Cà Mau  có trên 181 cơ sơ mua bán chế biến gỗ nằm rãi rác trên các huyện, một số công ty nhà máy của khu vực phụ cận như  Nhà máy gỗ MDF VRG Kiên Giang,  Nhà máy Vina Ecoboad của Tập đoàn Sumitomo – Nhật Bản. Công ty Thúy Sơn…Trử lượng không cao nhưng lại có trất nhiều cơ sở, công ty kinh doanh gỗ, dẫn đến sự cạnh tranh cao, đôi khi cạnh tranh không lành mạnh, trong một số trường hợp các công ty liên kết hạ giá sản phẩm ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình và địa phương.

       Phát triển rừng nói chung và kinh doanh gỗ rừng tràm nói riêng cần phát triển đồng bộ từ quản lý đến sử dụng, từ quy hoạch - kế hoạch đến thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý- người dân- đơn vị liên quan đặc biệt là sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu.

       Cà Mau hiện có rất nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Về quản lý trực tiếp có Chi cục Kiểm lâm, về nghiên cứu chuyên sâu lâm nghiệp có Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ, ngoài ra còn có các đơn vị khác như Trung tâm giống, Trung tâm ứng dụng, Trung tâm quan trắc môi trường, Vườn quốc gia, Ban quản lý… Tuy nhiên các đơn vị chưa có sự phối hợp. Cho đến nay tỉnh vẫn chưa có bảng phân loại đất phục vụ trồng rừng, chưa phân loại được cây trồng thích hợp với loại đất; phương pháp cải tạo các loại đất đã khai thác gần kiệt hoặc nhiễm phèn; phương pháp lên líp, lên líp 60cm hay 1m, líp rộng 5m hay 10m… Hiện nay, các hoạt động về sử dụng đất rừng sản xuất đều tự phát không theo quy hoạch.

       Mặt khác, quy hoạch mang tính chung chung, chưa rõ ràng,chỉ quy hoạch khu vực nào là đất rừng và cụ thể loại rừng theo chức năng. Chưa quy hoạch rõ khu vực theo loài cây và ngược lại loài cây theo khu vực. Đối với đất rừng tràm được quy hoạch là rừng sản xuất hộ dân và công ty chọn loài cây trồng, khai thác không luân phiên dẫn đến phá vỡ tính năng phòng hộ của rừng sản xuât. Không có quy hoạch ban đầu rất khó định hướng kinh doanh.Quy hoạch không rõ ràng, và thường xuyên điều chỉnh nên thực hiện không theo một hướng nhất định.

       Liên quan đến quy hoạch, hiện nay các phương án quản lý rừng bền vững được thực hiện, tuy nhiên đó là phương án cho cục bộ, cho đơn vị nhỏ không phải cho Tỉnh. Quản lý rừng bền vững phải thực hiện cho loại rừng sản xuất khu vực rừng tràm,trên cơ sở đó các đơn vị xây dựng  quản lý rừng bền vững của đơn vị. chưa có quản lý rừng bền vững cho chung gây ra nhiều hệ lụy như diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng năm 2018 cao. Năm 2019 diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng cũng cao, do tất cả các đơn vị có rừng sản xuất đều có rừng đến tuổi khai thác và toàn bộ khai thác trắng.  Khai thác đồng loạt, vô hình chung dẫn tới đất có rừng của toàn tỉnh giảm mạnh vào năm tới, ngoài ra chưa tính đến hệ lụy về môi trường và hệ lụy kinh tế khác.

       Có rất nhiều chuyên gia và tiến sỹ, thạc sỹ  làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp ở Cà Mau. Nhân lực đủ điều kiện thực hiện các hoạt động liên quan đến phát triển rừng dư thừa nhưng chưa tận dụng được. Cà Mau hiện có trên 20 thạc sỹ làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp trong đó 86% hưởng ngân sách nhà nước để đi học, trên 250 kỹ sư . Tuy nhiên,  hiện nay nguồn nhân lực này chưa được sử dụng hiệu quả, phần lớn công chức và viên chức trong ngành lâm nghiệp có trình độ thạc sỹ trở lên không hoạt động trong  lĩnh vực nghiên cứu lâm nghiệp, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực quản lý. Với đội ngũ lao động dầy dạn kinh nghiệm và có trình độ cao nhưng cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào về lâm nghiệp của tỉnh đươc áp dụng vào thực tế…

       Sau đây là một số thành quả về nghiên cứu giống cây trồng lâm nghiệp đã, đang được thí nghiệm tại Cà Mau những năm gần đây.

Stt

Đề tài, dự án

Những nhiệm vụ có liên quan đã triển khai

Quy mô, địa điểm đã thực hiện.

Các kết quả đạt được về các mặt

1

Dự án sản xuất thử nghiệm (năm 2009-2015)

 Đơn vị thực hiện: TTNCTNLN Tây Nam Bộ

Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm trồng rừng keo lai bằng các dòng năng suất cao đã được công nhận trên vườn cây tạp và bờ bao vùng rừng tràm bán đảo Cà Mau, 2015

100 ha, huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời , tỉnh Cà Mau.

 

-Líp với chiều rộng mặt líp từ 10 đến 12 m và cao trình mặt líp so với nền rừng từ 0,6 đến 0,8m, sinh trưởng của các dòng Keo lai là rất tốt, đặt biệt năng suất các dòng AH7, AH1 và BV32 đạt năng suất rất cao tới 34 -37 m3/ha/năm- Năng suất các dòng Keo lai trồng trên bờ bao của các hộ dân đạt trung bình 32 m3/ha/năm.

-Dòng AH7, BV32, TB12, AH1 là những dòng có sinh trưởng tốt hơn so với các dòng khác

Rừng làm nguyên liệu giấy thì trồng ở mật độ 2.000 cây/ha và trồng rừng vừa làm nguyên liệu vừa lấy gỗ cho chế biến thì nên trồng ở mật độ 1.600 cây/ha

2

Mô hình thử nghiệm (Bắt đầu năm 2015)

Đơn vị thực hiện: Chi cục kiểm lân Tỉnh Cà Mau

 

Trồng rừng mô hình thâm canh gỗ

 

Dòng AH 7, BV32, xã Khánh Bình Tây Bắc 17 ha/17 hộ, xã Khánh An 33 ha/12 hộ huyện U minh, tỉnh Cà Mau

 

Tỉ lệ cây sống đạt > 95 %, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, mô hình đang trong quá trình thực hiện

3

Đề tài cấp tỉnh

(2010-2012)

Khảo nghiệm các dòng Keo lai (Acacia auriculiformis x mangium) và Keo lá tràm (Acacia auriculiformis) đã được công nhận trồng trên bờ líp có sẵn khu vực U Minh Hạ

xã Khánh An; xã Khánh Lâm và xã Khánh Thuận thuộc huyện U Minh với diện tích 2,22 ha.

Đơn vị thực hiện: TTNCTNLN Tây Nam Bộ

-Sinh trưởng đường kính và chiều cao vút ngọn của keo lai ở vùng U Minh Hạ phụ thuộc rất lớn vào cao trình bờ líp trồng rừng, bờ líp có cao trình +40 cm cho sinh trưởng D1.3 và Hvn lớn hơn khi trồng ở bờ líp có cao trình + 20cm

-Các dòng keo lai trồng với công thức mật độ 2.400 cây/ha đều cho năng suất cao hơn khi trồng ở mật độ 2.000 cây/ha và 1.600 cây/ha.

- TB1, TB6 và TB7, đây là 3 dòng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên trên khu vực U Minh Hạ

(một số đề tài khác chưa cập nhật)

       Từ bảng trên cho thấy các dòng keo nên sử dụng cho trồng rừng gỗ tại rừng tràm  là AH7, AH1 và BV32 - TB1, TB6 và TB7  Hiện nay cây hom đang được sử dụng phổ biến, cây cấy mô ít được sử dụng do giá thành cao hơn cây hom từ 2-3 lần. Mặc dù cây cấy mô được sử  dụng có hiệu quả ở các tỉnh khác nhưng ở Cà Mau mới chỉ được thử nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ, đang trong thời gian theo dõi, chưa đi đến kết quả cuối cùng, cần được nghiên cứu thêm.

       Đề xuất giải pháp cho phát triển trồng rừng sản xuất và rừng gỗ lớn ở khu vực rừng tràm

       Máy móc trang thiết bị : Diện tích rừng sản xuất của tỉnh Cà Mau là rừng ngập phèn, tập trung ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Trung bình mỗi năm khai thác từ 1.000-1.200 ha với sản lượng khoảng 2.000 tấn. Máy khai thác gỗ lắp trên ‘xáng quốc ‘ hiện nay có năng suất phổ biến 40-100 tấn/ngày(Cơ Khí Thanh Hoàng phân phối. Các máy này đa năng có thể tháo lắp bộ phận xúc, cắt, bóc võ, trồng… nếu chỉ khai thác trong 1 ngày cần 20-50 máy nhưng nếu khai thác từ 1- 2 tháng thì chỉ cần 1 máy, khấu hao máy móc và diện tích thì tỉnh cần khoảng 3 máy cho tất cả các hoạt động sản xuất gỗ tròn thô của tỉnh. Đa phần kỹ sư ngành lâm nghiệp đều được đào tạo về công nghiệp rừng và đều có thể sử dụng thành thạo các máy móc có liên quan, chưa kể người có trình độ thạc sỹ trở lên. Do đó việc hướng dẫn người dân sử dụng máy là vấn đề có thể giải quyết bởi cán bộ được đào tạo từ ngân sách của tỉnh. Một số hảng máy có thể tham khảo như C.C. BOIS BUCHENWEG 30 B-4700 Eupe,  WARATAH MODEL 415H ,  một số máy của thương hiệu JOHN DEERE,  có hình dạng gần giống với xáng cuốc có thể tháo rời và kết hợp bộ phận trồng, cắt cây, vận xuất, nên được than khảo để nghiên cứu cải biến cho phù hợp với điều kiện của tỉnh.

 

Hình: Máy cắt cây gỗ sử dụng cho lâm nghiệp đồng bằng.

       Quy hoạch: Quy hoạch đất phục vụ cho phát triển công nghiệp gỗ ở rừng tràm nên rõ ràng và công khai, mỗi đơn vị hoặc hộ dân có đất trồng rừng nên được phát một tờ bản đồ khu vực rừng đang kinh doanh. Để người dân biết được phải trồng loại cây nào tại khu vực đó. Người dân thực hiện đúng quy hoạch mới được cấp phép khai thác, nếu trồng sai quy hoạch, thì gỗ sau khai thác là gỗ lậu, không được lưu hành… Ngược lại nhà quản lý và nhà khoa học cũng phải chui trách nhiệm về quy hoạch mà họ góp ý và đề xuất nếu kinh doanh rừng kém hiệu quả.

       Liên kết các hộ dân – doanh nghiệp trồng rừng giải quyết vấn đề líp trồng, kỹ thuật. Hiện tại hai lô liền kề có hướng trạng thái rừng hình dạng líp khác nhau (hình dưới). Khuyến khích người dân thực hiện giống nhau và đặc biệt các líp thẳng hàng qua các lô liền kề, để máy móc thiết bị tác nghiệp dễ dàng đồng thời người dân tiết kiệm được chi phí vận xuất.

Hiện trạng của  trạng thái rừng và hướng líp trồng

Đề xuất  thực hiện Líp trồng ở hai lô rừng nối tiếp nhau  nên giống nhau

        Kỹ thuật lâm sinh:

       Phân loại đất trồng rừng và loài cây nên được chi cục kiểm lâm phối hợp với các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu khuyến cáo cây trồng theo loại đất và có hướng dẫn kỹ thuật lâm sinh áp dụng cụ thể.

       Các líp ở các lô kế tiếp nhau nên thẳng hàng và nên giống nhau, trồng cùng một loại cây cùng một thời điểm. Khuyến khích  trồng hỗn giao tách riêng biệt theo líp.

Hình ảnh minh họa các líp thuộc các lô khác  nối tiếp

       Ưu điểm: Các líp mối tiếp là tiết kiệm diện tích,  thuân lơi cho máy móc thực hiện các biện pháp lâm sinh.  Thuận lợi cho quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy, giảm thiểu tác động của sinh vật gây hại và bệnh cây rừng.

       Nhược điểm:  Các lô rừng khác nhau phụ thuộc vào nhau, phụ thuộc vào quy hoạch tổng thể. Chủ rừng không được tự do quyết định các phương pháp kỹ thuật.

       Các kỹ thuật lâm sinh cần được thí điểm nghiên cứu trước khi áp dụng rộng rãi, nhằm đưa ra các điều chỉnh phù hợp với địa phương.

       Tiêu thụ lâm sản: Các líp, lô, khoảnh, thửa nên được định giá sàn từ khi trồng. làm cơ sở để cơ quan có liên quan hỗ trợ tiêu thụ tất cả các sản phẩm sau khai thác. Nên tạo chợ lâm sản, khu mua bán sản phẩm rừng của tỉnh nhằm quảng bá gỗ và lâm sản ngoài gỗ của tỉnh, nâng giá trị kinh tế của rừng. Hỗ trợ, khuyến kích các công ty liên quan đến lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển.

       Mặc dù có những khó khăn nhất định trong việc phát triển kinh doanh gỗ rừng tràm. Tuy nhiên Cà Mau vẫn được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn nhất trong  phát triển trồng rừng gỗ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, và là tỉnh phát triển rừng bền vững. Để rừng và đất rừng phát huy được thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thì người dân và chính quyền địa phương cần phải phối hợp thực hiện các vấn đề có liên quan.

ThS: Hoàng Thị Hạnh