Thực trạng đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

       Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, là vùng đất trẻ, có điều kiện tự nhiên đa dạng, đất đai, địa hình, sông rạch, biển - bờ biển, hải đảo và rừng ngập mặn,... có diện tích tự nhiên 5.294,87 km2, dân số chung của tỉnh là 297.875 hộ, với gần 1,3 triệu người; là thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi; nên Cà Mau là điểm đến lập nghiệp của các dân tộc trên khắp cả nước. Hiện nay, Cà Mau có trên 14 dân tộc cùng sinh sống; trong đó có 13 dân tộc thiểu số với khoảng 11.466 hộ, trên 53.000 người. Toàn tỉnh có 09 đơn vị hành chính gồm 08 huyện và 01 thành phố, với 101 xã, phường, thị trấn; trong đó, có 65 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số được phân định theo 03 khu vực, bao gồm: 27 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I; 29 xã thuộc khu vực II, với 67 ấp đặc biệt khó khăn và 09 xã thuộc khu vực III, với 60 ấp đặc biệt khó khăn.

       Hơn 40 năm sau giải phóng, nhất là từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, thực hiện chính dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với dân tộc Khmer Nam Bộ tại Cà Mau đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để hỗ trợ phát triển bền vững, học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc,... nâng cao đời sống, đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Song, bên cạnh đó còn có những khó khăn, bất cập trong việc triển khai và thực hiện pháp luật về chính sách đối với đồng bào Khmer Nam bộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Hộ đồng bào dân tộc Khmer Thạch Cao, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, Thới Bình, tỉnh Cà Mau-Ảnh Tg

       Giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; vị trí, vai trò của các dân tộc là vô cùng quan trọng. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều chủ trương và giải pháp thực hiện đồng bộ, thiết thực để triển khai thực hiện các Chương trình, Dự án hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số như: chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ tín dụng, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cải thiện đời sống, giảm nghèo, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với điều kiện và khả năng của địa phương,... trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn không ít khó khăn và thách thức.

       Đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Cà Mau hiện nay có khoảng trên 40.000 nhân khẩu, cư trú xen kẽ cùng với 13 dân tộc, sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa của các huyện. Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng; trong những năm qua tỉnh Cà Mau đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của pháp luật về chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tại Cà Mau. Do vậy, lĩnh vực công tác này đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Nhờ quan tâm, coi trọng thực hiện pháp luật về chính sách cho đồng bào dân tộc Khmer, vì vậy, mà đời sống của đồng bào DTTS không ngừng nâng lên. Đồng bào luôn tin tưởng và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương. Nhiều hộ đồng bào từ nghèo đói trở thành hộ nông dân khá giả, nhà cửa ngày càng khang trang; đời sống văn hóa, giáo dục, y tế ngày càng được cải thiện, con em đồng bào dân tộc Khmer đến trường ngày một tăng...

       Những năm qua, thực hiện pháp luật về chính sách dân tộc tại tỉnh Cà Mau đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, đời sống của đồng bào Khmer Nam Bộ ở Cà Mau hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí nói chung, trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật nói riêng của đồng bào dân tộc Khmer còn tương đối thấp, làm cho đồng bào dân tộc Khmer gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, trong thực hành và phát huy quyền dân chủ; trong tiếp cận các Chương trình mục tiêu quốc gia.., trong sử dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đồng bào dân tộc. Tình trạng đó, đã và đang là lực cản đối với đồng bào dân tộc Khmer trong hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

       Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh đòi hỏi chúng ta phát huy cao độ khối đoàn kết dân tộc để phát triển bền vững. Do vậy, nhận thức đúng đắn vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc hiện nay có tầm quan trọng rất lớn. Đảng và Nhà nước ta đã có những pháp luật về chính sách cụ thể nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Ông Phan Văn Hùng, Thứ Trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc thăm và tặng quà cho hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo tại ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, Cà Mau-Ảnh Tg

       Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra còn chậm; việc vận dụng pháp luật, thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống còn hạn chế. Cuối năm 2017, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh 17.754 hộ, chiếm 5,96%, giảm 2%; trong đó, hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 2.460 hộ, chiếm 13,8% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 21,45% tổng số hộ người dân tộc thiểu số, giảm 4,23%. Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh 10.485 hộ, chiếm 3,52%, giảm 0,31%; trong đó, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số 843 hộ, chiếm 8,04% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh và chiếm 7,35% tổng số hộ người dân tộc thiểu số, tăng 0,11% (Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 14/12/2017). Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer vẫn còn cao, thậm chí có nơi tỷ lệ này lên đến trên 40%, tình trạng tái nghèo vẫn còn diễn ra ở nhiều hộ. Trong quá trình công tác ngành dân tộc và đi khảo sát thực tế tại cơ sở, chúng tôi nhận thấy hiện nay đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau vẫn còn nhiều khăn như: nhà ở, đất ở, đất sản xuất; giáo dục; phát triển sản xuất; tín dụng; đào tạo nghề và giải quyết việc; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; việc triển khai, thực hiện pháp luật về chính sách an sinh xã hội chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Cà Mau.

Hộ đồng bào dân tộc Khmer Thạch Cao, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

       Để có căn cứ thực tế cho việc nghiên cứu, bổ sung pháp luật về chính sách phát triển bền vững, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tại Cà Mau; cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ hơn việc triển khai thực hiện pháp luật về chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer được soi sáng qua thực tiễn tại Cà Mau, và để đưa ra cái nhìn chính xác hơn chính sách cho đồng bào dân tộc Khmer, từ đó có những đề xuất thích hợp cho việc triển khai, thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần góp phần đảm bảo trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn - xã hội ở địa phương, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày một hiệu quả hơn.

Ths.Nguyễn Duy Tường-Ban dân tộc tỉnh Cà Mau