Thực trạng và giải pháp nhân rộng mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa trên vùng đất chuyển đổi.

       Trong những năm gần đây tình hình nuôi tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn; do tình hình dịch bệnh, thiên tai xảy ra thường xuyên và chưa được kiểm soát. Nhưng bên cạnh đó mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa trên địa bàn một số huyện thuộc tỉnh Cà Mau đã đạt được những thành công nhất định trong việc gia tăng giá trị sản xuất trên cùng một diện tích, đời sống của người dân được cải thiện.   

       Trước tình hình thực tế phát triển sản xuất như hiện nay trên những vùng đất chuyển đổi của địa bàn huyện và thành phố thuộc tỉnh Cà Mau. Trong thời gian tới cần tiếp tục có những giải pháp chỉ đạo thực hiện để phát triển mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa trên vùng đất chuyển đổi đạt hiệu quả:

       I. Thực trạng nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa trên vùng đất chuyển đổi

       Năm 2017-2018, là năm người dân sản xuất phải chịu những bất lợi của thời tiết (mưa trái mùa, nắng hạn kéo dài vấn đề nhiễm phèn, mặn gia tăng và xâm nhập sâu vào khu vực nội đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi và trong nuôi trồng thủy sản nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, bên cạnh đó tình hình dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhất là thời điểm giao mùa, mưa trái vụ, sự biến đổi của thời tiết bất  thường, khó lường đã tác động mạnh hơn so với các năm trước, mặc khác chi phí vật tư đầu vào (con giống, phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thủy sản...) vẫn luôn biến động, sản phẩm làm ra không ổn định về giá đã tác động không nhỏ đến sản xuất,…Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, UBND huyện và thành phố Cà Mau, sự phối hợp chặt chẽ của các Ngành, địa phương. Trung tâm Khuyến nông Cà Mau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhất là Sở Nông nghiệp đã không ngừng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp xây dựng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao có nhiều khả năng thích ứng với những khó khăn của thời tiết, đồng thời thường xuyên theo dõi, phát hiện, đúc kết những kinh nghiệm trong dân, doanh nghiệp đã triển khai có hiệu quả, qua đó đã hoàn thiện lại quy trình phù hợp, đạt hiệu quả cao và nhân rộng mô hình trên địa bàn có những vùng đất chuyển đổi đã mang lại hiệu quả cao và bền vững như: Mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực – lúa.

       Thực trạng hiện toàn tỉnh Cà Mau có diện tích đất chuyển đổi sản xuất (lúa – tôm) khoảng 45.000 ha, trong đó diện tích có đủ điều kiện nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa khoảng 25.000 ha, tập trung ở các huyện gồm Thới Bình 14.000 ha; U Minh 7.000 ha; Trần Văn Thời 4.000 ha. Năng suất tôm càng xanh đạt trung bình khoảng 200 – 250kg/ha, năng xuất lúa đạt trung bình 3.000 – 3.500kg/ha. Cụ thể từ kết quả thực hiện mô hình trên trong thời gian qua như sau:

       - Bằng nguồn kinh phí Khuyến nông Trung ương năm 2017 - 2018. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau đã phối hợp với địa phương tổ chức triển khai thực hiện mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực - lúa trên vùng đất chuyển đổi với qui mô 40 ha, có 30 hộ tham gia. Tại xã Trí Lực và xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Qua đó trong quá trình thực hiện mô hình người dân được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi tôm càng xanh xen với trồng lúa, từ đó người dân đã áp dụng thực hiện vào sản xuất đạt kết quả kinh tế cao và bền vững, cụ thể: Năng suất tôm càng xanh nuôi đạt trung bình từ 550kg - 595kg/ha mật độ 2,5 con/m2); năng suất lúa đạt trung bình 4,0 - 4,25 tấn/ha. Lợi nhuận thu được 56.505.000 đồng/ha/vụ.

        Trước thực trạng nêu trên, những năm qua mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở vùng đất chuyển đổi tập trung nhiều ở huyện Thới Bình nói riêng và một số nơi trong tỉnh Cà Mau nói chung đã khẳng định tính hiệu quả từ năng suất, chất lượng cho đến giá trị của con tôm càng xanh giúp cho nhiều hộ dân phát triển kinh tế gia đình nhờ mô hình này. Đặc biệt là đầu ra sản phẩm con tôm càng xanh tuy giá có lúc sụt giảm nhẹ nhưng không bị tồn động và thừa sản phẩm và chưa có trường hợp đến mức độ thương lái không mua, đây là điều kiện thuận lợi để người dân tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới trên những vùng đất chuyển đổi có đủ điều kiện sản xuất.

       II. Giải pháp thực hiện

       Trước thực trạng nêu trên để công tác nhân rộng mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực – lúa, trong thời gian tới đạt cả về năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao cần có những giải pháp như sau:

       1. Công tác tuyên truyền và vận động

       - Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các cấp hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp cho từng địa phương bằng nhiều hình thức để các tổ chức sản xuất và nông dân nắm và tự nguyện tham gia thực hiện.

       - Phối hợp với Đài truyền thanh huyện; Đài truyền hình Cà Mau thực hiện tuyyên truyền về hiệu quả mô hình.

       - Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về quy trình nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa, tổ chức hội thảo chuyên đề về sản xuất nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa.

       - Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định trong sản xuất, nhất là về qui hoạch, bảo vệ môi trường, lựa chọn con giống, vật tư đầu vào có chất lượng tốt, thực hành tốt và các quy trình phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và nuôi thủy sản.

       2. Công tác rà soát sản xuất những vùng đất chuyển đổi

       Khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh tổ chức sản xuất từng loại hình theo hình thức THT, HTX, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi các thành phần kinh tế có năng lực xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô, chất lượng và được kiểm soát chặt chẽ.

       Định hướng và có kế hoạch sản xuất phù hợp với từng địa phương, từng loại hình gắn vơi nhu cầu thị trường phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của người dân.

       3. Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất

       - Ngành Nông nghiệp chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc có liên quan phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất hàng năm. Trong đó chỉ đạo đơn vị chuyên môn chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở, hội đoàn thể, các doanh nghiệp tổ chức Hội nghị triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; hỗ trợ các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện tuyên truyền việc nhân rộng mô hình sản xuất; chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung tài liệu tuyên truyền.

       - Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành của địa phương, đẩy mạnh hướng dẫn cho chính quyền địa phương cơ sở nắm các quy định có liên quan cũng như quy trình sản xuất để hướng dẫn triển khai sâu rộng trong dân.

       - Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân đăng ký sản xuất và điều kiện sản xuất … đáp ứng yêu cầu về điều kiện theo quy định.

       - Cán bộ kỹ thuật sản xuất cơ sở cần phải tham mưu cho UBND các xã, phường, thị trấn Xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng, giới thiệu cho các hộ dân hiểu, tự nguyện đăng ký tham gia.

       4. Công tác đào tạo nâng cao năng lực, tập huấn, tư vấn kỹ thuật

       * Về con giống:

       - Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn con giống; Hướng dẫn nhân dân ương, tuyển giống tôm càng xanh tại chỗ và là cầu nối cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống tiếp cận với người dân thông qua các hợp đồng liên kết nhằm giảm giá thành mua giống và chất lượng tôm giống được đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

       - UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm rà soát nhu cầu con giống của người dân, khuyến cáo người dân mua tôm giống ở các cơ sở uy tín đã qua kiểm dịch, không nên thả nuôi những con giống rẻ tiền, không rõ nguồn gốc; vận động nhân dân thành lập các tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp đồng mua con giống và tiêu thụ sản phẩm.

       - Trung tâm Khuyến nông phối hợp với doanh nghiệp, các đơn vị chuyên môn, Viện, Trường,…Đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh; cung cấp thông tin về sản xuất cho nông dân, thông báo lịch thời vụ của ngành và địa phương.

        - Tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân theo phương pháp lớp học tại hiện trường, gắn kết lý thuyết và thực hành nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tập huấn giúp nông dân tiếp thu nắm vững kiến thức thực tiễn. 

       - Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý, chuyên môn, hướng dẫn công tác tổ chức, xây dựng, quản lý, chỉ đạo mô hình cho cán bộ khuyến nông cơ sở, cán bộ kỹ thuật của các đơn vị, địa phương có liên quan.

       - Đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng khuyến nông, đặc biệt chú trọng đào tạo cho đội ngũ chuyên trách theo từng nhóm mô hình cụ thể.

       + Tập huấn cho lực lượng cộng tác viên ở cơ sở là những nông dân nòng cốt sản xuất giỏi ở những địa bàn có tham gia xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, lực lượng này sẽ hỗ trợ cho địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia mô hình sản xuất có hiệu quả.

       + Tiếp tục hoàn thiện các đầu tài liệu để phục vụ công tác tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân.

       5. Công tác triển khai nhân rộng mô hình

       - Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo chuyên đề cấp tỉnh, huyện, qua đó giới thiệu, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả được thống kê từ cơ sở cho bà con nông dân và địa phương nắm và đăng ký tham gia.

       - Thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo tạo điều kiện cho người dân tham gia hỏi đáp với các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học để được tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nội dung, thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó giúp nông dân tháo gỡ những vấn đề bức xúc, phát sinh trong sản xuất.

        - Tổ chức tư vấn kỹ thuật cho người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Báo, Đài, bản tin, điện thoại, tổ tư vấn… phối hợp với các doanh nghiệp có uy tín tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề từ đó giúp nông dân có địa chỉ chọn lựa các sản phẩm đầu vào chất lượng, phù hợp với từng điều kiện sản xuất của mình, giúp nông dân định hướng, ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất ngày càng hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, giảm thiểu những rủi ro trong sản xuất.

       6. Công tác hoàn thiện mô hình

       - Phối hợp với các địa phương, các hội, đoàn thể, các cá nhân, tổ chức sản xuất… tùy theo từng điều kiện cụ thể, tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn cho phù hợp nhằm đảm bảo khả năng nhân rộng cho từng địa phương.

       - Lồng ghép các chương trình, dự án… tiếp tục hoàn thiện các mô hình đã triển khai theo hình thức đào tạo nghề, qua đó sẽ giúp cho bà con tiếp thu hiệu quả của từng mô hình, từ đó nhân rộng mô hình sẽ dễ dàng hơn.

       - Phối hợp với các doanh nghiệp có đủ năng lực, uy tín hỗ trợ thực hiện nhân rộng các mô hình, liên kết với các THT, HTX thực hiện các mô hình theo hướng quản lý cộng đồng, đặc biệt là mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa trên vùng đất chuyển đổi.

       - Tổ chức tham quan học tập cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, vận động, các hộ nông dân ở các mô hình đang triển khai để thực hiện nhân rộng.

       - Tiếp tục tham gia, quan sát, các mô hình triển khai nhân rộng, các mô hình có hiệu quả cao hơn trong dân để bổ sung vào danh mục tài liệu tuyên truyền cho người dân biết áp dụng nhân rộng.

       - Tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng các mô hình, hoàn thiện quy trình phù hợp với điều kiện từng vùng đất chuyển đổi.

       7. Sắp xếp lại tổ chức sản xuất

       - Từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, nhất là tổ chức liên kết các hộ dân trong vùng, trong THT, HTX thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích, hướng dẫn các tổ chức này thực hiện tốt các điều kiện theo quy định nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo Quyết định số 533/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019.

       - Tổ chức liên kết với các cơ sở sản xuất giống trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, cung cấp nguồn giống tôm càng xanh toàn đực tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tiêu chuẩn chất lượng cung cấp cho các hộ nông dân sản xuất.

       - Chỉ đạo và thực hiện nghiêm lịch thời vụ sản xuất của từng đối tượng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thông tin, cảnh báo kịp thời về môi trường, thời tiết, dịch bệnh...

       - Triển khai, áp dụng các mô hình sản xuất theo quy phạm VietGAP, hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chí phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cộng đồng.

       8. Liên kết tiêu thụ sản phẩm

       - Tiếp tục tổ chức xúc tiến thương mại, thăm dò thị trường, mở rộng các mối quan hệ, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.

       - Từng bước xây dựng và phát triển các vùng nuôi chuyên canh tôm càng xanh - lúa quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế điều kiện tự nhiên.

       9. Công tác tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm

Tổ chức Sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, qua đó đề ra giải pháp tháo gở khó khăn chung cho công tác nhân rộng, đồng thời có giải pháp hợp lý để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong từng khâu sản xuất nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa./.

       III. Những thông tin kỹ thuật lưu ý thêm

       VÌ SAO LẠI CHỌN TÔM CÀNG XANH TOÀN ĐỰC

       - Sinh trưởng của tôm đực và cái gần như nhau ở giai đoạn ấu trùng đến khi đạt kích cỡ 35-40gram/con (khoảng 60 đến 75 ngày đầu) sau đó tôm đực sẽ lớn nhanh hơn và đạt trọng lượng gấp đôi, gấp 3 lần trong cùng một thời gian nuôi tiếp theo. Chính vì thế chọn tôm càng xanh toàn đực để thả nuôi giúp gia tăng năng xuất và tận dụng được tối đa nguồn thức ăn.

       - Ưu điểm khác:

       + Tôm toàn đực có kích cỡ lớn hơn, giá bán cao hơn; khi vận chuyển ít bị hao hụt lên dễ tiêu thụ hơn. Đặc biệt áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì tôm tỷ lệ càng sào ít hơn càng sen.

       + Nếu nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến thì lợi nhuận sẽ cao hơn do tiết kiệm được tối đa chi phí thức ăn.

       - Lưu ý khác: Để gia tăng năng suất và hiệu quả tôm nuôi cần áp dụng biện pháp kỹ thuật sau:

       + Bẻ càng (dũ càng): Sau khi thả nuôi từ 50-60 ngày tiến hành bẻ càng (dũ càng) nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt tập trung dinh dưỡng phát triển thân, tỉ lệ sống cao (hạn chế cạnh tranh lẫn nhau) đạt giá bán cao khi thu hoạch; Vị trí dũ càng ở khớp gần cơ thể, tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên bằng cách cầm hai càng và dũ.

       + Đối với chọn giống tôm toàn đực dựa vào các đặc điểm chính như sau: gai phụ đực ở con đực, (2) dựa vào hình dáng bên ngoài như: con đực có phần đầu ngực và đôi càng to dài hơn so với con cái./.

Kỹ sư Trần Minh Chòi