Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững ở Cà Mau.

       I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN TÔM – RỪNG

       Cà Mau có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thủy sản, đặc biệt là một số loài thủy hải sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế như: tôm, cua, cá và một số loài nhuyễn thể khác... Với ba mặt giáp biển có chiều dài bờ biển trên 254 km và có trên 80 cửa sông lớn nhỏ thông ra biển với hai chế độ biên triều đặc trưng của vùng Biển Đông và Biển Tây, phần lớn diện tích đất của tỉnh Cà Mau điều có nguồn nước lợ mặn với chất lượng khá tốt đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy hải sản.

       Tỉnh Cà Mau có 301.595 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ là 287.642 ha với nhiều loại hình nuôi như: siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp, tôm sinh thái, nuôi kết hợp nhiều đối tượng trong cùng diện tích... Hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường làm cho tình hình sản xuất của người dân ngày càng gặp khó khăn hơn vì thế các nhà khoa học cùng người dân đã và đang từng bước đa dạng hóa hình thức nuôi phù hợp với điều kiện vùng miền và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao để phục vụ sản xuất thủy sản của tỉnh. Con tôm là đối tượng nuôi chính của người nông dân của tỉnh Cà Mau, trong đó mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm - rừng được xác định là loại hình nuôi nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau - Ảnh Tg

       Hiện nay diện tích nuôi tôm - rừng tập trung ở các huyện: Năm Căn 7.625 ha; Ngọc Hiển 22.875 ha; Phú Tân 4.000 ha; Đầm Dơi 5.000 ha. Việc phát triển mô hình tôm - rừng nhằm bảo vệ môi trường gắn với nuôi tôm theo hướng bền vững. Mô hình được xem là nuôi tôm “sinh thái” trong những năm gần đây được chú trọng và phát triển; sản phẩm tôm sinh thái rất hấp dẫn với người tiêu dùng và chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu vào các siêu thị lớn trên thế giới.

     Các doanh nghiệp chế biến thủy sản như Minh Phú, CASES, Camimex, Seanamico,.. đã liên kết với các Ban Quản lý rừng và các hộ dân để nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế. Tính đến cuối năm 2017, diện tích được các tổ chức quốc tế chứng nhận khoảng 19.000 ha với gần 4.200 hộ đạt các chứng nhận Naturland, EU, Selva shrimp,... Đây là loại hình sản xuất rất bền vững vì hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tập trung để tái cơ cấu loại hình sản xuất này nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

       Trong giai đoạn 2010 - 2017 sản lượng tôm loại hình sản xuất tôm - rừng tăng bình quân 1,7%/năm (7.546 tấn lên 11.780 tấn). Năng suất đạt khoảng 0,25 - 0,35 tấn/ha. Tuy năng suất thấp, nhưng loại hình nuôi tôm –rừng người dân có thể kết hợp để nuôi các loài thuỷ sản khác như cua, cá, các loài sống dưới tán rừng để mang lại lợi nhuận tăng thêm và được hỗ trợ từ dịch vụ chăm sóc và bảo vệ rừng.

       Mặc dù còn một số khó khăn do chưa quy hoạch vùng nuôi tôm sinh thái tập trung, nhận thức của một số hộ dân chưa đầy đủ và còn phụ thuộc vào sự đầu tư của các doanh nghiệp, chứng nhận của các tổ chức quốc tế và thị trường tiêu thụ, nhưng việc phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái đã qua luôn được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, sự đồng tình của nhân dân nên có nhiều thuận lợi để phát triển và mô hình này đang dần được khẳng định thương hiệu trên thị trường và có cơ hội phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

       Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm sinh thái phù hợp với điều kiện tự nhiên của một số huyện như Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Đầm Dơi và một phần của huyện Trần Văn Thời và U Minh. Có tác động tích cực tới nguồn lợi thuỷ sản và hệ sinh thái rừng ngập mặn, mang lại kinh tế khá cao, bền vững, giúp đa dạng sản phẩm thuỷ sản và ít rủi ro, không gây tác động xấu đến môi trường, phù hợp với vùng đất ngập mặn, gắn liền giữa diện tích rừng và diện tích nuôi tôm, dễ áp dụng kỹ thuật, vốn đầu tư sản xuất không lớn, người dân được hỗ trợ một phần chi phí sản xuất, đầu ra ổn định. Thông qua mô hình nuôi tôm sinh thái, ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường được nâng cao, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển, tạo được sự liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm và kết hợp nuôi các loài thuỷ sản khác để nâng cao thu nhập cho người dân. Mặt khác, tôm sinh thái hiện nay là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Như vậy mục tiêu và giải pháp phát triển về nuôi tôm sinh thái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương chung và điều kiện thực tế để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương.

       II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

       1. Mục tiêu chung

       Phát triển vùng nuôi tôm sinh thái tập trung nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, hài hoà với bảo vệ môi trường sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đến năm 2020, mục tiêu là xây dựng cơ bản vùng nuôi tôm sinh thái tập trung và trở thành một trong những loại hình nuôi trồng thuỷ sản trọng tâm của tỉnh, xây dựng thương hiệu tôm sinh thái rừng ngập mặn kết hợp với du lịch sinh thái góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân; thực hiện tiêu chuẩn nuôi tôm theo quy trình kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, tăng giá trị lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị của rừng ngập mặn.

       2. Mục tiêu cụ thể

       - Xây dựng được vùng nuôi tôm sinh thái tập trung. Đến năm 2020 có tổng diện tích nuôi tôm sinh thái là 35.000 ha  được các tổ chức quốc tế chứng nhận tôm sinh thái.

       - Đến năm 2020, năng suất tôm sinh thái đạt khoảng 500 - 800 kg/ha/năm.

       - Có 100% hộ dân trong vùng nuôi tôm sinh thái được tập huấn, hội thảo về nuôi tôm sinh thái và các tiêu chuẩn được chứng nhận của các tổ chức quốc tế để nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ nuôi tôm.

       - 100% các hộ nuôi trồng thuỷ sản có hệ thống thu gom và xử lý rác thải.

       - 100% hộ dân nuôi tôm sinh thái tham gia vào các loại hình kinh tế tập thể.

       - Đến năm 2020, có 80% tôm giống cung ứng cho người dân đảm bảo đạt tiêu chuẩn tôm sinh thái sản xuất trong tỉnh.

       - Đảm bảo các vùng nuôi tôm sinh thái theo quy hoạch được đầu tư hệ thống thuỷ lợi và đê ngăn triều cường phục vụ sản xuất.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

       1. Công tác quy hoạch

       Phát triển nuôi tôm sinh thái theo quy hoạch, hình thành các vùng nuôi tôm tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng nuôi trồng thuỷ sản theo tiêu chuẩn quốc tế. Chuyển đổi một phần diện tích (bao gồm diện tích rừng và diện tích nuôi tôm) từ loại hình nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm sinh thái. Xây dựng các vùng nuôi tập trung. Đồng thời không quy hoạch nuôi tôm công nghiệp tại các vùng này để giảm tác động xấu đến nuôi tôm sinh thái.

       Đến năm 2020, diện tích nuôi tôm sinh thái đạt 30.000 ha. Việc phát triển nuôi tôm sinh thái phải đảm bảo phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, rà soát, bổ xung kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống đê ngăn triều cường gắn với xây dựng lộ giao thông nông thôn. Đến năm 2020, xây dựng cơ bản các tuyến đê ngăn triều cường tại các vùng nuôi tôm sinh thái.

       2. Công tác tuyên truyền vận động

       Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng từ trong nội bộ Đảng đến các tầng lớp nhân dân. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền vận động, làm cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân nhận thức được việc nâng cao giá trị gia tăng cho con tôm sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường sinh thái là nhiệm vụ không chỉ nâng cao đời sống của nhân dân mà còn đảm bảo cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

       Tuyên truyền quảng bá tiềm năng, lợi thế về tôm sinh thái của tỉnh đến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tích cực mời gọi, thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

       Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, cấp phát tài liệu, sinh hoạt đoàn thể, trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nội dung tuyên truyền phải đầy đủ, cụ thể, đồng thời phải khái quát, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, làm cho mọi người tự giác, tự nguyện, tích cực tham gia thực hiện, tạo nên phong trào sôi nổi thi đua đẩy mạnh sản xuất phù hợp với điều kiện của từng hộ gia đình.

       3. Đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi vào sản xuất

       Tăng cường công tác tập huấn về tiêu chuẩn, quy trình nuôi tôm sinh thái cho nhân dân vùng nuôi để đáp ứng quy định chứng nhận tôm sinh thái. Ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của mô hình nuôi tôm sinh thái, hướng tới sự phát triển bền vững.

       Tổ chức hội thảo về nuôi tôm sinh thái, học tập kinh nghiệm những mô hình quản lý, sản xuất có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Hướng dẫn nhân dân cách lưu trữ hồ sơ truy suất nguồn gốc, ghi chép nhật ký các thông tin có liên trong quá trình sản xuất,... nhằm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi tôm sinh thái.

       Ngoài việc phát triển nuôi tôm sinh thái, hướng dẫn người dân lựa chọn nuôi bổ sung các loài thuỷ sản dưới tán rừng như cua, cá, vọp, sò huyết để tăng giá trị sản xuất, tạo lợi nhuận tăng thêm từ loại hình nuôi tôm sinh thái.

       4. Đổi mới cơ chế chính sách gắn với tổ chức lại sản xuất

       Vận dụng hợp lý các chính sách hiện hành một cách phù hợp với đặc thù của từng huyện để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nuôi tôm sinh thái. Trong đó đẩy mạnh việc tạo vùng nguyên liệu sẵn có để đáp ứng cho doanh nghiệp khi có nhu cầu. Xây dựng phát triển liên kết chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững trong nuôi tôm sinh thái giữa doanh nghiệp - hộ nuôi - ban quản lý rừng - chính quyền địa phương để đảm bảo ổn định đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, liên kết với các tổ chức, đơn vị làm dịch vụ du lịch phát triển loại hình du lịch sinh thái ở các địa bàn nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân.

       Tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực cho các hộ liên kết phát triển sản xuất theo các loại hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã cùng góp vốn phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đến năm 2020 có 100% hộ dân trong vùng nuôi tôm sinh thái tham gia các loại hình kinh tế tập thể.

       Có chính sách tính dụng ưu đãi cho hộ dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác vay đầu tư phát triển nuôi tôm sinh thái. Kịp thời hỗ trợ cho người dân nuôi trồng thuỷ sản trong các trường hợp có thiên tai, dịch bệnh khi được cơ quan chức năng công bố.

       5. Trồng rừng gắn với thích ứng biến đổi khí hậu

       Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý bảo vệ rừng rà soát, thống kê các hộ nuôi tôm sinh thái trồng rừng chưa đạt theo tỷ lệ quy định để có phương án hướng dẫn, tạo điều kiện cho hộ dân trồng rừng đảm bảo tỷ lệ quy định như tạo mặt bằng trồng rừng, hỗ trợ trại giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Phấn đấu đến năm 2020, có 100% hộ nuôi tôm sinh thái đạt tỷ lệ trồng rừng theo quy định.

       Vận động nhân dân thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng.

       Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trồng rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về rừng và đất rừng.

       6. Về bảo vệ môi trường; phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản

       Tăng cường tuyên truyền các chính sách có liên quan đến việc bảo vệ môi trường, phối hợp phổ biến các chính sách hỗ trợ có liên quan đến dịch vụ môi trường rừng nhằm để nhân dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

       Vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định chứng nhận sinh thái về môi trường như nhà vệ sinh phải đảm bảo, rác thải phải được xử lý, chăn nuôi phải được nhốt chuồng. Phấn đấu 100% các hộ trong vùng nuôi tôm sinh thái thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải, không có nhà vệ sinh, chuồng trại không hợp vệ sinh.

       Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, dịch bệnh để kịp thời cảnh báo, điều chỉnh lịch thời vụ cho phù hợp điều kiện nuôi. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong tôm nuôi lấy phòng bệnh là chính, phòng chóng bệnh gắn liền với quản lý nuôi, thông qua quản lý giống tốt, sạch bệnh, quản lý tốt thuốc, hoá chất, quản lý môi trường vùng nuôi và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo nguồn lực hợp lý cho công tác Khuyến nông.

       Từng bước nâng cao chất lượng các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp giống đạt tiêu chuẩn cho các hộ nuôi tôm sinh thái. Phấn đấu đến năm 2020, có các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn đủ điều kiện đáp ứng 60% nhu cầu giống tôm nuôi sinh thái.

       7. Về huy động vốn đầu tư gắn với chứng nhận tôm sinh thái

       Lồng ghép vốn từ các chương trình mục tiêu của trên, tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách trung ương, tỉnh cùng với ngân sách huyện để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho phát triển sản xuất như hệ thống giao thông, thuỷ lợi, hệ thống điện phục vụ sản xuất.

       Kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu thuỷ sản có nhu cầu xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái đầu tư vốn, kỹ thuật vào phát triển sản xuất. Đồng thời tích cực mời gọi các tổ chức quốc tế công nhận vùng nuôi tôm sinh thái trên địa bàn tỉnh.

       8. Thành lập nhiều doanh nghiệp xã hội

       Đây được coi là cách liên kết nông dân hộ nhỏ lẻ thành một tập thể, sản xuất hàng hoá lớn. Theo đó, thay vì để người nuôi tôm phát triển nhỏ lẻ, khi thành lập doanh nghiệp xã hội, sẽ tập hợp người dân lại, diện tích nuôi của mỗi hộ dân sẽ trở thành một ao nuôi tôm của doanh nghiệp.

       Bà con sẽ được hỗ trợ kỹ thuật nuôi bằng một quy trình sản xuất thống nhất, tăng năng suất tôm, tạo ra sản phẩm sạch, giúp người dân tăng giá trị kinh tế.

       Bên cạnh đó, còn giúp giải quyết vấn đề xã hội đang đặt ra như bảo vệ môi trường. Thậm chí người dân có thể mua cổ phần của doanh nghiệp để cùng chia sẽ lợi nhuận doanh nghiệp xã hội tạo ra, sẽ được dùng đầu tư vào mục đích cho các vấn đề xã hội, môi trường.

       9. Về thị trường

       Phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu mặt hàng tôm sinh thái. Tăng cường quảng bá hình ảnh, xây dựng và phát triển thượng hiệu tôm sinh thái với thị trường trong và ngoài nước, nhất là những thị trường truyền thống tiêu thụ tôm sinh thái hiện nay, từng bước mở rộng các thị trường mới.

       Tăng cường liên kết phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước phát triển thị trường, tranh thủ phát triển tiêu dùng nội địa tập trung vào thị trường các thành phố lớn và các tỉnh lân cận, các chuỗi siêu thị, khách sạn và nhà hàng, liên kết trong việc hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả công tác dự báo thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đa dạng hoá các sản phẩm sinh thái nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

       IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

       Các tác nhân tham gia sản xuất, nuôi và mua bán tôm sú sinh thái đều có những lợi thế như: hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp đa dạng sản phẩm thủy sản và ít rủi ro hơn cũng như ít gây tác động xấu tới môi trường hơn so với các mô hình nuôi tôm thông thường, nhất là có tác động tích cực tới nguồn lợi thủy sản và rừng ngập mặn. Các nhóm tác nhân đều có tỷ lệ cao ủng hộ cho sự phát triển của ngành hàng tôm sinh thái.

       Những khó khăn trong phát triển ngành hàng tôm sinh thái chủ yếu là về nguồn nước, giống, kỹ thuật và thị trường. Để phát triển ngành hàng tôm sinh thái nói riêng và tôm sú nói chung một cách hợp lý nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn và nguồn lợi thủy sản ven biển của tỉnh thì cần quan tâm những đề xuất sau đây:

       - Phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái phải phù hợp phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau đến năm 2020, Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp của tỉnh và các quy hoạch khác đã được phê duyệt, phát huy các lợi thế về địa lý, ưu thế về tiềm năng thuỷ sản của tỉnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng được thương hiệu tôm sinh thái của tỉnh Cà Mau trở thành một hàng hoá đặc trưng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thị trường trong và ngoài nước.

       - Phát triển nuôi tôm sinh thái theo hướng ổn định, bền vững gắn với bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và phát triển du lịch sinh thái.

       Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cho loại hình này, đẩy mạnh nuôi tôm sinh thái theo hình thức liên doanh, liên kết thông qua thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã, tăng cường công tác Khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhất là sản xuất nguồn giống có chất lượng tại chỗ để phục vụ cho nuôi tôm sinh thái.

       - Tăng thêm các chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng tôm sinh thái, đầu tư phát triển đồng bộ các phân đoạn của cả ngành hàng.

       - Tăng cường tập huấn kỹ thuật theo quy trình tôm sinh thái, cả sản xuất giống và nuôi.

       - Khi thu mua tôm sinh thái nên mua cả tôm có kích cỡ nhỏ để giảm thiệt thòi cho người nuôi.

       - Tăng cường quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho các sản phẩm tôm sinh thái.

       - Thành lập nhiều hơn nữa doanh nghiệp xã hội để nông dân cùng doanh nghiệp lien kết sản xuất đạt hiệu quả.

       - Cần nghiên cứu thêm về tỷ lệ rừng/tổng diện tích nuôi thích hợp cũng như khai thác hợp lý nguồn tôm bố mẹ tự nhiên và đa dạng giống loài thủy sản trong khu vực nuôi./.

       Tài liệu tham khảo:

       - Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2006 - 2020.

Nguyễn Bửu San