Tọa đàm về quy hoạch không gian vùng bờ và hội thảo tập huấn về quy hoạch xanh trong thực tiễn tại Cần Thơ.

       Từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 4 năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về quản lý không gian vùng bờ, đồng thời tổ chức Hội thảo tập huấn về Quy hoạch xanh (Blue Planning) trong thực tế tại Đồng bằng sông Cửu Long cho cán bộ chuyên môn về lĩnh vực có liên quan như: thủy lợi, biển và hải đảo, lâm nghiệp, đất đai.

Đại diện các Bộ, Tổng cục, tổ chức GIZ tại Việt nam và cán bộ các Sở, ban ngành tại các tỉnh ĐBSCL cùng tham dự.

       Tham dự buổi tọa đàm và lớp tập huấn có ông Phan Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo; ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng vụ kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai; Bà Silke Bommersheim – đại diện tổ chức GIZ tại Việt Nam; Bà Britta Heine đến từ Germany - chuyên gia trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường; ông Võ Quốc Tuấn, đại diện Trường Đại học Cần Thơ, cùng các chuyên gia đến từ Costa Rica và Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục có liên quan, Chi cục Biển và Hải đảo của 7 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.

       Vùng bờ là nơi có nhiều hệ sinh thái quan trọng, có sự tương tác giữa biển và đất liền mạnh nhất và là khu vực tập trung nhiều hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nên dễ phát sinh các xung đột, mâu thuẫn về lợi ích, đồng thời có tác động, ảnh hưởng mạnh nhất đến môi trường, hệ sinh thái biển. Với mục tiêu định hướng sử dụng tài nguyên vùng bờ bền vững, điều phối lợi ích các ngành, lĩnh vực trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường vùng bờ, ngày 29/12/2017 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 74/2017/TT-BTNMT Quy định về kỹ thuật về lập quy hoạch tổng thể khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Nhằm đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái; sử dụng tài nguyên với lợi ích của nhà nước và cộng đồng; hài hoà giữa hoạt động khai thác, sử dụng trên vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

Đồng chí Nguyễn Hoàng An – Chi cục Trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Cà Mau chia sẻ tình hình quản lý tài nguyên vùng bờ tỉnh Cà Mau

       Mục tiêu của buổi tọa đàm là thu thập ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà quản lý chia sẻ kinh nghiệm, nội dung, chính sách và thực tiễn liên quan đến lĩnh vực quy hoạch tổng hợp về biển, đồng thời đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Các đại biểu đã thảo luận và trao đổi những chính sách liên quan đến vấn đề quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo tại Việt Nam hiện nay, bao gồm: Quyết định 158/2007/QĐ-TTg ngày 09/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ Về phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;  Quyết định 2295/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam 2020 tầm nhìn đến 2030; Quyết định 914/QĐ-TTg ngày 27/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

       Bên cạnh buổi tọa đàm, các đại biểu còn tham dự khóa tập huấn Thực hành lập Quy hoạch xanh dương, được xây dựng dựa trên khung pháp lý, công cụ hướng dẫn hiện hành, các bài báo, nguồn tài liệu, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương những người đưa ra quyết định, nhà hoạch định, xây dựng và thực thi các chính sách, kế hoạch tổng hợp cho vùng biển và ven biển. Tập huấn dựa trên phương pháp tình huống, truyền tải thông điệp bài giảng thông qua các bài tập ứng dụng, có tương tác, sử dụng tình huống giả định là nước Bakul, dựa trên những điều kiện và thách thức thực tế.

Britta Heine (Germany) hướng dẫn các bước cần thực hiện đối với lập Quy hoạch Xanh

       Quy hoạch xanh dương (Blue Planning) là một thuật ngữ tổng quát của các phương pháp như quản lý tổng hợp vùng ven biển, quy hoạch không gian biển và ven biển, quy hoạch hàng hải, quy hoạch và phát triển vùng ven biển... Quy hoạch xanh dương là một công cụ hữu hiệu giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, hướng đến mục đích sử dụng biển và vùng ven biển, đồng thời giảm thiểu mâu thuẫn trong quá trình sử dụng, giảm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, dịch vụ hệ sinh thái, và thúc đẩy phát triển bền vững. Quy hoạch xanh dương không đưa ra một kế hoạch cụ thể nào, đây là một quá trình liên tục và lặp lại, xây dựng và thực hiện Lập quy hoạch xanh dương gồm nhiều bước, trong đó có các bước sau:

       - Xác định nhu cầu và thiết kế quy trình, bao gồm: xác định nhu cầu, thiết lập thẩm quyền, tổ chức quá trình, xác định nguyên tắc và tầm nhìn, phát triển mục tiêu tổng thể và các mục tiêu SMART.

Một hoạt động thảo luận nhóm trong buổi tập huấn

       - Sắp xếp sự tham gia của các bên liên quan, gồm: lập sơ đồ các bên liên quan, xác định mối quan tâm của các bên liên quan, thu hút các bên liên quan, xây dựng uy tín.

       - Điều tra và phân tích các điều kiện hiện tại và tương lai, gồm: vẽ bản đồ cảnh quan biển, xác định các yếu tố không gian phù hợp, xác định thời điểm thích hợp sử dụng công cụ hỗ trợ ra quyết định.

       - Dự thảo và phê duyệt kế hoạch quản lý không gian, gồm: Xác định các biện pháp Quy hoạch xanh dương thay thế, phân bổ việc sử dụng biển, xác định vị trí và định hướng đàm phán.

       - Thực hiện và thực thi, bao gồm: Truyền thông về Quy hoạch xanh dương, thực hiện có hiệu quả.

       - Giám sát, rà soát và điều chỉnh, bao gồm các bước: Đánh giá tiến độ, phản ánh trong quá trình thực hiện quy hoạch, điều chỉnh kế hoạch xanh dương.

       Lập quy hoạch là một quá trình bao gồm nhiều vòng phản hồi, một số bước như: sự tham gia của các bên liên quan; giám sát, rà soát điều chỉnh là những bước cần xem xét trong suốt quá trình, khi có thông tin mới được cập nhật và đưa vào quy trình xây dựng kế hoạch, việc phân tích điều kiện hiện tai và tương lai sẽ thay đổi.

       Thông qua khóa học, cán bộ được nâng cao kỹ năng phân tích, kỹ năng hợp tác và đối thoại, học cách tư duy chiến lược, hiểu rõ hơn về quy hoạch không gian; tư duy có hệ thống, hiểu được hệ sinh thái biển và vùng biển đối với chất lượng cuộc sống; nhận thức được những rào cản, thách thức, những thuận lợi cho việc sử dụng và thực hiện có hiệu quả các hướng tiếp cận Quy hoạch xanh, đồng thời xây dựng chiến lược nhằm vượt qua những rào cản và thách thức trong quá trình thực hiện quy hoạch.

       Kết thúc khóa tập huấn, bà Britta Heine hoan nghênh tinh thần học tập của tất cả các học viên, đồng thời hi vọng những kiến thức mà bà chia sẻ có thể được các học viên ứng dụng hiệu quả vào tình hình thực tế quy hoạch tại địa phương .

ThS. Quách Hoa Xiêm