Triển vọng từ nuôi Gà lai.

       Gần đây, huyện Thới Bình xuất hiện nhiều mô hình sản xuất như: nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, nuôi cua - tôm kết hợp, nuôi tôm quảng canh cải tiến... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi gà lai đang được nhiều hộ dân áp dụng.

       Đây là mô hình sản xuất đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao, diện tích rộng, nhưng hiệu quả đem lại rất khả quan. Nếu so với nuôi các giống gà khác như: lương phượng, gà nòi thì nuôi gà lai cho kết quả cao hơn.

Mô hình nuôi gà F lai mang lại hiệu quả kinh tế cao. tập chung tại nhiều tại xã Tân Lộc và Hồ Thị Kỷ.

       Chỉ trong thời gian khoảng 3 tháng, nếu đảm bảo lượng thức ăn đầy đủ và vệ sinh chuồng trại thường xuyên thì gà có thể sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi con đạt trọng lượng từ 1,5 kg trở lên. Một ưu điểm khác ở giống gà này là ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, giá thành dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg thì người chăn nuôi thật sự thu lợi cao từ mô hình này.

       Mô hình nuôi gà F lai tập trung nhiều nhất ở xã Tân Lộc, Hồ Thị Kỷ, hầu hết các hộ dân trong 2 xã đều nuôi giống gà này, mỗi hộ nuôi ít nhất từ 100 con trở lên. Đặc biệt có những hộ nuôi gà đẻ lấy trứng.

       Từ năm 2012, ông Huỳnh Thanh Hùng, ở Ấp 5, xã Tân Lộc bắt đầu thử nghiệm nuôi gà lai đẻ lấy trứng, với 10 con gà mái ban đầu. Đến nay ông có hơn 200 con gà mái đẻ, bình quân mỗi ngày ông thu nhặt hơn 40 trứng gà, khi gà vào cao điểm đẻ mỗi ngày ông có thể thu hơn 100 trứng.

       Thấy triển vọng của mô hình nuôi gà đẻ lấy trứng ấp bán gà con, ông đã mạnh dạn đầu tư một máy ấp trứng để lấy gà giống cho gia đình, đồng thời bán gà giống cho bà con có nhu cầu, mỗi đợt ấp khoảng 400 trứng.

       Với giá 18.000 đồng/con, gà của ông không đủ bán. Thấy được hiệu quả trên, ông Hùng đầu tư thêm 2 máy ấp trứng và một máy phát điện dự phòng. Bình quân mỗi máy ấp trứng có thể ấp từ 400-1.000 trứng, sau mỗi đợt 20 ngày ông có thể thu về hơn 18 triệu đồng, 1 năm ông có thu nhập hơn 200 triệu đồng từ nuôi gà đẻ lấy trứng.

       Bà Lê Kim Cương ở ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, năm 2017 tự học hỏi qua mạng cách chăn nuôi gà lai, sau đó gia đình đầu tư xây dựng chuồng và bắt 700 con gà lai về nuôi, sau 3 tháng nuôi lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Từ đó, gia đình bà tiếp tục mở rộng diện tích nuôi nhiều hơn. Bà cho biết: "Trước đây nuôi gà nòi chậm lớn lắm, từ ngày chuyển qua nuôi gà lai này ít bệnh mà còn nhanh lớn nữa, chỉ trong vòng 3 tháng thì xuất chuồng, lợi nhuận tương đối cao".

       Các hộ nuôi gà lai ở xã Hồ Thị Kỷ rất hài lòng về mô hình này vì năng suất đạt khá cao, cải thiện được thu nhập cho gia đình. Ông Trương Thanh Nghị, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Thị Kỷ, cho biết, nuôi gà lai bằng đệm lót sinh học rất hiệu quả, năng suất rất cao so với nuôi truyền thống, quản lý được con giống, kiểm soát được dịch bệnh, diện tích nuôi không cần nhiều.

       Thuận tiện hơn khi con giống được lấy tại địa phương, được tiêm vắc-xin đầy đủ và sản phẩm cũng được thương lái ở địa phương thu gom, người nuôi đỡ phần chi phí vận chuyển. Tuy đây là mô hình chăn nuôi cho thu nhập khá, nhưng người dân vẫn còn mang tâm lý e ngại về giá cả, chưa dám đầu tư mạnh, mở rộng quy mô chăn nuôi. Nếu đảm bảo được thị trường đầu ra ổn định, thì đây sẽ là mô hình kinh tế góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo.

MInh Phong - Báo Cà Mau