Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước ở Cà Mau

Thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước ở Cà Mau đã đạt được kết quả tốt, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội tích cực, khả quan, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính và phát triển kinh tế, xã hội.

Cơ sở hạ tầng đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản

Hạ tầng kỹ thuật CNTT trong tỉnh ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ trong các cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội. Đến nay đã có hơn 93% cán bộ, công chức thuộc sở, ban, ngành tỉnh được trang bị máy tính bàn; tỷ lệ trên ở cấp huyện là 81%; ở cấp xã hơn 49%. Hầu hết các cơ quan nhà nước có hệ thống mạng nội bộ (LAN) phục vụ trao đổi, chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh được đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu yêu cầu triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh, như: Hệ thống phần mềm Văn phòng điện tử VIC; Cổng thông tin điện tỉnh, hệ thống Thư điện tử tỉnh; phần mềm Thông tin kinh tế xã hội; phần mềm Một cửa điện tử. Trung tâm hiện có 120 máy chủ (sử dụng công nghệ ảo hóa), có khả năng lưu trữ dữ liệu lên đến 70TB. Hiện nay các  sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố kết nối mạng chuyên dùng. Hệ thống này đang được khai thác hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính công vụ và người dân, doanh nghiệp.

UBND tỉnh, Ban chỉ đạo CNTT tỉnh quan tâm và chú trọng đầu tư, phát triển nên đã đáp ứng được các yêu cầu về máy móc, thiết bị kỹ thuật và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu đã được trang bị các thiết bị tường lửa (Firewall), hệ thống lưu trữ dữ liệu, thiết bị bảo mật và chặn lọc thư rác. Tại các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố cũng có thiết bị tường lửa để bảo vệ mạng LAN. Hiện tại có khoảng 74% máy tính bàn trong các cơ quan nhà nước được cài đặt phần mềm diệt vi rút.

Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã đưa vào sử dụng, như: Quản lý đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội; Cơ sở dữ liệu cán bộ công chức; Cơ sở dữ liệu quản lý ngân sách nhà nước; Thông tin kinh tế xã hội tỉnh Cà Mau; các cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe, hộ tịch, hợp đồng giao dịch công chứng… cũng đang được xây dựng.

Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đạt kết quả tích cực

Ứng dụng CNTT trong chuyển phát văn bản điện tử giữa các cơ quan đã góp phần giảm đáng kể chi phí, đảm bảo độ chính xác cao, nhanh chóng, tiện ích hơn nhiều so với phương thức lưu trữ tài liệu và chuyển phát văn bản giấy (truyền thống). Hầu hết các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được triển khai phần mềm Văn phòng điện tử phục vụ công việc (gọi tắt là VIC).Chức năng chính của phần mềm VIC là quản lý văn bản đi/đến trong nội bộ cơ quan và đi/đến liên thông với các cơ quan bên ngoài trong cùng hệ thống; giúp cho việc thống kê văn bản đi/đến, văn bản đã xử lý, chưa xử lý; quản lý hồ sơ công việc, lịch làm việc một cách chính xác… Ngoài ra, VIC còn có chức năng theo dõi ISO cá nhân và các phòng, ban hay thư viện tài liệu. Sở Thông tin và Truyền thông đã thử nghiệm (test) kết nối liên thông với bộ, ngành Trung ương và các tỉnh thành.

Thời điểm hiện tại có 415 cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm VIC. Trong đó có 22 sở, ban, ngành tỉnh; 86 cơ quan Đảng, hội, đoàn thể, mặt trận tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện; 146 đơn vị thuộc UBND các huyện, thành phố và 101 xã, phường, thị trấn.

Từ đầu năm 2015 đến nay có hơn 98% văn bản đến và 90% văn bản đi của các sở, ban, ngành tỉnh được xử lý trên VIC (với 76% CBCC thường xuyên sử dụng phần mềm này). Tại UBND các huyện, thành phố văn bản đến qua VIC đạt 88%, tỷ lệ CBCC sử dụng thường xuyên VIC là 43%. UBND cấp xã xử lý văn bản đến đạt 69%, xử lý văn bản đi thấp hơn, mới chỉ đạt 24% so với văn bản thực tế. Tỷ lệ CBCC sử dụng thường xuyên VIC ở cấp xã hiện nay là 13%.

Sáu tháng đầu năm 2015, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND xử lý trên VIC đạt 100% văn bản đến. Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Giao thông Vân tải, Thông tin và Truyền thông và Ban Dân tộc xử lý 100% cả hai chiều (văn bản đến và văn bản đi). Văn phòng UBND tỉnh có nhiều văn bản xử lý nhất (gần 20.000), các đơn vị khác xử lý ở mức độ từ 4.000 đến 8.000 văn bản đi,đến. Ở cấp xã trên, dưới 1.000 văn bản đi, đến/đơn vị. Điều đó cho thấy các cơ quan quản lý hành chính nhà nước có khối lượng văn bản, tài liệu đi, đến rất đồ sộ mà việc quản lý, phát hành, lưu trữ, chỉ đạo điều hành công việc theo phương thức truyền thống khó có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, tại các xã vùng sâu, vùng xa, các máy tính và mạng LAN dù đã được đầu tư nhưng đã cũ kỹ, hết tuổi khấu hao, tốc độ chậm ảnh hưởng đến các ứng dụng CNTT, cần tiếp tục nâng cấp, khắc phục.

Về sử dụng hệ thống thư điện tử (tên miền @camau.gov.vn)

VIC có tính năng trao đổi, gửi nhận văn bản rất tiện lợi, nhưng CBCCVC chưa sử dụng hiệu quả. Tuy đã có hơn 2.000 tài khoản đăng ký nhưng đa số không sử dụng thường xuyên. Do trước đây, hệ thống này còn lạc hậu, chưa nâng cấp kịp nên CBCCVC quen dùng hộp thư điện tử công cộng (gmail, yahoo,…) để trao đổi với bên ngoài. Gần đây hệ thống thư điện tử của tỉnh được nâng cấp và hoạt động ổn định, CBCCVC cần sử dụng tiện ích này và phải tuân thủ quy chế đã ban hành. Ngoài ra, một số ứng dụng CNTT khác cũng được triển khai hiệu quả như: quản lý ngân sách – kho bạc (TABMIS), tài chính - kế toán (IMAS), quản lý nhân sự, quản lý tài sản, quản lý bệnh viện (HoSoft), quản lý giáo dục (VMIC, SMAS, EDU),…

Ứng dụng truyền hình trực tuyến

Sử dụng hệ thống này đã tiết kiệm chi phí tổ chức, tàu xe đi lại, thời gian tổ chức hội họp. UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 2010 với quy mô 10 điểm cầu. Điểm chính đặt tại Văn phòng UBND tỉnh, đã nối Văn phòng Chính phủ và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố. 09 điểm cầu còn lại đặt tại Văn phòng UBND các huyện, thành phố. Trong 06 tháng đầu năm 2015 có hơn 30 cuộc họp được tổ chức thông qua hai hệ thống nói trên. Trong đó có 24 cuộc họp với Chính phủ và 08 cuộc họp giữa tỉnh với các huyện (bình quân mỗi năm có trên 60 cuộc họp sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến). Mô hình này cần triển khai mở rộng để phục vụ hội họp chuyên ngành từ sở, ngành tỉnh đến chuyên ngành cấp huyện và cấp xã.

Ứng dụng trên các trang thông tin điện tử

Đến nay, 100% sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố có Trang thông tin điện tử (trừ Sở Ngoại vụ mới thành lập). Tin, bài, ảnh, thông tin hoạt động được cập nhật khá thường xuyên, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, công tác chỉ đạo, điều hành đơn vị, ngành, địa phương phát triển kinh tế, xã hội…Sáu tháng đầu năm, Cổng thông tin điện tử đăng tải 1.281 tin, bài, văn bản chỉ đạo (có gần 5,7 triệu lượt người truy cập).  Hầu hết, các thủ tục hành chính cấp tỉnh, huyện, xã đều được cung cấp trực tuyến trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước ở mức độ 2. Riêng Cổng thông tin điện tử tỉnh đang cung cấp 15 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Tuy nhiên người dân, doanh nghiệp chưa quen sử dụng, đăng ký hồ sơ (đây là lộ trình bắt buộc trong cải cách hành chính).

Ứng dụng phần mềm Một cửa điện tử

Phần mềm Một cửa điện tử (ISO điện tử) triển khai thí điểm tại 03 đơn vị (Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ) được đánh giá là phần mềm hoạt động có hiệu quả, cần được đầu tư mở rộng cho nhiều đơn vị. Phần mềm gồm 02 phân hệ chính. “Một cửa điện tử” ứng dụng cho việc quản lý tiếp nhận, xử lý và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân ở hai hình thức nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến. Phân hệ “ISO điện tử” ứng dụng nhằm tin học hóa hệ thống quản lý chất lượng về thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

Năm 2015, phần mềm “Một cửa điện tử” được đổi tên thành “Một cửa, một cửa liên thông” tiếp tục triển khai mở rộng thí điểm thêm 12 đơn vị (gồm 5 đơn vị cấp tỉnh, 03 đơn vị cấp huyện và 04 đơn vị cấp xã). Khi triển khai mở rộng, các đơn vị phát triển phần mềm này sẽ tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tuân thủ các quy định mới của Chính phủ ban hành năm 2015.

Về ứng dụng chữ ký số

Hiện tại, tỉnh đang thí điểm áp dụng chữ ký số tại 05 đơn vị (Sở: Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, huyện Trần Văn Thời) chủ yếu là chữ ký cá nhân cấp cho lãnh đạo (đã cấp 53 chữ ký). Thí điểm cho thấy việc áp dụng chữ ký số ký trong cơ quan nhà nước mang lại hiệu quả: tiết kiệm chi phí in ấn, phát hành, lưu trữ; thời gian xử lý văn bản đi nhanh hơn, phù hợp với xu thế phát triển. Sáu tháng đầu năm có 1.058 văn bản ký số (chiếm gần 20% văn bản điện tử phát hành), trong đó chữ ký số được sử dụng thường xuyên là 32. Nhìn chung tỷ lệ chữ ký số trong tổng số văn bản phát hành còn thấp. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số thay thế chữ ký truyền thống.

Về nguồn nhân lực CNTT

Hiện nay tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp tỉnh có 39 cán bộ chuyên trách CNTT; 89 kiêm nhiệm, phụ trách. Số CBCC có trình độ CNTT trên đại học 02 người, đại học 110; cao đẳng, trung cấp 80. Chứng chỉ A,B: 3.440 người. Hàng năm tỉnh đều có phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có có 3/5 trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là điều kiện thuận lợi của tỉnh trong việc phát triển nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu cần phải có nguồn nhân lực CNTT đủ mạnh. Việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước đang là yêu cầu cần thiết và thường xuyên.                       

Năm 2015 Ban chỉ đạo CNTT tỉnh Cà Mau đã xây dựng 21 dự án, nhiệm vụ phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Dự kiến kinh phí thực hiện hơn 47 tỷ đồng (đến nay đã được UBND tỉnh phân khai vốn gần 20 tỷ đồng). Các dự án trên và Kế hoạch phát triển CNTT của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Phạm Anh Hoan