Xây dựng mô hình sản xuất cần sát thực tế

Với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, Cà Mau là nơi phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi mang về giá trị kinh tế cao. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ra đời và được nhân rộng trong dân. Tuy nhiên, vẫn còn không ít mô hình do nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan qua nhiều năm vẫn chưa nhân rộng được.

Mô hình nuôi tôm ao nhỏ có trải bạt được đánh giá là phù hợp cho hộ dân ít đất sản xuất của tỉnh. Thế nhưng, đã qua 2 năm thí điểm (năm 2015 và 2016) đều không thành công. Trong năm 2017 này, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đang tiếp tục phối hợp với Hợp tác xã Tân Hưng triển khai thí điểm 3 ao nuôi, mỗi ao 500 m2. Theo dự kiến, dự án bắt đầu triển khai vào tháng 11 tới, tổng kinh phí dự kiến khoảng 510 triệu đồng. Trong đó, ngân sách hỗ trợ khoảng 205 triệu đồng.

Trước đó, trong năm 2015 tỉnh đã tiến hành thí điểm mô hình này ở 5 hộ trên địa bàn TP Cà Mau, huyện Đầm Dơi và Cái Nước với tổng diện tích khoảng 1.350 m2. Trong đó, hộ có diện tích ao nhỏ nhất là 250 m2, hộ lớn nhất là 300 m2. Tuy nhiên, theo hộ ông Nguyễn Thanh Hùng, Khóm 1, thị trấn Đầm Dơi (người thực hiện mô hình với diện tích 300 m2) cho biết, thời điểm thả giống đến 30 ngày tuổi tôm nuôi phát triển bình thường, nhưng kích cỡ tôm không đồng đều. Từ 30-50 ngày tuổi, do mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm biến động môi trường, tôm nuôi phát triển rất chậm, mềm vỏ, đường ruột yếu, giảm ăn, đến 55 ngày tuổi, tôm có dấu hiệu bỏ ăn và rớt đáy.

Mô hình nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm truyền thống đang được nông dân Cái Nước nhân rộng.

Tương tự đến năm 2016, mô hình tiếp tục được thí điểm tại 3 hộ ở huyện Đầm Dơi và TP Cà Mau cũng không thành công. Trong quá trình nuôi, tôm phát triển chậm, sau 51-60 ngày tôm bị bệnh đốm trắng, phải tiến hành thu hoạch sớm.

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật, nguyên nhân mô hình không đạt hiệu quả là do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, làm các yếu tố môi trường biến động khó kiểm soát; các biện pháp an toàn sinh học trong phòng ngừa dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, mái che, lưới rào xung quanh không kín, không ngăn cách được với bên ngoài... dẫn đến mầm bệnh xâm nhập vào, làm cho tôm bệnh và chết.

Khi triển khai, thì đây là mô hình phù hợp cho hộ dân ít đất sản xuất nhưng muốn nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, người dân không mặn mà với loại hình nuôi này. Nguyên nhân do chi phí để thực hiện các công trình phụ trợ cao không khác gì loại hình nuôi tôm siêu thâm canh (vẫn phải đầu tư máy phát điện, hố xi-phông, mô-tơ chạy quạt, hệ thống oxy, máy phát điện dự phòng...), trong khi sản lượng thu hoạch không lớn, dẫn đến khó thu hồi vốn. Điều này cho thấy, mô hình thí điểm chưa sát với thực tế sản xuất và nhu cầu sản xuất của người dân.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết thêm, bên cạnh yếu tố khách quan còn có phần lớn yếu tố chủ quan. Đó là sự phối hợp giữa cán bộ kỹ thuật của Công ty Việt Úc (đơn vị phối hợp) và đơn vị nuôi thiếu chặt chẽ, không kịp thời. “Thậm chí tôm nuôi trong ao đã chết rồi mà cán bộ kỹ thuật còn không hay. Hỏi công ty thì bảo có cán bộ kỹ thuật xuống ao, còn đến hỏi đơn vị nuôi thì bảo không thấy. Đó là nguyên nhân góp phần làm mô hình triển khai đến nay không điểm nào thành công”, ông Bằng nhận định.

Được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhưng lại không thành công, trong khi đó nếu mang so sánh với mô hình nuôi sò huyết kết hợp trong đầm tôm quảng canh truyền thống thì lại thấy khác hẳn. Mặc dù xuất phát điểm là do người dân tự phát trong quá trình sản xuất nhưng hiệu quả mang lại của mô hình cao và đang được nhân rộng (cuối năm 2014 chỉ khoảng 1.300 ha nhưng đến nay diện tích tăng lên gấp đôi và lan rộng ra các huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn và Ngọc Hiển).

Từ hiệu quả mang lại, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã cũng ra đời để hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm,… Tổ hợp tác nuôi sò huyết 14/10, ấp Nhà Thính B, xã Đông Thới, huyện Cái Nước là một trong những đơn vị được hình thành từ hiệu quả trong quá trình sản xuất nhằm giúp nghề này phát triển ổn định.

Anh Nguyễn Hoàng Pho, Tổ trưởng Tổ hợp tác 14/10, cho biết, nhiều năm qua, cùng với con tôm thì con sò huyết đã giúp nhiều bà con nơi đây thoát nghèo bền vững. Năm nay điều kiện tự nhiên khá thuận lợi nên tỷ lệ thả giống đạt khá cao, tốc độ phát triển cũng nhanh nên anh em tổ viên vô cùng phấn khởi.

Hiệu quả mang lại của mô hình nuôi sò trong vuông tôm cho thấy, nếu mô hình sát với điều kiện tự nhiên và thế mạnh ở địa phương sẽ phát huy tối đa hiệu quả. Từ đó, sẽ được tự động nhân rộng trong dân, và việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất, hướng đến sự phát triển bền vững cũng là điều tất yếu./.

Nguyễn Phú (http://baocamau.com.vn)