Ảnh hưởng của lượng thức ăn và độ mặn lên tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá đối mục (Mugil cephalus)

       1. GIỚI THIỆU 
       Cá đối mục có tên khoa học là Mugil cephalus là một loài cá thực phẩm quan trọng trong họ cá đối Mugilidae. Cá đối mục có chất lượng thịt thơm ngon, và có giá trị kinh tế khá cao, là đối tượng nuôi đầy tiềm năng. Các nhà khoa học ở các nước thuộc vùng Địa Trung Hải, Israel, Tunisia cũng đã tiến hành thử nghiệm nuôi cá đối mục, kết quả là các đối tượng này trở thành đối tượng nuôi mang lại sinh kế ổn định cho cư dân địa phương (Phạm Xuân Thủy, 2013). Cá đối mục được biết đến với nhiều tên khác nhau như cá đối xám đầu dẹt, cá đối sọc, cá đối biển…. Trong số những loài cá đối khác thì cá đối mục là một loài sống chủ yếu ven biển và thường đi vào vùng cửa sông và sông, chúng có thể sống và thích nghi với các mức độ mặn khác nhau (www.inaturalist.org). Cá phù hợp với nhiều hình thức nuôi như: nuôi trong lồng bè, nuôi trong ao đất, nuôi theo hình thức quảng canh. Đặc biệt, đối tượng này được nuôi ghép khá phổ biến và thành công trong mô hình nuôi ghép với tôm và các đối tượng cá lợ mặn khác.
       Ở Việt Nam, hiện nay cá đối mục cũng đã nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo thành công ở tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có nhiều các nghiên cứu khoa học trên đối tượng này. Con giống phục vụ cho nhu cầu nuôi hiện nay ở nước ta hầu như là nguồn cá nhập từ Trung Quốc sang cửa khẩu tỉnh Lào Cai và phân phối về các địa phương có nhu cầu nuôi. Quá trình vận chuyển xa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tỷ lệ sống của cá giống. Do đó, việc ương vèo cá giống lại thêm một thời gian sẽ giúp cá khỏe mạnh và thích nghi trước khi chuyển đến cho người nuôi là rất cần thiết. Vì vậy, nghiên cứu này tiến hành trong 1 tháng ương trên bể để góp phần giúp cá thích nghi và tăng trưởng tốt trước khi nuôi thương phẩm. Kết quả nghiên cứu là lựa chọn được lượng thức ăn và độ mặn nước phù hợp cho tăng trưởng và nâng tỷ lệ sống của cá đối mục giai đoạn ương vèo. Kết quả này cũng góp phần thúc đẩy và phát triển nghề nuôi cá đối mục ở các vùng nước lợ mặn trong và ngoài tỉnh.
       2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 
       2.1. Đối tượng, địa điểm và thời gian nghiên cứu

       - Đối tượng nghiên cứu cá đối mục (Mugil cephalus).
       - Địa điểm nghiên cứu: Thí nghiệm được bố trí tại cơ sở 2 trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau (Phường Tân Xuyên, Thành phố Cà Mau).
       - Thời gian nghiên cứu: từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 2 năm 2025.
       2.2. Nội dung nghiên cứu 
       - Nghiên cứu ảnh hưởng của lượng thức ăn khác nhau so với % khối lượng thân cá/ngày lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá đối mục (Thí nghiệm 1).
       - Nghiên cứu ảnh hưởng của các độ mặn khác nhau lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá đối mục (Thí nghiệm 2).
       2.3. Vật liệu nghiên cứu
       * Nguồn nước sử dụng ương cá: Nước có độ mặn 3‰ được lấy từ ao lên chứa bể composite. Nước được xử lý bằng thuốc tím nồng độ 8 ppm, đến khi nước mất màu tím. Sau đó, nước được lọc qua lõi lọc gòn và chuyển sang bể khác và tiếp tục xử lý nước bằng chlorine với nồng độ 30 ppm, để nước trong và kiểm tra dư lượng hết chlorine. Nước được xử lý bằng EDTA theo liều hướng dẫn và được bom qua lõi lọc gòn lần nữa để đảm bảo chất lượng sạch và trong trước khi sử dụng. 
       * Cá đối mục giống: Cá đối mục dùng để bố trí có khối lượng là 210 mg/con. Cá được mua từ thương lái thu và có nguồn giống nhập từ Trung Quốc qua tỉnh Lạng Sơn và được chuyển về Cà Mau. Trước khi bố trí thí nghiệm, cá được thuần độ mặn từ 9‰ xuống 3‰ để cá ổn định trước khi bố và bể ương. 
       * Bể ương thí nghiệm: Hệ thống nuôi thí nghiệm gồm 12 bể nhựa thể tích chứa 100 lít có đường kính 50cm được bố trí hai hàng gần nhau. Mỗi hàng gồm 6 bể và có gắn hệ thống cung cấp oxy cho các bể.
       * Thức ăn dùng trong thí nghiệm: dùng thức ăn viên dạng nổi có độ đạm 44% được xay ra thành dạng cám mịn.
       * Men vi sinh dùng để xử lý nước: Thành phần chủ yếu của men vi sinh là Bacillus subtilis. Men vi sinh ủ trong được ủ với mật đường trong 24 giờ trước khi sử dụng.
       * Muối biển: dùng để pha độ mặn của nước ương cá ở thí nghiệm 2.
       2.4.    Phương pháp nghiên cứu
       * Bố trí thí nghiệm
       - Thí nghiệm 1: Sau khi thuần độ mặn cá ổn định được bố trí 50 cá giống vào bể chứa 50 lít nước (mật độ 1 con/lít). Thí nghiệm với 4 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức khảo sát lượng thức ăn theo trọng lượng thân cá/ngày ở các mức khác nhau là 6%, 8%, 10% và 12% khối lượng thân/ngày. 
       - Thí nghiệm 2: Sau kết thức thí nghiệm 1, tiến hành lựa chọn lại cá có kích thước trung bình 400 mg/con. Tiếp tục thuần số cá giống này ở các độ mặn nước khác nhau. Bố trí 30 cá thể cá vào bể chứa 60 lít nước. Thí nghiệm với 4 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Ương cá ở các độ mặn 3‰, 12‰, 21‰ và 30‰.
       * Quản lý chăm sóc cá
       - Cho ăn: Cho cá ăn mỗi ngày 4 lần, sáng vào lúc 7 giờ 45 phút, 10 giờ 15 phút, 13 giờ 30 phút và 16 giờ với lượng thức ăn bằng 6%, 8%, 10% và 12% khối lượng thân. Ở thí nghiệm 2 thì lựa chọn khẩu phần ăn ở thí nghiệm 1 có hiệu quả sẽ lựa chọn khẩu phần này cho cá ăn ở thí nghiệm 2.
       - Nước ương được siphon 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, trước khi cho cá ăn. Mỗi lần siphon khoảng 10% lượng nước trong bể, sau đó bù lại lượng với nước mới và nước có ủ men để duy trì mực nước ban đầu. 
       - Kiểm tra ghi nhận số cá bị hao hụt hàng ngày để điều chỉnh kịp thời lượng thức ăn theo số cá thực còn lại trong bể.
       * Phương pháp thu thập và xử lý số liệu
       - Đo chỉ tiêu môi trường nước:
       + Nhiệt độ và pH đo 2 lần/ngày (lúc 7 giờ và 15 giờ), nhiệt độ đo bằng nhiệt kế thuỷ ngân, pH đo bằng bút đo pH cầm tay.
       + Các thông số NH3-/NH4+, NO2- cách 3 ngày đo 1 lần. (Đo bằng bộ test SERA của Đức).
       -    Xác định tốc độ tăng trưởng của cá:
        Định kỳ thu mẫu cá ngẫu nhiên ở các giai thí nghiệm để cân khối lượng (tuần/lần). Xác định khối lượng bằng cân điện tử với độ chính xác 0,01g. 
       - Các chỉ tiêu theo dõi cá:
        Sự tăng trưởng về khối lượng (trước khi bố trí và khi kết thúc thí nghiệm). 
       - Tốc độ tăng trưởng khối lượng đặc biệt theo ngày (Special Growth Rate, SGR):
       SGR (%/ngày) = [Ln (Wc) – Ln (Wđ)]/ T x 100
       - Tăng trưởng khối lượng tuyệt đối theo ngày (Daliy Weight Gain, DWG):
       DWG (mg/ngày) = (Wc – Wđ)/ T
       Trong đó:   + Wđ và Wc: lần lượt là khối lượng ban đầu của cá và khối lượng của cá thu sau số ngày bố trí (mg).
       + T: là thời gian thí nghiệm (ngày).
       - Tỷ lệ sống cá được ghi nhận hàng ngày (Survival rate, SR): 
       Tỷ lệ sống (%) [Tổng số cá thể thu được/số cá thể thả ban đầu] x 100
       * Phương pháp phân tích và xử lý số liệu
       Các giá trị trung bình và độ lệch chuẩn được xử lý trên chương trình Microsoft Excel 2007. 
       So sánh các giá trị trung bình giữa các nghiệm thức được dựa vào phép phân tích ANOVA và phép thử TUKEY với mức ý nghĩa p<0,05 bằng chương trình SPSS Version 20.0.
       3.    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
       3.1. Thí nghiệm 1: ương cá cho ăn với lượng thức ăn khác nhau 
       3.1.1. Các yếu tố môi trường nước thí nghiệm 1

    Các yếu tố về môi trường trong suốt quá trình ương nuôi của các thí nghiệm thể hiện qua bảng 1 như sau:
    Bảng 1. Các yếu tố môi trường nước ương cá ở thí nghiệm 1
Nghiệm thức     Nhiệt độ (℃)    pH    Nitrite 
(mg/L)    TAN
(mg/L)
    Sáng    Chiều    Sáng    Chiều        
NT  6%    24,4±0,70    26,1±0,70    8,7±0,26    8,6±0,24    1,25±0,50    0,25±0,50
NT 8%    24,4±0,70    26,1±0,70    8,8±0,26    8,6±0,32    1,13±0,63    0,00±0,00
NT 10%    24,6±0,70    26,1±0,83    8,8±0,35    8,7±0,35    1,13±0,63    0,13±0,25
NT 12%    24,7± 0,67    26,2±0,60    8,7±0,34    8,8±0,26    1,13±0,66    0,00±0,00
Nhiệt độ: nhiệt độ trung bình dao động từ 24,4-26,2℃ giữa các nghiệm thức, với sự khác biệt không đáng kể giữa buổi sáng và chiều. Trong suốt quá trình thí nghiệm, nhiệt độ nước duy trì ở mức ổn định.
Chỉ tiêu pH: Giá trị pH trung bình dao động từ 8,6 – 8,8 giữa các nghiệm thức. Theo Boyd (1990), pH thích hợp cho thủy sinh vật là 6,5-9. Đối với cá đối mục thích nghi tốt nhất trong khoảng pH từ 7,5 – 8,0 (Clyde, 1993). Điều này cho thấy môi trường nước trong thí nghiệm có độ pH ổn định và nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của cá đối mục.
Chỉ tiêu nitrite (NO2-): Nitrite dao động từ 0 - 0,25 mg/L. Theo Boyd (1990), mức NO2- dưới 0,5 mg/L thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nước lợ, đặc biệt trong hệ thống có độ mặn ổn định. Kết quả trong nghiên cứu này cho thấy hàm lượng NO2- duy trì ở mức thấp, không vượt quá ngưỡng an toàn giảm thiểu tác động tiêu cực của NO2- đến cá đối mục.
       Chỉ tiêu tổng ammoniac (TAN): TAN ở mức cao nhất là 0,25 mg/L. Theo Boyd (1990), mức TAN dưới 2 mg/L thường được xem là an toàn cho các loài cá nước lợ, đặc biệt là trong hệ thống nuôi có kiểm soát. Giá trị TAN trong nghiên cứu này nằm dưới ngưỡng nguy hiểm, cho thấy hệ thống nuôi duy trì điều kiện môi trường ổn định. 
       3.1.2. Tăng trưởng của cá trong thí nghiệm 1
Sau thời gian ương nuôi, sự tăng trưởng về khối lượng cá của mỗi nghiệm thức được thể hiện qua bảng 2 như sau: 


Bảng 2: Tăng trưởng về khối lượng của cá đối mục ở thí nghiệm 1
Nghiệm thức     Wđầu (mg/con)    Wcuối (mg/con)    SGR
(%/ngày)    DWG
(mg/ngày)
NT  6%    210±12,1    360±66,6a    3,27±1,51a    9,05±4,76a
NT 8%    210±11,1    370±51,3ab    4,68±1,93ab    14,1±3,67ab
NT 10%    210±11,1    450±41,6b    5,32±0,66b    16,7±2,97b
NT 12%    210±12,0    390±40,0b    5,26±0,65b    16,4±2,86b
       Ghi chú: Trong cùng một cột, các chữ cái giống nhau thể hiện sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P ≥0,05).
Kết quả ở bảng 2 cho thấy cá lúc bố trí là trung bình 210 mg/con. Sau 14 ngày cá dao động từ động từ 360-450 mg/con. Ở nghiệm thức cho cá ăn bằng khẩu phần ăn 10 và 12% khối lượng thân/ngày có tốc độ tăng trưởng cao nhất lần lượt là 450 ±41,6 mg/con và 390 ±40,60 mg/con và khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức cho ăn 6% trọng lượng thân/ngày. Tuy nhiên, khác biệt không có ý nghĩa so với nghiệm thức cho ăn 8% trọng lượng thân/ngày. So với nghiên cứu Lê Quốc Việt và ctv (2010) ương cá đối đất giống cỡ cá 45-46,39 mg/con với các mật độ ương khác nhau (1, 2, 3 & 4 con/lít) và được cho ăn bằng thức ăn nhân tạo (52% protein) với lượng 10% trọng lượng thân/ngày. Sau 30 ngày ương, kết quả thí nghiệm mật độ 1-2 con/lít cho kết quả tốt nhất về tốc độ tăng trưởng (14,72 mg/ngày; 13,13 mg/ngày). Ở thí nghiệm này cho thấy tốc độ tăng trưởng cả cá đối mục nhanh hơn cá đối đất, cụ thể ở nghiệm thức cho ăn 10% trọng lượng thân/ngày cho tốc độ tăng trưởng là 16,7±2,97 mg/ngày.
       3.1.3. Tỷ lệ sống của cá ở thí nghiệm 1
       Tỉ lệ sống của cá qua được thể hiện qua hình 1. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của cá ở cả 4 nghiệm thức đều cao trên 87%. Trong đó cao nhất ở nghiệm thức 1 với tỷ lệ sống là 97,33±1,15 %. Thấp nhất ở nghiệm thức 4 là 87,33 ± 8,33%. 
 
Hình 1: Tỷ lệ sống của cá ở thí nghiệm 1
       Với kết quả này cho thấy khi cho ăn lượng thức ăn thấp thì ít ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá. Ngược lại khi cho ăn nhiều so với mức nhu cầu ăn của cá trong ngày dẫn đến giảm tỷ lệ sống trung bình của cá trong thí nghiệm. Tuy ở nghiệm thức 1 cho kết quả về tỷ lệ sống cao nhất, nhưng khi so sánh thì kết quả này khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức còn lại. 
       Tóm lại qua bảng số liệu môi trường (bảng 1), tốc độ tăng trưởng của cá (bảng 2) và kết quả về tỷ lệ sống của cá ở thí nghiệm 1, thì cơ sở để lựa chọn mức cho ăn 8% trọng lượng thân/ngày là phù hợp để duy trì khẩu phần ăn này trong thí nghiệm 2 ương cá ở các độ mặn khác nhau.
 3.2. Thí nghiệm 2: ương cá với các độ mặn khác nhau
3.2.1. Các yếu tố môi trường nước thí nghiệm 2

    Bảng 2. Các yếu tố môi trường nước thí nghiệm 2 
Nghiệm thức     Nhiệt độ (℃)    pH    Nitrite 
(mg/L)    TAN
(mg/L)
    Sáng    Chiều    Sáng    Chiều        
NT 3‰    23,9±1,28     24,9±1,0    8,43±0,18    8,39±0,21    1,5±2,12    1,2±0,45
NT  12‰    23,9±1,28    25,1±1,07    8,07±0,18    8,07±0,18    2,2±2,59    1,2±0,45
NT  21‰    23,9±1,28     24,9±1,0    8,07±0,18    8,07±0,18    1,5±2,12    1,0±0,63
NT  30‰    23,9±1,28    25,1±1,07    8,07±0,18    8,07±0,18    0,5±0,87    1,2±0,45
Qua bảng 2 cho thấy nhiệt độ dao động sáng và chiều khoảng 23,9-25,1℃.  Ở thời điểm thí nghiệm này nhiệt độ thấp hơn ở thí nghiệm 1. Tuy Theo Boyd (1990) thì khoảng nhiệt độ và pH thích hợp cho cá duy trì và phát triển. 
Hàm lượng NO2- dao động trong khoảng 0,5 – 2,2 mg/L, cao nhất ở nghiệm thức 12‰ là 2,2 mg/L, thấp nhất ở nghiệm thức 30‰ là 0,5 mg/L. Theo Boyd (1990) trong môi trường nuôi tôm, cá có hàm lượng NO2- thích hợp thấp hơn 0,3 mg/L và gây độc khi lớn hơn 2,0 mg/L. 
Chỉ tiêu TAN dao động từ 1,0-1,2 mg/L, thấp nhất ở nghiệm thức 21‰ và các nghiệm thức còn lại đều ở mức 1,2 mg/L. Theo Boyd (1990) thì hàm lượng TAN thích hợp cho ao nuôi thủy sản là 0,2-2 mg/L.
       3.2.2. Tăng trưởng của cá trong thí nghiệm 2
Bảng 3: Tăng trưởng về trọng lượng của cá đối mục ở thí nghiệm 2
Nghiệm thức     Wđầu (mg/con)    Wcuối (mg/con)    SGR
(%/ngày)    DWG
(mg/ngày)
Độ mặn  3‰    400±66,6    680 ±60,0a    3,77±0,63a    20,0±4,29a
Độ mặn  12‰    400±51,3    550±45,8ab    2,26±0,60ab    10,7±3,27ab
Độ mặn  21‰    400±41,6    543,3±55,1b    2,16±0,72b    10,2±3,93b
Độ mặn  30‰    400±40,0    430±20,0b    0,51±0,33b    2,14±1,43a
Ghi chú: Trong cùng một cột, các chữ cái giống nhau thể hiện sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P ≥0,05).
       Kết quả sau 14 ngày khối lượng của cá tăng nhanh ở nghiệm thức 3‰ (20,0±4,29 mg/ngày) và khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức 21‰ và 30‰. Theo Dankawa (2004), khi nuôi các loài cá đối như Mugil curema, Mugil bananesis, Liza dumerilli và Liza falcipinis trong nước ngọt và nước mặn thì tốc độ tăng trưởng ở hai môi trường tương đương nhau. Theo Nguyễn Minh Giáp (2011) thử nghiệm ương nuôi cá đối mục trong các lô thí nghiệm khác nhau theo thang độ mặn: 20‰, 25‰ và 30‰ ở mật độ 50 con/lít. Thí nghiệm được tiến hành trong các xô 20 lít, Tốc độ sinh trưởng trung bình lô 20‰, 25‰ là 10 mm, lô 30‰ đạt 9,2 mm. Qua đó cho thấy cá đối mục là loài tăng trưởng tốt ở môi trường nuôi có độ mặn thấp hơn.
       3.2.3. Tỷ lệ sống của cá ở thí nghiệm 2
       Kết quả sau 14 ngày ương cho thấy ở độ mặn 3‰, 12‰ và 21‰ có tỷ lệ sống là 100%. Ở nghiệm thức 30‰, tỷ lệ sống thấp là 11,11±5,09 %. Kết quả này là do cá chưa thích nghi được với sự tăng độ mặn trong nước làm cho cá bị stress về điều hòa nước và muối trong cơ thể. Theo nghiên cứu của Wedemeyer (1996), khi độ mặn trong môi trường nuôi quá cao, khả năng điều chỉnh cân bằng ion trong cơ thể cá bị suy giảm, dẫn đến việc cá phải sử dụng nhiều năng lượng để duy trì sự ổn định. Điều này không chỉ gây mệt mỏi cho cá mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng bắt mồi, hấp thụ chất dinh dưỡng và cuối cùng là tỷ lệ sống sót. 
       4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT 
       4.1. Kết luận

       - Ương cá đối mục bằng loại thức ăn công nghiệp được xay mịn với khẩu phần ăn 8-10% khối lượng thân/ngày cho tốc độ tăng trưởng nhanh nhất lần lượt là 14,72 mg/ngày và 16,7±2,97 mg/ngày. Đồng thời cá ở 2 nghiệm thức này cho tỷ lệ sống cao tương ứng là 93,3 và 95,3%.
       - Khi ương cá đối mục với các độ mặn khác nhau từ 3-30‰, cá có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở nghiệm thức ương ở độ mặn 3‰ là 20 mg/ngày. Ở các nghiệm thức có độ mặn 3-21‰ đều cho tỷ lệ sống đạt 100%.
       4.2. Đề xuất 
       - Nên ương cá đối mục trong ao đất hoặc trong giai, cũng như thời gian nuôi dài hơn để có thể tăng cao năng suất và kích cỡ con giống phục vụ cho nhu cầu con giống tại địa phương.
       - Tiếp tục thí nghiệm ương cá đối mục với số lần cho ăn ít hơn trong ngày để hạn chế công cho ăn và chăm sóc, siphon nước trong bể. Cũng như trước khi ương nuôi cần thuần cá về độ mặn không nên vượt chênh lệch quá 10‰ so với mức độ mặn đang ương cá để tránh bị ảnh hưởng tỷ lệ sống.
       - Tiếp tục nghiên cứu sinh sản nhân tạo con giống cá đối mục để giảm giá thành so với con giống nhập từ nước ngoài như hiện nay.

ThS. Phạm Thanh Hương - Trường Cao đẳng cộng đồng Cà Mau

Tài liệu tham khảo
Boyd, C.E., 1990. Water quality in ponds for aquaculture. Ala. Agr. Exp. Sta., Auburn Univer, Ala, 462 pp.
Clyde S. Tamaru, Willam J. FitzGerald, Jr., and Vernon Sato., 1993. Hatchery manual for the artificial propogation of striped mullet (Mugil cephalus L.). Development of Mullet Aquaculture in Guam: A Feasibility study and The Oceanic instittute.
Dankawa. H.R., J. Bay Jnr and K. Yankson. 2004. Potential for culture of grey mullets (Pices mugulidae) in Ghana. Ghana journal of science. Vol 44. 19-27p.
http://www.inaturalist.org/taxa/106222-Mugil-cephalus. Truy cập ngày 29/4/2025.
Lê Quốc Việt, Trần Ngọc Hải và Nguyễn Anh Tuấn, 2010. Ảnh hưởng mật độ ương và hàm lượng protein khác nhau lên sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá đối (Liza subviridis) từ giai đoạn cá hương lên cá giống. Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Số 15a 189-197.
Nguyễn Minh Giáp, 2011. Báo cáo dự án cấp tỉnh “Sản xuất giống nhân tạo cá đối mục (Mugil cephalus) tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Phạm Xuân Thủy, 2013. Ảnh hưởng của thức ăn, mật độ nuôi đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá đối mục (Mugil cephalus Linnaeus, 1758) nuôi thương phẩm trong ao đầm nước lợ tại Quảng Bình.
Wedemeyer, G. 1996. Physiology of Fish in Intensive Culture Systems. Springer.