Truy xuất nguồn gốc (TXNG) là hoạt động giám sát, xác định được một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối, kinh doanh. TXNG là một xu thế tất yếu, điều kiện cần thiết để sản phẩm lưu hành trên thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận, lựa chọn; giải pháp tối ưu hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình, giúp cho người tiêu dùng có thể biết được rõ về nguồn gốc, xuất xứ, cũng như các công đoạn để làm ra sản phẩm. Đối với doanh nghiệp thì đây là những thông tin minh chứng về chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách cụ thể, minh bạch nhất.
Việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019. Mục tiêu tổng quát của Quyết định phải hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về TXNG; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TXNG để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về TXNG thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về TXNG. Theo đó, Blockchain là một trong những giải pháp, công nghệ được ưu tiên ứng dụng.
Ảnh ST
Blockchain là công nghệ lưu trữ dữ liệu theo chuỗi khối. Mỗi giao dịch sẽ được lưu lại thành một khối dữ liệu mới. Khối dữ liệu đó sẽ được thêm vào một chuỗi khối có sẵn, hay còn gọi là một cuốn sổ cái online mà mỗi máy tính tham gia vào mạng lưới đều nắm giữ một bản copy công khai, được cập nhật liên tục theo thời gian thực sao cho thông tin trên sổ cái của từng người trong mạng lưới đều giống hệt nhau, chứa đựng thông tin liền mạch xuyên suốt lịch sử giao dịch của chuỗi đó. Một khi đã được ghi lại trên chuỗi khối, thông tin giao dịch sẽ không thể bị xóa bỏ hay thay đổi. Thực tế, nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đều chỉ ra rằng, công nghệ Blockchain là ứng cử viên hàng đầu cho các giải pháp xác thực, mang đến cho xã hội một giải pháp an toàn hơn, thông minh hơn, đáp ứng nhu cầu cao hơn của doanh nghiệp cũng như người sử dụng. Hiện tại, công nghệ Blockchain đã và đang được nghiên cứu để ứng dụng trong nghiều lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, bán lẽ,…
Quyết định số 343/QĐ-BNV ngày 27/4/2022 của Bộ Nội vụ cho thấy, Hiệp hội Blockchain Việt Nam được cho phép thành lập, trở thành tổ chức có pháp nhân chính thức đầu tiên quy tụ những người đam mê nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hiệp hội Blockchain Việt Nam trở thành cầu nối có tính pháp nhân duy nhất giữa Cộng đồng Blockchain Việt Nam với các cơ quan, ban, ngành, nhằm xây dựng khung pháp lý cho ngành công nghệ Blockchain Việt Nam hướng đến mục tiêu quốc gia kỹ thuật số, kinh tế số. Đồng thời, Hiệp hội là nơi hội tụ của những người quan tâm đến nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, chuẩn hóa và khuyến khích ứng dụng công nghệ blockchain. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo cầu nối và động lực để các doanh nghiệp trong tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói cung về ứng dụng công nghệ Blockchain trong sản xuất và kinh doanh.
Với mục tiêu TXNG các sản phẩm đặc sản của tỉnh Cà Mau, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 11/9/2020 phê duyệt Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện với các mục tiêu cụ thể gồm:
- Tổ chức ít nhất 05 lớp phổ biến, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và hướng dẫn các văn bản pháp luật, cách vận hành và các giải pháp công nghệ về TXNG cho các doanh nghiệp, công chức, viên chức quản lý tại các sở ngành, đơn vị liên quan.
- Triển khai xây dựng Hệ thống TXNG cho ít nhất 30 sản phẩm (bao gồm các sản phẩm đặc thù của địa phương, các sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ và các sản phẩm OCOP của tỉnh). Trong đó, có từ 06 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trở lên tham gia TXNG sản phẩm, hàng hóa.
- Tối thiểu 30% các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống TXNG kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
- Đảm bảo 100% dữ liệu TXNG của mỗi sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa lên Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia phải đầy đủ, chính xác, các thông tin có giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
- Thực hiện ít nhất 08 chuyên mục và bài viết liên quan đến TXNG đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tổ chức 04 Hội thảo khoa học về TXNG cho các đối tượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
(vii) Xây dựng ban hành ít nhất 06 tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
Để thực hiện nội dung TXNG theo kế hoạch, năm 2021 Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain triển khai hệ thống TXGN trên địa bàn tỉnh Cà Mau, với phần mềm Agridential.vn sử dụng công nghệ chuỗi khối. Cụ thể, các đơn vị đã áp dụng và quản lý hệ thống TXNG cho 03 huyện U Minh, Năm Căn, Ngọc Hiển với 03 Nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ gồm: Cua Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh Hạ và 04 sản phẩm OCOP; có tổng số trên 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia áp dụng hệ thống TXNG; Tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ, giải pháp truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn tiếp cận phần mềm trên địa bàn tỉnh Cà Mau” cho các đối tượng liên quan, với 60 người tham dự nhằm chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và xử lý vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh có sản phẩm, hàng hóa tham gia TXNG; Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Cà Mau xây dựng một chuyên đề với nội dung về lợi ích và tầm quan trọng của TXNG.
Kết quả bước đầu cho thấy, quá trình triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG tỉnh Cà Mau đã góp phần nâng cao kỹ năng và nhận thức của các doanh nghiệp về hệ thống TXNG, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, các thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành cần lưu ý một số nội dung để ứng dụng thành công công nghệ Blockchain trong TXNG sản phẩm ở Cà Mau như:
- Thứ nhất, tất cả các thành phần trong chuỗi khối Blockchain đều phải có đường truyền kết nối internet ổn định vì mỗi thành phần trong Blockchain đều phải cập nhật thông tin lên hệ thống liên tục theo thời gian thực.
- Thứ hai, các thành phần trong chuỗi khối Blockchain phải sử dụng thành thạo công nghệ và cập nhật thông tin chính xác liên quan vào hệ thống vì trong Blockchain thông tin sau khi đã cập nhật vào hệ thống thì không có cách nào thay đổi được, chỉ có thể bổ sung thêm sau khi được sự đồng thuận của tất cả các thành phần trong hệ thống.
- Thứ ba, mật khẩu bảo vệ trong hệ thống Blockchain phải bảo đảm an toàn vì nếu mật khẩu “yếu” rất có thể bị đánh cấp và làm sai lệch thông tin trong cả hệ thống.
- Thứ tư, phải có cam kết trách nhiệm giữa các bên khi tham gia vào hệ thống như trách nhiệm, quyền lợi, độ tin cậy thông tin đầu vào – đầu ra để đảm bảo tính minh bạch, thống nhất trong toàn hệ thống.
- Thứ năm, phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn, động viên và tuyên truyền ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc từ chính quyền các cấp để các thành phần tham gia hệ thống Blockchain hiểu, cùng nhau xây dựng hệ thống Blockchain ổn định, an toàn, phát triển.
Ths. Đinh Hùng Anh