Cần nhân rộng mô hình ứng dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm tại huyện Thới Bình

Ngày nay, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời đại của internet kết nối vạn vật, robot thông minh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học,…đã thay đổi một phần hoặc gần như toàn bộ quy trình, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và người dân thông qua trang thiết bị, máy móc tiên tiến, hiện đại. Ngành nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó, để nâng cao năng suất chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại hòa nhập phù hợp với quốc tế thì “cơ giới hóa trong nông nghiệp” là một hướng đi tất yếu.

https://b.f9.photo.talk.zdn.vn/5862280475678675636/7f14f346cb8a3ed4679b.jpg

Trình diễn tại ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời - Ảnh: Chủ nhiệm dự án

       Cà Mau là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện. Những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh Cà Mau phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều khởi sắc thông quá quá trình cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật rộng rãi trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh. Tỉnh đã tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tổ chức lại sản xuất, tạo bước đột phá trong phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái – hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, quy hoạch phát triển nông nghiệp trên vùng sinh thái mặn – lợ, ngọt, trong đó cây lúa chiếm tỷ trọng lớn, là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh xây dựng 02 vùng nguyên liệu liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa theo chuỗi giá trị với quy mô khoảng 20.000 ha đạt 26% diện tích canh tác lúa toàn tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có 19 sản phẩm được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể 10 nhãn hiệu và nhãn hiệu chứng nhận 09 nhãn hiệu, trong đó có 05 nhãn hiệu chứng nhận liên quan đến sản phẩm lúa, gạo: gạo một bụi lùn, gạo tép hành, gạo tài nguyên đục, lúa sạch Thới Bình, Lúa sinh thái Cà Mau.

       Cây lúa ở Cà Mau được gieo trồng theo hai hình thức là chuyên canh cây lúa và lúa – tôm kết hợp. Với tổng diện tích lúa gieo trồng trong năm 2020 khoảng 112.729 ha, trong đó có khoảng 36.050 ha lúa được trồng trên đất nuôi tôm, tập trung chủ yếu ở huyện Thới Bình, năng suất lúa bình quân từ 3,2 - 4,1 tấn/ha, đây được xem là mô hình đã giúp bà con nông dân thu nhiều lợi ích về kinh tế, tạo hướng sản xuất hiệu quả bền vững. Tuy nhiên, lợi nhuận thực tế đạt được từ cây lúa trên đất nuôi tôm thường thấp, bị giảm đáng kể thậm chí khó thu hồi vốn, xuất phát từ một số nguyên nhân nhưng chủ yếu là ở khâu thu hoạch lúa.

       Đối với các vùng chuyên canh lúa thuộc các huyện Trần Văn Thời, U Minh và thành phố Cà Mau từ lâu đã sử dụng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) vào khâu thu hoạch để giảm chi phí, nhân công và giá thành trong quá trình sản xuất, những lợi ích cũng như hiệu quả kinh tế mang lại từ máy GĐLH đã được người dân và doanh nghiệp đồng thuận rất cao. Máy GĐLH được sử dụng vùng chuyên canh lúa có trọng lượng khá lớn, 2,5 tấn trở lên nhưng hoạt động rất tốt do nền đất cứng, đồng ruộng bằng phẳng, hạn chế sụt lún trong quá trình thu hoạch lúa. Nếu sử dụng máy GĐLH thì diện tích 01 ha lúa chỉ cần 03 người ngồi trên máy vận hành, ½ ngày là có thể hoàn thành từ khâu gặt tới đập để tách lúa ra khỏi hạt và cho vào bao chứa.

       Riêng vùng chuyên canh lúa tôm kết hợp, do đặc thù vùng sản xuất lúa tôm, người dân phải đào mương sâu và xung quanh lên bờ bao cao, bên cạnh đó nền đất bị ngập nước trong thời gian dài, nên nền đất yếu, dễ bị lún sâu, không sử dụng được các loại máy GĐLH cỡ lớn vì dễ bị sụt lún trong quá trình hoạt động, di chuyển qua các kênh mương khó khăn tốn nhiều nhân công và chi phí vận hành. Cách làm truyền thống của bà con nông dân ở đây khi thu hoạch lúa trên vùng đất lúa tôm hiện nay chủ yếu là cắt lúa bằng tay và sử dụng máy suốt, dẫn đến chi phí thu hoạch lúa cao ước tính cao hơn gấp 02 đến 03 lần so với thu hoạch ở các vùng chuyên sản xuất lúa, cộng thêm hao hụt khá lớn trong quá trình vận chuyển, suốt lúa,…ảnh hưởng đến năng suất chất lượng và giá trị sản phẩm của lúa gạo, ngoài ra nguồn nhân công lao động phục vụ sản xuất thu hoạch cũng là vấn đề gặp nhiều khó khăn.

       Với mục tiêu đưa ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong nông thôn, hạn chế sức lao động của người dân, năng cao năng suất, chất lượng, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên vùng đất lúa tôm. Năm 2019, dự án “Ứng dụng máy GĐLH cải tiến phục vụ khâu thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm trong tỉnh Cà Mau” đã được triển khai, đây là một dự án phù hợp và đáp ứng nhu cầu với thực tế địa phương hiện nay. Dự án do Trung tâm thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ chủ trì, Công ty TNHH PICOM Việt Nam đơn vị chịu trách nhiệm về công nghệ. Kết quả dự án đã hỗ trợ 07 máy GĐLH cho 03 HTX (HTX Thành Công; HTX Nông Nghiệp Dân Phát và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thủy sản Đoàn Phát đều thuộc huyện Thới Bình) với tổng kinh phí thực hiện hơn tỷ đồng, đào tạo 07 kỹ thuật viên về cách thức sử dụng, vận hành máy theo quy trình và hình thành được 03 dịch vụ phục vụ nông dân thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm tại huyện Thới Bình. Theo nhận xét của các HTX, máy GĐLH chạy trên nền đất lúa tôm có ưu điểm nhỏ gọn, vận hành tốt, có tính cơ động và linh hoạt trong việc thu hoạch lúa, cho ra sản phẩm lúa thu hoạch sạch đạt yêu cầu thương lái thu mua, tỷ lệ lúa rơi vãi trên đồng ruộng thấp, rơm sạch lúa, bề bản bánh xích 35 cm giúp máy vận hành không bị lún, máy hoạt động ổn định, cấu hình phù hợp với vùng đất lúa tôm huyện Thới Bình.

 Lúa thu hoạch bằng máy GĐLH tại xã Tân Lộc Bắc huyện Thới Bình - Ảnh: chủ nhiệm dự án

Đến nay, đa phần các nội dung dự án đã được thực hiện theo đề cương được duyệt, đây là dự án mang tính chất phục vụ xã hội, đã góp phần đưa ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong nông thôn, hạn chế sức lao động của người dân, năng cao năng suất, chất lượng, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên vùng đất lúa tôm trong huyện Thới Bình nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung. Trong thời gian tới, kiến nghị các đơn vị có liên quan xem xét, mở rộng phạm vi dự án đến các đơn vị khác trong tỉnh Cà Mau, nhất là những vùng chuyên canh lúa tôm, những vùng chuẩn bị chuyển đổi cơ cấu từ chuyên tôm sang chuyên canh lúa tôm, nhằm giải quyết được nhu cầu sản xuất và tiến tới mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tinh Cà Mau.

Thảo Đang

       Tài liệu tham khảo:

       - Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 05/02/2021 của UBND tỉnh Cà Mau về Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.

       - Báo cáo số 11/BC-SNN ngày 06/01/2021 của Sở NN&PTNT Cà Mau về Tình hình phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp năm 2020 và Kế hoạch năm 2021 của tỉnh Cà Mau.