Đẩy mạnh đào tạo kĩ năng mềm để tăng cơ hội phát triển bản thân cho sinh viên

       Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế bằng nguồn lao động kĩ năng cao, các quốc gia phát triển trên thế giới luôn đặt việc rèn kĩ năng cho công dân lên hàng đầu. Ngay từ đầu những năm 1990, theo đơn đặt hàng cảu Bộ Lao động Hoa Kì, Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Hoa Kì với các thành viên đến từ hơn 100 quốc gia đã nghiên cứu và đưa ra 13 kĩ năng cần có trong công việc của người lao động. Tương tự nước Úc đưa ra 8 kĩ năng; Canada, Anh đưa ra 6 kĩ năng; Singapore có 10 kĩ năng…. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của kĩ năng đối với sự thành công trong công việc của mỗi cá nhân. 

 Làm việc nhóm trong giờ học Kĩ năng mềm của sinh viên Trường Cao đẳng Việt- Hàn

       1. Tầm quan trọng của kĩ năng mềm
       Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng của nhóm tác giả Trần Ngọc Hưởng, Trần Công Tùng, Lê Túy Nga: “kĩ năng là khả năng thực hành thành thạo điều đã hiểu biết.”
Từ điển Oxford định nghĩa kĩ năng (skill) là khả năng tìm ra giải pháp cho một vấn đề nào đó và có được nhờ rèn luyện.
       Ở mỗi lĩnh vực, nghề nghiệp khác nhau sẽ cần có những kĩ năng khác nhau. Bên cạnh kĩ năng cứng (hard skills) chỉ trình độ, kiến thức chuyên môn được định lượng cụ thể thông qua bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn thì kĩ năng mềm (soft skills) lại là tập hợp kỹ năng không thể định lượng, liên quan đến đặc điểm, tính cách cá nhân và có được qua sự học hỏi, rèn luyện, tích lũy theo thời gian như khả năng sử dụng ngôn ngữ; khả năng thích ứng và hòa nhập xã hội; thái độ, hành vi ứng xử… Cả hai sẽ là bộ đôi công cụ, một cái tạo tiền đề, một cái tạo sự phát triển giúp ta hoàn thành mục tiêu. 
       Theo UNESCO, ba thành tố hợp thành năng lực của một con người là: Kiến thức, kỹ năng và thái độ theo mô hình KSA (knowledge - skill – attitude). Đây cũng chính là một trong những mô hình năng lực được sử dụng phổ biến hiện nay trong đánh giá và tuyển dụng nhân viên, được phát triển dựa trên những ý tưởng nền tảng của nhà tâm lí học giáo dục người Mỹ Benjamin Bloom (1956)- chuyên gia nghiên cứu và phân tích về cách thức học tập và sự phát triển của con người. Trong ba yếu tố trên thì hai yếu tố sau có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, tính chuyên nghiệp và sự thành công của mỗi con người. Và theo các nhà nghiên cứu, trong thực tế, người thành đạt chỉ có 25% là nhờ kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi kỹ năng mềm mà họ được trang bị. 
       Như vậy, cùng với tri thức, kỹ năng mềm được xem là chìa khóa quan trọng giúp con người mở ra cánh cửa dẫn tới phát triển và thành công. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, khi AI tự động hóa nhiều công việc độc lập thì những kĩ năng mềm ngày càng trở nên quan trọng và quyết định việc thành bại trong quá trình làm việc của mỗi cá nhân. Những người có tinh thần làm việc cao, năng động, sáng tạo, làm chủ mọi tình huống và ham học hỏi chắc chắn sẽ có ưu thế hơn một nhân viên lành nghề nhưng thiếu sự nỗ lực, cố gắng. 
       1.    Đẩy mạnh đào tạo kĩ năng mềm để tăng cơ hội phát triển bản thân cho sinh viên
Hiện tại, tỉnh Cà Mau có ba trường cao đẳng nghề, gồm Cao đẳng y tế, Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc và Cao đẳng Cộng đồng. Nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra cho sinh viên cũng như đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên ngành cho sinh viên, mấy năm gần đây, công tác đào tạo kỹ năng mềm với mục đích giúp sinh viên phát triển toàn diện, tự tin bước vào môi trường làm việc sau khi ra trường đã bước đầu được các nhà trường quan tâm. Tuy nhiên, ngoài việc tích hợp dạy kĩ năng mềm trong các học phần theo từng chuyên ngành (chủ yếu là kĩ năng trình bày và kĩ năng làm việc nhóm) thì đến nay, Trường Cao đẳng Y tế chưa có học phần này, trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc, từ năm học 2022-2023 có học phần Kĩ năng mềm (gồm kĩ năng thuyết trình, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng khởi nghiệp); Trường Cao đẳng Cộng đồng, ngoài một số kĩ năng theo từng chuyên ngành, từ năm 2017 đến nay, học phần Kĩ năng giao tiếp được đưa vào giảng dạy cho sinh viên khối ngành kinh tế, nuôi trồng thủy sản và công nghệ thông tin. 
       Bên cạnh đó, hiện hoạt động này tại các trường vẫn chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức người học. Khảo sát ngẫu nhiên về sự cần thiết phải học kĩ năng mềm, rất nhiều sinh viên hiểu chưa đúng về vị trí, vai trò của môn học này. Đặc biệt, đa số sinh viên được hỏi cho rằng chỉ cần học giỏi sẽ dễ dàng xin được việc làm. Việc đi làm thêm ngoài giờ học với các bạn đơn thuần chỉ là kiếm thêm thu nhập để trang trải phần nào kinh phí học tập, đỡ gánh nặng cho gia đình hoặc để có tiền đáp ứng nhu cầu cá nhân. Chỉ một bộ phận nhỏ sinh viên có hiểu biết cũng như nhận thức đúng về tầm quan trọng của nó trong cuộc sống và có ý thức học hỏi, trau dồi kĩ năng cho bản thân. Chính vì thế, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, mặc dù rất tự tin với kiến thức đã được trang bị ở giảng đường nhưng vẫn bối rối, khó thích ứng với môi trường làm việc mới. Trong khi đó, từ khoảng năm 2010, nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước đã bắt đầu chú trọng đến việc đưa kĩ năng mềm vào chương trình đào tạo nhằm tránh thất nghiệp cho sinh viên.
       Nhằm đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng, việc trang bị thêm những kĩ năng cần thiết cho sinh viên là việc cần được các trường nghề quan tâm. Và để làm tốt được điều này, cần chú trọng đến những vấn đề cơ bản như sau:
       -    Nâng cao nhận thức trong giảng viên và sinh viên về vai trò của kĩ năng mềm
       Trong chuẩn đầu ra của sinh viên, ngoài chuẩn kiến thức còn có chuẩn kỹ năng và thái độ. Vì vậy, việc giảng dạy các kỹ năng càng không nên chỉ được xem là một học phần bổ sung, mà phải là một phần không thể thiếu nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Vì về cơ bản, kĩ năng mềm là kĩ năng tổng quan, kĩ năng thực hành xã hội và nó không phải là thứ có được ngay sau khi kết thúc môn học hay có thể tự học được qua giáo trình, tài liệu mà được trau dồi, góp nhặt, trải nghiệm từ cuộc sống, quá trình học tập, làm việc và kinh nghiệm của mỗi người như khả năng thích nghi, ứng xử, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, làm việc nhóm.... Dù ngày nay công nghệ ngày càng phát triển nhưng chắc chắn AI cũng không thể thay con người ở những kĩ năng như lãnh đạo, quản lí cảm xúc, khả năng tương tác giữa con người với con người …  Phát triển kĩ năng mềm sẽ giúp tạo ưu thế cạnh tranh và khẳng định giá trị cá nhân trong môi trường công việc được công nghệ hỗ trợ ngày càng nhiều như hiện nay. Cũng cần hiểu rằng, việc dạy và học kỹ năng mềm không giống như dạy và học những môn lý thuyết khác, bởi nền tảng của môn học này là kinh nghiệm của người dạy và tình huống thực tế, từ đó giúp người học vận dụng một cách linh hoạt những điều đã học vào cuộc sống, biến những kỹ năng đó trở thành kỹ năng của chính mình. 
       Thực tế cho thấy, bằng cấp chỉ được coi là giấy thông hành để được vào phỏng vấn xin việc. Có người đã cho rằng: bằng đại học chỉ như bát cơm trắng, khi còn khó khăn thì cơm trắng ăn vẫn ngon, nhưng nay muốn ăn ngon phải có thêm thịt, cá và đó chính là ngoại ngữ, kĩ năng mềm. Chính vì thế, phải giúp người học từ bỏ suy nghĩ “có bằng là có việc làm” và có nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của từng kỹ năng mềm; giúp các bạn có ý thức rèn luyện và vận dụng linh động, hiệu quả vào các tình huống khác nhau trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Khi người học có nhận thức đúng đắn thì việc dạy – học kĩ năng mềm mới thực sự mang lại hiệu quả.
       Trang thông tin điện tử của nhà trường; các hội thảo khoa học cấp khoa, cấp trường; các họat động ngoại khóa, hoạt động đoàn thể… đều có thể trở thành nơi tuyên truyền để giúp mọi giảng viên và sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và sự cần thiết phải trang bị kĩ năng mềm cho sinh viên. Các hoạt động này nên được thực hiện ngay từ năm học thứ nhất để vừa đáp ứng yêu cầu trong học tập vừa sớm tạo nền tảng kiến thức cơ bản giúp sinh viên có ý thức và cơ hội để rèn luyện thông qua những trải nghiệm thực tế.
       -    Xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu thực tế và đa dạng hóa các hình thức dạy-học kĩ năng
       Để đạt mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, bên cạnh khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành, nội dung chương trình đào tạo ở mỗi trường cần hướng tới những kĩ năng giúp sinh viên kiến tạo và hoàn thiện bản thân ngay từ trong môi trường học tập. Các kĩ năng được các trường cao đẳng, đại học trong nước lựa chọn hiện nay rất phong phú, đa dạng, nhưng thường tập trung vào một số kĩ năng như: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng tư duy phản biện và sáng tạo, kĩ năng quản lí thời gian, kĩ năng thích nghi môi trường, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng xin việc. Ở nước ngoài, mỗi nước sẽ lại có những lựa chọn khác nhau nhưng cũng thường chú trọng vào các kĩ năng như: Kĩ năng học và tự học, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng tư duy sáng tạo, kĩ năng quản lí bản thân, kĩ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc.
       Để kĩ năng mềm hòa nhập với kĩ năng chuyên ngành, việc lựa chọn các nội dung phù hợp trong chương trình đạo tạo để giáo dục kĩ năng mềm cho sinh viên là rất quan trọng. Ngoài việc đưa kĩ năng mềm thành học phần chính khóa, các trường có thể áp dụng mô hình tích hợp kĩ năng mềm trong các học phần giảng dạy (với điều kiện giáo viên phải có kĩ năng và thực hiện tốt ở tất cả các môn học) hoặc mở riêng các khóa học kĩ năng mềm để sinh viên linh hoạt trong việc lựa chọn thời điểm học tùy theo nhu cầu và điều kiện của bản thân. Hiện tại ở một số trường đại học, cao đẳng trong nước đã áp dụng mô hình mở khóa học riêng biệt, nhiều đợt trong mỗi năm; sinh viên được học miễn phí và đây cũng là điều kiện đủ để sinh viên tốt nghiệp ra trường. Và ngoài những kĩ năng mang tính bắt buộc còn có những khóa học kĩ năng riêng với mức học phí phù hợp cho sinh viên lựa chọn theo nhu cầu.
       Theo chia sẻ của các nhà tuyển dụng, các bạn sinh viên mới ra trường hiện nay còn rất yếu về kĩ năng làm việc, kĩ năng giao tiếp, ứng xử, quản lí cảm xúc, giải quyết xung đột… do thiếu tiếp xúc với thị trường việc làm thực tế khiến các bạn khó khăn trong môi trường sống và làm việc mới. Việc các bạn thường xuyên nhảy việc cũng có một phần lớn lí do vì thiếu kĩ năng. Vì thế nhà trường và các hội doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có thể phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên để vừa đáp ứng được yêu cầu thực tế của ngành nghề vừa giúp người học được tiếp cận các chương trình đó với chi phí thấp hơn so với các khóa học riêng ngoài trường. Cũng cần thường xuyên cập nhật cái mới để điều chỉnh chương trình môn học theo thời điểm nhằm có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực tế của các đơn vị sử dụng lao động.
       -    Xây dựng đội ngũ giảng viên tâm huyết với nghề và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ
       Để có sự thành công và chuyên nghiệp trong công việc, mỗi người cần phải sở hữu nhiều kỹ năng, ngoài kiến thức chuyên ngành cần có kinh nghiệm thực tế. Vì thế, ngoài tâm huyết với nghề, kinh nghiệm thực tế, giáo viên dạy học kĩ năng phải là người nắm chắc kiến thức, đã trải qua quá trình đào tạo hoặc tập huấn có tính chuyên môn để thích nghi tốt những thay đổi trong hình thức giáo dục theo thời đại một cách hiệu quả. Việc thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn chuyên môn từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm; tham gia các buổi giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nhà tuyển dụng và những đơn vị đã có nhiều năm giảng dạy chương trình kĩ năng mềm… là điều kiện cần có để dạy tốt môn kĩ năng.
       Ngoài ra, dạy kĩ năng mềm cần có phương pháp dạy học linh hoạt, luôn lấy người học làm trung tâm; dạy và học dựa trên sự tương tác và hợp tác thông qua các hoạt động kết hợp phù hợp với từng kĩ năng như: khởi động đầu giờ, đọc tài liệu, chơi trò chơi, làm việc nhóm, đóng vai… Lựa chọn phương pháp và cách thức tổ chức tốt sẽ khuyến khích sinh viên tự giác, tích cực, chủ động trong việc rèn luyện các kĩ năng mềm cho bản thân. Bên cạnh đó, cách thức kiểm tra đánh giá cũng cần linh hoạt và nên chú trọng đến sự trải nghiệm thay vì chỉ kiểm tra lí thuyết. Chỉ khi môi trường học tập trở nên sôi động và hào hứng, hoạt động dạy - học trở nên chủ động, người học sẽ được khai thác toàn bộ sự sáng tạo cũng như khắc phục những hạn chế của bản thân để vừa tạo hiệu quả học tập vừa làm phong phú vốn kinh nghiệm sống của chính mình. 
       -    Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học.
       Kĩ năng mềm là môn học được dạy và học dựa trên sự tương tác và hợp tác thông qua nhiều hoạt động kết hợp nên nếu chưa có điều kiện trang bị phòng học đa phương tiện thì phòng học cũng cần được trang bị các thiết bị cơ bản như bảng, máy chiếu hoặc ti vi, âm thanh, ánh sáng, bàn ghế phù hợp cho việc dễ dàng di chuyển và diện tích phòng học phải đảm bảo cho các hoạt động nhóm, trò chơi… 
       Để chống lãng phí cơ sở hạ tầng giúp tối ưu việc sử dụng và học tập được nhiều môn học khác nhau, các trường có thể tích hợp thêm một số thiết bị thông minh và phần mềm vào máy tính (được trang bị sẵn trong phòng học) để có thể dễ dàng chuyển đổi công năng sử dụng khi cần.
       2. KẾT LUẬN
       Ngân hàng Thế giới gọi thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng. Khi công nghệ ngày càng phát triển và hiện đại, điểm tạo nên sự nổi bật và khác biệt của một cá nhân là cách thức biến những tri thức khoa học trở thành thực tế thì kĩ năng sẽ vừa là chìa khóa, vừa là công cụ giúp ta đạt được mục tiêu này. Việc sinh viên ra trường còn gặp nhiều khó khăn trong xin việc, mất quá nhiều thời gian để hòa nhập, thích ứng với môi trường làm việc mới một phần nguyên nhân đến từ chương trình đào tạo còn thiên về học thuật và đào tạo kĩ năng cứng. Những phàn nàn từ các nhà tuyển dụng cho thấy trách nhiệm của các trường đào tạo nghề là lấp đầy “lỗ hổng” về kĩ năng nhằm vừa giảm áp lực, tăng cơ hội cho sinh viên mới ra trường, vừa bảo đảm sự tồn tại và phát triển trong môi trường làm việc hiệc đại, trong sự nghiệp và cuộc sống tương lai.

Lê Thị Thanh An


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Hoàng Đức Bảo, 2023. Kĩ năng mềm. NXB Đại học Huế.
2.    Nguyễn Văn Tuân, 2022. Giáo dục kĩ năng mềm cho sinh viên đại học dựa trên dạy và học chính khóa. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam tập 18, số 12/2022: 18-22. 
3.    Trần Ngọc Hưởng, Trần Công Tùng, Lê Túy Nga, 2009. Từ điển Tiếng Việt thông dụng. NXB Thanh Niên.
4.    Lê Quảng Đại, Cử nhân thất nghiệp với tấm bằng đại học “cơm trắng”. https://vnexpress.net. (Truy cập ngày 05/12/24)
5.    Đức Minh. Trang bị kĩ năng mềm cho sinh viên: Không thể coi nhẹ. https://hanoimoi.vn. (Truy cập ngày 18/12/2024)
6.    https://www.cdytld.edu.vn/Kĩ năng mềm – sự cần thiết cho sinh viên. (Truy cập ngày 05/12/24) 
7.    https://nctu.edu.vn/Kĩ năng mềm – kĩ năng của sự thành công. (Truy cập ngày 03/2/25)  
8.    https://chefjob.vn/Kĩ năng mềm là gì? Vai trò của kĩ năng mềm trong công việc và cuộc sống. (Truy cập ngày 05/2/25)