Đặt vấn đề
Cà Mau được biết đến là một trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những ngư trường đánh bắt thủy sản lớn nhất Việt Nam, có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái với trên 100.000 ha[1] rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Hệ sinh thái rừng tràm U Minh hạ, hệ sinh thái rừng đước Mũi Cà Mau, cùng với những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em trên địa bàn Tỉnh tạo nên sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa nhân văn của Tỉnh. Cà Mau có 02 Vườn quốc gia đó là Vườn quốc gia Mũi Cà Mau với diện tích tự nhiên là 42.000 ha [2] và Vườn quốc gia U Minh hạ với diện tích 8.268 ha[3] đã và đang thực hiện quy hoạch, đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển sinh thái xứng tầm với những gì thiên nhiên đã ban tặng.
Du lịch đã và đang được định hướng là một ngành dịch vụ quan trọng của tỉnh Cà Mau, được tập trung khai thác và phát triển dưới dạng du lịch sinh thái. Tiềm năng du lịch của tỉnh Cà Mau khá lớn thể hiện qua sự đa dạng của các điểm, tuyến du lịch, vừa tận dụng cảnh quan đặc sắc của hệ sinh thái hiếm có vừa hướng đến khai thác yếu tố lịch sử, địa lý đặc thù như: Đầm Thị Tường, Hòn Đá Bạc, Hòn Khoai, Rừng đước Năm Căn, Khu du lịch biển Khai Long, Mũi Cà Mau, Rừng quốc gia U Minh hạ, Sân chim Cà Mau, Vườn dâu Cái Tàu….. Các tuyến du lịch đang được khai thác bao gồm: Tuyến du lịch thành phố Cà Mau – Đất Mũi – Hòn Khoai và phụ cận; tuyến Cà Mau – U Minh – Đá Bạc và phụ cận;….Các tuyến trên thuận tiện du lịch theo đường thủy bằng ca nô hoặc theo đường bộ bằng ô tô, hoặc kết hợp.
Từ vị trí địa lý đặc thù, có tới 3 mặt giáp biển, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt, có khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsar (vùng đất ngập nước) thế giới cùng những nét văn hóa của người dân vùng đồng bằng châu thổ, Cà Mau xác định một trong những thế mạnh đối với hoạt động du lịch của tỉnh là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Trong những năm qua, du lịch sinh thái đã và đang phát triển nhanh chóng ở các Vườn quốc gia trong cả nước và ngày càng thu hút được sự quan tâm nhiều đối tượng khách du lịch. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng; sự phát triển du lịch sinh thái góp phần tăng thêm thu nhập, tạo sinh kế, tạo thêm cơ hội việc làm cho cộng đồng dân cư ở địa phương đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi bảo tồn thiên nhiên và các cảnh quan hấp dẫn. Ngoài ra, du lịch sinh thái còn góp phần nâng cao dân trí và sức khỏe cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hóa lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, du lịch sinh thái còn được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình làm giảm tác động của người dân địa phương cũng nhưng khách tham quan du lịch vào tài nguyên thiên nhiên.
2. Đẩy mạnh phát triển Du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Cà Mau
2.1. Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ
Tăng cường đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, các công trình và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch như hệ thống đường giao thông, điện, nước tại các khu du lịch, điểm du lịch.
Tập trung đầu tư hệ thống giao thông tại các khu du lịch, hệ thống cầu tàu, bến đậu, xây dựng đội thuyền phục vụ du lịch xuyên rừng, tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà nghỉ đạt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lưu trú của các du khách, quan tâm chất lượng nguồn nước ngọt vì phần lớn nguồn nước đã bị nhiễm mặn, phèn.
Để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, đa dạng và hấp dẫn cho du khách cả về hoạt động vui chơi, tham quan, ăn uống, nghỉ dưỡng, giải trí lẫn sản phẩm lưu niệm, quyết liệt tăng cường đầu tư, quản lý tốt các nhà vệ sinh ở khu du lịch và các điểm dừng đạt tiêu chuẩn vệ sinh cao cấp, tổ chức tốt các điều kiện để thu gom, tập kết, xử lý rác thải, tổ chức tốt bộ máy thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh môi trường, để tạo sự hấp dẫn của tour du lịch, sự thoải mái tiện nghi trong du lịch, làm tiền đề để thu hút khách du lịch trong thời gian tới.
Quy hoạch khu bán hàng lưu niệm, bản đồ, sách ảnh, đĩa tài liệu, tập trung quảng cáo, định mức giá cả đồng nhất và nghiên cứu làm phong phú sản phẩm du lịch.
2.2. Tăng cường nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển ngành du lịch nói dung; vì vậy cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại địa phương về khả năng ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn về hướng dẫn viên du lịch.
Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực từ các trường, cần khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại chỗ nhằm nhanh chóng cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương.
Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Mở các lớp hướng dẫn người dân tại các điểm du lịch cộng đồng làm du lịch một cách có văn hóa, văn minh, lịch sự, thân thiện và mến khách.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sinh thái, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách có nhu cầu làm quà cho người thân và gia đình. Xây dựng các làng nghề truyền thống và dần xây dựng thương hiệu để tạo thêm sản phẩm du lịch đảm bảo tính mới lạ, độc đáo không rập khuôn tại địa phương, tạo nên điểm đến cho du khách lưu trú tại đây. Có chính sách phối hợp phối hợp cụ thể để phát huy năng lực cộng đồng trong việc tham gia các sản phẩm phục vụ cho du lịch sinh thái những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, nhìn vào sản phẩm du khách có thể cảm nhận đây là sản phẩm truyền thống của vùng đất Mũi Cà Mau.
2.3. Phát triển sản phẩm mới đặc trưng gắn với du lịch sinh thái
Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với thế mạnh tài nguyên rừng, vùng ven biển, bãi bồi, nâng tầm các lễ hội truyền thống địa phương theo hướng phục vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đầu tư thu hút các loại hình du lịch đặc thù của địa phương vùng đất cực Nam tổ quốc và thế mạnh tài nguyên thiên nhiên khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau phục vụ cho du khách như các sản phẩm du lịch khám phá mạo hiểm, trải nghiệm, nghiên cứu,…..tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
2.4. Phát triển ý thức cộng đồng, nâng cao khả năng của cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch
- Phát triển ý thức cộng đồng, nâng cao khả năng của cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên thông qua chia sẻ lợi ích từ hoạt động kinh doanh du lịch cho cộng đồng địa phường, khuyến khích cộng đồng đầu tư trực tiếp, tạo ra sản phẩm du lịch (hàng lưu niệm, các dịch vụ khác). Phổ biến đến cộng đồng các kế hoạch liên quan đến phát triển du lịch, tham khảo ý kiến cộng đồng về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch.
2.5. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường
Thực hiện nghiêm túc luật bảo vệ môi trường và các quy định khác về bảo vệ môi trường.
Trong khai thác du lịch phải luôn nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại các điểm du lịch. Đặt vấn đề bảo vệ môi trường trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.
- Phát triển du lịch cần gắng với bảo tồn đa dạng sinh học, chống suy thoái tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái cần đặc biệt được quan tâm, không vì nâng cao lợi nhuận mà làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm sinh học. Lấy bảo vệ môi trường làm nền tảng cốt lõi cho công tác phát triển du lịch ở địa phương.
- Cần có sự phối hợp hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời phải có chính sách đồng bộ như chính sách tôn vinh các nghệ nhân làng nghề, chính sách bảo vệ di sản văn hóa, dân tộc, chính sách bảo tồn đa dạng sinh học, chính sách đào tạo truyền nghề, bảo quản di sản qua các thế hệ.
Kết luận
Nhìn chung, Cà Mau hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch và phát triển du lịch một cách bền vững. Đứng trước những thách thức trong quá trình phát triển chung của du lịch cả nước, cùng với những đặc thù du lịch của tỉnh, ngành du lịch cần nghiên cứu và đề ra các giải pháp, chiến lược phát triển du lịch bền vững một cách đồng bộ, để đưa du lịch Cà Mau ngày càng tiến xa hơn nữa./.
Phạm Thị Huyền - Võ Thị Thanh Nữ
Giảng viên Khoa Cơ Bản – Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau