I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Huyện Trần Văn Thời là một huyện thuộc tỉnh Cà Mau với diện tích 702,72 km2, chiếm 13,27% diện tích của tỉnh Cà Mau (Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau, 2022). Đây là một trong những huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp như nguồn nước, giao thông, nhân lực, khí hậu,.... Người dân sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó ngành chăn nuôi giữ một vị trí vô cùng quan trọng không chỉ cung cấp thực phẩm, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, kỹ thuật sản xuất và sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, ngành chăn nuôi được đánh giá là ngành có tiềm năng phát triển. Hơn nữa, việc thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi không những đóng góp vào việc đảm bảo an ninh lương thực mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng và kinh tế địa phương nói chung.
Tuy nhiên, những năm gần đây cho sự biến đổi khí hậu và dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nghề này (Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, 2023). Do đó, tình hình chăn nuôi như thế nào và hiệu quả ra sao đang nhận được sự quan tâm lớn từ nhiều phía. Vì thế, việc thực hiện đề tài “Hiệu quả các mô hình chăn nuôi ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau” là rất cần thiết với hai mục tiêu chính là đánh giá tổng quan về tình hình chăn nuôi và hiệu quả kinh tế các mô hình chăn nuôi nhằm nhận biết tiềm năng phát triển của ngành và làm tiền đề cho định hướng phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng khảo sát để thu thập dữ liệu gồm các hộ gia đình trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Đối tượng nuôi tập trung vào các loại vật nuôi như trâu, bò, heo, gà, vịt hoặc các loài nuôi khác tùy đặc điểm của vùng. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là đặc điểm hộ gia đình, tình hình chăn nuôi và hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi.
Nghiên cứu được thực hiện từ 01/12/2024 đến 01/02/2025 với đối tượng khảo sát là những hộ gia đình trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên để phỏng vấn các hộ gia đình trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Nhóm nghiên cứu tiến hành phỏng vấn ngẫu nhiên 40 hộ gia đình ở 4 xã khác nhau thuộc huyện. Phiếu khảo sát được soạn sẵn với các câu hỏi dùng để phỏng vấn. Số liệu được tổng hợp bằng phần mềm Excel và xử lý bằng phần mềm SPSS để thực hiện các phép thống kê mô tả với các chỉ số như trung bình (Mean); phương sai (Variance), độ lệch chuẩn (Standard Deivation) và thống kê tần số.
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Qua khảo sát ngẫu nhiên 40 hộ gia đình ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, đặc điểm hộ gia đình được trình bày ở Bảng 1.
Bảng 1: Đặc điểm hộ gia đình
Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn hộ gia đình đều có chăn nuôi. Trong 40 hộ khảo sát thì có 37 hộ chăn nuôi, chiếm 92,5%. Trong các hộ chăn nuôi thì đa phần nằm trong nhóm tuổi khá cao từ 40 – 59 (51,4%) và trên 60 tuổi (37,8%). Điều này cho thấy rằng công việc này không chỉ thu hút người nằm trong độ tuổi lao động mà cũng có thể tận dụng lao động nhàn rỗi từ người ngoài tuổi lao động để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Những người trẻ tuổi hơn (độ tuổi từ 20 - 40) ở địa phương ít tham gia chăn nuôi hơn vì có thể họ đi học hoặc đi làm ở nơi khác. Tuy nhiên, đa phần công việc chăn nuôi không phải là thu nhập chính của gia đình, chiếm 78,4% hộ. Số người trong gia đình dao động từ 1 - 8 người/hộ, trung bình 4,6 người/hộ, trong đó có trung bình 2,2 người/hộ nằm trong độ tuổi lao động. Những hộ chăn nuôi có nhiều năm kinh nghiệm, trung bình 16,5 năm.
Qua khảo sát về tình hình chăn nuôi ở các hộ gia đình cho thấy quy mô nuôi tương đối nhỏ dưới 2000 m2, chiếm 91,4% (Bảng 2). Trong số các loài vật nuôi được khảo sát như heo, dê, gà, ngỗng, bò, cừu, vịt, trâu, thỏ, cút và những loài khác thì người dân tập trung nuôi nhiều nhất là gà với số lượng trung bình 52 con/hộ, chiếm 41,8% hộ nuôi, kế đến là nuôi vịt với số lượng trung bình 130 con/hộ, chiếm 34,3% hộ nuôi và nuôi heo với 6,7 con/hộ, chiếm 22,4% hộ nuôi. Các vật nuôi con lại hầu như không được nuôi, trong đó số hộ nuôi ngỗng không đáng kể, chỉ có 1,5% hộ nuôi.
Bảng 2: Tình hình chăn nuôi của các hộ gia đình
Qua điều tra về mục đích nuôi thì hầu hết các hộ nuôi để lấy thịt, lấy lông, lấy trứng và để làm giống. Nguồn thức ăn được sử dụng kết hợp cả nguồn địa phương và thức ăn công nghiệp. Huyện Trần Văn Thời phổ biến với nghề trồng lúa nên có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ gia đình và đôi khi kết hợp với thức ăn công nghiệp để cung cấp dinh dưỡng thúc đẩy tăng trưởng cho vật nuôi. Chính vì thế, có thể giảm một phần nào chí phí thức ăn. Đối với nguồn vốn thì người dân chủ yếu dựa vào nguồn vốn có sẵn từ gia đình là chính. Rất ít hộ nhận được hỗ trợ vốn từ các chương trình của Nhà nước và không có hộ gia đình nào vay ngân hàng để sản xuất chăn nuôi. Điều này có thể do người dân chăn nuôi với quy mô tương đối nhỏ. Hơn nữa việc chăn nuôi này cũng không phải là nguồn thu nhập chính. Hầu hết người dân chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập ngoài công việc chính là trồng lúa hoặc trồng rau màu.
Hình 1. Đặc điểm chăn nuôi quy mô hông hộ tại huyện Trần Văn Thời
Mặc dù không phải là nguồn thu nhập chính nhưng chăn nuôi tạo thu nhập cho hộ gia đình khá cao. Bảng 3 cho thấy lợi nhuận mang lại cho gia đình trung bình khoảng 42 triệu/năm hoặc 3,5 triệu/tháng. Điều này có thể khẳng định rằng ngành chăn nuôi mang lại hiệu quả khá cao cho người dân, giúp người dân có thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống. Đa số gia đình nuôi chủ yếu mục đích thương mại hoặc vừa thương mại vừa cung cấp thực phẩm cho gia đình. Tuy nhiên, cũng có ít hộ nuôi chủ yếu để làm thịt, chỉ cung cấp thực phẩm cho gia đình nên không bán (10,8% hộ nuôi). Chính vì thế, sản lượng nuôi thường cao hơn so với sản lượng xuất bán. Cụ thể, sản lượng heo 1.726,7kg/năm nhưng xuất bán trung bình 1.720kg/năm. Ngoài việc nuôi heo bán thịt, người dân nuôi và bán heo con với lượng heo con xuất bán trung bình 11 con/năm. Đối với gà, sản lượng nuôi 220,4kg nhưng xuất bán 139,8kg/năm. Sản lượng nuôi vịt là 250,7kg/năm nhưng xuất bản chỉ 174,8kg/năm. Nhiều hộ gia đình nuôi để bán một phần, một phần để lại để tiêu dùng trong gia đình. Sản lượng ngỗng và xuất bán ngỗng là thấp nhất.
Bảng 3: Hiệu quả kinh tế
Theo khảo sát ở Hình 1, về lý do tại chọn nuôi vật nuôi trên cho thấy đa số ý kiến cho rằng việc quyết định chọn vật nuôi trên để nuôi là do dễ chăm sóc và quản lý (28,6%). Điều này đồng nghĩa với việc chăm sóc không quá phức tạp và khó khăn nên không đòi hỏi kỹ thuật cao. Do đó, việc chăn nuôi dễ dàng thu hút người dân tham gia. Hơn nữa, có 17,3% hộ dân cho rằng công việc này phù hợp với quy mô chăn nuôi gia đình và có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. Thật vậy, đa phần người dân sử dụng đất tại gia đình để chăn nuôi, không có thuê thêm và quy mô cũng nhỏ dưới 2000m2. Người dân tận dụng nguồn thức ăn từ việc trồng lúa hay trồng rau màu để cung cấp thức ăn cho chăn nuôi nên cũng giảm phần nào chi phí thức ăn. Thêm nữa, có 14,3% hộ nuôi cho rằng chăn nuôi có thể mang lại thu nhập cho gia đình. Còn những lý do khác như có khả năng chống chịu bệnh tốt, có chính sách hỗ trợ phát triển, điều kiện tự nhiên và môi trường phù hợp, nhu cầu thị trường lớn và thời gian quay vòng vốn nhanh chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Hình 2. Lý do hộ dân lựa chọn nuôi vật nuôi quy mô hộ gia đình
Nhìn chung, hầu hết người dân ở địa bàn huyện đều tham gia chăn nuôi và nuôi chủ yếu heo, gà và vịt với số lượng khá lớn. Công việc chăn nuôi phù hợp cho lao động nông thôn và thu hút độ tuổi trên 40 tham gia. Mặc dù đây không phải là nguồn thu nhập chính nhưng cũng đã mang lại cho gia đình lợi nhuận để có thể trang trãi cuộc sống. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi nhỏ và sản xuất một cách tự phát với nguồn vốn có sẵn từ gia đình. Qua khảo sát tình hình chăn nuôi cho thấy ngành nghề chăn nuôi có tiềm năng phát triển và cần được mở rộng.
VI. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
Hầu hết người dân ở huyện Trần Văn Thời đều tham gia chăn nuôi vì đây được xem là nghề có từ lâu đời, vật nuôi dễ chăm sóc và quản lý, phù hợp với quy mô hộ gia đình, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có và có thể tạo thu nhập và công ăn việc làm cho người dân. Do đó, đây là một ngành nghề có tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, chăn nuôi mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ và nguồn vốn sẵn có từ gia đình. Do đó, để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, con giống và kỹ thuật để có thể năng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Dư Phương Trang Đài và Nguyễn Thị Cà - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau
Tài liệu tham khảo
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 2023. Ngành nông nghiệp chịu tác động trước biến đổi khí hậu. https://dangcongsan.vn/xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai/nganh-nong-nghiep-chiu-tac-dong-truoc-bien-doi-khi-hau-652330.html. Đăng ngày 15/11/2023.
Cổng thông tin điện tử. 2022. Huyện Trần Văn Thời. https://www.camau.gov.vn/wps/portal/?1dmy&page=trangchitiet&urile=wcm%3Apath%3A/camaulibrary/camauofsite/gioithieu/tongquan/diagioihanhchinh/huyen+tran+van+thoi#:~:text=Huy%E1%BB%87n%20c%C3%B3%2013%20%C4%91%C6%A1n%20v%E1%BB%8B,%2C%20Kh%C3%A1nh%20L%E1%BB%99c%2C%20Phong%20%C4%90i%E1%BB%81n. Đăng ngày 18/8/2022.