1. Mở đầu
1.1. Đối với tôm
Theo báo cáo của Tỉnh Cà Mau (2021), Cà Mau có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm, với trên 278.000 ha nuôi tôm nước lợ, sản lượng tôm năm 2016 đạt 145.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm khoảng 1 tỷ USD, chiếm 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Cà Mau đã và đang tồn tại những hệ thống canh tác nuôi tôm rất đa dạng: tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh chuyên canh, nuôi hữu cơ, nuôi bán thâm canh, nuôi siêu thâm canh đối với 02 đối tượng là thẻ chân trắng và tôm sú.
Hình 1. Mô hình nuôi đặc trưng tại Cà Mau
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nghề nuôi tôm Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức như sau:
(i) Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng (BĐKH - NBD): biến đổi khí hậu tác động trực tiếp lên nghề nuôi tôm là: nhiệt độ nước tăng, chu kỳ mưa nắng thất thường, lượng mưa thay đổi nhiều hơn bình thường đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khỏe tôm nuôi thông qua 02 cơ chế trực tiếp thay đổi sinh lý và xuất hiện nhiều bệnh trên tôm và chất lượng nước nuôi tôm luôn thay đổi với phương cách quản lý của công nghệ nuôi truyền thống khó đáp ứng.
(ii) Đa phần công nghệ nuôi tôm quảng canh các loại nêu trên chưa được nghiên cứu thích ứng cho từng vùng sinh thái và mùa vụ gây cản trở cho sự phát triển nghề tôm quảng canh Cà Mau.
(iii) Công nghệ nuôi tôm thâm canh tôm thẻ chưa quan tâm đến vấn đề xả thải gây ảnh hưởng đến các mô hình nuôi tôm khác về chất lượng nước suy thoái, lây lan mầm bệnh và nguồn lợi thủy sản bị giảm mạnh, tác động tiêu cực đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến đời sống ngư dân.
(iv) Đối với tôm sú hầu như Cà Mau không thành công về công nghệ bán thâm canh và thâm canh trong ao lót bạt. Đây là vấn đề chuyên sâu về kỹ thuật cần phải tiếp cận nghiên cứu.
(v) Vai trò nhà máy chế biến thật sự chưa tháo gỡ về ưu tiên mua tôm tại địa phương một cách chắc chắn gây khó khăn cho người nuôi.
(vi) Chuỗi giá trị trong ngành nuôi tôm chưa được điều chỉnh. Hệ thống đại lý trung gian tồn tại cũng là mặt hạn chế làm tăng cao giá bán sản phẩm cũng như thu mua.
(vii) Chưa phát huy được tính ưu tiên phát triển nghề tôm theo từng thời kỳ và vùng sinh thái.
(viii) Công tác tuyên truyền và đào tạo vẫn chưa được chú trọng để nâng cao kiến thức về nuôi tôm cho người nuôi.
1.2. Đối với cua
Thương hiệu “Cua Cà mau” đã và đang nổi tiến trong nước và quốc tế về chất lượng. Tỉnh Cà Mau đã tổ chức thành công nhiều hợp tác xã, cá nhân và công ty để tham gia vào chuỗi sản xuất cua: trại sản xuất giống, trại ương giống, nuôi thương phẩm với nhiều hình thức (thả trong rừng, nuôi xen canh và nuôi trong ao ...). Diện tích nuôi cua của Cà Mau chiếm 250.000 ha, năng suất 100 kg/ha/năm với tổng sản lượng 250.000 tấn/năm (báo điện tử Cà Mau, 2023). Quả thật là tiềm năng rất lớn ít có nơi nào có được như tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nghề nuôi cua cũng đang gặp khó khăn là xuất hiện những bệnh mới trên cua gây thiệt hại không nhỏ đến người nuôi. Nghề nuôi cua Cà Mau gây thiệt hại lớn ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân.
2. Giải pháp công nghệ phát triển nghề nuôi tôm bền vững an toàn sinh học giảm thiểu phát thải
Hình 2. Nguyên lý chung phát triển mô hình bền vững tại Cà Mau.
Chú ý: Ô màu đỏ là giao thoa của những vấn đề mà bất cứ mô hình nào phải đạt.
2.1. Các tiêu chí của công nghệ nuôi tôm bền vững
Công nghệ nuôi phải đạt các tiêu chí dựa vào 03 lĩnh vực như sau:
a) Về mặt sử dụng tài nguyên
Nuôi tôm cần rất nhiều nguồn đầu vào để sản xuất ra một kg tôm thương phẩm được tính bao gồm là: con giống (số lượng giống/kg tôm), thức ăn (kg thức ăn/kg tôm), khoáng chất (g/kg tôm), thuốc (mg hoặc g/kg tôm), hóa chất (g/kg tôm), vi sinh (g/kg tôm), điện (kwh/kg tôm) và dầu xăng chạy máy (L/kg tôm). Hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên càng cao được đáng giá là càng ít sử dụng nguồn tài nguyên đầu vào trên một đơn vị tôm sản xuất (kg hoặc tấn). Như vậy giải pháp công nghệ là ít sử dụng nguồn tài nguyên đầu vào hoặc tăng khả năng hấp thụ của chúng tạo nên sản phẩm tôm hoặc giảm thiểu xả bỏ.
(b) Về mặt môi trường
Về mặt môi trường được tính không xả thải hoặc ít xả thải dựa trên khối lượng nước xả, dinh dưỡng xả ra môi trường dưới dạng Ni-tơ, Phosphorus, vật chất khô... tính trên 1 kg tôm sản. Theo tiêu chuẩn nuôi trên Thế giới có xu thế tiến đến không thay nước và không xả thải. Bên cạnh đó lựa chọn công nghệ tái sử dụng nước và chất thải. Đặc biệt tiến đến phát thải CO2 thấp tiến đến Net- Zero” cả chuỗi hoạt động từ nhiều khâu trong sản xuất để giảm hiệu ứng nhà kính.
(c) Về mặt kinh tế - xã hội
Mặt kinh tế là công nghệ sản xuất mang tính bền vững về năng suất, chất lượng tôm và chi phí sản xuất thấp nhất có thể. Xu thế hiện nay là tổng giá trị trên diện tích trang trại tạo ra cao tạo được lợi nhuận cao và ổn định. Nuôi theo công nghệ kinh tế tuần hoàn được ưu tiên sử dụng toàn bộ chất thải hoặc thiết bị có thể sử dụng được dưới dạng lâu dài và tái tạo. Trong lĩnh vực này còn chú ý đến số lượng công nhân thấp và cải thiện môi trường làm việc an toàn. Đặc biệt công nghệ dễ ứng dụng, lôi cuốn nhiều tầng lớp tham gia ở các độ tuổi và cân bằng giới tính trong lao động sản xuất. Ngoài ra công nghệ nuôi tôm phải đạt được đa chứng nhận được nhiều thị trường tiêu thụ công nhận. Cấu trúc xây dựng trang trại và công nghệ thực hiện không ảnh hưởng đến những hoạt động xung quanh, cảnh quan và chính sách địa phương.
Dưới đây là nguyên lý công nghệ nuôi tôm trong tương lai:
Hình 3. Nguyên lý mô hình nuôi tôm trong tương lai
2.2. Giới thiệu các công nghệ nuôi tôm bền vững có thể ứng dụng tại Cà Mau
Stt | Tên công nghệ | Thuận lợi | Khó khăn |
1 | Quảng canh cải tiến |
| |
1.1 | Tôm - rừng | Dễ thực hiện phát triển tôm sinh thái, tôm hữu cơ, tôm net- zero. Đã có diện tích lớn qui mô hợp tác xã và nguồn đất sạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ. | Cần cải tiến mô hình IMTA-RAS theo từng vùng và mùa. Đạt đa chứng nhận |
1.2 | Tôm - lúa | Dễ thực hiện: tôm hữu cơ, trang trại hữu cơ và tôm nuôi tổng hợp IMTA. Đã có diện tích lớn qui mô hợp tác xã và nguồn đất sạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ. | Cần cải tiến mô hình IMTA-RAS theo từng vùng và mùa, đa chứng nhận |
1.3 | Tôm chuyên canh | Dễ thực hiện tôm năng suất cao theo mô hình IMTA và tăng sản lượng | Cần cải tiến mô hình IMTA-RAS theo từng vùng và mùa, đa chứng nhận |
2 | Nuôi bán thâm canh |
| |
2.1 | Mô hình không thay nước dưới sức tải | - Năng suất 5-8 tấn/ha/vụ - Bền vững năng suất - Chi phí thấp | Có thay nước ít, và xả thải. Cần triển khai thử nghiệm |
2.2 | Mô hình nước chín | - Năng suất 5-8 tấn/ha/vụ - Bền vững năng suất - Chi phí thấp | Có thay nước ít, và xả thải ít. Cần triển khai thử nghiệm |
2.3 | Mô hình IMTA | - Năng suất 5-8 tấn/ha/vụ - Bền vững năng suất - Chi phí thấp | Không thay nước và không xả thải. Cần thử nghiệm |
2.4 | Mô hình RAS-IMTA | - Năng suất 5-8 tấn/ha/vụ - Bền vững năng suất - Chi phí thấp | Không thay nước và không xả thải. Cần thử nghiệm |
3 | Nuôi siêu thâm canh |
| |
3.1 | Mô hình không thay nước dưới sức tải | - Năng suất 20-30 tấn/ha/vụ - Bền vững năng suất - Chi phí thấp - An toàn sinh học | Xả thải rắn sau 1 vụ |
3.2 | Mô hình nước chín | - Năng suất 20-30 tấn/ha/vụ - Bền vững năng suất - Chi phí thấp - An toàn sinh học | Xả thải rắn sau 1 vụ |
3.3 | Mô hình RAS-IMTA | - Năng suất 50-60 tấn/ha/vụ - Bền vững năng suất - Chi phí thấp - An toàn sinh học - Đã được nghiên cứu ứng dụng tại Cà mau -Đáp ứng đa chứng nhận | Không xả thải hoàn toàn |
3.4 | Mô hình RAS hiện đại | - Năng suất: 50-100 tấn/ha/vụ - Chi phí sản xuất trung bình - An toàn sinh học - Đã nghiên cứu ứng dụng cho các tỉnh khác do công ty SAEN phát triển - Đáp ứng nhiều chứng nhận | - Đầu tư trang thiết bị cao - Không đáp ứng hoàn toàn tiêu chí kinh tế tuần hoàn Cần trình độ và kinh nghiệm cao đối với người nuôi |
Hình 4. Hệ thống RAS nuôi tôm tiên tiến (a); hệ thống nuôi tôm dưới sức tải và nước chin (b); hệ thống tôm lúa (c); hệ thống nuôi tôm IMTA bán thâm canh (d); Hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh RAS-IMTA (e); hệ thống nuôi tôm rừng (f).
Ghi chú: một số ảnh cung cấp bởi công ty SAEN thực hiện mô hình (www.khoahocthuysan.net).
3. Giải pháp công nghệ phát triển nghề nuôi Cua bền vững bền vững an toàn sinh học giảm thiểu phát thải
Qua nghiên cứu của các nước trên thế giới, bệnh cua mới đang xuất hiện hàng loạt ở các nước có truyền thống nuôi cua như: Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Malysia, Philippines... Tác nhân gây bệnh được xác định ban đầu là: Vibrio Parahaemolyticus, microsporian (nội ký sinh trùng) và hơn 30 Virus (Reoviridae, Bunyaviridae (Bunyavirales), Roniviridae, herpes-like viruses, bacilliform viruses). Các loại bệnh trên xảy ra trong suốt các giai đoạn phát triển của cua (bố mẹ, giống và trưởng thành) (Chong, 2022). Tuy nhiên các tác nhân gây bệnh ở trên không có phương pháp phòng trừ hữu hiệu với hệ thống nuôi hở như trong hệ thống quảng canh hiện tại như ở Cà Mau. Từ các lý do nêu trên để phát triển bền vững nghề nuôi cua Cà Mau cần nên tiếp cận công nghệ dưới đây một cách tổng hợp để thực hiện.
- Nghiên cứu phát triển công nghệ gia hóa cua và sản xuất giống cua sạch bệnh, kháng bệnh của một số bệnh nguy hiểm thường gặp: cua bố mẹ, cua giống sạch bệnh và kháng bệnh. Tiến đến lâu dài cần phải gia hóa và thực hiện các chương trình chọn giống về tính trạng tăng trưởng, kháng một số bệnh.
- Quy hoạch và nghiên cứu qui trình ương cua giống lớn sạch bệnh bằng hệ thống an toàn sinh học (RAS). Hiện nay các trại ương giống nhỏ lẻ không đáp ứng tiêu chí an toàn sinh học.
- Phát triển nghiên cứu mô hình nuôi cua bán thâm canh, thâm canh và siệu thâm canh với: thức ăn chứa hoạt chất miễn dịch (thức ăn chức năng), con giống sạch bệnh và công nghệ an toàn sinh học. Nói về hệ thống nuôi an toàn sinh học là hệ thống nuôi kép kín không thay nước hoặc thay nước có kiểm soát mầm bệnh dưới dạng trang trại ao hoặc nuôi cách ly từng cá thể. Công nghệ tiêu biểu hiện nay là RAS đáp ứng được các giai đoạn nuôi cua.
- Riêng hệ thống quảng canh thì cần thiết thả giống lớn sạch bệnh và mật độ thích hợp, cũng như sử dụng lồng nuôi riêng biệt can thiệp cho ăn thức ăn miễn dịch học hoặc chữa trị khi cần thiết. Theo lịch sử phát triển các loại bệnh mới ban đầu xuất hiện thì sức tàn phá lớn và kéo dài hơn 5-10 năm mức độ độc tính giảm đáng kể Cua có thể phục hồi. Công nghệ IMTA nuôi trong rừng cũng mang lại lợi ích nhất định cần nghiên cứu thử nghiệm.
- Phát triển chuỗi giá trị nuôi cua tạo được phân khúc trong nghề nuôi (các giai đoạn nuôi) và tăng cường nhiều dạng sản phẩm đa dạng (cua lột, cua cốm, cua gạch).
- Cua là đối tượng dễ phát triển nếu có đủ giống sạch cung ứng, sử dụng công nghệ RAS đa tầng để phát triển đa dạng mô hình nuôi cho các tầng lớp và cân bằng giới tính trong sản xuất.
- Phát triển công nghệ chế biến cua thành nhiều sản phẩm đa dạng để tiếp xúc và mở rộng tiêu thụ sản phẩm trên Thế giới.
Hình 5. Hệ thống nuôi cua lột, cua cốm, cua gạch, cua thịt bằng RAS công ty SAEN (a); hệ thống nuôi cua lột RAS (b); hệ thống nuôi cua lồng (c); hệ thống nuôi cua rừng (d)
4. Kết luận
Tỉnh Cà Mau có tiềm năng lớn để phát triển tôm (sú và thẻ) và cua ở các mô hình nuôi khác nhau. Để phát triển bền vững đáp ứng theo xu thế mới và thích ứng biến đổi khí hậu cần thiết phải triển khai các công nghệ hiện có đã nghiên cứu và phát triển thành công và nghiên cứu công nghệ mới thích ứng ở điều kiện Cà Mau là một vấn đề cần ưu tiên trong tương lai. “Hành động hôm nay vì ngày mai”. Chúng tôi thiết nghĩ đã là đến lúc hành động để tạo sự bền vững này, dù còn nhiều vấn đề khó khăn khác đang tiếp diễn./.
TS. Nguyễn Nhứt - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn