Giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị chuối ở Cà Mau

       Trên cơ sở kết quả nghiên cứu ban đầu đề tài “Giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị cua biển và chuối Cà Mau” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau là cơ quan chủ quản, Trường đại học Cần Thơ là cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài là TS. Nguyễn Hữu Tâm, Khoa kinh tế, Trường đại học Cần Thơ. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập số liệu thứ cấp ở cơ quan quản lý địa phương, trên internet và các nghiên cứu có liên quan; số liệu sơ cấp ở các tác nhân tham gia chuỗi như người cung cấp đầu vào (phân, thuốc, cây giống, lao động…), nông hộ trồng chuối, thương lái, vựa thu gom, cơ sở chế biến, người bán sỉ, bán lẻ, người tiêu dùng và chuyên gia. Với những thông tin, số liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích thị trường chuối trong và ngoài nước, phân tích chuỗi giá trị hiện tại ngành hàng chuối Cà Mau, phân tích ma trận SWOT toàn ngành chuối làm cơ sở để đưa ra các giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng chuối tỉnh Cà Mau như sau:

       (1) Chuyển đổi cây trồng cho người dân.

       Cà Mau là một tỉnh có diện tích trồng chuối lớn thứ 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cà Mau, 2017), trung bình mỗi hộ dân nơi đây có kinh nghiệm trồng chuối trên 9 năm. Giống chuối trồng chủ yếu ở Cà Mau là chuối Xiêm, đã được trồng lâu năm năng suất giảm, giá bán không cao, đầu ra bấp bênh, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Người dân muốn thay đổi cuộc sống từ việc trồng chuối, muốn có thu nhập từ cây chuối tốt hơn thì nên chuyển đổi cây trồng từ chuối xiêm sang giống chuối già Nam Mỹ vì khi trồng giống chuối già Nam Mỹ này sẽ có được thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Ả rập, Hàn Quốc…. giá bán cao gấp 2 lần giá trong nước, năng suất cao hơn chuối truyền thống. Trung bình 1ha nông hộ lãi hơn 60 triệu (kết quả khảo sát, 2018). Để thực hiện được điều này ta cần thực hiện các hoạt động sau:

       Hoạt động 1: Hỗ trợ đưa giống chuối mới tới tay nông hộ bằng các giống chuối cấy mô, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng giống chuối mới để đạt chất lượng theo yêu cầu.

       Hoạt động 2: Liên kết, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân cũng như tạo lòng tin cho nông dân khi chuyển từ chuối xiêm truyền thống sang trồng chuối già Nam Mỹ cấy mô.

Chuối cấy mô tại vườn ươm

       (2) Nâng cao chất lượng chuối

       Với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, đặc biệt là thị trường xuất khẩu đòi hỏi nông hộ trồng chuối phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Bên cạnh thị trường xuất khẩu thì thị trường tiêu thụ nội địa của chuối Cà Mau cũng rất sôi nổi, thị trường tiêu thụ chuối trong nước phải cạnh tranh gay gắt với các tỉnh như Hậu Giang, Long An, Đồng Nai.v.v. điểm yếu của chuối Cà Mau so với chuối thị trường khác là trái nhỏ hơn, nhưng bù lại chuối Cà Mau có lõi nhỏ, chế biến đẹp hơn và ngọt hơn chuối tỉnh khác. Để phát triển mạnh thị trường tiêu thụ chuối trong nước và xuất khẩu, Cà Mau cần nâng cao chất lượng chuối, để thực hiện được giải pháp này ta cần thực hiện các hoạt động sau:

       Hoạt động 3: Cải thiện, tạo giống chuối mới tốt hơn, giống chuối địa phương (chuối xiêm) đã già cõi và năng suất thấp nên cần phải cải thiện chất lượng giống chuối để sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chuối. Chuyển giao quy trình kỹ thuật nhân giống vô tính, kỹ thuật cấy mô chuối xiêm cung cấp giống chuối sạch bệnh cho người dân và doanh nghiệp.

       Hoạt động 4: Tổ chức lại sản xuất chuối theo quy mô lớn tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuối chất lượng cao theo chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào, sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến. Thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trong vùng sản xuất chuối để liên kết tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất theo chuỗi giá trị.

       Hoạt động 5: Đào tạo nguồn nhân lực. Tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng chuối, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác ở vùng sản xuất chuối. Tập huấn đào tạo nghề lao động nông thôn về trồng chuối già Nam Mỹ.

       Hoạt động 6: Tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn nông dân sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV an toàn hiệu quả, tăng cường công tác giám sát cộng đồng nhằm giảm thiểu sử dụng phân bón và thuốc BVTV trên cây chuối, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và môi trường sinh thái, từng bước hướng tới sản xuất đạt tiêu chuẩn theo nhu cầu khách hàng.

       Hoạt động 7: Chuyển giao quy trình kỹ thuật sơ chế biến chuối, bảo quản xử lý chuối sau thu hoạch đảm bảo chất lượng. Chế biến đa dạng các sản phẩm từ trái chuối như: Chuối tươi, chuối khô, chuối sấy, bột chuối…

       (3) Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu chuối Cà Mau

       Cấn thiết phải xây dựng cho chuối Cà Mau có một thương hiệu để tạo lòng tin cho người sử dụng, phân biệt với chuối ở nơi khác. Để thực hiện điều này ta cần thực hiện các hoạt động sau.

       Hoạt động 8: Tuyên truyền giới thiệu trên thông tin đại chúng, báo đài, website, in ấn các tài liệu, ấn phẩm,... tuyên truyền đến người tiêu dùng, khách hàng trong và ngoài nước về tiềm năng và đặc trưng của chuối Cà Mau.

       Hoạt động 9: Tổ chức hội thảo xây dựng chuỗi giá trị sản xuất ngành hàng chuối chất lượng cao. Mời gọi các công ty, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng chuối.

        (4) Cải thiện hệ thống giao thông để việc di chuyển được dễ dàng hơn

       Qua kết quả điều tra từ các thương lái và thu gom thì hệ thống giao thông không phục vụ cho việc chuyên chở chuối không được tốt lắm, đường nhỏ và nhiều ổ gà chính điều này đã làm chuối dễ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, tăng tỷ lệ hao hụt, chính vì thế các cơ quan, ban, ngành cần hợp tác xây dựng, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để giúp cho việc di chuyển được dễ dàng. Để thực hiện giải pháp này cần thực hiện hoạt động sau:

       Hoạt động 10: Cải thiện giao thông tốt hơn, giảm thiểu tới mức tối đa ổ gà, mở rộng đường để xe lớn di chuyển được dễ dàng.

       (5) Cải thiện hệ thống giao thông thủy lợi

       Với việc đất chứa phèn gây ảnh hưởng xấu đến việc trồng chuối và thiếu nước vào mùa khô làm giảm năng suất và việc thu hoạch chuối cũng khó khăn để thực hiện được giải pháp cải thiện hệ thống giao thông thủy lợi ta cần thực hiện hoạt động sau đây:

       Hoạt động 11:

       + Đối với vùng canh tác chuối, bố trí nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, tháo úng, xổ phèn, giữ ngọt tưới bổ sung cho tới mùa khô.

       + Kết hợp đầu tư hệ thống thủy lợi, đào mới kênh mương lên bờ xáng, tận dụng đất đai trồng chuối.

        (6) Xây dựng các cơ sở chế biến, kêu gọi doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra chuối

       Lượng cung chuối trong tỉnh khá lớn, trong khi đó thị trường tiêu thụ chủ yếu ở ngoài tỉnh, nông dân bán chuối phần lớn cho các thương lái và không được thương lượng giá cả, trong tỉnh thì Cơ sở chế biến hạn chế, cho nên chúng ta cần xây dựng các cơ sở chế biến, kêu gọi doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra cho chuối. Đây là giải pháp mang tính cấp thiết cho người dân và tạo ra hướng đi cũng như cơ hội phát triển hơn nữa cho ngành hàng chuối Cà Mau.

       Hoạt động 12: Mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có đủ năng lực đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ chuối theo chuỗi giá trị. Mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế biến chuối xiêm, chuối già Nam Mỹ tại địa bàn tỉnh Cà Mau.

       Hoạt động 13:  Xác định các đối tác tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ chuối theo chuỗi giá trị. Trong đó bao gồm thu gom, thương lái, vựa, cơ sở chế biến, công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước cùng thực hiện từng khâu trong chuỗi gái trị.

       + Thương lái, thu gom, cơ sở chế biến, công ty bao tiêu thu mua chuối đầu ra cho nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác.

       + Hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức sản xuất, thực hiện dịch vụ hỗ trợ sản xuất.

       + Các cơ quan chuyên môn, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thâm canh chuối cho nông dân áp dụng vào sản xuất.

       + Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác chỉ đạo sản xuất, đề xuất chính sách hỗ trợ, giám sát hoạt động, giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện sản xuất chuối theo chuỗi giá trị.

       (7) Hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị

       Ngoài các gải pháp trên để nâng cấp chuỗi giá trị chuối Cà Mau rất cần sự hỗ trợ của các tác nhân khác. Nhóm xin đề xuất một số hỗ trợ như sau.

       Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau hỗ trợ giống và chi phí (phân, thuốc) cho doanh nghiệp và nông dân, phối hợp mở các lớp tập huấn theo Chương trình Nông thôn Miền núi 2015 - 2020.

       Sở Khoa học và Công Nghệ: hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu chuối Cà Mau, gắn kết các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng có liên quan đến tái cơ cấu ngành hàng chuối.

Lãnh đạo sở KHCN và cán bộ Văn phòng Nông thôn Miền núi kiểm tra sự phát triển của chuối già Phillipin

       Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật trên cây chuối, tổ chức thực hiện công tác điều tra, dự thính, dự báo.

       Trung tâm khuyến nông: Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất chuối.

       Trung tâm Giống Nông Nghiệp: Nghiên cứu giải pháp phục tráng dòng thuần giống chuối Xiêm Cà Mau, triển khai xây dụng mô hình sản xuất chuối giống, tiếp cận cộng nghệ cấy mô sản xuất giống chuối xiêm sạch bệnh, chuối già Nam Mỹ.

       Chi cục phát triển nông thôn: Vận động, tập huấn hướng dẫn các địa phương thành lập hợp tác xã và tổ hợp tác ở các vùng thâm canh chuối tập chung.

       Chi cục thủy lợi: xây dựng các dự án đầu tư thủy lợi, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng cho vùng sản xuất chuối.

       Sở Công Thương: xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cải tiến thiết bị máy móc sơ chế biến đa dạng các mặt hàng chuối.

       Sở Kế Hoạch và Đầu tư: Mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào ngành hàng chuối tỉnh Cà Mau.

       UBND các huyện: chỉ đạo, phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khao học kỹ thuật vào sản xuất; gắn kết các chương trình khoa học công nghệ ở địa phương lại với nhau.

       Các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương: tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa, lợi ích tái cơ cấu ngành hàng chuối. Phát động hội viên, nông dân tích cực tham gia tái cơ cấu.

TS. Nguyễn Hữu Tâm, CN. Võ Thị Diễm Mi – Khoa kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ

KS. Nguyễn Chí Thành - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau