Lợi thế về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ
Thới Bình là huyện nội địa, nằm ở phía Bắc tỉnh Cà Mau và được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa cũng như nuôi trồng thủy sản nước lợ. Trước đây, người dân trên địa bàn huyện chủ yếu sống dựa vào nghề trồng lúa, phần lớn canh tác lúa mùa và lúa 02 vụ. Dưới tác động của xâm nhập mặn, kết hợp với kỹ thuật canh tác lạc hậu đã khiến cho năng suất lúa ngày càng giảm, từ đó ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân. Vì vậy, để sản xuất được phát triển bền vững thì một trong những giải pháp đưa ra chính là thực hiện chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Từ việc tận dụng đặc điểm hai mùa mưa nắng rõ rệt, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng đã lấy nước lợ vào ruộng để khai thác tôm tự nhiên và trồng lúa. Đây chính là nền tảng quan trọng, là cơ sở khoa học để tỉnh Cà Mau triển khai Đề án “Nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa giai đoạn 2009 - 2012 và định hướng đến năm 2015”.
Từ khi Đề án được thực hiện đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ cho nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cà Mau nói chung và của huyện Thới Bình nói riêng. Từ đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện mạnh dạn chuyển từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa-tôm. Tính đến năm 2018, diện tích lúa-tôm toàn huyện đạt trên 21.000 ha, thu nhập bình quân của mô hình sản xuất lúa-tôm đạt hơn 65 triệu đồng/ha/năm, cao hơn mô hình chuyên lúa gấp 2-3 lần, chính giá trị từ con tôm và cây lúa mang lại đã góp phần cải thiện cuộc sống, ổn định thu nhập cho người nông dân trong mô hình. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa, cây lúa sẽ hấp thu chất dinh dưỡng từ nguồn chất thải của tôm trong môi trường đất nên hạn chế được lượng phân bón, thuốc BVTV vào môi trường canh tác. Từ đó, tạo ra sản phẩm tôm-lúa đều sạch. Nhận thấy được tiềm năng có thể đưa sản phẩm “con tôm-cây lúa” trở thành sản phẩm “tôm sinh thái-lúa hữu cơ”, mang lại giá trị kinh tế cao hơn và nâng cao vị thế cho sản phẩm tôm-lúa trên thị trường. Ngành nông nghiệp huyện đã chủ động mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia xây dựng, liên kết sản xuất mô hình tôm-lúa sạch, hữu cơ. Minh chứng rõ nét là trên 2.000ha diện tích lúa đặc sản, lúa sạch, lúa hữu cơ liên kết với doanh nghiệp cho thu nhập cao, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình, cánh đồng sản xuất tôm-lúa sạch, hữu cơ như 840 ha nuôi tôm sinh thái và hơn 400 ha trồng lúa hữu cơ tại xã Trí Lực, 80 ha lúa hữu cơ tại xã Tân Lộc Bắc, 30 ha lúa-tôm hữu cơ tại xã Biển Bạch...
Song song với đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu tôm-lúa sạch, hữu cơ được các cấp ủy, chính quyền chú trọng, đến nay, Nhãn hiệu chứng nhận “Lúa Sạch Thới Bình” đã được Cục Sở Hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận. Không những thế, sản phẩm lúa-tôm từ mô hình đã được khẳng định chất lượng khi đạt được các chứng nhận hữu cơ quốc tế, đây chính là cơ sở quan trọng để huyện Thới Bình mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất vào những năm tiếp theo.
Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp cần được khai thác
Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ sẽ là xu hướng sản xuất tất yếu trong những năm tiếp theo không chỉ đối với sản xuất trên địa bàn huyện, mà còn là xu hướng chung của tỉnh Cà Mau và khu vực ĐBSCL. Lợi thế của sản xuất sạch, hữu cơ chính là tạo ra được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo môi trường canh tác không ô nhiễm, phục hồi được các nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang dần mai một. Cùng với đó, trong bối cảnh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan thì người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn về nơi xuất xứ, quá trình tạo ra nông sản và trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ đó mới đưa ra quyết định lựa chọn mua sản phẩm, đây chính là điều kiện thuận lợi để nền nông nghiệp sạch, hữu cơ của huyện Thới Bình tiếp tục phát triển thêm mô hình kinh doanh-dịch vụ mới là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng sản xuất nông nghiệp-một mô hình du lịch nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho cây lúa-con tôm, thu hút khách du lịch và xa hơn là “xuất khẩu nông sản” tại đồng ruộng, tăng thu nhập cho người nông dân.
Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau khóa XV về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã khẳng định quan điểm: “Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch nhanh, bền vững, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với Chiến lược tổng thể phát triển du lịch của Việt Nam và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện tuy chưa hình thành mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ nhưng chính những quan điểm về du lịch của Nghị quyết số 04-NQ/TU là định hướng quan trọng để ngành nông nghiệp huyện nghiên cứu, xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện như: (1) Có vị trí địa lý thuận lợi; (2) Điều kiện sản xuất nông nghiệp của huyện phần lớn mang yếu tố “thuận tự nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu” (3) Có vùng sản xuất nông nghiệp sạch được quy hoạch cụ thể và (4) Tài nguyên bản địa tương đối phong phú, đa dạng. Chính bốn yếu tố trên nếu khai thác tốt sẽ là nền tảng quan trọng để huyện Thới Bình xây dựng thành công mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Thới Bình là huyện nằm phía bắc của tỉnh Cà Mau, cách trung tâm thành phố Cà Mau chỉ hơn 30km, có trục kết nối giao thông đường bộ khá phát triển trong vùng ĐBSCL (qua Quốc lộ 63 và đường hành lang ven biển phía Nam), có tuyến giao thông đường thủy phía Nam vùng ĐBSCL đi qua (tuyến Chắc Băng-Thới Bình-Cà Mau), nằm trên tuyến đường thủy Cà Mau-Rạch Giá. Do đó, khả năng thu hút khách du lịch ngoài tỉnh đến huyện bằng đường bộ lẫn đường thủy tương đối thuận lợi.
Thứ hai, Huyện có diện tích cách tác lúa-tôm phân bố khắp các xã/thị trấn, trên 20.000 ha đất lúa-tôm được sản xuất sạch, theo hướng sinh thái, hữu cơ thuận lợi cho phát triển mô hình trải nghiệm của du khách. Mùa vụ sản xuất phân bố rõ nét thành 01 vụ lúa-01 vụ tôm nên có thể thu hút khách du lịch quanh năm. Mùa khô có thể phát triển dịch vụ trải nghiệm nuôi tôm sinh thái như thả giống, bơi xuồng đặt lú bắt tôm, chế biến tôm thành các món ăn tại chính nông hộ…., mùa mưa sẽ trải nghiệm cấy lúa, thả tôm càng xanh, gặt lúa và lội bùn bắt tôm càng…Đây chính là những điểm nhấn khác biệt của du lịch nông nghiệp tại huyện so với các địa phương khác trong tỉnh. Bên cạnh đó, du khách còn có thể kết nối tour tham quan các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương như tham quan Phủ thờ Bác ở xã Trí Lực, nghe chuyện má Sảnh gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam, Đền thờ Vua Hùng (ở xã Tân Phú); Làng nghề truyền thống đan đát, đan lục bình (ở xã Tân Bằng và Biển Bạch); vườn cò Tư Sự hơn 100.000 con được bảo tồn và phát triển tự nhiên (xã Biển Bạch Đông); Có hệ thống du lịch tâm linh thu hút du khách đến hành hương, chiêm bái, lễ hội (Chùa Cao Dân, Toà thánh Ngọc Sắc, Đình thần Thới Bình, Đình thần Tân Lộc, Đình thần Tân Bằng...);
Thứ ba, Các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, sinh thái đã được quy hoạch tương đối chi tiết tại Đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Thới Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây chính là căn cứ khoa học để các bên liên quan trao đổi, xây dựng chi tiết các địa điểm, các tour du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và hình thành mạng lưới du lịch sinh thái giữa các vùng sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, Tài nguyên bản địa chính là nét đặc trưng thu hút du khách đến, trải nghiệm và quay trở lại. Đối với huyện Thới Bình, đó chính là những sản phẩm, nông đặc sản của địa phương gắn với chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm” (OCOP), trong đó phải kể đến: Gạo hữu cơ, gạo đặc sản, mắm lóc Thới Bình... Những nông sản trên đồng đất Thới Bình chính là sự giao thoa giữa vùng giáp nước mặn-lợ, tạo nên hương vị khác biệt. Đồng thời, tài nguyên bản địa của huyện còn là sự mến khách, ân tình của người dân quê đối với du khách phương xa và hơn 14 HTX nông nghiệp với trên 100 thành viên sẽ là những hướng dẫn viên tiềm năng, là người kết nối du khách với những giá trị cảnh quan ruộng đồng, giá trị lịch sử-văn hóa làng quê của vùng đất “Thới Bình thôn” đã đi vào ký ức của từng du khách.
Mô hình sản xuất lúa-tôm được đánh giá thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu - ảnh: Hoàng Thi
Giải pháp để mô hình phát triển bền vững
Bên cạnh những kết quả khả quan về mô hình nông nghiệp sạch, hữu cơ đã mang lại trong thời gian qua cùng với những tiềm năng về du lịch sinh thái đã được phân tích, đánh giá cụ thể. Ngành nông nghiệp của huyện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 21/4/2020 của Ban chấp hành đảng bộ huyện về phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gắn với chuỗi liên kết chặt chẽ bền vững trên địa bàn huyện Thới Bình giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo đã chỉ rõ: “Sản xuất nông nghiệp của huyện phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, sản phẩm nông nghiệp bị phân tán, hàm lượng khoa học-công nghệ và sức cạnh tranh của hàng hóa chưa cao, một số hàng hóa nông sản thiếu đầu ra ổn định, tình trạng được mùa mất giá còn xảy ra”. Chính vì vậy, để mô hình sản xuất lúa-tôm sạch, hữu cơ bền vững gắn với du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được phát triển trong thời gian tới, thì cần thực hiện 04 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp theo một quy chuẩn cụ thể, kiểm soát được đầu vào và đầu ra của sản phẩm; Các ngành chuyên môn cấp huyện và UBND các xã/thị trấn hỗ trợ xây dựng chương trình quảng bá cho loại hình du lịch này, đảm bảo hoạt động du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện được tổ chức quanh năm theo mùa vụ. Chọn hình ảnh “Tôm sinh thái-Lúa hữu cơ” làm sản phẩm quảng bá, thu hút du khách.
Thứ hai, Mời gọi, thu hút và tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp du lịch lữ hành tổ chức thí điểm mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng sản xuất lúa-tôm sạch, hữu cơ trên cơ sở định hướng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của huyện đã được phê duyệt. Trong đó ưu tiên xây dựng thí điểm mô hình “Làng sản xuất nông nghiệp hữu cơ” tại các xã có thế mạnh và kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo điểm nhấn về sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt.
Thứ ba, Tổ chức thí điểm xây dựng các Tổ hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn du khách tham gia hoạt động trải nghiệm sản xuất nông nghiệp tại đồng ruộng nhằm giúp cho du khách hiểu biết thêm về nguồn gốc hình thành sản phẩm nông sản, hiểu biết về lịch sử văn hóa canh tác, nuôi trồng, sơ chế và quá trình buôn bán sản phẩm nhằm kích thích sự tò mò, thích thú của du khách. Sau đó, sẽ phát triển thêm mô hình Farmstay, Homestay nhằm giữ chân du khách lưu trú lâu hơn.
Thứ tư, Đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái tại mỗi ấp như trồng một loại hoa, sinh vật cảnh, trang trí hàng rào cây xanh, cổng nhà tạo ấn tượng và mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch để thu hút du khách đến tham quan. Đồng thời, để du lịch nông nghiệp sinh thái phát triển bền vững cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp làm du lịch và cộng đồng dân cư tham gia vào chuỗi giá trị của chương trình, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất-tinh thần cho người dân khu vực nông thôn, nâng tầm giá trị cho thương hiệu nông sản của huyện.
Hoàng Lâm-Hoàng Thi - (Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình)