I. MỞ ĐẦU
Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước, với hơn 300.000 ha, chiếm gần 30% diện tích nuôi thủy sản cả nước và 40% vùng Đồng bằng sông Cữu Long. Đặc điểm địa hình thấp, thường xuyên bị ngập, nhiều bãi bồi, có thành phần địa chất là bùn, bùn pha cát, đây là điều kiện phù hợp cho sinh sản và sinh trưởng của sò huyết cũng như thuận lợi để phát triển các mô hình nuôi sò huyết. Ngoài ra, với trên 39.000 ha rừng ngập mặn chạy dọc theo bờ biển của tỉnh Cà Mau từ biển Đông sang biển Tây tạo nguồn thức ăn phong phú, giúp cho chất lượng sò huyết thương phẩm của tỉnh Cà Mau có sự khác biệt và chất lượng dinh dưỡng cao hơn so với sò huyết được nuôi tại các vùng khác.
Thời gian qua, mô hình nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm quảng canh tại một số huyện như Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân phát triển khá mạnh; ngoài ra, có thêm mô hình ương nuôi sò huyết ven biển và trên sông; các mô hình nuôi sò huyết trong thời gian qua đã chứng minh được tính hiệu quả cũng như diện tích nuôi ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, một trong những khó khăn, vướng mắc trong phát triển mô hình nuôi sò huyết là không chủ động được con giống tại địa phương, con giống để nuôi hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ tỉnh khác chuyển đến, môi trường chưa phù hợp nên thả giống bị hao hụt nhiều, tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận giảm. Do đó, để phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi sò thì giải quyết khó khăn về con giống cần được đặt lên hàng đầu tại tỉnh Cà Mau.
Để giải quyết khó khăn về con giống, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức có kinh nghiệm thực hiện dự án “Thử nghiệm sinh sản và ương sò huyết (Anadara granosa) giống phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển tỉnh Cà Mau”. Dự án thực hiện với mục tiêu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống sò huyết phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển tỉnh Cà Mau; chủ động được nguồn giống sản xuất nhân tạo tại địa phương; sản xuất giống với số lượng lớn, chất lượng, kích cỡ đồng đều, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; mở ra hướng phát triển đối tượng nuôi có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thời gian tới; góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như sử dụng hiệu quả diện tích đất nuôi tôm quảng canh; chủ động trong việc phát triển nhân rộng mô hình nuôi; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh Cà Mau.
II. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
- Dự án tiến hành 02 đợt sản xuất thử nghiệm giống sò huyết, đợt thứ nhất từ ngày 14/6 đến 19/6/2024; đợt thứ hai từ ngày 01/8 đến 05/9/2024. Địa điểm thực hiện tại ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
- Về cơ sở trang thiết bị, đã thực hiện xây dựng trại sản xuất đảm bảo đủ điều kiện sản xuất và được bố trí các ao để sản xuất cụ thể: ao lắng nước với thể tích 900 m3, hệ thống lọc âm 03 bể với thể tích 60 m3, hệ thống ao sinh sản, ương có 05 ao với tổng thể tích 2.500 m3 và các ao phụ trợ phục vụ cho dự án.
- Nguồn nước được lấy từ sông, qua hệ thống ao lắng, lắng chất lơ lửng, mùn bã hữu cơ; sử dụng vi sinh để gây màu nước và ổn định môi trường, sau đó cấp nước vào bể lọc âm, bơm qua túi lọc vào ao sinh sản, ương sò huyết giống.
Hình 1. Hệ thống ao ương và bể lọc âm (Ảnh:Tg)
- Dự án sử dụng sò huyết bố, mẹ có nguồn gốc địa phương, sò huyết bố mẹ được kiểm tra, đảm bảo mức độ thành thục đủ điều kiện tham gia sinh sản. Kiểm tra bằng cách tách vỏ sò huyết để xem độ thành thục sinh dục; buồng trứng thành thục của con cái có màu đỏ cam, căng tròn; túi tinh của con đực có màu trắng sữa, căng tròn. Sò huyết bố, mẹ đạt tiêu chuẩn để đưa vào sinh sản có kích cỡ từ 70 đến 90 con/kg, độ thành thục sinh dục từ 70% trở lên.
Hình 2. Tách vỏ, kiểm tra tỷ lệ thành thục của sò huyết bố, mẹ (Ảnh:Tg)
- Sò huyết bố, mẹ được sốc nhiệt qua phơi nắng (nhiệt độ từ 26 đến 320C) từ 02 đến 03 giờ; mục đích làm thay đổi môi trường đột ngột để kích thích sò sinh sản. Sau đó, bố trí mỗi ao 150 kg sò huyết bố, mẹ; sò huyết được cho vào các rổ nhựa, mỗi rổ nhựa chứa từ 240 con đến 255 con (khoảng 3 kg).
Hình 3. Phơi nắng kích thích sò huyết sinh sản (Ảnh:Tg)
- Rổ nhựa có sò được treo vào ao, sục khí liên tục; sau thời gian từ 3 đến 10 giờ thì sò bắt đầu đẻ, thời gian sò đẻ xong khoảng 5 - 6 giờ tính từ khi sò huyết bắt đầu đẻ. Sau khi sò huyết ngừng đẻ (không còn thấy trứng, tinh trùng của sò huyết còn được phóng ra từ sò huyết bố, mẹ) tiến hành vớt sò bố mẹ ra để bắt đầu quá trình thụ tinh, ương giống ngay trong ao sò huyết đẻ.
Hình 4. Bó trí điều kiện cho sò huyết sinh sản (Ảnh:Tg)
- Nguồn dinh dưỡng cho ấu trùng, sò giống được cung cấp từ nguồn thức ăn tự nhiên và thức ăn nhân tạo như tảo khô Spirulina, Frippark, vitamine Corion Pro Aquaculture, khoáng chất Minaro; các sản phẩm quản lý môi trường như DRT USA và Biofloc.
- Định kỳ kiểm tra, quản lý môi trường ao ương: các chỉ số như nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, pH, oxy hòa tan, NH3, H2S kiểm tra định kỳ 3 ngày/lần. Kiểm tra mật độ và số lượng ấu trùng định kỳ 5 ngày/lần; riêng trứng thụ tinh kiểm tra sau khi sò ngừng đẻ, sục khí để trứng phân bố đều trong ao để lấy các mẫu đại diện (sau khi sò huyết ngừng đẻ khoảng 2 - 3 giờ).
- Sau thời ương từ 30 - 34 ngày, sò giống đạt kích cỡ khoảng 7 đến 10 triệu con/kg (sò huyết giống cấp 1) thì thu hoạch sò huyết giống. Tháo hết nước ao ương, lọc cát để sàn lọc sò giống. Tiến hành đếm số lượng sò giống thu được (đếm số lượng trên đơn vị khối lương là gam, mẫu đếm bao gồm sò huyết giống và cát). Sử dụng sàn lọc nhiều kích cỡ và kiểm tra kích cỡ sò giống thông qua cân tiểu ly có đơn vị mg để tính số lượng sò huyết trên 1 gam.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
3.1. Về chỉ tiêu kỹ thuật và khoa học
Qua 02 đợt sản xuất thử nghiệm, kết quả dự án vượt mục tiêu đề ra, cụ thể như sau:
- Tỷ lệ thành thục sò huyết bố mẹ trên 75%, tỷ lệ sò huyết bố, mẹ thành thục là 82,5% (mục tiêu trên 70%), tỷ lệ thụ tinh ≥ 85% (mục tiêu trên 85%), tỷ lệ trứng thụ tinh là 89,58% (mục tiêu trên 85%), tỷ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng veliger đến spat là 5,32% (mục tiêu 3 - 5%), tỷ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng spat đến lên sò giống cấp 1 (kích cỡ từ 7 đến 10 triệu con/kg) là 17,46% (mục tiêu trên 10%) và sản lượng sò huyết giống (sò giống cấp 1, kích cỡ từ 7 đến 10 triệu con/kg) là 400 triệu (mục tiêu trên 300 triệu).
Hình 5. Sò huyết giống cấp 1 được soi dưới kính hiển vi (Ảnh:Tg)
- Thông qua kết quả sản xuất thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã kây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật sinh sản và ương sò huyết giống phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển tỉnh Cà Mau.
3.2. Về hiệu quả kinh tế
- Chi phí sản xuất:
+ Chi phí thiết bị đo lường, kính hiển vi: 6.080.000 đồng;
+ Nguyên vật liệu, sò huyết bố mẹ: 451.430.000 đồng;
+ Nguồn đối ứng (nguyên vật liệu, thiết bị, nhà xưởng, năng lượng…): 375.836.500 đồng (đã khấu hao cho 02 đợt sản xuất/06 tháng), chi tiết tại Bảng 1.
Bảng 1. Chi phí đối ứng đầu tư cho hai đợt sản xuất
TT | Hạng mục | Thành tiền (đồng) | Khấu hao (%) | Giá trị khấu hao (đồng) |
1 | Nguyên, vật liệu phụ | 13.300.000 | 100 | 13.300.000 |
2 | Dụng cụ, vật liệu mau hỏng | 32.000.000 | 25 | 4.800.000 |
3 | Điện và nhiên liệu | 69.500.000 | 100 | 69.500.000 |
4 | Thiết bị máy móc | 108.365.000 | 10 | 10.836.500 |
5 | Nhà xưởng, ao, sân | 1.094.000.000 | 10 | 109.400.000 |
6 | Lương công nhân | 168.000.000 | 100 | 168.000.000 |
7 | Tổng | 1.485.165.000 | 375.836.500 |
+ Tổng chi phí đầu tư 02 đợt sản xuất là: 827.266.500 đồng.
- Doanh thu:
Tổng sản lượng sò huyết giống cấp 1 thu được sau hai đợt là 400 triệu con, gồm: kích cỡ từ 9 - 10 triệu con/kg là 198 triệu con, từ 8 - 9 triệu con/kg là 116 triệu con và từ 7 - 8 triệu con/kg là 86 triệu con; giá bán giống sò huyết cấp 1 tương ứng là 2 đồng/con, 3 đồng/con và 3,5 đồng/con. Tổng doanh thu được 1.045.000.000 đồng (Bảng 2).
Bảng 2. Doanh thu bán sò huyết giống cấp 1
TT | Loại giống sò huyết | Đơn vị tính | Đơn giá (đồng) | Số lượng (triệu) | Thành tiền (triệu đồng) |
1 | Kích cỡ từ 9 - 10triệu con/kg | Con | 2 | 198 | 396 |
2 | Kích cỡ từ 8 - 9 triệu con/kg | Con | 3 | 116 | 348 |
3 | Kích cỡ từ 7 - 8 triệu con/kg | Con | 3,5 | 86 | 301 |
Tổng | 1.045 |
- Lợi nhuận: Lợi nhuận sau hai đợt sản xuất là 217.733.500 đồng.
Đây là dự án đầu tiên về sinh sản và ương sò huyết giống thành công tại tỉnh Cà Mau. Dự án này có tầm quan trong và ý nghĩa lớn về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; góp phần chủ động được nguồn giống sản xuất nhân tạo tại địa phương; sản xuất giống với số lượng lớn, kích cỡ đồng đều, chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của các vùng nuôi trong tỉnh; giảm hao hụt trong quá trình ương nuôi; giảm chi phí, tăng lợi nhuận; mở ra hướng phát triển đối tượng nuôi có nhiều tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong thời gian tới; góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi có giá trị kinh tế; khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế điều kiện tự nhiên của tỉnh; mở ra hương phát triển nghề nuôi nhuyễn thể hai mãnh vỏ vùng ven biển, đặc biệt là vùng bãi bồi mũi Cà Mau.
Thành công của dự án góp phần cung cấp nguồn giống ổn định, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như sử dụng hiệu quả diện tích đất nuôi tôm quảng canh của các địa phương ven biển. Ðặc biệt là hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu, vì hiện nay nhu cầu xuất khẩu sò huyết ngày càng cao, bởi sò huyết có giá trị dinh dưỡng, đang được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước. Các mô hình nuôi sò đang ngày càng được phát triển nên nhu cầu nguồn sò giống phục vụ nuôi thương phẩm ngày càng cao. Vì vậy, thành công của dự án góp phần cung cấp nguồn sò giống phục vụ người nuôi; chủ động trong việc phát triển nhân rộng mô hình nuôi; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh Cà Mau.
IV. KẾT LUẬT VÀ KIẾN NGHỊ
4.1. Kết luận
- Tỷ lệ thành thục sò huyết bố mẹ là 82,5%, tỷ lệ thụ tinh là 89,58% và tỷ lệ trứng nở là 89,58%. Tỷ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng veliger đến spat là 5,32% và từ giai đoạn ấu trùng spat đến lên sò giống cấp 1 (kích cỡ từ 7 đến 10 triệu con/kg) là 17,46%. Số lượng sò huyết giống (sò giống cấp 1, kích cỡ từ 7 đến 10 triệu con/kg) là 400 triệu.
- Thời gian ương đến sò huyết giống cấp 1 là 34 ngày. Thức ăn sử dụng cho ấu trùng, sò huyết giống là tảo khô Spirulina, Frippak, vitamine Corion Pro Aquaculture, khoáng Minaro; sử dụng DRT USA, Biofloc để xử lý, ổn định môi trường.
- Các yếu tố môi trường thích hợp cho ấu trùng, sò huyết giống: nhiệt đọ từ 25 - 300C, pH từ 7,5 - 8,5, oxy hòa tan ≥ 4ppm, NH3 ≤ 0,1 ppm, độ kiềm từ 80 - 120 ppm và độ mặn từ 20 - 25‰.
4.2. Kiến nghị
Do thời gian thực hiện dự án tương đối ngắn (12 tháng), nên kết quả chỉ giải quyết được việc hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật sản xuất giống sò huyết đến kích cỡ 10 triệu con/kg. Đề nghị có dự án tiếp tục thử nghiệm ương giống từ sò huyết giống cấp 1 lên kích cỡ lớn hơn để cung cấp cho nuôi thương phẩm ở những điều kiện môi trường khác nhau như: vuông tôm quảng canh, bãi bồi ven biển, đặc biệt là bãi bồi tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau quản lý. Chuyển giao ứng dụng quy trình sản xuất và ương giống sò huyết của dự án này cho các trại giống trong tỉnh Cà Mau./.
Ths. Hàn Thanh Phong - Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau