I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Muối ăn có tên gọi là natri clorua (NaCl) là một hợp chất khoáng quan trọng đối với con người, động vật và trong công nghiệp. Muối có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe con người, là nguồn cung cấp ion Na+ và Cl- trong chế độ ăn hàng ngày. Natri cần thiết cho chức năng thần kinh, vận động và bao gồm việc điều hòa dung dịch trong cơ thể, việc kiểm soát áp suất và thể tích máu. Tuy nhiên, con người không nên sử dụng sản phẩm có nhiều natri vì nó có thể gây sự tăng huyết áp hoặc áp suất máu cao, là điều kiện dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim mạch, thận và đột quỵ. Ion Cl- phục vụ như chất điện giải, điều hòa pH và áp suất máu. Các chất điện giải là những hợp chất, thường là muối, phân tách thành các thành phần ion hòa tan trong nước. Ion Cl- cũng là một thành phần quan trọng trong việc tạo ra acid trong bao tử (HCl) để giúp tăng quá trình tiêu hóa thức ăn và con người đào thải muối thông qua tuyến mồ hôi. Chính vì tầm quan trọng của muối được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống như đồ gia vị (muối iod, muối được thêm vào một lượng KI) được dùng ở các vùng thiếu iod trong chế độ ăn vì thiếu iod thường gây nên bệnh bướu cổ. Ngoài ra, muối cũng được sử dụng trong đóng gói thịt, làm xúc xích, muối cá và công nghiệp chế biến thực phẩm như là chất bảo quản hay gia vị thêm vào. Trong công nghiệp hóa học, muối được sử dụng trong sản xuất natri bicarbonate (baking soda), natri hydroxit, acid clohydrit, chlorine và nhiều hợp chất hóa học khác. Muối cũng được sử dụng trong xà phòng, men sứ và sản xuất kim loại như một chất trợ dung để thúc đẩy quá trình nóng chảy của kim loại. Muối ăn được sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau như từ nước biển, nước mặn trong lòng đất (nước giếng mặn), mỏ muối. Phương pháp để sản xuất muối ăn như bằng cô đặc dung dịch chứa và phương pháp điện thẩm tích. Ở Việt Nam dung dịch chứa NaCl chủ yếu là nước biển vì vậy phương pháp cô đặc nước biển là phương pháp phổ biến. Do đó, quy trình kỹ thuật sản xuất muối sạch kết tinh trên nền bạt (ô kết tinh) bằng phương pháp phơi nước là tài liệu tham khảo ứng dụng trong quá trình triển khai thực rộng mô hình sản xuất muối sạch.
II. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
2.1. Bố trí thực hiện dự án
Dự án được triển khai tại 40 hộ diêm dân tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Hộ dân sản xuất muối theo phương pháp phơi nước truyền thống. Các diêm dân được dự án hỗ trợ đầu tư về trải bạt HDPE 1.100 m2 và các vật liệu hỗ trợ khác như ống dẫn nước và mặt bích dùng để thoát nước. Dự án được thực hiện từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2024, quy mô diện tích sản xuất là 114,3 ha.
Hình 1. Tổ chức họp dân trao đổi, triển khai dự án (Ảnh: Tg)
Dự án đã thiết kế, thi công xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành sử dụng 40 ô kết tinh trải bạt tại 40 hộ diêm dân xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi. Quy mô thực hiện dự án năm 2023 là 114,3 ha/40 hộ, thấp hơn 5,3 ha so thuyết minh, do Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi có sự thay đổi 08 hộ dân, tổng diện tích phục vụ sản xuất ao kết tinh trải bạt HDPE là 56,25 ha và diện tích ô kết tinh trải bạt HDPE là 4,5 ha nên cao hơn lần lượt về diện tích phục vụ 6,25 ha và cao hơn 0,5 ha ô kết tinh trải bạt HDPE so với thuyết minh Dự án.
2.2. Biện pháp kỹ thuật trải bạt HDPE ao kết tinh và vận hành hệ thống sản xuất muối sạch
a) Kỹ thuật thi công trải bạt HDPE
Hộ diêm dân chuẩn bị mặt bằng ruộng muối và ô kết tinh theo kích thước thiết kế theo hồ sơ thuyết minh dự án. Mặt bằng ô kết tinh muối phải được cải tạo, đắp bờ, làm phẳng bằng con lăn. Vật liệu bạt chống thấm HDPE có độ bền và tuổi thọ cao dùng để trải trên ô kết tinh muối có độ dày 0,5mm, khổ rộng 8m. Sử dụng phương pháp hàn kép (hàn nhiệt) để kết nối các tấm bạt HDPE như sơ đồ dưới đây:
Hình 2. Sơ đồ trải bạt HDPE ô kết tinh muối
Sau khi đơn vị thi công trải bạt xong, dự án tiến hành kiểm tra, nghiệm thu chất lượng công trình đảm bảo hệ thống ô kết tinh muối kính, không bị rò rĩ, ống cấp, thoát nước hoạt động thông suốt, ổn định.
Hình 3. Kiểm tra, giám sát, nghiệm thu hạng mục trải bạt ô kết tinh (Ảnh: Tg)
b) Quy trình sản xuất muối sạch
Muối sạch được sản xuất theo quy trình phơi nước truyền thống có cải tiến khâu trải bạt trên ô kết tinh theo sơ đố kỹ thuật như sau:
Hình 4. Sơ đồ và quy trình sản xuất muối sạch
Hình 5. Nhóm thực hiện dự án kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất (Ảnh: Tg)
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Năng suất và sản lượng thu hoạch muối
Tổng sản lượng muối của dự án là 8.318,695 tấn trong đó trên ao kết tinh có trải bạt HDPE là 2.789,440 tấn, sản lượng trên ao đất là 5.529,256 tấn, thấp hơn so với thuyết minh dự án, vì thời gian hoàn thành lắp đặt bạt HDPE và thực nghiệm sản xuất bắt đầu từ cuối tháng 3 khi thời vụ muối đã gần hết. Hộ ông Dương Thanh Hải có năng suất trên nền ao trải bạt cao nhất 97,89 tấn/ha, hộ ông Trần Văn Được có năng suất thấp nhất là 9,0 tấn/ha và năng suất trung bình là 44,53 tấn/ha (Hình 5).
Hình 5. Biểu đồ năng suất thu hoạch muối trên ô kết tinh trải bạt HDPE năm 2023
Kết quả thu hoạch vụ sản xuất muối năm 2024 (từ tháng 01/2024 - 5/2024) cho thấy, quy mô là 114,3 ha/40 hộ, tổng diện tích phục vụ sản xuất ao kết tinh trải bạt HDPE là 68,55 ha và diện tích ao kết tinh trải bạt là 5,484 ha nên cao hơn lần lượt về diện tích phục vụ 18,55 ha và cao hơn 1,484 ha ô kết tinh trải bạt HDPE so với thuyết minh Dự án. Tổng sản lượng muối thu hoạch là 10.440,150 tấn. Trong đó, sản lượng muối trên ao kết tinh có trải bạt là 6.928,875 tấn, cao hơn thuyết minh dự án là 2.053,875 tấn, sản lượng muối trên ao đất là 3.511,275 tấn, thấp hơn 1.709,725 tấn so với thuyết minh dự án vì diện tích trải bạt nhiều hơn. Sản lượng muối kết tinh trên nền bạt có thời gian ngắn hơn và sản lượng tăng từ 29,26% đến 33,09% so với việc kết tinh trền nền đất trong. Theo dõi năng suất thu hoạch muối của các hộ diêm dân cho thấy, hộ ông Dương Thanh Hải có năng suất trên nền ao trải bạt cao nhất 104,810 tấn/ha, hộ bà Huỳnh Thị Tho có năng suất thấp nhất là 97,80 tấn/ha, năng suất trung bình của mùa vụ là 100,330 tấn/ha.
Hình 6. Biểu đồ năng suất thu hoạch muối trên ô kết tinh có trải bạt HDPE năm 2024
Sản xuất muối trên nền đất thì hạt muối làm ra chất lượng kém, lẫn tạp chất, giá thành thấp, khó tiêu thụ, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Khi áp dụng quy trình làm muối sạch trải bạt HDPE ô kết tinh, kết quả sản lượng muối tăng khoảng 30% so với sản xuất truyền thống, giá bán cao gần gấp đôi. Khi làm muối trên nền đất, có cơn mưa trái mùa hay làm lại vụ mới phải mất từ 2 - 3 ngày để cải tạo. Tuy nhiên, đối với mô hình làm muối trải bạt, sau thu hoạch, chỉ cần dọn sạch ô kết tinh có trải bạt thì tiếp tục đưa nước ót ngay vào ô kết tinh để sản xuất đợt tiếp theo. Phương pháp này giúp tiết kiệm được thời gian và sức lao động, hạn chế thiệt hại khi gặp mưa bất thường, chi phí đầu tư tái sản xuất thấp.
Hình 7. Nhóm thực hiện dự án kiểm tra kết quả thu hoạch muối (Ảnh: Tg)
3.2. Chất lượng muối
Nhằm đánh giá chất lượng muối nhóm dự án đã lấy 09 mẫu muối kết tinh trên nền trải bạt và 01 mẫu muối kết tinh trên nền đất và gửi đến Phòng kiểm nghiệm để phân tích chỉ tiêu muối theo quy định của TCVN 9638:2013 về chất lượng muối thô kết tinh theo phương pháp phơi nước.
Hình 8. Thu mẫu, phân tích đánh giá chất lượng muối (Ảnh: Tg)
a) Về màu sắc
Từ việc quan sát màu sắt muối trong Hình 9 và kết quả thử nghiệm thì mẫu muối kết tinh trên nền trải bạt có màu trắng và trắng trong. Trong khi đó mẫu muối kết tinh trên nền đất có màu trắng vàng. Muối kết tinh trên nền đất có màu trắng vàng do có lẫn các mùn bã hữu cơ và chất rắn không tan trong muối theo kết quả từ việc kiểm tra hàm lượng chất rắn không tan trong muối.
Hình 9: Các mẫu muối kết tinh trên nền bạt HDPE so với mẫu kết tinh trên nền đất (đối chứng) (Ảnh: Tg)
b) Về mùi, vị, trạng thái
Các mẫu muối kết tinh trên nền bạt và đất đều không có mùi, vị mặn đặc trưng của muối và không có vị lạ. Đối với chỉ tiêu này không có sự phân biệt rõ ràng giữa hai loại muối.
c) Về độ ẩm
Đối với chỉ tiêu độ ẩm, các mẫu muối kết tinh trên nền bạt đều có chỉ tiêu độ ẩm đạt chất lượng muối thô theo TCVN 9638:2013 - Chất lượng muối thô, không lớn hơn 10%. Trong khi đó mẫu muối kết tinh trên nền đất có độ ẩm 11,8%, lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định. Độ ẩm tương đối lớn có thể do hàm lượng tạp chất lẫn vào trong muối lớn nên có khả năng giữ ấm tương đối tốt. Ngoài ra, muối được dự trữ trong thời gian ngắn trước khi lấy mẫu nên góp phần làm tăng độ ẩm. Muối kết tinh trên nền ao đất thường có kích thước lớn hơn muối trên ao bạt do thời gian kết tinh lâu hơn (7 đến 10 ngày), muối kết tinh trên nền ô bạt có thời gian ngắn (5 đến 7 ngày). Muối kết tinh trên nền bạt có kích thước nhỏ, tơi xốp nên khả năng thoát nước tốt hơn muối kết tinh trên nền đất, do đó độ ẩm thấp hơn.
Hình 10. Biểu đồ chỉ tiêu độ ẩm của muối kết tinh trên nền ô bạt
d) Về hàm lượng chất không tan trong nước
Hàm lượng chất rắn không tan của muối kết tinh trên nền bạt và nền đất đều đạt theo quy định. Tuy nhiên, hàm lượng chất rắn không tan trong mẫu muối kết tinh trên nền đất là 0,267%, lớn gần gấp 03 đến 04 lần so với hàm lượng chất rắn không tan trong mẫu muối kết tinh trên nền ô trải bạt . Điều này khẳng định hàm lượng chất mùn bã hữu từ nền đất bám vào muối và làm cho muối có màu trắng vàng như Hình 11.
Hình 11. Biểu đồ hàm lượng chất tan trong nước của muối kết tinh trên nền ô bạt
e) Hàm lượng ion Ca2+ và Mg2+
Hàm lượng ion Ca2+ và Mg2+ thể hiện độ cứng của nước cũng như hàm lượng các ion này trong nước biển. Tiêu chuẩn quy định giới hạn cho ion Ca2+ là 0,45% và ion Mg2+ là 0,70%. Hàm lượng ion Mg2+ hiện diện trong muối lớn hơn ion Ca2+. Tất cả các mẫu muối có hàm lượng ion Ca2+ và Mg2+ đạt yêu cầu, trừ chỉ tiêu Mg2+ của mẫu muối kết tinh trên nền đất, là 0,76%. Chỉ tiêu Ca2+ và Mg2+ trong mẫu đất đều có hàm lượng ion lớn hơn đáng kể so với mẫu muối kết tinh trên nền bạt. Điều này có thể được giải thích do quá trình kết tinh muối trên nền đất tốn nhiều thời gian hơn, hạt muối to hơn nên hàm lượng các ion cộng kết vào tinh thể muối nhiều hơn so với muối kết tinh trên nền trải bạt như Hình 12.
Hình 12. Hàm lượng ion canxi (Ca2+), % khối lượng, không lớn hơn của muối kết tinh trên nền ô bạt
f) Hàm lượng ion sunfat
Tương tự chỉ tiêu Ca2+và Mg2+, hàm lượng ion sunfat trong muối kết tinh trên nền đất cũng cao hơn so với muối kết tinh trên nền bạt. Tuy nhiên, tất cả các mẫu điều đạt theo tiêu chuẩn, nhỏ hơn 1,80% như Hình 13.
Hình 13. Hàm lượng ion sunfat của muối kết tinh trên nền ô bạt
g) Hàm lượng NaCl
Hàm lượng muối NaCl được tínha từ hàm lượng các ion Ca2+, Mg2+, SO42-, chất rắn không tan trong nước và độ ẩm của muối. Từ phiếu kết quả thử nghiệm cho thấy, hàm lượng muối NaCl của muối kết tinh trên nền trải bạt có tỷ lệ phần trăm NaCl đạt theo tiêu chuẩn quy định, lớn hơn 95%. Trong khi đó hàm lượng NaCl trong muối kết tinh trên nền đất chỉ đạt 92% như Hình 14. Điều này do sự hiện diện của các ion Ca2+, Mg2+, SO42-, chất rắn không tan tương đối lớn trong muối kết tinh trên nền đất so với muối kết tinh trên nền bạt. Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu về hàm lượng muối kết tinh trên nền ô trải bạt HDPE. Độ tinh khiết của muối có thể được tăng từ 90% đến 98,4% theo HeruSusanto , 85,4% lên 95.75% theo Jumaeri .
Hình 14. Hàm lượng NaCl của muối kết tinh trên nền ô bạt
3.3. Hiệu quả kinh tế của dự án
Kết quả dự án góp phần phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương, giúp ngành chức năng hoạch định và phát triển ngành muối nói riêng và về kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Tuổi thọ trung bình của bạt 0,5 mm là từ 5-7 năm, sau khi thực hiện sản xuất từ 2-3 năm thì người dân đã thu hồi được vốn. Về hiệu quả sản xuất cho thấy, thu nhập (trừ chi phí cộng công lao động sẳn có) bình quân 1 ha muối sản xuất trên nền đất là 66,772 triệu đồng/ha, thì ở phương pháp sản xuất muối trên nền bạt là 123,314 ttriệu đồng/ha, cao hơn 56,542 triệu đồng/ha (gấp 1,84 lần). Lợi nhuận muối sản xuất trên nền đất đạt 38,154 triệu đồng/ha, muối sản xuất trên nền bạt đạt 94,69 triệu đồng/ha (gấp 2,48 lần so với phương pháp sản xuất muối theo phương pháp truyền thống).
Sản phẩm của dự án là muối sạch, có chất lượng cao giúp làm tăng mức độ cạnh tranh của sản phẩm và sẽ tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án tiếp theo như sản xuất muối sạch chứa khoáng chất; muối sạch chứa iod nhằm đa dạng hoá sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó sẽ nâng cao thêm giá trị gia tăng của sản phẩm muối, tăng thu nhập cho diêm dân, cải thiện chất lượng cuộc sống.
3.4. Hiệu quả xã hội của dự án
Dự án cò y nghĩa về mặt xã hội rất tích cực, góp phần bổ sung cơ sở dữ liệu khoa học về thiết kế, thi công, lắp đặt và vận hành hệ thống các ô kết tinh trải bạt phù hợp với điều kiện sản xuất muối tại tỉnh Cà Mau.
Bổ sung thêm giải pháp kỹ thuật sản xuất muối sạch kết tinh trên nền ô trải bạt với nguồn chi phí hợp lý, dễ đầu tư. Góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho diêm dân.
Tạo điều kiện cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế từ các mô hình, góp phần cải thiện đời sống của diêm hộ. Qua đó thúc đẩy sản xuất, giúp nhà quản lý và diêm dân có sự chọn lựa, chỉ đạo để phát triển nghề sản xuất muối trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Xây dựng hoàn thiện bộ tài liệu kỹ thuật về việc thiết kế, thi công, lắp đặt, vận hành và sản xuất muối trên nền ô bạt HDPE tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của tỉnh Cà Mau.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
4.1. Kết luận
Dự án đã triển khai đúng và đầy đủ nội dung của đề cương thuyết minh được duyệt và hợp đồng đã ký kết; sử dụng nguồn kinh phí đúng nội dung và theo quy định.
Vụ sản xuất muối năm 3023: Tổng sản lượng muối của 40 hộ tham gia dự án là 8.318,695 tấn. Trong đó sản lượng muối thu hoạch trên ô kết tinh có trải bạt HDPE là 2.789,440 tấn; sản lượng muối thu hoạch trên ô kết tinh nền đất là 5.529,256 tấn, thấp hơn so với thuyết minh dự án do thời gian hoàn thành lắp đặt bạt HDPE và thực nghiệm sản xuất bắt đầu từ cuối tháng 3/2023 khi thời vụ muối đã gần hết.
Vụ sản xuất muối năm 3024: Tổng sản lượng muối thu hoạch là 10.440,150 tấn. Trong đó, sản lượng muối thu hoạch trên ô kết tinh có trải bạt HDPE là 6.928,875 tấn, cao hơn thuyết minh dự án là 2.053,875 tấn; sản lượng muối thu hoạch trên ô nền đất là 3.511,275 tấn thấp hơn 1.709,725 tấn so với thuyết minh dự án vì diện tích trải bạt nhiều hơn. Sản lượng muối kết tinh trên ô nền bạt HDPE có thời gian ngắn hơn và sản lượng tăng từ 29,26% đến 33,09% so với việc kết tinh trên ô nền đất trong cùng một điều kiện kết tinh và diện tích sử dụng. Sản phẩm muối đạt chất lượng theoTCVN 9638:2018 - Muối thô.
Hoàn thành bộ tài liệu hướng dẫn quy trình sản xuất muối sạch kết tinh trên nền ô bạt tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
Tổ chức một cuộc hội thảo đánh giá hiệu quả sản xuất muối trên nền ô trải bạt nhằm phổ biến kết quả dự án, khuyến khích diêm dân đầu tư và phát triển ngành muối, có số lượng đại biểu tham dự là 53 đại biểu nhiều hơn 03 đại biểu so thuyết minh.
4.2. Kiến nghị
Các ngành, các cấp cần có chính sách hỗ trợ các hộ diêm dân trong việc đầu tư phát triển, cho vay tín dụng với lãi suất thấp nhằm phát triển ngành nghề truyền thống này, đặc biệt là 15 hộ diêm dân chưa được hỗ trợ tham gia dự án.
Cán bộ địa phương tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn chuyên môn để giúp diêm dân phát triển bền vững. Khi sản lượng muối được gia tăng, các cấp, các ngành cần có chiến lược phát triển, tìm đầu ra cho sản phẩm để tránh hiện tượng được mùa, mất giá, đồng thời tạo điều kiện chủ động để diêm dân yên tâm bám đất, giữ nghề.
Tăng cường đầu tư và hỗ trợ các đề án, dự án liên quan đến phát triển ngành muối. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm từ muối nhằm nâng cao giá trị, góp phần gia tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, cần ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất như áp dụng cơ giới để giảm sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng muối và cải thiện cuộc sống của bà con diêm dân.
Ths. Lê Tố Trâm - Trung tâm Phân tích, Kiểm nghiệm Cà Mau
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 491/BC-NN ngày 17/6/2024 của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đầm Dơi về chỉ đạo sản xuất muối niên vụ tháng 4/2022.
2. Đề án số 01/ĐA-SKHCN ngày 30/6/2021 của Sở Khoa học và Công nghệ về hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
3. Journal of Physics: Conf. Series, 983, 2018, 1-6
4. Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 8/3/2021 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau về phát triển ngành muối tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030.
5. Mai Văn Nam và ctv, 2016. Phân tích hiệu quả tài chính sản xuất muối của diêm dân ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ 44d: 112-117.
6. Procedia Environmental Sciences, 23, 2015, 175-178
7. Quách Quang Trung, 2021. Nhãn hiệu chứng nhận “Muối trắng Tân Thuận - Đầm Dơi”, Ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi.
8. Quyết định 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030.
9. Vũ Văn Phát, 2010. Giáo trình môn học kiến thức chung về sản xuất muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
11. World mining data, 2022.
12. Phát triển ngành muối phải theo tín hiệu thị trường (congthuong.vn)
13. Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư (mpi.gov.vn)
14. https://www.britannica.com/science/salt
15.https://manoa.hawaii.edu/exploringourfluidearth/chemical/chemistry-and-seawater/salty-sea/weird-science-salt-essential-life
16. https://sciencestruck.com/salt-crystallization