Kết quả thực hiện dự án “Nuôi thử nghiệm cá đối mục (Mugil cephalus) kết hợp với tôm sú (Penaeus monodon) trong ao đất, tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau”

       I. ĐẶT VẤN ĐỀ

       Đầm Dơi có chiều dài bờ biển trên 25 km với các cửa sông lớn thông ra biển, với diện tích nuôi trồng thủy sản 62.059 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 2.400 ha; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 42.000 ha; diện tích nuôi tôm - rừng 5.166 ha còn lại diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống.

       Hiện nay, mô hình nuôi cá đối mục (Mugil cephalus) kết hợp với tôm sú phát triển ở một số tỉnh miền Trung như: Quảng Ninh, Phú Yên, Sóc Trăng, Bạc Liêu đạt hiệu quả khá cao. Cá đối mục có nhiều ưu điểm: là loài rộng muối, thức ăn thiên về tảo và mùn bã hữu cơ nên có thể nuôi ghép với tôm sú. Cá đối mục có tốc độ sinh trưởng tương đối nhanh, sau hơn 10 tháng nuôi cá đạt khối lượng 400 - 500g/con, năng suất trung bình từ 6-7 tấn/ha, tôm sú từ 600-800kg/ha. Từ những hiệu quả kinh tế trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi được giao chủ trì thực hiện dự án “Nuôi thử nghiệm cá đối mục (Mugil cephalus) kết hợp với tôm sú (Penaeus monodon) trong ao đất, tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau” nhằm cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi tại địa phương để nâng cao năng suất và hiệu quả. Đồng thời, góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng sử dụng đất từ các ao nuôi tôm thâm canh đang bỏ trống để nâng cao thu nhập cho nông hộ.

       II. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

       Dự án được triển khai trong thời gian 12 tháng tại ấp Tân Đức, xã Tân Đức; ấp Tân Lợi, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, với 02 hộ nuôi, diện tích 01 ha. Các bước được triển khai thực hiện cụ thể như sau:

       - Ký hợp đồng với các hộ thực hiện dự án thông qua chính quyền địa phương.

       - Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ thực hiện dự án.

       - Kiểm tra, hướng dẫn thiết kế ao nuôi.

       - Cung cấp các nguyên vật liệu, vật tư cần thiết cho hộ dân thực hiện dự án

       - Kiểm tra, theo dõi quá trình thực hiện dự án và sự phát triển của cá, tôm nuôi.

       - Theo dõi các yếu tố môi trường.

       - Theo dõi tỷ lệ sống và sản lượng thu hoạch của cá đối mục và tôm sú.

       III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

       3.1 Xây dựng ao nuôi

       - Tận dụng ao nuôi tôm thâm canh không hiệu quả để nuôi để nuôi cá đối mục kết hợp với tôm sú.

       - Ao hình chữ nhật, với diện tích 2.000-2.500 m2, có bờ bao chắc chắn không bị rò rỉ. Độ sâu của ao từ 1,2 m trở lên.

       - Hệ số mái bờ (độ nghiêng bờ) theo tỷ lệ 1:1,5 hoặc 1:2.

       - Độ sâu từ mặt bờ đến đáy ao 1,8 - 2m, chiều rộng mặt bờ 4 - 6 m.

       - Khi ao đã làm xong, ta tiến hành bón vôi CaCO3 1 tấn/ha.

       - Cấp nước qua túi lọc bằng vải Kate.

 

           

 

 

Hình 3.2 Bón vôi, cấp nước ao nuôi

       3.2. Quy trình xử lý nước

       - Sau khi lấy nước 3 ngày, tiến hành diệt tạp bằng saponin, liều lượng 15 kg/1.000 m3 nước.

       - 3 ngày sau gây màu nước: Mật đường + cám gạo + bột đậu nành (tỷ lệ 3:1:3) ủ trong 12 giờ, liều lượng 2 - 3kg/1.000m3 nước, hòa tan tạt đều cho 1.000m3 nước vào buổi sáng, có nắng, tạt liên tục 3 ngày khi thấy màu nước xanh vỏ đậu.

       - 2 ngày sau cấy men vi sinh (EM.S).

       - Kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp, tiến hành thả giống.

       3.3. Hệ thống cung cấp oxy

       Thiết kế hệ thống cung cấp oxy: Cung cấp oxy, giải phóng khí độc, trong quá trình nuôi, đồng thời tạo dòng chảy và gom mùn bã hữu cơ, vật chất lơ lững gom tụ vào giữa ao để xi phông ra ngoài, xử lý chế phẩm sinh học, kích thích cá, tôm hoạt động và bắt mồi và tránh phân tầng nước. Số lượng cánh quạt trong ao nuôi: 8-10 cánh/ao.

       3.4. Chọn giống và thả giống

       3.4.1 Chọn giống tôm sú

       - Tôm sú thả nuôi được mua trong tỉnh từ các trại có uy tín.

       - Phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc con giống của các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền cấp.

       - Nhìn cảm quan tôm phải đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, đạt kích cỡ 1,2 - 1,5cm.

       - Chọn giống phải đảm bảo theo quy chuẩn TCVN 8398:2012 tôm biển - tôm sú giống PL 15, đồng thời xét nghiệm bằng PCR.

       - Mật độ: 2 con/m2.

       3.4.2. Chọn giống cá đối mục

       - Chọn cơ sở có uy tín; đối với giống cá đối mục khỏe mạnh, khi bơi cơ thể thẳng, phản ứng nhanh với các tác động bên ngoài, khi tạo dòng chảy thì bơi ngược dòng, nếu cá yếu thì khi tạo dòng chảy cá bị quấn vào giữa.

       - Mật độ: 3 con/m2.

       - Kích cỡ giống: 6 cm.

       Lưu ý: Thả tôm sú trước 15 ngày mới thả cá đối mục

 

 

Hình 3.3 Thả giống cá đối mục

       3.5. Quản lý thức ăn

       - Giai đoạn mới thả từ 10-15 ngày đầu cho cá ăn thức ăn số 0 (thức ăn cá kèo), sau đó cho ăn thức ăn công nghiệp có độ đạm 40%, cỡ viên thức ăn 2,3 - 3,3 mm, cho ăn 5% trọng lượng thân.

       - Giai đoạn cá 100 - 300g, cho cá ăn thức ăn công nghiệp với độ đạm 30%, cỡ viên thức ăn 3,3 - 4,3mm, cho ăn 3% trọng lượng thân.

       - Giai đoạn từ 300 đến thu hoạch, cho cá ăn thức ăn công nghiệp, độ đạm 20%, cỡ viên thức ăn 4,3 - 5,3mm, cho ăn 2% trọng lượng thân.

 

 

Hình 3.4 Cho cá ăn

       3.6. Quản lý các yếu tố môi trường

TT

Chỉ tiêu

Khoảng thích hợp

Dụng cụ kiểm tra

1

Độ mặn (‰)

15 - 30

Khúc xạ kế

2

Nhiệt độ (oC)

25 - 32

Máy đo pH (AD 11  pH meter)

3

pH

7,5 - 8,5

Máy đo pH (AD 11  pH meter)

       * Quản lý nhiệt độ và độ mặn

       - Độ mặn và nhiệt thích hợp (10-20‰, 25-32oC), khi độ mặn và nhiệt độ tăng(> 30‰, 32℃), rơi vào những tháng cuối vụ nuôi, ảnh hưởng đến sự phát triển  của cá, tôm. Thì tiến hành một số giải pháp sau:

       + Cấp nước từ vuông nuôi tôm quảng canh có độ mặn dưới 30‰ vào ao lắng, xử lý nước, cấp vào ao nuôi.

       + Trữ nước có độ mặn thấp từ ao lắng để cấp vào ao nuôi, nhằm để giảm độ mặn.

       + Nâng mực nước trong ao nuôi để ổn định nhiệt độ.

       + Tùy theo điều kiện thực tế mà ta tiến hành thay nước, định kỳ 1 tháng thay nước một lần để kích thích sự phát triển của cá, tôm, mỗi lần thay khoảng 30% lượng nước trong ao.

       * Quản lý độ pH:

       pH thích hợp để cá, tôm phát triển tốt 7,5 - 8,5. Khi pH dao động trong ngày lớn hơn 0,5 thì tiến hành xử lý vôi Dolomite với lượng 7 - 10 kg/1000 m3 hòa với nước tạt đều khắp mặt ao.Khi pH > 8,5 (thường gặp ở ao có tảo phát triển mạnh, những ngày nắng nhiều…) thì tiến hành thay một 20 - 30% nước trong ao, sử dụng men vi sinh xuống ao với liều lượng 5 lít/1000m3. Sau đó bón vôi Dolomite để tăng cường hệ đệm, ổn định pH cho ao nuôi. Khi pH < 7 (thường gặp sau cơn mưa lớn hoặc khi tảo tàn) thìtiến hành bón vôi bột CaCO3 liều lượng 5 - 7 kg/1000 m3. Sử dụng 2 - 3 ngày đến khi pH ổn định ở mức thích hợp. Định kỳ 30 ngày bón Dolomite 1 lần để tăng hệ đệm duy trì pH ở mức độ thích hợp nhất với liều lượng 5 - 7 kg/1000 m3.

       Lưu ý: Trước khi trời mưa bón vôi trên bờ ao

       3.7. Phòng bệnh và biện pháp trị bệnh tổng hợp

       Phòng bệnh là áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao sức đề kháng của cá, tôm nuôi, tránh đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào hệ thống ao nuôi hoặc ngăn ngừa mầm bệnh phát triển và lây lan như: định kỳ thay nước, khống chế pH, độ mặn, khí độc,… của ao nuôi, việc phòng trị bệnh tổng hợp cho cá, tôm trong ao gồm các biện pháp sau:

       - Cải tạo ao đầm nuôi tốt.

       - Cá, tôm giống có chất lượng, mật độ nuôi vừa phải và thả giống đúng kỹ thuật.

       - Cho cá, tôm ăn đầy đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, tăng sức đề kháng của cá nuôi bằng cách bổ sung qua con đường thức ăn hoặc đánh trực tiếp xuống ao nuôi như: khoáng chất, vitamin, men vi sinh có lợi.

       - Theo dõi thường xuyên và quản lý môi trường ao nuôi tốt.

       3.8. Thu hoạch

       3.8.1. Tôm sú:

       Khi tôm được 6 tháng tuổi ta tiến hành thu hoạch, do tôm sú sống đáy, nên ta dùng lú bát quái bắt.

       3.8.2. Cá đối mục

       - Phương pháp thu tỉa: Sử dụng lưới có kích thước mắt lưới đủ để bắt những con có kích cỡ bằng hoặc lớn hơn cỡ cá cần thu hoạch. Nên đánh bắt vào lúc trời mát, tránh gây ảnh hưởng cho cá còn lại trong ao. Sau đó phải kiểm tra xác định lượng cá còn lại trong ao để giảm lượng cho ăn hàng ngày phù hợp.

       - Thu toàn bộ: khi cá đối mục đạt cỡ thu hoạch tương đối đồng đều thì có thể thu hoạch toàn bộ.

Hình 3.5 Thu hoạch cá đối mục

       3.9. Hiệu quả kinh tế

       Dự án nuôi thử nghiệm cá đối mục (Mugil cephalus) kết hợp với tôm sú (Penaeus monodon) trong ao đất tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau tạo ra được nguồn nguyên liệu thương phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại, kết quả của dự án còn là mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang tính bền vững, góp phần phát triển đa dạng mô hình nuôi cá nước lợ, có thể tạo ra một nghề nuôi mới có giá trị kinh tế cao tại huyện Đầm Dơi. Mô hình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham quan học tập kinh nghiệm; từng bước tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất độc canh; giúp tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai, nâng cao sản lượng và thu nhập; tạo thêm công ăn việc làm cho người dân lao động của địa phương.

       Chi phí, doanh thu và lợi nhuận của mô hình nuôi cá đối mục kết hợp với tôm sú tại huyện Đầm Dơi

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá
(đồng)

Thành tiền
(đồng)

I

Chi phí

 

 

 

374.750.000

1

Con giống cá đối mục

Con

30.000

6.000

180.000.000

2

Giống tôm sú

Con

20.000

60

1.200.000

3

Thức ăn

Kg

8.700

17.000

143.550.000

4

Hóa chất

 

 

 

10.000.000

5

Chế phẩm sinh học

 

 

 

15.000.000

6

Thuốc phòng bệnh

 

 

 

5.000.000

7

Chi phí khấu hao, sửa chữa

 

 

 

20.000.000

II

Doanh thu

 

 

 

480.700.000

1

Cá thương phẩm

Kg

6.020

55.000

331.100.000

2

Tôm sú

Kg

680

220.000

149.600.000

III

Lãi (Doanh thu-chi phí)

 

 

 

105.950.000

       Sự thành công của dự án một lần nữa đã chứng minh sự thích nghi tốt của cá đối mục kết hợp với tôm sú tại địa phương; đồng thời đây chính là một đối tượng nuôi tiềm năng cho những chương trình “đa dạng hóa giống loài nuôi” và cải thiện thu nhập cho nông dân.

       Với quy trình nuôi bình thường năng suất trung bình 6-7 tấn/ha/vụ (cá đối mục); tôm sú 500-800 kg/ha người dân đã có thể thu lời trên 100 triệu đồng/ha/vụ.

Lê Thanh Đăng - Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi