“Kinh tế xanh” trên đất mặn.

       Gần 20 năm sau chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, nông dân Phú Tân đã nhận thấy vai trò tích cực của vườn cây trái, hoa màu, con cá đồng, thảm thực vật xanh trên đất mặn... Đó là đảm bảo môi trường sống, cung cấp thực phẩm phong phú để cùng với con tôm góp phần đa dạng hoá nguồn thu.

       Từ đó, khẳng định một điều là trong sản xuất và đời sống không thể thiếu những mảng xanh trên đất mặn. Cho dù nuôi tôm có thu nhập cao đi nữa nhưng vẫn khó đảm bảo bền vững nếu môi trường cằn cỗi. Chính vì vậy, sau thời gian ồ ạt phá vườn, bỏ lúa để nuôi tôm, nay người dân đang dần khôi phục lại vườn cây, ao cá, cây lúa trên đất nuôi tôm...

       Khôi phục hệ sinh thái ngọt

       Cảm giác nóng bức, ngột ngạt của cái nắng gay gắt giữa trưa những ngày cuối tháng 2 nhanh chóng xua tan đi khi bước vào khuôn viên gia đình anh Trần Văn Giám, ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân. Khung cảnh thơ mộng, mát mẻ hiện ra trước mắt mà anh nông dân này tạo dựng nên là bức tranh đa sắc màu của cây cảnh làm nền cho ngôi nhà tường nổi bật, khang trang. Đó là sự sum suê của cây trái, đâu đó tiếng líu lo của chim chóc, âm thanh quẫy đuôi đớp mồi của đàn cá dưới ao...

       Đất rộng hơn 10 ha nhưng anh Giám vẫn chọn bước đi kỹ lưỡng là nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp cua, cá... theo phương thức đa con, mỗi con nước thu nhập vài triệu đồng là chuyện bình thường.

       Với ý định tìm lại khung cảnh làng quê nước ngọt ngày nào, mấy năm nay, vợ chồng anh Giám cải tạo lại khu vườn để trồng cây ăn trái, hoa màu và nuôi cá nước ngọt. Nổi bật là khôi phục lại vườn dừa trên đất mặn. Trên dưới 30 cây dừa trồng được hơn 3 năm đang cho trái đều đặn. Phía sau nhà là ao cá khá rộng, với cá tra, tai tượng, cá rô, cá trê, lóc... Theo anh Giám, mấy năm nay gia đình chủ yếu sử dụng nguồn thực phẩm tự sản xuất, đảm bảo chất lượng, giảm chi phí tiêu dùng.

Anh Trần Văn Giám, ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ khôi phục vườn dừa trên đất mặn

       Đa dạng hoá cây, con

       Nhằm đa dạng hoá các mô hình sản xuất, hiện nay nhiều hộ dân trong huyện Phú Tân nuôi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Một số loại được chú trọng hiện nay là cá bống tượng, lươn, ba ba, rắn ri tượng, sò huyết... Các loại này khá phù hợp với điều kiện của địa phương.

       Ông Trần Văn Nhàn, ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, nuôi ba ba cả trong bể xi măng và ao đất. Ông Nhàn cho biết, ba ba tương đối dễ nuôi, ít bệnh, ít tốn chi phí, chủ yếu là sử dụng nguồn thức ăn từ cá trong vuông nuôi tôm hoặc các loại cá nhỏ đánh bắt trên sông. Phần lớn người nuôi ba ba chỉ tốn chi phí con giống ban đầu, ba ba có thể sinh sản để phát triển thêm hoặc bán giống. Bình quân 1 năm ba ba có thể đạt trọng lượng hơn 1 kg, giá hiện nay tương đối ổn định ở mức trên 300 ngàn đồng/kg. Tuy thời gian nuôi khá dài, song, nếu mỗi hộ nuôi khoảng 500 con ba ba thì hàng năm có thể thu nhập từ 30-50 triệu đồng (kể cả bán ba ba thịt và con giống). Cùng với con tôm, cua, đây là nguồn thu tăng thêm đáng kể cho nông dân.

       Chuyển biến tích cực nhất là trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều mảng xanh đang dần xuất hiện trên đất mặn thay thế cho sự cằn cỗi, khô mặn. Nông dân đa dạng hoá sản xuất để có cuộc sống kinh tế ổn định, đảm bảo môi trường sống trong lành, bền vững hơn. Trong 5 năm, huyện có hơn 27 ngàn nông dân sản xuất giỏi.

       Đây là hướng đi không mới nhưng luôn có giá trị trong mọi thời điểm. Dù có đẩy mạnh chất lượng sản xuất mũi nhọn như nuôi tôm công nghiệp hay siêu thâm canh… thì nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp phát triển vườn cây ăn trái, hoa màu, nuôi cá... là yếu tố vững bền./.

Quốc Hiệp