Mô hình nhân rộng nuôi cua (Scylla paramamosain) bán thâm canh nâng cao giá trị, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Năm Căn.

       Năm Căn là huyện thuộc vùng rừng ngập mặn ven biển, với 2 mặt giáp biển, chiếm 13,7% chiều dài bờ biển tỉnh Cà Mau; bờ biển Đông dài 15,8 km, có Cửa Bồ Đề là luồng ra vào cảng Năm Căn, tạo điều kiện khai thác phát triển vận tải biển; bờ biển Tây dài 19 km, là vùng bồi lấn, cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng lớn, nơi sinh sản của các loài thủy sản, tạo ra nhiều nguồn lợi thủy sản; toàn huyện có 25.696 ha nuôi trồng thủy sản (là vùng trọng điểm của tỉnh về nuôi trồng thủy hải sản); có trên 17.000 ha rừng tập trung, là một phần của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

       Với lợi thế vùng ngập mặn quanh năm, huyện có nhiều mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả, bền vững đã và đang được nhân rộng như: Nuôi tôm QCCT 02, 03 giai đoạn, nuôi tôm kết hợp (cua, sò huyết, cá,…),... ; trong đó, các hình thức nuôi cua đang phát triển mạnh. 

       Năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh trên cua, thời tiết, môi trường biến đổi đã ảnh hưởng đến cua nuôi, sản lượng cua bị sụt giảm, ảnh hưởng đến thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhằm tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cua, tạo điều kiện giúp bà con nông dân trên đia bàn huyện Năm Căn từng bước ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất có hiệu quả cao, góp phần đa dạng hoá các loại hình nuôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn phối hợp với Hội Nông dân huyện đã xây dựng Dự án nhân rộng mô hình nuôi cua (Scylla paramamosain) bán thâm canh trong ao đất tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn. 

       Ao nuôi có diện tích 1,5ha, được cải tạo, sên vét với độ sâu 1-1,2m; bờ bao chắc chắn không bị rò rĩ, độ cao bờ bao phải cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 0.3 – 0.5 m, có cống hoặc bộng để cấp và thoát nước.

 Hình 1 : Chuẩn bị ao nuôi-Ảnh Tg

       Ao nuôi phải có những giá thể cho cua trú ẩn, như: Ngói, tol, ống nhựa hoặc cành cây khô bó từng bó bố trí đều khắp ao theo từng hàng, với tỷ lệ giá thể bố trí 50-60% diện tích mặt nước.
Cua được nuôi 03 giai đoạn, cụ thể như sau:

       - Giai đoạn cua dưa đến cua có trọng lượng dưới 10 gram/con: Cua được thả vào ao khu vực có bao, ví bằng lưới mành, với diện tích 100 m2, nhằm quản lý tốt hơn, tăng tỷ lệ sống. Thức ăn chủ yếu là con ruốc và thức ăn chế biến trộn với men đường ruột, rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau, cho ăn 02 lần/ngày, vào lúc sáng sớm và chiều tối. Sau 2-3 giờ cho ăn, kiểm tra lại lương thức ăn (kiểm tra nhá), nếu cua ăn hết thức ăn trong nhá có thể tăng lượng thức ăn, nếu thức ăn vẫn còn thì giảm lượng thức ăn. 

Hình 2 : Thả cua giống - Ảnh Tg

       - Giai đoạn cua có trọng lượng từ 10 gram/con: Sau thời gian khoảng 30 ngày cua đạt trọng lượng 10gram/con trở lên, được thả ra ao nuôi có diện tích 0,2 – 0,3 ha. Thức ăn chủ yếu là cá tươi, các loài giáp xác, nhuyễn thể trộn với men đường ruột, rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau, cho ăn 02 lần/ngày với liều lượng từ 6-8% trọng lượng thân. Sau 2-3 giờ cho ăn, kiểm tra lại lương thức ăn (kiểm tra nhá), nếu cua ăn hết thức ăn trong nhá có thể tăng lượng thức ăn, nếu thức ăn vẫn còn thì giảm lượng thức ăn. 

       - Giai đoạn cua có trọng lượng từ 100 gram/con: Sau thời gian khoảng 45 ngày, cua đạt trọng lượng từ 100gram trở lên, được thả ra ao nuôi có diện tích 1,5 ha. Thức ăn chủ yếu là cá tươi, các loài giáp xác, nhuyễn thể, được trộn với men đường ruột, rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau, cho ăn 02 lần/ngày với liều lượng từ 6-8% trọng lượng thân. Sau 2-3 giờ cho ăn, kiểm tra lại lương thức ăn (kiểm tra nhá), nếu cua ăn hết thức ăn trong nhá có thể tăng lượng thức ăn, nếu thức ăn vẫn còn thì giảm lượng thức ăn. 

       Định kỳ 7-10 ngày  thay đổi nước một lần để kích thích cho cua lột xác, có thể thay mới cho ao nuôi từ 30-50%; định kỳ 10-15 ngày kiểm tra các yếu tố môi trường, bón men vi sinh; khoáng và vôi, ổn định môi trường nuôi giúp cua phát triển tốt. Sau thời gian nuôi khoảng 120 ngày, cua trọng lượng từ 200 gram đến 250 gram, cua chắc, đủ thịt tiến hành thu hoạch bằng phương pháp thu tỉa. 

       Dự án đã được triển khai thực hiện trên 6 ha/04 hộ tại xã Lâm Hải, với số lượng cua giống được thả là 90.000 con. Kết quả, 04 hộ nuôi thực nghiệm thì đều thu được lợi nhuận, với lợi nhuận dự kiến trên 200 triệu đồng.

Hình: Thu hoạch cua - Ảnh TG

       Quá trình quản lý, chăm sóc ao nuôi gặp không ít những khó khăn, trở ngại do dịch bệnh gây chết cua trên diện rộng nên đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nguyên liệu cua giống, làm giảm tỷ lệ sống và sản lượng cua nuôi. Song song đó, sự tác động thay đổi thất thường của thời tiết cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chăm sóc và tăng trưởng cua nuôi; tuy nhiên, với kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ áp dụng, quy mô đầu tư nhỏ, phù hợp với điều kiện sản xuất giúp cải thiện được môi trường nước ao nuôi, hạn chế dịch bệnh nên phù hợp khả năng tiếp nhận kỹ thuật và vốn đầu tư của đa số người dân.

       Kết quả dự án đã góp phần tạo ra sự đa dạng về loại hình nuôi, cải thiện được môi trường nuôi, giảm tác động xấu của nghề nuôi đối với môi trường xung quanh, mang lại sản phẩm hàng hoá tốt, phong phú, nhằm chủ động phục vụ đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, phát triển nghề nuôi một cách hiệu quả và bền vững. Góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương một cách thiết thực và hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đồng thời, đóng góp tích cực vào tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới./.

Võ Quốc Cấm; Trần Hữu Lam