Một số biện pháp hỗ trợ dạy học hiệu quả cho các môn học tích hợp trong khối ngành kinh tế tại trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau.

       1. Đặt vấn đề

       Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau từ khi chuyển đào tạo các ngành từ hình thức hàn lâm sang hình thức đào tạo nghề đã gặp không ít khó khăn và thách thức. Đặc biệt trong việc giảng dạy các môn học tích hợp (hay còn gọi các Mô đun), trường hợp chúng tôi quan tâm trong bài viết này là các môn học tích hợp trong khối ngành kinh tế được đào tạo tại trường, giảng viên chưa có cách hiểu thống nhất cũng như đang loay hoay để tìm ra biện pháp dạy học hiệu quả cho các môn học tích hợp được phân công. Để giúp cho việc giảng dạy các môn học tích hợp trong các ngành kinh tế của trường đạt hiệu quả tốt hơn, trong khuôn khổ của bài viết này, tôi xin trình bày cách hiểu về phương pháp dạy tích hợp đơn giản nhất, cũng như cung cấp một số biện pháp sẽ hỗ trợ tốt hơn trong quá trình dạy học đối với các môn học tích hợp.

       2. Nội dung

       2.1. Khái niệm về dạy học tích hợp

       Theo Xavier Roegiers: Sư phạm tích hợp là một quan niệm về quá trình học tập, trong đó toàn bộ quá trình học tập góp phần hình thành ở học sinh những năng lực cụ thể có dự tính trước những điều kiện cần thiết cho học sinh, nhằm phục vụ cho các quá trình học tập sau này hoặc hòa nhập học sinh vào cuộc sống lao động.

       UNESCO thì định nghĩa: Là một cách trình bày các khái niệm và các nguyên lý khoa học, tránh nhấn quá mạnh hoặc quá sớm sự sai khác giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau.

       Ngoài ra cũng có quan điểm, việc dạy - học tích hợp chú trọng đến hình thành lượng kiến thức, năng lực nhất định cho người học, học lý thuyết và thực hành diễn ra đồng thời để giúp người học nắm bắt và áp dụng vào thực tiễn.

       Như vậy, chúng ta có thể hiểu đơn giản dạy học tích hợp là dạy lí thuyết kết hợp với dạy thực hành, lí thuyết chuyên môn cần đến đâu cung cấp đến đó, thực hành được tiến hành ngay, dạy lý thuyết và thực hành trong cùng một không gian cùng thời gian.

       2.2. Thực trạng việc dạy - học tích hợp hiện nay tại trường

       Hiện nay, các thầy cô giảng dạy kinh tế tại trường gặp không ít khó khăn ở các môn học tích hợp trong chương trình đào tạo, nguyên nhân đầu tiên vì trường chuyển đổi cơ quan chủ quản sang đào tạo nghề, phải chuyển sang giảng dạy cầm tay chỉ việc để sinh viên có thể làm được các công việc của ngành kế toán và ngành quản trị kinh doanh trên ghế nhà trường, nguyên nhân thứ hai, đa số giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm để đào tạo nghề, mặc dù có học tập và thay đổi phương pháp trong quá trình giảng dạy nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, vẫn chủ yếu dạy các môn học tích hợp theo các phương pháp truyền thống trước đây, vẫn dạy lý thuyết là chủ yếu và ít thực hành và thao tác ở các môn học tích hợp, nguyên nhân thứ ba, quý thầy cô tại trường cũng chưa được tham quan học hỏi nhiều các mô hình giảng dạy thực tế từ các trường lớn có kinh nghiệm trong đào tạo các ngành kinh tế.

       Bên cạnh đó, chương trình đào tạo hiện nay tại trường chủ yếu trên nền tảng chuyển từ chương trình cũ sang chương trình đào tạo mới và chưa có điều bổ sung cho kịp nhu cầu cầu thực tế nên vẫn mang tính rạp khuôn và phải bám sát khung chương trình đào tạo mà cơ quan chủ quản ban hành. Chương trình đào tạo các ngành kinh tế hiện nay tại trường thì số môn học tích hợp được phân bổ như sau: Ngành đào tạo cao đẳng Kế toán hiện nay có 7 môn học tích hợp, ngành cao đẳng Kế toán doanh nghiệp có 9 môn học tích hợp, ngành cao đẳng Quản trị kinh doanh có 3 môn học tích hợp… [1], các môn học còn lại thực tế cũng được giảng dạy theo hình thức tích hợp thì người học mới có thể hiểu được lý thuyết và làm được công việc ngay tại lớp và đạt được mục tiêu chương trình đào tạo đề ra.

       Ngoài ra, quá trình học tập của các bạn sinh viên cũng gặp không ít những khó khăn, sinh viên chưa thật sự bắt nhịp với cách học trong đào tạo nghề, vẫn học tập theo cách học từ phổ thông và cách dạy học từ trước đó đang áp dụng trong đào tạo các ngành học tại trường.

Sinh viên ngành kinh tế trong giờ học tích hợp môn Quản trị văn phòng; Ảnh TG

       2.3. Một số biện pháp hỗ trợ giảng dạy các môn học tích hợp trong nhà trường

       Một số biện pháp quý thầy cô kinh tế giảng dạy các môn học tích hợp trong đào tạo các nghề kinh tế tại nhà trường nên lưu ý:

       - Áp dụng các phương pháp dạy học định hướng vào tính tích cực của người học như: dạy học nêu và giải quyết vấn đề, dạy học bằng tình huống điển hình, dạy học bằng dự án và học tập theo nhóm mà ở nhiều các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra. Ví dụ dẫn sinh viên đến các doanh nghiệp thực tế trên địa bàn tỉnh và cho sinh viên giải quyết các vấn đề phát sinh tại nơi đó.

       - Cấu trúc bài giảng cần có sự linh hoạt và hài hòa, xen kẽ với các tình huống nhận thức mới là các tình huống củng cố, vận dụng để nâng cao sự chú ý tích cực và hình thành năng lực thực hiện cho sinh viên, học phần lý thuyết đó hiểu và phải thao tác được. Bài giảng cần có sự tương tác qua lại giữa giảng viên và sinh viên, khuyến khích sự tương tác và óc sáng tạo của các em, không gò bó trong khuôn khổ qui định sẵn.

       - Thiết kế nội dung bài giảng tích hợp theo mẫu đã được Bộ Lao động thương binh và xã hội, chứ không biên soạn theo cách hàn lâm, có sự tương tác tích cực giữa giảng viên và sinh viên, dạy lý thuyết đến đâu tương tác cho sinh viên thực hành, thao tác ngay tại thời điểm đó, đánh giá và nhận xét, đưa ra những góp ý giúp sinh viên thao tác tốt hơn.

       - Trong một số nội dung môn học tích hợp có thể mời các giảng viên có chuyên môn sâu hơn về nội dung đó có thể tham gia để hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên, các bạn sinh viên sẽ thấy được sự quan tâm của nhà trường đến với mình sẽ có tinh thần học tập tốt hơn.

       - Nên tập trung dạy những lý thuyết và thao tác mà thực tế doanh nghiệp đang diễn ra giúp sinh viên tiếp cập trước khi các em ra trường xin việc làm là cần thiết, cần nhấn mạnh những nội dung trọng tâm và cần so sánh mức độ tương thích giữa lý thuyết và thực thế doanh nghiệp.

       - Một số môn học có sự tương tác thực tế tại doanh nghiệp thì giảng viên nên mạnh dạng đề xuất với nhà trường và lập kế hoạch cho các em sinh viên kiến tập thực tế tại doanh nghiệp, khuyến khích sinh viên tương tác và đặt các câu hỏi cho các doanh nghiệp về những thắc mắc của các em ngoài những vấn đề đã được trao đổi tại nhà trường.

       - Ngoài ra, nhà trường và các các giảng viên giảng dạy các môn học tích hợp chủ chốt của ngành không chỉ riêng khối ngành kinh tế có thể xây dựng các mô hình doanh nghiệp tại nhà trường, các phương tiện tại nhà trường để sinh viên có thể thực hiện các thao tác tại trường, để nhà trường cũng có thể đánh giá sẩn phẩm do mình đào tạo ra.

       3. Kết luận

       Ở bài viết này chúng tôi đã trình bày những cách hiểu tích cực về dạy học các môn học tích hợp và gợi ý một số biện pháp giúp giảng viên có thể giảng dạy hiệu quả hơn trong các môn học tích hợp trong khối ngành kinh tế. Trong quá trình áp dụng dụng các biện pháp đề xuất sẽ có những điều chúng ta thực hiện tốt hoặc chưa phù hợp cần đầu tư thời gian khắc phục và chia sẻ kinh nghiệm để giúp việc đào tạo của nhà trường ngày càng tốt hơn.

Phạm Văn Tráng, Phạm Thị Huyền - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau