1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh Cà Mau phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở các lĩnh vực như: chế biến thủy hải sản xuất khẩu, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp…Hiện tại, nhận thức về Sở hữu trí tuệ ở một số doanh nghiệp trong tỉnh Cà Mau đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, số lượng doanh nghiệp đăng ký bảo hộ về Sở hữu trí tuệ không ngừng tăng lên, một số doanh nghiệp không chỉ đăng ký bảo hộ trong nước mà còn bảo hộ ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản. Từ đó cho thấy, Sở hữu trí tuệ là điều kiện cần thiết và là một trong những yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, để giữ vững thương hiệu trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay là rất khó khăn vì tình trạng gian lận thương mại ngày càng tăng; hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều với những thủ đoạn rất tinh vi nên phần nào đã làm suy giảm uy tín, thương hiệu của các loại đặc sản. Thực tế cho thấy, một số sản phẩm đặc sản của địa phương đã từng nổi tiếng trên thị trường, do không được quan tâm đúng mức, không đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu đã trở nên mai một, mất uy tín và không còn đủ sức cạnh tranh. Việt Nam chúng ta đã gia nhập AFTA, WTO, CPTPP,... nên việc bảo hộ nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng hiện nay là việc làm hết sức cần thiết.
Khảo sát và đánh giá đặc trưng sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”- Ảnh Tg
Với mục tiêu bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm cá khoai thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, để thương hiệu cá khoai phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với Hội Thủy sản huyện Phú Tân triển khai dự án: Xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”, thời gian thực hiện dự án từ 12/2015 – 12/2017. Đây là việc làm không chỉ để bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm được chế biến từ cá khoai, mà việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này còn tạo điều kiện để người dân thị trấn Cái Đôi Vàm khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu của địa phương, giá trị của sản phẩm được tăng lên, nâng cao đời sống của người dân và bảo tồn những giá trị truyền thống, tạo dựng được một thương hiệu đặc trưng của tỉnh Cà Mau.
2. Một số kết quả đạt được:
2.1. Xác định Chủ sở hữu và khu vực địa lý có liên quan đến nhãn hiệu tập thể (NHTT)
Theo ý kiến của Chủ tịch UBND huyện Phú Tân tại Công văn số 1701/UBND ngày 13/11/2015, Hội Thủy sản huyện Phú Tân là Chủ sở hữu NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”.
Khu vực địa lý được xác định để đăng ký bảo hộ NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” là toàn bộ khu vực địa lý hành chính của thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân.
2.2. Khảo sát và đánh giá đặc trưng của sản phẩm gắn NHTT
Điều tra, khảo sát về đối tượng là cơ sở chế biến, kinh doanh 27 phiếu ≈ 18%, người tiêu dùng 74 phiếu ≈ 49%, người làm công 49 phiếu ≈ 33%.
Qua kết quả điều tra, khảo sát 03 đối tượng có liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm Cá Khoai Cái Đôi Vàm cho thấy:
Người dân làm thuê liên quan đến cá khoai thường có thu nhập không cao và không ổn định, trung bình mỗi người thu nhập 121.000 đồng/ngày, mỗi người làm được 2,88 tháng/mùa vụ cá khoai, mỗi ngày làm 6,2 giờ. Ngoài ra, nếu hết mùa cá khoai thì người dân làm thêm một số công việc khác và thu nhập trung bình mỗi tháng là 3,04 triệu/tháng. Nếu so sánh về thu nhâp giữa nghề làm thuê từ cá khoai với một số ngành nghề khác thì nghề làm thuê từ cá khoai có thu nhập cao hơn. Thâm niên nghề làm thuê cá khoai của người dân Cái Đôi Vàm khá dài, là 6,15 năm/người.
Chất lượng khô cá khoai được sản xuất tại các cơ sở là tương đối đồng đều, do quy trình gần giống nhau và sản xuất trong cùng một điều kiện nhất định như thời tiết, khí hậu, điều kiện chế biến,v.v. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất cá khô khoai chưa quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ là chủ yếu hoặc bán qua trung gian, chưa có hệ thống phân phối, chưa có dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng trong phạm vi cả nước.
Người tiêu dùng trong tỉnh Cà Mau rất ưa chuộng cá khoai (cá khô và cá tươi), có thể mua tiêu dùng trong gia đình hoặc làm quà biếu người thân. Khi mua cá khoai, người tiêu dùng quan tâm đến một số tiêu chí như nhãn hiệu, chất lượng, giá cả. Đây là những tiêu chí quyết định đến thương hiệu của cá khoai Cái Đôi Vàm trong thời gian tới.
Nhận thức về sở hữu trí tuệ của một bộ phận người dân còn hạn chế, trong đó có cả doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh cá khoai. Tuy nhiên, đa số họ đều mong muốn cá khoai Cái Đôi Vàm có thương hiệu trên thị trường để chất lượng sản phẩm cũng như giá cá khoai được tăng lên trong thời gian tới, góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và các doanh nghiệp sản xuất có liên quan đến sản phẩm cá khoai tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai các bước tiếp theo trong quá trình thực hiện dự án Xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”.
2.3. Khảo sát quy trình chế biến các sản phẩm từ cá khoai
Tổng cộng có 03 quy trình chế biến được khảo sát là lẫu cá khoai, cá khoai chiên bột và khô cá khoai. Đây là 03 sản phẩm chủ lực được chế biến từ cá khoai nổi tiếng tại thị trấn Cái Đôi Vàm. Chủ sở hữu NHTT chọn 03 doanh nghiệp để phân tích chất lượng đối với sản phẩm khô cá khoai. Qua kết quả phân tích cho thấy, quy trình chế biến khô cá khoai ở 03 doanh nghiệp được lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm thì sản phẩm đầu ra tương đối đồng đều nhau về độ mặn, độ ẩm và đặc biệt là không có chứa vi khẩn E.Coli và Salmonella. Chứng tỏ khô cá khoai được chế biến cơ bản đáp ứng điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
2.4. Xây dựng Quy chế, quy trình quản lý và sử dụng NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”
Dự án đã xây dựng hoàn thiện 01Quy chế và 03 Quy trình, gồm:
- Quy chế sử dụng NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”.
- Quy trình kỹ thuật khai thác và chế biến đối với sản phẩm mang NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”.
- Quy trình cấp và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” .
- Quy trình cấp và thu hồi tem đối với sản phẩm mang NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”.
2.5. Xin chủ trương cho phép sử dụng địa danh “Cà Mau”, “Cái Đôi Vàm”
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thống nhất trao quyền quản lý và cho phép sử dụng các địa danh của địa phương để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” tại Công văn số 3789/UBND-KGVX ngày 10/6/2016.
2.6. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Hồ sơ đăng ký bảo hộ NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ vào tháng 7/2016 (Quyết định số 42513/QĐ-SHTT, ngày 13/7/2016 của Cục SHTT) và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào tháng 4/2017 (Quyết định số 21800/QĐ-SHTT, ngày 10/4/2017 của Cục SHTT).
2.7. Tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận NHTT
Ngày 24/8/2017, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND huyện Phú Tân tổ chức lễ công bố trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Cá Khoai Cái Đôi Vàm - Cà Mau” cho Hội Thủy sản huyện Phú Tân quản lý và khai thác sử dụng.
Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Cá Khoai Cái Đôi Vàm - Cà Mau” được Cục SHTT cấp tại Quyết định số 21800/QĐ-SHTT, ngày 10/4/2017, có 16 thành viên là doanh nghiệp và cơ sở sản xuất được phép sử dụng NHTT sản phẩm “Cá Khoai Cái Đôi Vàm - Cà Mau”.
Lễ trao Giấy chứng nhận NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” - Ảnh Tg
2.8. Đề xuất phương án quản lý NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”
Để quản lý NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, chủ nhiệm dự án phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng mô hình quản lý, kiểm soát nội bộ và khai thác NHTT, góp phần khai thác có hiệu quả NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”. Về lâu dài, trong quá trình vận hành, nếu có phát sinh những nội dung bất hợp lý thì chủ sở hữu, ban quản lý NHTT, doanh nghiệp và người dân sử dụng vùng triển khai dự án sẽ bàn bạc, chỉnh sửa để mô hình để phù hợp hơn, đảm bảo mô hình vận hành ổn định, hiệu quả. Mô hình quản lý gồm 03 phần:
Phần 1: Mô hình quản lý NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”.
Phần 2: Mô hình kiểm soát nội bộ NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”.
Phần 3: Mô hình khai thác NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”.
Mô hình cũng là cơ sở pháp lý để ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế, quy trình khai thác và sử dụng NHTT, giữ vững uy tín, thương hiệu cá khoai trong thời kỳ hội nhập.
3. Một số kiến nghị để phát triển NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” trong thời gian tới
UBND huyện Phú Tân tiếp tục quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với chủ sở hữu và ban quản lý NHTT; chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc UBND huyện như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Hội Nông dân, UBND thị trấn Cái Đôi Vàm và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ về nhân lực và tài chính, duy trì quản lý và phát triển mô hình để hoạt động của chủ sở hữu và ban quản lý NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Sở Công Thương tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, phối hợp với chủ sở hữu, ban quản lý NHTT và các cơ quan có liên quan đầu tư thiết kế logo, nhãn hiệu, trang thiết bị máy móc hỗ trợ cho các cơ sở chế biến và kinh doanh cá khoai ở thị trấn Cái Đôi Vàm; tăng cường công tác tìm đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm đối với NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”.
Hội Thủy sản huyện Phú Tân phối hợp với ban quản lý NHTT và các cơ quan có liên quan quản lý chặt chẽ các thành viên sử dụng NHTT thực hiện đúng các quy chế, quy trình đã ban hành; đảm bảo đầu ra của các sản phẩm được chế biến từ cá khoai có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giữ vững thương hiệu “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau”; vận hành mô hình quản lý, các quy chế, quy trình và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ cá khoai lên một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội để mọi người biết đến sản phẩm mang NHTT “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” nhiều hơn.
Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến và kinh doanh cá khoai tăng cường công tác nghiên cứu để đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ cá khoai. Trước mắt, nên nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm khô cá khoai xẻ thịt và khô cá khoai cắt bỏ phần đầu và răng (trước đây chế biến nguyên con). Cần quan tâm đầu tư vào nhãn mác, bao bì, đóng gói sản phẩm để nâng cao giá trị các sản phẩm được chế biến từ cá khoai, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo được niềm tin đối với khách hàng.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau nên thường xuyên mở các chuyên mục như: hội thảo, tập huấn để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về SHTT cho doanh nghiệp và người dân vùng triển khai dự án; có phương án hỗ trợ, xây dựng và phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ, góp phần đưa NHTT sản phẩm “Cá khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới./.
Đinh Hùng Anh