1. Giới thiệu
Hiện nay có nhiều hình thức nuôi cua vỗ béo khác nhau được ứng dụng ở Việt Nam như nuôi cua lột, nuôi cua ốp thành cua chắc, nuôi cua gạch bằng nhiều hình thức khác nhau như nuôi trong ao đất, trong lồng nhựa đăt nổi trong bể, trong hộp nhựa xếp tầng, trong bể… (Nguyễn Việt Bắc và ctv., 2022). Tuy nhiên, các hình thức nuôi trên đang gặp một số trở ngại lớn như có hiện tượng chết nhiều, nhất là vào mùa nắng nóng hay mùa mưa có độ mặn thấp; cua dễ mất phụ bộ, cua bị đen yếm, phát triển gạch kém và khó chủ động nuôi quanh năm….Do đó, trong bài báo này chúng tôi tập trung thảo luận những vấn đề đang tồn động trong các mô hình nuôi vỗ béo hiện nay.
2. Những tồn động từ mô hình nuôi
2.1. Mô hình nuôi vỗ béo trong lồng tre và lồng nhựa đặt nổi tren mặt nước
Đối với mô hình nuôi cua trong lồng thì nuôi có kích cỡ 3 x 3 x 1,5 m, bằng lưới hay bằng tre. Mắt lưới và khoảng cách giữa các thanh tre khoảng 1 cm. Lồng nuôi có lưới hoặc nắp đậy cẩn thận. Một số nơi có thể nuôi cua trong các lồng bằng tre được chia nhỏ thành nhiều ô 30 x 30 x 30 cm. Mỗi ô thả nuôi riêng một con cua để tránh ăn nhau hay làm thương tích lẫn nhau, giảm giá trị thị trường thương phẩm. Tuy nhiên, việc chia riêng từng ô sẽ làm lồng rất nặng, dẫn đến khó khăn trong quá trình nâng lồng lên khỏi mặt nước để vệ sinh lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi khác. Các lồng được đặt trên sông nước lợ có độ sâu 3 – 5 m, có dòng chảy nhẹ, biên triều không quá cao trong ngày (khoảng 1 – 2 m). Có thể dùng thùng phi hay thùng nhựa to hay các khối xốp để làm phao giữ lồng nổi trên sông hoặc lồng được treo trên các cọc trụ. Mức nước giữ trong lồng phải đảm bảo 0,8 – 1 m. Lồng nuôi cũng được đặt trong ao sâu trên 1 m nhưng lồng nuôi phải được đặt cao hơn đáy ao ít nhất 30 cm nhằm hạn chế thức ăn thừa gây ô nhiễm nền đáy và khí H2S sinh ra, sẽ tác động xấu đến sức khỏe cua nuôi. Mặc khác, lồng nuôi đặt cao hơn đáy ao cũng giúp hạn chế hiện tượng cua đóng rong và đen mình trong quá trình nuôi, do tập tính vùi mình xuống bùn của cua nuôi. Bên cạnh đó, lồng nuôi phải được đặt ở những nơi không có cá dữ như cá ngát, cá hanh, cá chẽm… Bởi vì, những con cá này sẽ cắn và làm mất các phụ bộ của cua, khi các phụ bộ này lọt qua các khe của lồng nuôi.
Đối với hình thức nuôi cua trong lồng nhựa và đặt trên mặt ao. Đây là mô hình nuôi có chi phí thấp, kỹ thuật đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, việc đặt lồng nhựa trên mặt ao thì lồng cua chỉ sâu khoảng 7 – 10 cm, điều này dẫn đến hiện tượng cua dễ bị sốc nhiệt nhất là vào mùa nắng nóng (tháng 2 – 4), dễ bị sốc độ mặn vào mùa mưa. Mặc khác cua nuôi trong lồng nhựa thường xuyên bị thương lái không mua hoặc bị ép giá do cua bị đóng rong, đóng phù sa, cua bị đen mình, bệnh đốm nâu, đốm đen và cua hoạt động yếu. Bên cạnh đó, hộp nuôi cua thường xuyên bị bám phù sa và rong nên người nuôi phải thường xuyên vệ sinh hộp nuôi cua. Do đó, người nuôi nên sử dụng máy bơm và phun mưa cho hệ thống hộp nuôi cua (Hình 1). Biện pháp này vừa giúp phá vở hiện tượng phân tầng nhiệt, phân tầng độ mặn vào mùa mưa cho cua nuôi, vừa cung cấp oxy và tạo dòng chảy cho lồng nuôi cua nên cua không bị đóng phù sa.
Hình 1: Nuôi cua trong lồng nhựa với hệ thống bét phun mưa (Nguyễn Việt Bắc)
Bên cạnh đó, để khắc phục hiện tượng biến động nhiệt lớn giữa ngày và đêm, sự phân tầng độ mặn do trời mưa, sự nhiễm bệnh từ bên ngoài thì mô hình nuôi cũng được cải tiến bằng phương pháp đặt lồng nhựa trong bể bạt hoặc bể xi măng và đặt trong nhà (Hình 2). Tuy nhiên, mô hình nuôi đơn từng con trong lồng nhựa vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm như sẽ tiêu tốn nhiều thức ăn do có thể những con cua ăn không hết thức ăn và bị loại bỏ. Bên cạnh đó, việc nuôi đơn từng con cũng mất rất nhiều thời gian cho việc cho ăn và chăm sóc. Ngoài ra, cua cũng dễ dàng bị nhớt mình do không thể vùi mình được.
Hình 2: Mô hình nuôi cua vỗ béo trong lồng nhựa và đặt trong bể bạt (Nguyễn Việt Bắc)
2.2. Mô hình nuôi trong hộp nhựa xếp tầng
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa xếp tầng và vận hành bằng hệ thống tuần hoàn (Hình 3) có nhiều ưu điểm như quản lý được mầm bệnh đầu vào hệ thống, ổn định được độ mặn, kiểm soát được tình trạng sức khỏe của từng con cua, hạn chế được hiện tượng cua cắn nhau (đặc biệt là trong mô hình nuôi cua lột), hạn chế xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống cũng tiết kiệm được không gian nuôi cua nên có thể nuôi được nhiều con cua trong một diện tích nhỏ. Tuy nhiên, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa xếp tầng cũng bộc lộ khá nhiều khuyết điểm như mất rất nhiều thời gian cho việc cho ăn và vệ sinh cua hoặc vệ sinh hộp nuôi, tiêu tốn nhiều thức ăn do có thể có những con cua không dùng hết thức ăn, tốn nhiều chi phí cho việc lắp đặc và vận hành, kỹ thuật quản lý phúc tạp do phải cân bằng các yếu tố môi trường như độ kiềm, pH, TAN, NO2 và khoáng chất…đặc biệt là khi cua bị hao và không được phát hiện kịp thời thì dẫn đến những con cua này phân hủy rất nhanh và hàm lượng TAN trong hệ thống gia tăng rất nhanh, dẫn đến cua bị ngộ độc đạm và hao hàng loạt. Bên cạnh đó, cua dễ bị nhớt mình và xuất hiện đốm nâu, đốm đen do không vùi mình được, dẫn đến cua yếu và rất dễ hao hụt.
Hình 3: Hệ thống hộp nuôi cua xếp theo tầng (Tavares và ctv., 2017)
2.3. Mô hình nuôi cua tập trung trên bể
Đối với hình thức nuôi cua trên bể, đây là hình thức nuôi cua có nhiều tiềm năng để phát triển rộng rãi. Do chúng cho nhiều ưu điểm như chi phí lắp đặt hệ thống thấp, tiết kiệm thời gian chăm sóc, tiết kiệm chi phí thức ăn, mật độ nuôi cao (khoảng 15 kg/m2), kỹ thuật lắp đặt và vận hành đơn giản nên dễ dàng nhân rộng cho nhiều người dân tham gia. Bể nuôi cua cũng đa dạng có thể là bể xi măng 2 – 10 m3, có đáy cát và nuôi chung nhiều con trên bể. Việc bổ sung thêm cát thạch anh vào nền đáy sẽ giúp tạo nơi trú ẩn cho cua. Bên cạnh đó, cát cũng giúp cua được sạch hơn, khi chúng vùi mình thì cơ thể cua sẽ ma sát với cát dẫn đến cua nuôi không bị đen mình và đóng rong. Tuy nhiên, để tránh cát mịn dính vào mang cua trong quá trình hô hấp thì cần sử dụng cát có kích thước lớn hơn 0,2 mm bổ sung vào bể nuôi. Bên cạnh đó, trong quá trình cua di chuyển và vùi mình thì thức ăn rất dễ bị vùi xuống cát, những thức ăn này sẽ bị phân hủy và gây ô nhiễm nền đáy cát, dẫn đến cát bị đen và cua dễ bị đen mình hoặc chết do khí độc. Do đó, nền đáy cát cần được xáo trộn hàng ngày bằng máy bơm hoặc thiết kế hệ thống lọc sinh học ở dưới đáy bể (Hình 4). Bên cạnh đó, cua cũng có thể cắn nhau khi chúng bị stress. Ngoài ra, do nuôi cua tập trung mật độ cao nên khó trong việc đánh giá cụ thể tình trạng sức khỏe từng con cua.
Hình 4: Mô hình nuôi cua vỗ béo tập trung trên bể (Nguyễn Việt Bắc)
2.4. Nguồn cua nguyên liệu
Nguồn cua phục vụ nuôi vỗ đây là vấn đề lớn và quyết định thành bại của mô hình nuôi. Nguồn cua nuôi thường là cua cái có gạch non có trọng lượng từ 300 g/con trở lên. Cua cái có trọng lượng càng nhỏ thì thời gian đạt gạch và thu hoạch càng nhanh (Nguyễn Việt Bắc, 2013). Cua nuôi phải có vỏ cứng, chắc thịt màu xanh đậm, yếm tròn phủ giáp mặt bụng và mép vỏ có nhiều lông tơ. Dùng que ấn nhẹ phần yếm xuống từ bên ngoài nơi giáp yếm với mai cua, cua tốt sẽ có màu vàng nhạt bên trong (Hình 5 A). Để cua phát triển gạch đồng loạt, cần chọn cua cái đồng đều về chấm gạch. Tuy nhiên, việc kiểm tra từ mặt sau của yếm thì cua dễ bị tổn thương và chết nhiều sau khi thả nuôi khoảng 5 ngày. Do đó, nên sử dụng đèn để lựa chọn cua thả nuôi, biện pháp này cho độ chính xác cao và an toàn cho cua nuôi (Hình 5 B). Cua nuôi được bắt trực tiếp từ vuông nuôi hoặc thu gom từ thương lai những cua không bị mất nước và teo khớp gối ở các chân bò và chân bơi, những con cua bị mất nước nhẹ do sống trên bờ trên 12 giờ sẽ không có hiện tượng teo khớp gối và rất dễ hao hụt sau khi nuôi. Ngoài ra, việc mua thông qua thương lái rất dễ bắt gặp những con cua đang giai đoạn ủ bệnh, khi chúng ăn những con tôm ở những đầm tôm bị bệnh. Đây cũng là nguyên nhân gây chết cua hàng loạt sau khi nuôi vỗ. Bên cạnh đó, việc thương lái ném cua vô các rổ sau khi phân loại hoặc vận chuyển đi trên những con đường sốc sẽ dẫn đến cua bị dập mình và bị tổn thương mô cơ nên những con cua này thường sẽ hao hụt sau 7 ngày nuôi. Ngoài ra, việc thương bóp yếm thường dẫn đến cua bị dập ruột và hao hụt dần trong quá trình nuôi. Vì vậy, để có nguồn cua tốt và ổn định phục vụ cho hệ thống nuôi cần phải có sự liên kết chặc chẻ nguồn nguyên liệu với người dân.
Hình 4.5: Lựa chọn cua nuôi (A) kiểm tra gạch bằng phương pháp ấn nhẹ phần yếm cua (B) kiểm tra gạch bằng đèn chuyên dụng (Nguyễn Việt Bắc)
3. Kết luận
Hệ thống nuôi có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cua nuôi, công chăm sóc, chi phí lắp đặt và vận hành nên nó cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả nhân rộng mô hình nuôi.
Nguồn cua nguyên liệu đầu vào chi phối rất lớn đến việc thành bại của một vụ nuôi. Do đó, cần liên kết chuổi với các hộ dân để có được nguồn nguyên liệu dồi dào.
Ts. Nguyễn Việt Bắc và Ths. Dương Xuân Đào - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau
4. Tài liệu tham khảo
Nguyễn Việt Bắc, Dương Xuân Đào, Nguyễn Thị Tiên, Võ Thị Trường An, Huỳnh Hiếu Lộc và Phạm Thị Thanh Hương, 2022. Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cua biển. Nhà xuất bản thanh niên.