Theo số liệu ghi nhận của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh và Chi cục Thú y vùng VII, khi thực hiện việc giám sát công tác phòng, chống bệnh dại tại Cà Mau hồi đầu tháng 7 vừa qua cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có tới 9 ổ dịch dại trên đàn chó. Đáng báo động là đã có 4 ca mắc và tử vong do bệnh dại. Ngành chuyên môn tiến hành tiêm phòng bệnh dại trên người cho 3.242 trường hợp và tiêm huyết thanh dại cho 153 trường hợp khác.
Điều đó cho thấy, tình hình bệnh dại trong cộng đồng ở Cà Mau hiện đang ở mức phải báo động. Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, tổng đàn chó, mèo trong tỉnh hiện nay có tới hơn 160.000 con. Nhưng có tới gần 90 % trong số này vẫn chưa được người dân tự giác tiêm phòng bệnh dại. Tình trạng người dân thả rong vật nuôi, thú cưng vẫn còn khá phổ biến (chủ yếu là chó, mèo). Hầu hết đều không được rọ mõm hay có người chăn dắt theo đúng quy định của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương. Đã có không ít trường hợp chó nuôi thả rong tấn công người đi đường, thậm chí là ngay cả chủ nuôi cũng bị chúng tấn công.
Thế nhưng, do ý thức chủ quan, do thói quen từ bao đời nay, nhiều người khi bị chó, mèo tấn công lại không chủ động tiêm phòng dại, mà lại thực hiện bằng phương pháp dân gian như: Lấy nọc chó tại các thầy lan, điều trị bằng thuốc nam… thực tế đã có không ít trường hợp vẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đến khi người bệnh lên cơn dại mới tìm đến các cơ sở y tế, khi đó thì mọi việc đã trở nên quá muộn. Người bệnh tử vong một cách đau lòng, do chính sự thiếu hiểu biết này. Bởi một khi đã dương tính với vi rút bệnh dại, thì tỷ lệ tử vong coi như là 100%. Theo ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục Trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết: “Chỉ khi nào đàn chó, mèo được tiêm phòng đạt trên 70% trở lên, thì nguy cơ bệnh dại mới có thể được ngăn ngừa. Nhưng đáng tiếc là tỷ lệ này ở Cà Mau hiện chỉ có 10%”. Cũng theo ông Nguyễn Thành Huy, một con chó, mèo chi phí cho việc tiêm phòng vắc xin, vòng đeo cổ để theo dõi… là khoảng 30.000 đồng, nhưng người dân lại e ngại nên không tự giác thực hiện theo đúng quy định của ngành chuyên môn.
Việc người dân nuôi thú cưng thả rong, không những tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh dại trong cộng đồng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông là rất cao. Không những thế, tình trạng phóng uế của thú nuôi còn làm ô nhiễm môi trường sống, sinh hoạt của cộng đồng, nhất là ở những khu đô thị. Thực trạng này, cũng đã từng xảy ra mối bất hòa, sự xung đột giữa chủ vật nuôi và người dân xung quanh. Thế nhưng, do thói ít kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình, mà nhiều người vẫn bất chấp sự bất bình của cộng đồng, làm cho mối nguy hiểm từ việc thả rong chó, mèo ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngày 09/01/2017, chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2007/NĐ-CP về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định bắt chó thả rông và đưa ra mức phạt với chủ sở hữu. Nghị định nêu rõ: “(1) Đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. (2) Xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. (3) Nuôi chó tập trung phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh”.
Đối với việc tiêm phòng bệnh dại cho thú cưng, cách tốt nhất vẫn là 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo đúng khuyến cáo của ngành thú y. Đối với người, dù không phải tất cả người khi bị chó mèo cắn đều bị mắc bệnh dại. Tuy nhiên, cũng không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không. Vì vậy, cách tốt nhất tất cả các trường hợp trên đều phải đến cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương và tiêm ngừa dại. Nếu chẳng may bị chó, mèo cắn việc đầu tiên cần làm là nên rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng liên tục trong 15 phút và sau đó là xử lý lại vết thương bằng cồn 70 độ, trước khi đến cơ sở y tế. Đây là biện pháp sơ cứu để có thể giảm thiểu vi rút dại lây nhiễm, giảm nguy cơ mắc bệnh dại.
Khi đã xác định được con vật đã mắc bệnh dại, thì phải tiêu hủy ngay (trường hợp không xác định được chủ nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi đó sẽ chịu trách nhiệm tiêu hủy). Biện pháp này là nhằm để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người. Bởi vì vi rút dại sẽ di trú trên tất cả các loài động vật có vú, kể cả dơi.