Những giải pháp cơ bản về khoa học và công nghệ Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau

       Khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ ở các lĩnh vực ngư – nông – lâm nghiệp, sau gần 5 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nông nghiệp Cà Mau đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.

       Trong những năm đầu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (2014 – 2018) toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 56 đề tài, dự án; trong đó, có 36 đề tài, dự án thuộc ngành nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số đề tài, dự án toàn tỉnh. Tiêu biểu như việc ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo và phục tráng các giống lúa có năng suất chất lượng cao đã góp phần tăng năng suất lúa tỉnh Cà Mau, hàng năm có trên hàng 100 giống lúa được khảo nghiệm và hàng chục giống lúa mới bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh như: Camau1, Camau2, ST20, ST24, CXT30, Sói lùn, Một bụi lùn, Ba bông mẳn... Đối với giống cây lâm nghiệp, Cà Mau đã thành công trong công nghệ nuôi cấy mô một số dòng keo lai và sản xuất được từ 1,5 - 2 triệu cây giống/năm bằng phương pháp giâm hom phục vụ cho công tác trồng rừng.

Ảnh Minh họa

       Đặc biệt đối với lĩnh vực thủy sản, Cà Mau đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất, tôm giống, cua giống và một số loài thủy sản nước ngọt; chủ động cung cấp được gần 50% nhu cầu tôm sú giống cho toàn tỉnh, cua giống sản xuất tại địa phương ước đạt 330 triệu con/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất giống của tỉnh. Các loại hình nuôi tôm có nhiều thay đổi đáng kể, diện tích nuôi tôm công nghiệp và QCCT đã không ngừng tăng, năm 2013 diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh Cà Mau chỉ đạt 5.992 ha, đến năm 2018 đã lên đến 10.290 ha; diện tích nuôi tôm QCCT đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2013 – 2018 (từ 38.787 ha tăng lên 130.157 ha); đồng thời, diện tích nuôi tôm QC cũng đã giảm tỷ lệ thuận với diện tích nuôi tôm công nghiệp và QCCT, năm 2018 diện tích nuôi tôm QCCT đã giảm còn 140.402 ha.

       Phát triển khoa học công nghệ trong khai thác và bảo quản hải sản cũng được ngành Nông nghiệp Cà Mau triển khai thực hiện mạnh mẽ thông qua hoạt động hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển với việc lắp đặt hệ thống thông tin tàu cá, đây là một phương thức quản lý từ xa, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng thời, các ứng dụng công nghệ thông tin này cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản được khai thác.

       Với sự tập trung đầu tư nhân lực, vật lực để ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Cà Mau đã triển khai Dự án “Xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT”, đây được xem là dự án IoT - Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (Internet of things) đầu tiên áp dụng tại Cà Mau, nhằm hỗ trợ công tác quản lý cơ sở dữ liệu về sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp Cà Mau; đặc biệt, phần mềm này cũng là công cụ hỗ trợ người dân trong việc nắm bắt kịp thời thông tin về giá cả thị trường, tình hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thú y để chủ động sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào Tái cơ cấu nông nghiệp đã mở ra một hướng mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ bản đã giải quyết được những vấn đề then chốt trong sản xuất nông nghiệp như: Chọn tạo, cải tiến giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh, định hướng mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất thực tế. Tuy đạt được nhiều thành tựu lớn nhưng việc phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp của tỉnh vẫn còn có khoảng cách khá xa so với nhiều địa phương trên toàn quốc, hàm lượng khoa học công nghệ của sản phẩm chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao và bền vững.

       Cụ thể như:

       Việc áp dụng quy trình sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật còn hạn chế, do một số quy trình sản xuất chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở một số địa phương và sản phẩm đạt chứng nhận chưa có sự chênh lệch giá bán so với sản phẩm bình thường, nên công tác tuyên truyền, khuyến khích người sản xuất áp dụng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật cao còn gặp nhiều khó khăn;

Tổ chức triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả còn chậm, do thiếu sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương chưa đưa vào chương trình, kế hoạch chỉ đạo sản xuất và phát triển sản phẩm của địa phương;

        Vấn đề quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, sản phẩm làm ra còn nhiều hạn chế bất cập: Hệ thống văn bản pháp luật quy định về công tác quản lý còn chồng chéo; chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh còn sử dụng nhiều; nguyên liệu đầu vào dùng trong chế biến thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; giá cả vật tư đầu vào còn cao, do chưa có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tại chỗ,... trong khi đó giá sản phẩm đầu ra không ổn định, người sản xuất thường thua lỗ nên việc đầu tư phát triển chăn nuôi còn rất hạn chế;

       Việc ứng dụng công nghệ chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm sản chậm phát triển do chi phí đầu tư vào công nghiệp chế biến hiện đại đòi hỏi nguồn vốn lớn, nên chưa tạo được nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao (trừ một số ít sản phẩm tôm xuất khẩu).

       Từ những đánh giá về thành công cũng như tồn tại, hạn chế về công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, để thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT, ngành Khoa học - Công nghệ, các sở, ngành và nhất là các địa phương cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giải pháp này được xác định là giải pháp xuyên suốt trong quá trình Tái cơ cấu nông nghiệp, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh thực hiện một số nội dung và giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, chuyển giao kịp thời tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tạo việc làm; áp dụng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

       1. Đối với lĩnh vực thủy sản:

       - Khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình Biofloc, quy trình nuôi ít thay nước, quy trình nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi kết hợp với các loại động vật có đặc tính ăn lọc, ăn mùn bả hữu cơ, nhằm hạn chế xả thải,…

       - Đẩy mạnh ứng dụng quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn cho cả loại hình nuôi tôm - lúa, tôm - rừng, để nâng cao năng suất; tiếp tục nghiên cứu quy trình nuôi siêu thâm canh tôm sú, để hạn chế áp lực về sản lượng tôm chân trắng quá cao, vượt nhu cầu của thị trường dẫn đến giá thành bị dao động khi cung vượt cầu.

       - Tăng cường phổ biến, hướng dẫn ứng dụng các quy trình nuôi tôm có chứng nhận, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm; áp dụng các quy chuẩn về điều kiện sản xuất trong tất cả các loại hình nuôi tôm.

       - Tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cua Cà Mau, nhằm nâng cao giá trị và sản lượng đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

       2. Đối với lĩnh vực trồng trọt:

       - Tiếp tục triển khai nhân rộng chương trình 3 giảm, 3 tăng, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, cánh đồng lớn đối với cây lúa; mô hình sản xuất lúa thông minh thích ứng BĐKH; mô hình sản xuất lúa an toàn; mô hình sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…

       - Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cải tiến thiết bị sơ chế biến lúa gạo theo tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

       - Đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, tiêu chuẩn sản xuất trồng trọt trong nước và địa phương, gắn với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

       3. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp:

       - Tiếp tục áp dụng các biện pháp quản lý rừng bền vững.

       - Mở rộng khu sản xuất giống chất lượng cao nuôi cấy mô, khuyến khích sử dụng giống keo lai cấy mô để trồng rừng; thực hiện trồng rừng keo lai gỗ lớn hoặc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn làm tăng giá trị sản phẩm và tiếp cận với thị trường xuất khẩu.

       - Mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ hiện đại, sản xuất chế biến tinh, chế biến sâu với các sản phẩm gỗ đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

       4. Đồng thời, để công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được hiệu quả và bền vững, chúng ta cần tổ chức lại sản xuất, liên kết chuỗi giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm, nhằm hạ giá thành đầu vào, tăng giá trị gia tăng sản phẩm đầu ra, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, để tạo sự liên kết bền vững giữa người dân và doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà khoa học; nghiên cứu thêm nhiều chính sách để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau