Nông dân huyện Thới Bình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triểm mô hình trồng màu đem lại hiệu quả cao.

       Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình đã bắt đầu tìm tòi áp dụng mô hình trồng rau, màu an toàn theo hướng VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, cung ứng nguồn rau chất lượng cho thị trường. Tuy nhiên, đa phần nông dân chỉ dừng lại ở mức trồng rau, màu nhỏ lẻ, một vài nơi hình thành được vùng liên kết sản xuất tập trung nhưng số lượng chưa nhiều. Trước thực tế đó, ngành chức năng huyện Thới Bình đã có nhiều biện pháp, tổ chức sắp xếp lại sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân; tập trung xây dựng, tổ chức thí điểm, trình diễn mô hình sản xuất, đưa các giống rau, màu mới có năng suất chất lượng giá trị cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Trong đó, chú trọng khâu tuyên truyền tập huấn để người dân nhận thức đúng và đầy đủ về kiến thức trồng rau, màu an toàn, quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn, hiệu quả.

       Thực tế cho thấy, nông dân ở huyện Thới Bình đã phát triển trồng rau, màu trong nhiều năm qua, người dân đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng màu; rau màu là nguồn thu nhập chính của nông hộ, nhờ đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt mà chuyện thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nghề trồng rau, màu không còn là chuyện quá xa vời của nhiều hộ nông dân trong huyện Thới Bình. Hai xã Trí Lực và xã Trí Phải là những vùng sản xuất rau, màu tập trung của Huyện. Theo khảo sát cho thấy, xã Trí Lực và Trí Phải huyện Thới Bình đã xây dựng mô hình trồng rau màu nhiều năm qua mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân từ đó giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Ban đầu hướng canh tác của người nông dân còn mang tính tự phát, nhỏ lẽ. Qua một thời gian phát triển mô hình, các hộ nông dân ở hai địa phương này đã hình thành các tổ hợp tác sản xuất rau màu với nhiều mô hình và thu được kết quả tích cực hơn góp phần cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Qua khảo sát thực tế mô hình canh tác của các tổ hợp tác sản xuất rau tại 02 xã Trí Lực và Trí Phải huyện Thới Bình, tuy mang lại hiệu quả kinh tế tốt, ổn định đời sống người dân nhưng vẫn còn hạn chế do việc sản xuất chưa đảm bảo theo hướng an toàn thực phẩm nên tính bền vững trong sản xuất và khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ còn gặp khó khăn. Sản phẩm chưa được đưa vào hệ thống siêu thị tiện lợi có mặt tại địa phương.

       Khởi điểm ban đầu, nông dân chỉ trồng một vài luống rau, màu để cung cấp rau sạch, an toàn hàng ngày cho gia đình, nhưng rút kinh nghiệm dần dần, cộng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường rau, màu trong và ngoài tỉnh, người dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng màu trên liếp vườn với hình thức xen canh và luân canh nhiều đối tượng rau, màu như: rau ăn lá (gồm các loại cải và rau gia vị), rau ăn củ (củ cải và các loại khoai) và rau ăn quả (khổ qua, dưa leo, bầu, bí…) trên cùng diện tích đất sản xuất của gia đình. Mặc dù, chưa từng được tập huấn qua kỹ thuật trồng màu nhưng nhờ cần cù, chịu khó trong từng giai đoạn chăm sóc, bón phân, nhất là mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới tiêu mà nhiều năm nay vườn rau, màu của nông dân trên địa bàn luôn phát triển xanh tốt, ổn định. 

Mô hình trồng rau, màu của nông dân xã Trí lực và Trí Phải, huyện Thới Bình (Ảnh Tg).

       Từ phòng trào phát triển trồng rau, màu của nông dân trên địa bàn Huyện, nên vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Thới Bình xét duyệt và cho thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng rau an toàn áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước tại xã Trí Lực và Trí Phải, huyện Thới Bình” sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN của Huyện năm 2024, thời gian thực hiện dự án trong 08 tháng. Thông qua Dự án này, ngành chức năng của địa phương hướng đến các mục tiêu như: (i) tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân; (ii) tổ chức sản xuất rau màu theo hướng liên kết để hình thành vùng sản xuất rau, màu tập trung, quy mô diện tích, sản lượng hàng hoá lớn, chất lượng rau, màu đạt tiêu chuẩn rau an toàn để cung ứng ổn định cho các chuổi bán hàng hiện đại; (iii) áp dụng công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước và nhân công lao động; (iv) xây dựng nhãn mát, logo, thương hiệu rau an toàn cho vùng sản xuất; (v) nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế nông hộ, góp phần xây dựng các tiêu chí số 10 (Thu nhập), 11 (Nghèo đa chiều), 12 (Lao động), 13 (Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn) và 17 (Môi trường) trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao ở địa bàn xã vùng dự án…

       Trong thời gian tới, để tạo được giá trị, uy tín thương hiệu và phát triển bền vững trong sản xuất rau, màu ở huyện Thới Bình, bên cạnh sự vào cuộc hỗ trợ của ngành chức năng, người dân cũng cần thay đổi tư duy tập quán sản xuất cũ, hạn chế sử dụng phân bón hoá học, thuốc BVTV có hại, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm rau màu cung ứng ra thị trường, qua đó góp phần tăng thu nhập và phát triển kinh tế nông hộ một cách bền vững; tiến tới xây dựng xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao./.

Ths. Đoàn Hữu Nghị - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ