Nuôi tôm sú (Penaeus monodon) quảng canh cải tiến 02 giai đoạn dưới tán rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

        I. ĐẶT VẤN ĐỀ
        Năm 2017 – 2018, Ts. Vũ Anh Tuấn và Ths. Lê Văn Trúc thuộc phân viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu thực hiện nghiên cứu đề tài “Xây dựng mô hình cải thiện năng suất tôm rừng Cà Mau” thực hiện tại Ban Quản lý rừng Nhưng Miên xã Viên An Đông huyện Ngọc Hiển. Nội dung nghiên cứu thực hiện các nghiệm thức khác nhau về mật độ, có giai ương và không có giai ương kết hợp cùng sử dụng và không sử dụng vi sinh đỏ, EM2 và Hudavil-hud5, thực hiện tại các hộ có diện tích từ 2 – 7ha (tỷ lệ rừng từ 27 – 50%)...Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống có giai ương đạt cao nhất 2,5% (đối chứng 0,08%); năng suất đạt trung bình khoảng 200kg/ha/năm (đối chứng khoảng 130kg/ha/năm); Lợi nhuận đạt trung bình từ 32 – 51 triệu/ha/năm (đối chứng đạt khoảng 11 triệu/ha/năm).
        Năm 2019, Thạc sĩ Mai Văn Đoan Trưởng Trạm Khuyến Nông huyện Ngọc Hiển xây dựng mô hình nuôi “Nuôi tôm sú (Penaeus monodon) quảng canh cải tiến kết hợp với cá nâu (Scatophagus argus) trong vuông 02 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau” thực hiện tại địa bàn xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, với quy mô 15 hộ (76,2 ha). Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của tôm sú ương giai đoạn 01 đạt 86,25%, giai đoạn nuôi thương phẩm đạt 8,9%. Năng suất trung bình tôm đạt 302,8 kg/ha/năm, kích cỡ tôm thu hoạch đạt 13 – 22 con/kg.
        Qua nghiên cứu quy trình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 02 giai đoạn của Trung tâm khuyến nông tỉnh Cà Mau là loại hình nuôi phù hợp với điều kiện thủy văn và thổ nhưỡng của huyện Ngọc Hiển. Điểm nổi bật của quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn thể hiện ở những nội dung cơ bản: Tôm giống khi đem về ương trong bể có diện tích nhỏ, môi trường được xử lý tốt, quá trình chăm sóc quản lý giống như trại sản xuất giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, đạt tỷ lệ sống cao; Khi ương tôm giai đoạn 1 nước được lấy từ vuông nuôi nên các yếu tố môi trường tương đồng. Khi chuyển tôm xuống ao đất tôm không bị sốc, người nuôi có thể kiểm soát được mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn phát triển, nhờ đó rất dễ dàng chủ động lượng thức ăn bổ sung …Tuy nhiên, do kỷ thuật ương tôm 02 giai đoạn chi phí thực hiện còn khá cao với khả năng kinh tế của từng hộ và người dân chưa nắm rõ quy trình nên rất khó thực hiện ở quy mô nông hộ. Việc thực hiện ương tập trung qua đầu mối Hợp tác xã, sau đó cung cấp cho các hộ thực hiện là giải pháp khắc phục được những khó khăn trên, giúp hộ dân dần quen với kỹ thuật nuôi mới.
        Từ những thực trạng trên, việc thực hiện dự án “Nuôi tôm sú (Penaeus monodon) quảng canh cải tiến 02 giai đoạn dưới tán rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau” là rất cần thiết với tình hình thực tế của địa phương, nhằm xây dựng thành công một quy trình nuôi giúp tăng tỷ lệ sống, tăng năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện của huyện. Giúp đa dạng hóa loại hình nuôi, góp phần tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của địa phương, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, góp phần hoàn thành chỉ tiêu sản lượng thủy sản hàng năm của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung.
        II. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
        1. Hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng dự án 

        - Vị trí địa lý: Dự án “Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 02 giai đoạn dưới tán rừng” được thực hiện tại ấp Tân Trung và Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau (gồm 59 thành viên HTX Tiến Hải) có danh sách các hộ dân kèm theo. Với địa hình sông ngòi chằn chịt, diện tích rừng lớn và điều kiện môi trường nước phù hợp nên đa số người dân địa phương sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, đối tượng nuôi chủ yếu của người dân là tôm, cua. 
        - Về nguồn nước: Địa điểm thực hiện dự án gần các sông lớn và cửa biển cung cấp nguồn nước chính cho nuôi tôm của huyện, trong nước mang theo lượng phù sa, đây là điều kiện phù hợp để phát triển nuôi sò huyết. Mỗi hộ nuôi đề có cống cấp, thoát  nước để dễ dàng, thuận lợi trong việc nuôi sò huyết kết hợp với tôm sú. 
        - Giao thông: Có hệ thống giao thông đường thủy, bộ rất thuận lợi để vận chuyển vật tư và sản phẩm thu hoạch có khối lượng lớn, vận chuyển đường dài. 
        - Về cơ sở vật chất, thiết bị chủ yếu: Cơ quan chủ trì, chủ nhiệm dự án và các đơn vị phối hợp, các hộ  nuôi trồng thủy sản có đủ năng lực và trang thiết bị để triển khai thực hiện dự án. Cụ thể như: Cống, đục xổ tôm, các dụng cụ sản xuất khác, .…
        - Về nguyên vật liệu: Ngoài các phần dự án hỗ trợ, các chủ hộ nuôi tôm có khả năng tài chính đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu thực hiện dự án.
        - Nhân lực triển khai: Cơ quan chủ trì sẽ thành lập một tổ cán bộ kỹ thuật gồm 06 thành viên có trình độ chuyên môn phù hợp tham gia thực hiện dự án; đồng thời các hộ nuôi tôm đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản kết hợp trong một thời gian dài và đạt được nhiều thành công trong sản xuất, có tâm huyết để thực hiện dự án, có nhân công sẳn có tại gia đình và có năng lực tài chính để thực hiện dự án ngoài kinh phí nhà nước hỗ trợ.
        - Về bảo vệ môi trường: Thực hiện đúng quy định về nuôi tôm, không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản của Bộ Nông Nghiệp.
        2. Địa điểm, thời gian, quy mô thực hiện dự án
        Địa điểm thực hiện dự án nằm trong vùng chuyên nuôi tôm kết hợp dưới tán rừng. Các hộ tham gia dự án thuộc ấp Tân Tiến và Tân Trung, có đường giao thông thuận lợi, có điều kiện kết cấu hạ tầng đảm bảo phục vụ sản xuất, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật quy trình, nguồn nước cung cấp đạt yêu cầu nuôi trồng thủy sản. 
        - Thời gian: Từ tháng 10/2021 – 10/2022.
        - Quy mô: Dự án triển khai với quy mô 261,9 ha (diện tích mặt nước 120 ha/59 hộ). 

        III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
        1. Quy trình kỹ thuật thực hiện dự án

Sơ đồ kỹ thuật nuôi áp dụng cho dự án như sau:

        1.1. Chuẩn ao ương và vuông nuôi
        1.1.1 Ương tôm tập trung trên ao lót bạt

        + Thả tôm giống lần 1 ngày 26/11/2021; Lần 2 ngày 26/01/2022; lần 3 ngày 12/4/2022, Lần 4 ngày 09/6/2022.
        - Số lượng giống thả: 9.600.000 con (Mỗi lần thả 2.400.000 con) kích cỡ giống P15.
        - Nguồn gốc giống: Công Ty TNHH MTV Giống Thủy Sản Mũi Cà Mau.
        a) Mô tả ao ương giống
        - Ao ương tôm sú tại điểm hộ ông Nguyễn Thanh Bình, ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây: 02 ao ương có diện tích 550 m2 (mỗi ao có diện tích 275 m2) và 01 ao lắng có diện tích 400m2, các ao ương có trang bị đầy đủ hệ thống hệ công trình phụ phục vụ ương tôm như: hệ thống sục khí đáy để đảo nước và cung cấp lượng oxy 24/24 giờ; ao ương được che lưới lan hạn chế bụi và ánh sáng trực tiếp.

Hình 1.1 Hệ thống ao ương dưỡng tôm giống giai đoạn 1

        b) Chuẩn bị ao ương, xử lý nước, cho tôm ăn
        Nước sử dụng cho ao ương được lấy từ vuông qua công đoạn ao lắng, lọc và xử lý khi cấp vào ao ương.
Trước khi thả tôm cấp nước vào ao ương qua túi lọc đạt mực nước từ 0,8 m, chạy ôxy liên tục 24/24 giờ trong 3 ngày. Sau đó, tiến hành xử lý nước trực tiếp trong ao ương. Cấy men vi sinh trước 2 ngày rồi tiến hành thả giống.
Tôm sú giống sau khi vận chuyển về đến địa bàn được ương dưỡng tập trung, ao ương được thiết kế, xây dựng và chuẩn bị đúng kỹ thuật (mật độ ương lần 4.615 con/m2). Tôm ương từ 25 – 30 ngày, khi tôm đạt kích cỡ 2,8- 3,4 cm, thì tiến hành thu và phân phát cho 59 hộ dân (là thành viên HTX) thực hiện nuôi giai đoạn 2 để nuôi thương phẩm, giai đoạn này nhóm cán bộ dự án hỗ trợ và tổ trưởng của mỗi tổ (06 tổ sản xuất) trực tiếp chăm sóc quản lý.
        1.1.2 Chuẩn bị vuông nuôi
        a) Thiết kế vuông nuôi
        - Vuông nuôi tùy vào điều kiện thực tế của từng hộ mà chúng ta thiết kế:
        - Bờ bao chắc chắn, cao hơn mực nước lớn nhất trong năm là 0,5 m. 
        - Cống (cống xổ) luôn đảm bảo, thuận tiện cho việc xả thải, lấy nước và thu hoạch.
        - Độ sâu kênh 1,2 m trở lên, mặt trảng từ 0,4m trở lên. Kênh mương được thiết kế sâu dần về phía cống xổ.
        b) Cải tạo vuông nuôi
        - Dọn chan đước cho thông thoáng, vệ sinh vuông (rong, ốc…), gia cố bờ bao, cống,…
        - Chuẩn bị khu vực để chứa bùn đất khi dùng máy khoan nên bao dí một khu vực trống để sên bùn từ vuông nuôi đổ lên, không được thải bùn trược tiếp ra sông…
        * Hình thức sên vét, cải tạo vuông (02 hình thức):
        - Cải tạo bằng cần cuốc, thủ công, được phép cải tạo quanh năm: Thường là cải tạo để gia cố, tu sữa bờ bao, ém mọi và những kênh mương có bờ líp để chứa bùn sên đổ lên. Chủ yếu là mặt tiền và bờ giáp ranh...
        - Cải tạo bằng máy khoan, máy bơm hút bùn, được phép cải tạo từ ngày 15/8 đến 15/10 dương lịch trong năm. Các hộ nuôi cải tạo đồng loạt.
        - Sên, vét lớp bùn ở đáy kênh, mương, sao cho có độ dốc và sâu dần về cống xổ để dễ dàng cấp, thoát nước. Trong trường hợp vuông lớn và bùn đất lắng tụ đầy hết các kênh mương, không còn chổ cho tôm trú ngụ thì có thể kết hợp 2 hình thức cải tạo nêu trên cùng lúc…
        Trong quá trình sên, vét bằng máy hút bùn phải có khu chứa đất, bùn, chất thải, nước thải… Khu chứa phải có bờ bao vững chắc không để bị rò rỉ, sạt lở, thể tích đủ lớn để chứa đủ toàn bộ lượng đất, bùn, chất thải, nước thải trong quá trình sên, vét… Tuyệt đối không được thải trực tiếp ra kênh sông, rạch,... 
        - Xả hết nước để rửa vuông: Sau khi sên, vét xong, lấy nước vào đầy vuông và xả khô vuông liên tục từ 2 - 3 ngày (2 lần kênh cũ; 3-4 lần kênh mới), lần cuối xả khô nước, đóng cống lại để bón vôi và phơi khô.
Sau khi hoàn thành sên vét, thực hiện các bước như sau:
        - Cải tạo vuông nuôi: Lấy nước vào ngâm và xả 2 - 3 lần để rửa trôi phèn, bịt kín các hang mọi, ....; bón vôi: Sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 bón với liều lượng 350 kg/ha. Phơi vuông từ 2 - 3 ngày. 
        - Lấy và xử lý nước: Sau khi cải tạo xong, chọn con nước tốt lấy vào vuông qua cống xổ. Mực nước lấy vào vuông từ 1,2 m, mực nước trên trảng 0,4 - 0,6 m. Sau 2 ngày và tiến hành diệt cá tạp bằng dùng dây thuốc cá liều lượng 50kg/10.000m3 nước
        - Sử dụng chế phẩm sinh học liều lượng 1,5 lít/10.000 m3 (1,5 lít chế phẩm sinh học + 2 lít mật đường + 20 lít nước sạch ủ kín 5-7 ngày); để làm sạch môi trường, đồng thời kết hợp với việc ủ cám gạo sẽ tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, tôm giống giai đoạn mới thả.
        - Bón phân trùn đỏ theo liều lượng 25kg/ha để góp phần tạo thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi... 
        - Đối với thả giống tôm sú từ lần 2 trở đi: Không tiến hành cải tạo như lần 1, chỉ chọn con nước tốt lấy vào vuông qua cống xổ. Mực nước lấy vào vuông từ 1,2 m, mực nước trên trảng 0,4 - 0,6 m. Sử dụng chế phẩm sinh học liều lượng liều lượng 1,5 lít/10.000 m3 (1,5 lít chế phẩm sinh học + 2 lít mật đường + 20 lít nước sạch ủ kín 5-7 ngày) để làm sạch môi trường, đồng thời có thể kết hợp với việc ủ cám gạo sẽ tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống giai đoạn mới thả.
        - Kiểm tra các yếu tố môi trường vuông nuôi (pH, độ mặn, độ, độ kiềm, độ trong, ...) trước khi thả giống đều nằm trong ngưỡng thích hợp như sau: 
        + pH: 7.5 đến 8.5
        + Độ mặn từ 15 đến 25 ‰
        + Độ kiềm từ 80 đến 120 ppm
        + Nhiệt độ từ 28 – 300C
        + Độ trong từ 25 đến 30 cm
        1.2. Chọn và thả giống
        1.2.1. Chọn giống

        - Tôm sú giống: Nguồn tôm giống của Công Ty TNHH MTV Giống Thủy Sản Mũi Cà Mau theo tiêu chuẩn: TCVN:8398:2012 có hồ sơ chứng minh nguồn gốc tôm giống của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp chứng nhận, cỡ giống từ PL 15, tôm giống được xét nghiệm PCR trước khi thả.

Hình 1.2: Tôm sú giống

        1.2.2. Thả giống
        - Tôm sú giống: Thả tôm giống vào lúc chiều mát, tôm được thuần hóa tôm cho thích nghi với môi trường vuông nuôi (đặc biệt là độ mặn và nhiệt độ). Mật độ thả: 03 con/m2/vụ, thực hiện 2 vụ/năm.

Hình 1.3: Thả tôm giống ương giai đoạn 1

        1.3. Chăm sóc, quản lý
        1.3.1 Quản lý, chăm sóc tôm ương giai đoạn 1

        Trong suốt thời gian ương tôm sú được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp có độ đạm trên 40%. Trong quá trình cho ăn trộn thêm các loại vitamin, men tiêu hóa, hợp chất dinh dưỡng,...vào thức ăn để tăng thêm sức đề kháng, kích thích tôm tăng trưởng. Với liều lượng cho ăn ngày được chia làm 4 lần/ngày (6 giờ, 10 giờ, 18 giờ, 21 giờ), Thức ăn được pha với nước sạch và tạt đều khắp ao ương để cho tôm ăn. Liều lượng thức ăn tính trên 100.000 con tôm được phân chia cho ăn theo các giai đọan như sau:
        Ngày thứ 1: 200 g.
        Ngày thứ 2 - 5: mỗi ngày tăng 30g.
        Từ ngày thứ 6 - 10: mỗi ngày tăng 50 g.
        Từ ngày thứ 11 - 15: mỗi ngày tăng 60 g.
        Từ ngày thứ 16 - 25: mỗi ngày tăng 90g.
        Quan sát tôm ăn, màu nước và si phong đáy để kiểm tra lượng thức ăn, để đảm bảo không cho ăn thừa. Đồng thời, thông qua sàng ăn để kiểm tra sức khỏe tôm nuôi.
        Quản lý môi trường ao ương: Việc ổn định môi trường nước ao ương được thực hiện bởi việc sử dụng chế phẩm sinh học và khoáng chất, sử dụng định kỳ từ 3-5 ngày/lần, liều dùng chế phẩm sinh học là 0,5 lít cho 100 m3 tạt lúc 8 - 9 giờ sáng, khoáng chất sử dụng 200 - 300g cho 100 m3 tạt lúc 5 - 6 giờ chiều.
        Vận hành hệ thống sục khí 24/24 giờ, ương từ ngày thứ 6 trở đi, tiến hành siphon ao ương định kỳ vào mỗi buổi sáng. Định kỳ 2 ngày/lần kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời điều chỉnh khi có biến động và thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm.

Hình 1.4: Hình kiểm tra tôm ương định kỳ

        Tôm ương trên 25 ngày, khi tôm đạt kích cỡ 2,8- 3,5 cm, thì tiến hành thu và phân phát cho 59 hộ dân (là thành viên HTX) thực hiện nuôi giai đoạn 2 để nuôi thương phẩm, giai đoạn này nhóm cán bộ dự án hỗ trợ và tổ trưởng của mỗi tổ (06 tổ sản xuất) trực tiếp chăm sóc quản lý.
        1.3.2 Quản lý, chăm sóc tôm nuôi giai đoạn 2
        a) Thả giống tôm nuôi giai đoạn 2: Với tôm sau khi ương từ 25 – 30 ngày thì tiến hành thu tôm ương để cấp phát cho 59 thành viên trong Hợp tác xã bằng cách dùng vợt và lưới màng kéo, trong quá trình vớt thực hiện tháo cạn nước thông qua lù thoát nước đáy để thu toàn bộ. Đánh tỷ lệ sống và chia theo diện tích. Từng hộ nhận tôm đã ương giai đoạn 1 cho vào bọc ni long (bọc 10kg) có bơm ôxy chuyển về vuông thả nuôi tiếp giai đoạn 2. 
        b) Quản lý thức ăn
        Nuôi giai đoạn 2 không cho ăn thức ăn công nghiệp cho các tôm. Tôm được nuôi trong vuông quảng canh cải tiến, chỉ sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường, tạo chuỗi thức ăn tự nhiên cho chúng. 
        c) Quản lý môi trường nước
        Do đặt thù vùng nuôi tại xã Tân Ân Tây có biên độ triều cao nên trong quá trình nuôi giai đoạn 2 tận dụng con nước lấy nước tốt cấp bù hoặc thay nước cho vuông nuôi qua hệ thống cống. 
        Trong quá trình nuôi luôn giữ mực nước ổn định trung bình từ 1 mét trở lên, độ pH từ 7 - 8,5.
        Mỗi con nước thay khoảng 20 - 30% lượng nước trong ao. Việc thay nước vừa làm sạch môi trường, kích thích tôm lột xác, tăng trọng nhanh, ít biến động các yếu tố môi trường.

        Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng chế phẩm sinh học và phân trung đỏ để ổn định môi trường vuông nuôi, liều lượng từ 1,5 lít/10.000 m3 (1,5 lít chế phẩm sinh học + 2 lít mật đường + 20 lít nước sạch ủ kín 5-7 ngày); bón phân trùn đỏ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật (25kg/ha)... Trong thời gian này, chỉ thay nước vuông nuôi khi mưa lớn hoặc nước có dấu hiệu xấu và mỗi lần thay không quá 30% lượng nước trong vuông. Định kỳ 7 ngày/lần kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời điều chỉnh khi có biến động.
        Định kỳ thu mẫu kiểm tra hàng tuần các thông số môi trường (pH, độ mặn, độ kiềm, ...) và được ghi nhận vào nhật ký của hộ nuôi để làm cơ sở đối chiếu, so sánh. Từ đó có kế hoạch tác động hợp lý nhất. 
Định kỳ thu mẫu kiểm tra 15 ngày/lần mức tăng trưởng của tôm sú trong vuông và ghi chép theo dõi tốc độ tăng trưởng, theo dõi biến động để có hướng xử lý kịp thời.
        1.4. Thu hoạch
        - Tôm sú: Sau thời gian nuôi từ 04 - 05 tháng khi tôm đạt kích cỡ khoảng 20 – 25 con/kg thì tiến hành thu hoạch theo hình thức thu tỉa bằng cách đặt lú ở gần cống xổ, theo con nước xổ ( theo 15 và 30 âm lịch), sau 05 tháng nuôi thì thu xổ theo con nước 15 và 30 âm lịch để thu, và ghi chép nhật ký nuôi. 

        Hình 2.5: Thu hoạch tôm sú

2. Đánh giá hiệu quả kinh tế dự án
Với quy mô thực hiện trên 261,9 ha (diện tích mặt nước 120 ha), mô hình nuôi có tổng chi phí đầu tư trực tiếp là 2.323.990.000 đồng.

Nội dung chi

Thành tiền (đồng)

Tôm giống

576.000.000

Thuốc cá

120.000.000

Phân

300.000.000

Vôi

84.000.000

Chế phẩm sinh học

165.000.000

Mật đường

30.000.000

Thức ăn tôm sú

25.000.000

Dụng cụ đo môi trường

15.990.000

Chi phí cải tạo

300.000.000

Công thuê mướn

708.000.000

Khấu hao tài sản

10.720.000

Tổng chi (A)

2.334.620.000


 kết quả về sản lượng thu hoạch tôm sú với giá bán bình quân là 240.000 đồng/kg đối với tôm sú, xác định được tổng thu nhập của mô hình là 10.583.520.000 đồng (Bảng 3.3)

Bảng 2: Kết quả thu hoạch

 Nội dung

Số lượng (kg)

Đơn giá (đồng)

Thành tiền (đồng)

Tôm sú

44.098

240.000

10.583.520.000

Tổng thu (đồng) (B)

 

 

10.583.520.000

 Lợi nhuận đạt được (C) = (B) – (A) = 8.248.900.000 đồng 
Lợi nhuận bình quân/ha/năm = (C)/120 ha = 68.740.000 đồng
Từ kết quả Bảng 1 và Bảng 2 cho thấy tổng lợi nhuận đạt 8.248.900.000 đồng, nếu tính bình quân cho mỗi ha thì lợi nhuận đạt 68.740.000 đồng/ha/năm. Đây là kết quả được thực hiện trong một năm và kết quả này là khá tốt trong điều kiện vuông nuôi hiện nay thường xuyên ra dịch bệnh, nhất là mới phát sinh bệnh trên cua, tôm nuôi trong thời gian gần đây.  Với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến so với nuôi quản canh hiện nay trên địa bàn huyện lợi nhuận tăng từ 15 – 20%.
3. Hiệu quả xã hội
Dự án “Nuôi tôm sú (Penaeus monodon) quảng canh cải tiến 02 giai đoạn dưới tán rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau” được triển khai thực hiện ngoài hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân còn mang lại hiệu quả xã hội tích cực.
Thông qua mô hình sản xuất của dự án, từng bước giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để nâng cao năng suất, sản lượng, thu nhập; tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động; góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và an ninh trật tự ở địa phương. Quá trình thực hiện các mô hình đã tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và cách tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, hợp tác.

Ks. Đỗ Hoài Vui - Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ngọc Hiển