Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia  Kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau

       Nghiên cứu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Cà Mau; trong đó số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tính hơn 98% tổng số doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ. Với phương pháp phân tích hồi quy Binary Logistic, khảo sát 280 doanh nghiệp, nghiên cứu chỉ ra 6 yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia kinh doanh: môi trường kinh doanh, sản phẩm đặc trưng, hiệu quả kinh doanh, sử dụng lao động gia đình, khả năng giải quyết việc làm cho lao động địa phương và kế hoạch kinh doanh trong tương lai. Các yếu tố còn lại như giới tính, tuổi, học vấn, chính sách hỗ trợ và lợi nhuận không có ảnh hưởng đáng kể. Từ kết quả nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường quảng bá sản phẩm và chuyển đổi số để doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
       Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phân tích nhân tố, hồi quy Binary Logistic

       1. Đặt vấn đề
       Doanh nghiệp là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, nền tảng, giữ vững định hướng phát triển xã hội và là một phần chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế. Theo số liệu thống kê, năm 2023 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Cà Mau chiếm tỷ trọng trên 98% tổng số doanh nghiệp với khoảng 3.873 doanh nghiệp, hợp tác xã. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, dịch vụ,…Theo đó, các doanh nghiệp này đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của tỉnh nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trước thời kỳ kinh tế có nhiều biến động phức tạp và khó lường. 
       Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2023, tỉnh Cà Mau có 133 doanh nghiệp giải thể tự nguyện và 237 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Do đó, việc triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được lãnh đạo tỉnh đánh giá là rất cần thiết, nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẵn lòng tham gia vào hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần đánh giá lại nội lực; xác định các yếu tố tác động đến quá trình tham gia kinh doanh; hiệu quả hoạt động kinh doanh này. Đây chính là lý do để tác giả thực hiện nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau”.
       2. Phương pháp nghiên cứu
       Tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện để phỏng vấn 280 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau bằng bảng câu hỏi được soạn sẵn. Tác giả sử dụng phương pháp phân tích hồi Binary Logistic nhằm kiểm định mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau. Mô hình hồi quy Binary Logistic dự kiến là:
       Loge (P(NCTGKD=1)/P(NCTGKD=0))  =  β0 +  β1X1 +  β2X2 + β3X3 + β4X4 +  β5X5 + β6X6 +  β7X7 +  β8X8 + + β9X910X10 + β11X11  + e   
       Trong đó: Loge (P(NCTGPNN=1)/P(NCTGPNN=0)) : Biến phụ thuộc – Nhu cầu tham gia kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau.
       + Nhận giá trị 1: Có tham gia;
       + Nhận giá trị 0: Không có tham gia.
       β0: Hằng số.
       β1, β2, …, β14: Các hệ số hồi quy.
       ei: Là sai số ngẫu nhiên. 
       Các biến độc lập bao gồm:
       - X1: Giới tính (1_Nam ; 0_Nữ)
       - X2: Nhóm độ tuổi của doanh nghiệp
       - X3: Trình độ học vấn của doanh nghiệp
       - X4: Môi trường kinh doanh 
       - X5: Có chính sách hỗ trợ từ nhà nước (1_Có ; 0_Không)
       - X6: Sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp (1_Có ; 0_Không)
       - X7: Hiệu quả kinh doanh (1_Không hiệu quả; 2_Hiệu quả thấp; 3_Hiệu quả trung bình; 4_Hiệu quả cao).
       - X8: Lợi nhuận của doanh nghiệp (triệu đồng/tháng)
       - X9: Sử dụng hết lao động gia đình (1_Có ; 0_Không)
       - X10: Khả năng giải quyết việc làm của địa phương (1_Có ; 0_Không)
       - X11: Kế hoạch kinh doanh (1_Duy trì kinh doanh; 2_Mở rộng quy mô; 3_Thu hẹp quy mô; 4_Thay đổi mô hình khác).
       3. Kết quả nghiên cứu
       Phân tích hồi quy Binary Logistic với 11 nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau bằng phương pháp Enter. Phương pháp Enter là phương pháp mà SPSS sẽ xử lý tất cả các biến độc lập mà nhà nghiên cứu muốn đưa vào mô hình.
       Kết quả phân tích hồi quy Binary Logistic ở bảng 1 bằng phương pháp Enter cho thấy:
       - Mô hình hồi quy được xây dựng có ý nghĩa thống kê vì kết quả kiểm định Chi bình phương Prob > Chi2 có giá trị sig = 0,000 < 0,05. Giá trị -2LL (-2 Log likelihood) là giá trị thể hiện mức độ phù hợp của mô hình tổng thể, giá trị này càng nhỏ càng thể hiện mức độ sai số của mô hình càng ít. Trong nghiên cứu này, giá trị -2 Log likelihood = 639,386. Mức độ dự báo trúng của toàn mô hình là 87,8`%. Như vậy bác bỏ giả thuyết H0: βi = 0, tức là có ít nhất một hệ số hồi quy βi ≠ 0 nghĩa là có ít nhất một biến độc lập (giới tính; tuổi; học vấn; môi trường kinh doanh; chính sách hỗ trợ của địa phương; sản phẩm đặc trưng; hiệu quả kinh doanh; lợi nhuận; sử dụng hết lao động gia đình; khả năng giải quyết việc làm cho lao động của địa phương; và kế hoạch kinh doanh) tác động đến biến phụ thuộc Y (Nhu cầu tham gia kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau). Như vậy, mô hình lựa chọn nghiên cứu là phù hợp với mức độ tin cậy ít nhất là 95%.

Yếu tố

β

S.E.

Wald

df

Sig.

Giới tính (X1)

-1,399

1,081

1,675

1

0,196ns

Tuổi (X2)

0,098

0,124

0,625

1

0,429ns

Học vấn (X3)

-0,025

0,185

0,018

1

0,893ns

Môi trường kinh doanh (X4)

0,485

0,247

3,859

1

0,049**

Chính sách hỗ trợ (X5)

-0,309

0,766

0,163

1

0,686ns

Sản phẩm đặc trưng (X6)

2,889

0,259

124,777

1

0,000*

Hiệu quả kinh doanh (X7)

1,109

0,151

54,187

1

0,000*

Lợi nhuận của DN (X8)

0,000

0,000

0,971

1

0,324ns

Lao động gia đình (X9)

-1,081

0,351

9,507

1

0,002*

Việc làm địa phương (X10)

-1,515

0,245

38,067

1

0,000*

Kế hoạch kinh doanh (X11)

1,029

0,153

45,385

1

0,000*

Hằng số

-2,456

1,402

3,068

1

0,080

Số quan sát (N)

 

 

 

 

280

Hệ số Prob > Chi2

 

 

 

 

0,000

-2 Log likelihood

 

 

 

 

639,386

Nagelkerke R Square

 

 

 

 

0,607

Mức độ dự báo chính xác của mô hình

 

 

 

 

87,8

Với (*) có ý nghĩa thống kê 1%; (**) có ý nghĩa thống kê 5%; và (ns): không có ý nghĩa thống kê.

       - Dựa vào kết quả kiểm định Wald, có 06 yếu tố cơ bản đã rút ra có ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau. Trong đó, các yếu tố: Sản phẩm đặc trưng; Hiệu quả kinh doanh; Giải quyết lao động gia đình; Giải quyết việc làm cho lao động địa phương; và Kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới có ý nghĩa ở mức 1%; còn yếu tố Môi trường kinh doanh có ý nghĩa ở mức 5%. Các yếu tố còn lại không ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau như biến giới tính, tuổi, học vấn, chính sách hỗ trợ của địa phương và lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp. 
       Qua kết quả phân tích, từ các hệ số hồi quy này ta viết được phương trình hồi quy Binary Logistic các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau được thể hiện như sau:

       Ý nghĩa của các hệ số hồi quy trong mô hình hồi quy: Mức độ ảnh hưởng các yếu tố là nguyên nhân ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau (trong điều kiện các yếu tố khác không đổi) trong mô hình hồi quy được giải thích cụ thể như sau:
       - Biến độc lập Môi trường kinh doanh có ý nghĩa thống kê ở mức 5% và có tác động cùng chiều với biến phụ thuộc. Nghĩa là biến độc lập này sẽ làm tăng nhu cầu tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đúng với mô hình nghiên cứu vì môi trường kinh doanh của doanh nghiệp là tổng hợp các yếu tố các điều kiện có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp như: luật pháp, các chính sách và cơ chế của nhà nước đối với ngành kinh doanh; kỹ thuật công nghệ; chất lượng sản phẩm; thói quen, truyền thống kinh doanh; cơ sở hạ tầng. Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, theo khảo sát trên địa bàn tỉnh hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có nhu cầu nhận hỗ trợ rất lớn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thử nghiệm hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới… Một trong những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong năm 2025 cũng như giai đoạn 2025 - 2027, tỉnh Cà Mau tập trung hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tư vấn lựa chọn giải pháp chuyển đổi số và hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tư vấn và hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu kết nối và mở rộng thị trường; hoạt động nền tảng số. Hay nói cách khác, biến độc lập môi trường kinh doanh trong mô hình nghiên cứu này là phù hợp và có ý nghĩa thống kê với biến phụ thuộc.
       - Biến độc lập Sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và có tác động cùng chiều với biến phụ thuộc với hệ số bêta 2,889. Nghĩa là biến độc lập này sẽ làm tăng nhu cầu tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp trong trường hợp nghiên cứu này là các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh về các sản phẩm OCOP. Từ năm 2018 một ban chỉ đạo trung ương về chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm đã được thành lập. Đây là một chương trình nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; giúp tăng lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu và hướng đến xuất khẩu giá trị văn hóa, tinh hoa của mỗi vùng, miền. Chương trình này còn giúp các doanh nghiệp tự hoàn thiện quy trình sản xuất sạch hơn để đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến và nâng tầm sản phẩm giá trị hơn...Bên cạnh đó, tham gia Chương trình OCOP, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh còn được hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, đặc biệt là tìm kiếm các kênh phân phối, kết nối, mở rộng việc tiêu thụ sản phẩm.
       - Biến độc lập Hiệu quả kinh doanh mà doang nghiệp đang thực hiện có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và có tác động cùng chiều với biến phụ thuộc với hệ số bêta 1,109. Nghĩa là biến độc lập này sẽ làm tăng nhu cầu tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể nói, mô hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp trong nghiên cứu khảo sát có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động gia đình hoặc lao động địa phương. Nghĩa là đối với mô hình kinh doanh hiện tại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận thấy có nhiều cơ hội phát triển mô hình trong tương lai hay nhận được rất nhiều lợi ích kinh tế - xã hội từ nhà nước, từ các hiệp hội và từ các tổ chức ngành nghề.
       - Biến độc lập Về việc có sử dụng hết lao động gia đình và biến độc lập Khả năng giải quyết việc làm ở địa phương khi tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có hệ số Beta chuẩn hóa là -1,081 và -1,515. Đây là hai biến độc lập có mối quan hệ nghịch biến với biến phụ thuộc (vì mang giá trị âm). Hai biến độc lập này vẫn có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%, có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc của mô hình nghiên cứu nhưng lại làm giảm đi nhu cầu tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Điều này có thể giải thích là do đa phần các cơ sở, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trung bình một cơ sửo, doanh nghiệp có khoảng 4 đến 5 thành viên, nên sức ép về số thành viên trong gia đình tương đối lớn và ảnh hưởng đến khả năng tham gia hoạt động kinh doanh của lao động gia đình. Bên cạnh đó, thì việc chuyển dịch của các gia đình đông thành viên có thể bị hạn chế do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như đông thành viên nhưng nghèo, ít tư liệu sản xuất và khó có điều kiện tham gia kinh doanh hoặc có thể là do các thành viên trong gia đình đều nằm trong độ tuổi lao động nên có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm hay số người phụ thuộc là không cao. Vì vậy, không có sức ép nên ảnh hưởng không nhiều đến quyết định tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
       - Biến độc lập về Kế hoạch kinh doanh trong tương lai khi tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có hệ số Beta chuẩn hóa là 1,029. Đây cũng là một biến độc lập có mối quan hệ cùng chiều với biến phụ thuộc (vì mang giá trị dương). Nghĩa là biến độc lập này làm tăng nhu cầu tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Cà Mau. Có thể giải thích vấn đề này là do mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong nghiên cứu mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia hoạt động kinh doanh. Để đạt được hiệu quả kinh doanh cao thì đòi hỏi doanh nghiệp phải có các chiến lược, kế hoạch và quyết định chính xác trong việc tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp có một kế hoạch kinh doanh chi tiết, rõ ràng, cụ thể là cần thiết và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
       Tóm lại, phương trình hồi quy Binary Logistic được phân tích bằng lệnh Enter ước lượng cho thấy nhu cầu tham gia hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng bởi 06 yếu tố như Môi trường kinh doanh; Sản phẩm đặc trưng; Hiệu quả kinh doanh; Sử dụng hết lao động gia đình; Khả năng giải quyết việc làm cho lao động địa phương và kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới . Cuối cùng có 05 biến độc lập là Giới tính; Tuổi; Học vấn; Chính sách hỗ trợ và Lợi nhuận của doanh nghiệp không có ý nghĩa thống kê với biến phụ thuộc. Đây cũng là cơ sở để cho các cấp chính quyền địa phương và bản thân cơ sở, doanh nghiệp đề ra một số giải pháp thiết thực nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp; nâng cao khả năng kinh doanh như tăng doanh thu, mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa sản phẩm; nâng cao lợi nhuận để các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Cà Mau kinh doanh, phát triển bền vững.
       4. Kết luận và khuyến nghị
       4.1 Kết luận
       Nghiên cứu chỉ ra rằng nhu cầu tham gia kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Cà Mau phụ thuộc vào một loạt các yếu tố, trong đó môi trường kinh doanh và khả năng tạo ra sản phẩm đặc trưng đóng vai trò chủ yếu. Hơn nữa, nghiên cứu còn khái quát nhu cầu tham gia kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Cà Mau phụ thuộc vào các yếu tố sau:
       -    Môi trường kinh doanh: Các yếu tố như chính sách hỗ trợ, cơ sở hạ tầng và môi trường pháp lý đóng vai trò quan trọng.
       -    Sản phẩm đặc trưng: Các sản phẩm mang tính bản sắc địa phương, có thế mạnh cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
       -    Hiệu quả kinh doanh: Doanh nghiệp có nhu cầu tham gia kinh doanh khi nhận thấy cơ hội sinh lời và lợi ích từ hoạt động này.
       -    Sử dụng lao động gia đình: Các cơ sở kinh doanh cần tận dụng lao động trong gia đình nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.
       -    Khả năng giải quyết việc làm cho lao động địa phương: Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng kinh doanh khi có khả năng tạo ra nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.
       -    Kế hoạch kinh doanh trong tương lai: Các doanh nghiệp có chiến lược phát triển rõ ràng, lâu dài sẽ tạo động lực tham gia vào hoạt động kinh doanh.
       4.2 Khuyến nghị
       Để khuyến khích các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hoạt động kinh doanh, cần có sự hỗ trợ từ các chính sách vĩ mô và vi mô nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc thực hiện các đề xuất này không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, mà còn góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau cụ thể như sau: 
       -    Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Các ngành chức năng cần triển khai chính sách hỗ trợ cụ thể từ đầu vào đến đầu ra, bao gồm hỗ trợ về vốn, công nghệ, và thị trường tiêu thụ.
       -    Tăng cường đào tạo và chuyển giao công nghệ: Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh.
       -    Đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại: Tăng cường công tác quảng bá sản phẩm và hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
       -    Phát triển thương hiệu và sản phẩm đặc trưng: Doanh nghiệp cần tập trung vào việc phát triển các sản phẩm đặc trưng, tạo ra thương hiệu mạnh, chất lượng ổn định và mang đậm bản sắc địa phương.
       -    Khuyến khích tạo việc làm địa phương: Các doanh nghiệp nên được khuyến khích giải quyết việc làm cho lao động địa phương, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân./.

ThS. Lê Khánh Linh – Trường CĐCĐ Cà Mau

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS (tập 2), NXB Thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh.
2/ Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Thống kê ứng dụng, NXB Thống kê, Hà Nội.
3/ Lê Xuân Bá và cộng sự (2006), “Các yếu tố tác động đến quá trình chuyển dịch lao động nông thôn ở Việt Nam”. Báo nghiên cứu. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.
4/ Lê Đình Hải (2017), “Các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ trên địa bàn Huyện Ba vì, Thành phố Hà Nội”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp số 4 – 2017.
5/ Mai Văn Nam, Phạm Lê Thông, Lê Tấn Nghiêm, Nguyễn Văn Ngân (2006), Giáo trình kinh tế lượng, NXB Thống kê, NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 
6/ Niên giám thống kê năm 2023, Cục Thống kê tỉnh Cà Mau.
7/https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ca-mau-du-kien-ho-tro-tu-63-doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-nam-2025-158996.html.