Phân tích, kiểm nghiệm môi trường nước và bệnh trên tôm góp phần xây dựng Nông thôn mới

       Cà Mau có tiềm năng, lợi thế rất lớn về nuôi tôm, với diện tích trên 280.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, Cà Mau đang là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nghề nuôi tôm Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như: dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi; môi trường nuôi tôm ngày càng bị ô nhiễm; đất đai bị bạc màu; ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế,... Trong phạm vi bài viết này, đơn vị chỉ tập trung vào hai yếu tố là môi trường nước nuôi tôm và chất lượng tôm giống (không bị bệnh), giúp người nuôi tôm kiểm soát tốt hai yếu tố này.

       Trước hết, nói về chất lượng tôm: Những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, thời tiết, môi trường vùng nuôi, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi hiện nay còn diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp ngăn ngừa một cách hiệu quả. Do đó việc xét nghiệm các yếu tố đầu vào trước khi thả nuôi là điều kiện tiên quyết quan trọng trong vấn đề hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm trong giai đoạn hiện nay. Con tôm là đối tượng nuôi phổ biến, dễ rủi ro, chất lượng con giống cần phải được kiểm soát, nếu người nuôi tôm cứ thả giống theo kiểu “nhắm mắt đưa chân” thì cuối cùng thiệt thòi vẫn thuộc mình. Bởi vì khâu chọn con giống đóng vai trò quan trọng, góp phần làm giảm rủi ro cho người nuôi tôm. Việc chọn con giống sạch bệnh sẽ quyết định đến kết quả cả vụ nuôi. Thực tế, thời gian qua, không ít người nuôi tôm điêu đứng vì tôm thả chỉ một thời gian ngắn đã chết do tôm giống kém chất lượng, dễ mắc các dịch bệnh. Theo các chuyên gia ngành thủy sản, nếu nguồn tôm giống tốt thì mức độ thiệt hại chỉ khoảng 30% khi dịch bệnh xảy ra. Ngược lại, với các giống tôm trôi nổi thì tỷ lệ này lên tới 70%[1]. Người nuôi tôm có thể nắm được “nguyên lý” này nhưng do giá tôm giống trôi nổi thường rẻ hơn, thậm chí rẻ hơn một nửa so với tôm giống có xét nghiệm, đảm bảo chất lượng cho nên người mua vẫn “làm liều”. Hệ quả là dịch bệnh trên tôm nuôi dễ bùng phát, lây lan sang cả những diện tích có tôm giống sạch.

Ảnh: Kiểm nghiệm mẫu tôm post trên máy Real-Time PCR tại Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm tỉnh Cà Mau

       Theo kết quả kiểm nghiệm tôm giống (tôm post) do Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm thống kê mẫu do khách hàng mang đến phòng kiểm nghiệm, giai đoạn từ năm 2015 đến 2018 đối với các virus gây bệnh (còi (MBV), đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV), hội chứng Taura (TSV), khối gan tụy (HPV), hoại tử…, như sau:

TT

Kết quả

2015

2016

2017

2018

Tổng số thử nghiệm

Tổng số bệnh

Tổng số thử nghiệm

Tổng số bệnh

Tổng số thử nghiệm

Tổng số bệnh

Tổng số thử nghiệm

Tổng số bệnh

1

Tính theo số mẫu

1.891

1.017

1.784

903

325

151

176

76

Tỷ lệ %

53,78

50,61

46,46

43,18

2

Tính theo số chỉ tiêu

5.319

1.021

5.136

907

800

160

405

77

Tỷ lệ %

19,19

17,66

20,00

19,01

       Qua bảng trên cho thấy số lượng mẫu mang đến kiểm nghiệm có tôm post bị bệnh chiếm tỉ lệ khá cao, chiếm đến 48,5% bình quân số mẫu cho cả giai đoạn. Đó là chưa kể số lượng tôm giống chưa được mang đến kiểm nghiệm có khả năng kém chất lượng là rất lớn.

       Thời gian qua, nhằm hỗ trợ người nuôi tôm tránh rủi ro, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, hạn chế tình trạng tôm giống kém chất lượng và đã ban hành Kế hoạch để sản xuất và cung ứng tôm giống tại địa phương. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, sản xuất tôm giống trong tỉnh đạt 23,5 tỷ con, trong đó có 7 tỷ con giống tôm chân trắng và 16,5 tỷ con giống tôm sú, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu nuôi; có 90% cơ sở sản xuất tôm giống được chứng nhận vệ sinh thú y, an toàn sinh học và 90% tôm giống đảm bảo chất lượng. Năm 2025, sản xuất tôm giống trong tỉnh đạt 29,5 tỷ con, trong đó có 10 tỷ con giống tôm chân trắng và 19,5 tỷ con giống tôm sú, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nuôi; có 90% cơ sở sản xuất tôm giống được chứng nhận vệ sinh thú y, an toàn sinh học và 90% tôm giống đảm bảo chất lượng[2]. Đến nay, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể, song tình trạng quản lý tôm giống của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là khâu giám sát chất lượng tôm giống nhập từ tỉnh ngoài, bởi theo quy định, với tôm giống nhập từ tỉnh ngoài vào, việc kiểm dịch hoàn toàn do phía tỉnh xuất giống thực hiện. Các lô tôm giống nhập từ ngoại tỉnh vào chỉ cần có giấy kiểm dịch là đủ điều kiện lưu hành. Với quy trình trên, nếu phía xuất giống không làm kỹ khâu kiểm dịch thì phía nhập giống sẽ có nguy cơ cao về nhiễm dịch bệnh, nhất là trong tình hình hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều loại bệnh nguy hiểm trên tôm, gây ra thiệt hại cho người nuôi. Trong khi đó, Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản, bỏ qua công tác kiểm dịch giống thuỷ sản sản xuất và lưu thông trong tỉnh. Các trại sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh sản xuất con giống chủ yếu cung cấp cho các hộ nuôi trong tỉnh, xuất tỉnh rất ít. Vì vậy, nếu không quản lý kiểm dịch tôm giống trong tỉnh sẽ tạo ra nhiều kẽ hở cho tôm giống thiếu chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường. Đây là khó khăn khách quan, do vậy người nuôi tôm phải hết sức thận trọng trong khâu chọn giống và nên chọn giống của các công ty, cơ sở có uy tín và đặc biệt là cần đưa mẫu tôm giống đi kiểm nghiệm.

       Về nguồn nước nuôi tôm: Ngoài yếu tố con giống sạch bệnh trước khi thả nuôi, thì điều kiện chất lượng nước nuôi tôm cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển tôm nuôi. Do đó, việc kiểm tra các chỉ tiêu lý, hóa và các loại virus gây bệnh trước khi thả nuôi và trong suốt quá trình nuôi là vấn đề rất cần thiết để đảm bảo môi trường tôm nuôi luôn được tốt, giúp gia tăng tỉ lệ sống và phát triển của tôm nuôi. Đặc biệt là trong tình hình nguồn nước nuôi tôm ngày càng bị ô nhiễm hiện nay.

       Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước như: do chính hoạt động nuôi trồng thủy sản, nguồn nước thải của các nhà máy, xí nghiệp, do các hoạt động sản xuất nông nghiệp và nước thải từ sinh hoạt tại các khu dân cư. Trong các nguồn ô nhiễm nêu trên, phần lớn là ô nhiễm từ việc cải tạo, xử lý và lạm dụng các hóa chất cấm trong nuôi tôm, nhiều nơi người nuôi tôm vẫn chưa có ý thức trong việc cải tạo ao nuôi, xả thải bùn từ đáy ao hoặc sên vét ao thải trực tiếp ra các sông rạch gây ô nhiễm nguồn nước. Hoặc khi tôm bệnh chết, người nuôi cũng xả thải nước bị bệnh ra các sông rạch mà không đưa vào hệ thống ao lắng để xử lý, hay thông báo cho ngành quản lý để có biện pháp can thiệp. Từ đó, đã tạo nên vòng luẩn quẩn người thải nước ô nhiễm, người khác lại lấy nguồn nước ô nhiễm để nuôi tôm làm dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến lợi ích chung, đe dọa đến tính bền vững của nghề nuôi tôm. Đối với các cơ sở nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, không ít cơ sở trong quá trình canh tác, tiến hành xiphon (hút) bùn đáy từ ao nuôi thải trực tiếp ra sông rạch. Như vậy, người nuôi tôm ở các khu vực này nhận thức rất rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, nhưng lại vẫn phải sử dụng nguồn nước đó để nuôi tôm, chưa có hướng khắc phục.

       Về đặc tính của chất thải trong hoạt động nuôi tôm và tác động môi trường, chất thải từ hoạt động nuôi tôm bao gồm thức ăn thừa, phân tôm và quá trình chuyển hoá dinh dưỡng, vỏ xác tôm sau khi lột vỏ là nguồn gốc chủ yếu của các chất gây ô nhiễm ở các cơ sở nuôi. Nước thải nuôi tôm chứa nhiều nitơ và phosphor, bắt nguồn từ thức ăn thừa còn dư vào môi trường, chất thải hữu cơ, mảnh vụn thực vật phù du hoặc tảo dạng sợi, chất lắng đọng hoặc chất hữu cơ hoà tan, chất nổi lơ lửng,… Ngoài ra, chất thải nuôi thuỷ sản còn có chứa một ít dư lượng của các chất kháng sinh, dược phẩm, thuốc trị liệu và kích thích tố trong quá trình xử lý ao nuôi. Nước thải trên làm giảm ôxy hoà tan và tăng nhu cầu ôxy sinh hóa (BOD5), nhu cầu ôxy hóa học (COD), hydro sulfit, amoniac, hàm lượng methan trong nguồn nước tự nhiên và làm lắng đọng bùn. Lớp bùn đáy ao nuôi tích tụ nhiều chất gây hại như amoniac, nitrite, hydro sulfide và thiếu oxy, làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, gây hại đến sự sống của tôm, đồng thời khi xả ra môi trường bên ngoài nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực và tác động trở lại đối với các cơ sở nuôi thông qua việc lấy nước vào ao nuôi và không đảm bảo các thông số quy định trước khi xả ra môi trường.

       Thời gian qua, tỉnh Cà Mau cũng đã có nhiều giải pháp kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, đến nay hoạt động về xả thải nêu trên ở địa bàn tỉnh vẫn chưa được thực hiện triệt để, khiến môi trường bị ô nhiễm, hoạt động nuôi tôm gặp không ít khó khăn.

       Theo kết quả kiểm nghiệm 82 mẫu nước nuôi trồng thủy sản (nước sông và nước ao nuôi) do Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm thống kê mẫu do khách hàng mang đến phòng kiểm nghiệm tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 đối với các chỉ tiêu như: COD, NO2-, PO43-, Vibrio spp.,… thì có đến 38 mẫu không đạt các chỉ tiêu theo quy định, chiếm đến 46,34% tổng số mẫu. Qua đó, cho thấy tỷ lệ nước nuôi trồng thủy sản không đạt yêu cầu là khá cao.

       Kết luận và kiến nghị:

       Chất lượng tôm giống và nguồn nước nuôi là hai yếu tố then chốt quyết định đến thành công hay thất bại trong nuôi tôm. Chính vì vậy, ngoài việc hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, người nuôi tôm ý thức trong việc chọn lựa tôm giống đảm bảo chất lượng từ các cơ sở sản xuất có uy tín, tốt nhất là nên kiểm nghiệm mẫu tôm giống trước khi chọn mua và thả nuôi; đối với nguồn nước nuôi tôm, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường là hết sức quan trọng, giúp người nuôi nhận biết, đánh giá thực tế về môi trường nuôi với các thông số pH, độ kiềm, độ mặn, oxy hòa tan,… từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp, đặc biệt là các mầm bệnh có trong nguồn nước nuôi, vì thế cần thường xuyên kiểm nghiệm các thông số trên để có giải pháp xử lý nguồn nước được đảm bảo.

       Để quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống sản xuất và lưu thông trong tỉnh, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về tôm giống sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh để quản lý chặt chẽ chất lượng đối với tôm giống. Đối với việc đảm bảo môi trường nước nuôi tôm, kiến nghị các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải, nước thải phát sinh trong nuôi trồng thủy sản, phải được xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật gây bệnh làm ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của người dân trong tỉnh.

       Thực hiện tốt các vấn đề trên sẽ góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh nhà, nâng cao đời sống người dân, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cà Mau./.

       [1] Phan Thuần – Quản lý chất lượng tôm giống. Báo Nhân dân điện tử, ngày 22/4/2016.

       [2] Kế hoạch số 60/KH-UB ngày 15/6/2018 của UBND tỉnh về phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau đến 2025.

ThS. Biện Văn Ngoan