Cà Mau là tỉnh cuối cùng của cực Nam Tổ Quốc, có vị trí địa lý đặc biệt, có 3 mặt giáp biển; thế mạnh về vị trí địa lý thuận lợi để phát triển du lịch. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với bảo vệ môi trường và bảo tồn nét đặc trưng về đời sống văn hóa người dân nông thôn nơi đây. Trong khuôn khổ bài viết này, sẽ trao đổi về tiềm năng thế mạnh của địa phương trong việc xây dựng cơ chế chính sách phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau trong xu thế hội nhập, phát triển.
Từ khóa, du lịch, sinh thái, văn hóa, cộng đồng
1. Đặt vần đề
Với vị trí địa lý đặc biệt với 3 mặt giáp biển cùng nguồn tài nguyên quý giá trên 100.000ha rừng ngập nước, Cà Mau xác định du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mũi nhọn gắn với việc khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Nhưng thế mạnh này đến nay vẫn còn là tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác nhiều; những sản phẩm du lịch chưa thật sự đặc sắc, còn đơn điệu. Chưa phát huy giá trị của tài nguyên thiên nhiên và đời sống văn hóa người dân nông thôn để phát triển du lịch gắn với cộng đồng. Công tác quảng bá, giới thiệu du lịch tuy được quan tâm thực hiện nhưng chưa có chiến lược cụ thể, chậm đổi mới phương pháp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy để du lịch Cà Mau trở thành một trong những ngành mũi nhọn, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của tỉnh thì ngoài việc tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách thì việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương là yếu tố quan trọng để du lịch Cà Mau phát triển bền vững trong thời gian tới.
2. Khái quát tiềm năng, định hướng phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau
Cà Mau là một trong những tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, có ngư trường đánh bắt thủy sản lớn của cà nước. Tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới. Thiên nhiên ưu ái là vùng đất lắm tôm nhiều cá, có rừng, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt… Với sự đa dạng về hệ sinh thái là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với những món ăn dân dã được chế biến theo khẩu vị của người dân bản xứ, mang đậm nét văn hóa đặc trưng về đời sống văn hóa nông thôn đa dạng mà không phải địa phương nào trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có được.
Thời gian qua, nhiều hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, xúc tiến thương mại, du lịch ngày càng được mở rộng… Đặc biệt, Cà Mau hiện cũng đã mở rộng quan hệ hợp tác du lịch với tỉnh Trat (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) thông qua ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Với định hướng phát triển trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên của tài nguyên du lịch. Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, có sự tham gia của cộng đồng; phối kết hợp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới và phát huy giá trị bản sắc văn hóa về đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.
Đối với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến 2030 xác định những loại hình du lịch khai thác phát triển chủ yếu là du lịch tham quan, văn hóa lễ hội, di tích, chứng tích lịch sử văn hóa, du lịch trải nghiệm, về nguồn, điểm đến…Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được tổ chức gần đây cũng tạo thêm nhiều lựa chọn cho du khách, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Cà Mau tạo nên những giá trị từ sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Du lịch Cà Mau hiện nay cũng có thuận lợi về đường bộ, khách quốc tế đến thông qua đường hàng không và sau khi có đường Hồ Chí Minh kéo dài đến Mũi Cà Mau.
Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư. Phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.
2.2. Kết hợp giữa đa dạng hệ sinh thái và phong phú về sản phẩm du lịch
Với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng sinh học, tỉnh Cà Mau đã đầu tư và đưa vào khai thác tuyến tham quan du lịch xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với những nét đặc trưng riêng trong quá trình trải nghiệm, đi qua các điểm như Kênh Rạch Mũi, tham quan điểm nuôi hàu lồng – kênh Rạch Vàng, điểm dừng chân bãi bồi phía Tây, trải nghiệm dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng…
Triển khai thực hiện kết hợp sự đa dạng của hệ sinh thái làm phong phú thêm các sản phẩm phục vụ du lịch, tạo ra giá trị kinh tế cao như việc hình thành các cụm tuyến du lịch điểm đến, du lịch trãi nghiệm để khách du lịch khám phá về thiên nhiên và đời sống sinh hoạt hoạt, nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây. Nhất là tuyến du lịch xuyên rừng thu hút được nhiều sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Đây được xem là sản phẩm du lịch mới và hiện tại chỉ có ở Cà Mau. Các khu du lịch như Khai Long, Đất Mũi, Hòn Đá Bạc và Sông Trẹm .. đã bước đầu phát huy hiệu quả lợi thế tiềm năng gắn với văn hóa bản địa, nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế của người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Một số địa điểm tham quam du lịch chính của tỉnh Cà Mau (Ảnh: St)
Công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch được đẩy mạnh; sản phẩm du lịch có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo được sự cạnh tranh với các tỉnh, thành trong khu vực, cả nước. Trong đó, sản phẩm du lịch trọng tâm mang tính cạnh tranh là du lịch địa lý; du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái gắn với hệ thống rừng ngập và du lịch nông nghiệp. Nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động du lịch ngày càng tăng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế du lịch được quan tâm chỉ đạo, chú trọng đào tạo và bổ sung nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch, có nghiệp vụ tay nghề cao, tinh thần, thái độ làm việc.
Cùng với phát triển du lịch, tỉnh tập trung phát triển các ngành dịch vụ và công nghệ phụ trợ cho du lịch như: Phát triển các nghề truyền thống; dịch vụ mua sắm, ăn uống; tài chính ngân hàng; viễn thông, công nghệ thông tin; vận chuyển hàng không... cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính cũng được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân về cơ chế, hoạt động kết nối, hợp tác kinh doanh trên các lĩnh vực hoạt động du lịch.
2.3. Đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch tỉnh Cà Mau trong thời gian tới
- Một là, Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương chính sách. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển du lịch; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII và Kế hoạch số 50-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Hai là, Chú trọng thu hút, đầu tư phát triển du lịch Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cà Mau, tỉnh xây dựng các đề án để thúc đẩy mời gọi nhà đầu tư tập trung phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau. Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch được triển khai thực hiện tích cực. Đầu tư xây dựng và mở rộng điểm du lịch văn hoá, lịch sử tại các khu di tích trong tỉnh.
- Ba là, Tăng cường quảng bá, giới thiệu du lịch Cà Mau trên các trang thông tin điện tử, Cổng thông tin du lịch Cà Mau; trang mạng xã hội. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề cương Dự án Xây dựng hình ảnh thương hiệu Cà Mau đến năm 2025, đây là Dự án nhằm định hình nên một hình ảnh tỉnh Cà Mau tích cực, có định vị rõ ràng, tập trung, hấp dẫn dựa trên những điều kiện kinh tế đặc thù, giá trị văn hóa, lịch sử, con người và tài nguyên thiên nhiên.
- Bốn là, Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo tính kết nối đến các điểm du lịch chính; cơ sở, vật chất kỹ thuật, dịch vụ từng bước đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thời gian tới. Công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm chỉ đạo, chú trọng đào tạo và bổ sung nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch, có nghiệp vụ tay nghề cao, tinh thần, thái độ làm việc... Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch được nâng lên, góp phần thay đổi diện mạo du lịch Cà Mau thời gian qua.
- Năm là, Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các sản phẩm du lịch, nhất là ở những địa bàn còn nhiều khó khăn về điều kiện hạ tầng nhưng có tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm du lịch; ưu đãi đầu tư vào những vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng phát triển, đặc biệt đầu tư vào khai thác văn hóa bản địa cho phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp và làng nghề truyền thống.
- Sáu là, Tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về gìn giữ bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trong việc xử lý các loại chất thải phát sinh, khác phục tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, phòng chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh du lịch.
3. Kết luận
Với những yếu tố tiềm năng và thế mạnh về điều kiện phát triển du lịch nêu trên, có thể khẳng định, Cà Mau có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Bên cạnh các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư đối với dự án phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau trong giai đoạn tới theo hướng bền vững./.
Danh mục tài liệu tham khảo
Nguyễn Đại Dương - Tỉnh Đoàn Cà Mau
[1]. Quyết định 744/QĐ-TTg, ngày 18 tháng 6 năm 2018, của TTg Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến nắm 2030.
[2]. Quyết định 147/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 01 năm 2020, quyết định về việc phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
[3]. Báo cáo Quy hoạch tổng thể và bảo tồn, phát triển bền vững Tỉnh Cà Mau đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
[4]. Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Cà Mau về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.