I. Đặt vấn đề
Thời gian qua, khởi nghiệp đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, địa phương. Trong đó, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên là một chương trình có ý nghĩa khoa học và xã hội to lớn, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo, trải nghiệm thực tế trong việc lập dự án kinh doanh; thúc đẩy học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống.
Khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực hóa nguồn tri thức, góp phần tạo giá trị cho cộng đồng, xã hội. Vì thế, để giúp học sinh sinh viên vững bước khởi nghiệp, đầu tiên, cần xây dựng nền tảng vững chắc từ nhà trường.
II. Khởi nghiệp cùng học sinh, sinh viên trong Nhà trường hiện nay
Việc đưa nội dung dạy học khởi nghiệp sớm vào nhà trường nhằm trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả, có khả năng ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện. Tinh thần khởi nghiệp ở các trường phải bắt đầu từ xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, nội dung dạy và học, hoạt động nghiên cứu khoa học và phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên.
Hình 1: Nhóm tác giả với dự án: trợ lý ảo thông minh cho cơ quan, doanh nghiệp. Ảnh TG
Tại các Trường Trung học phổ thông trên địa bàn Tỉnh Cà Mau hiện nay, vấn đề hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, các em học sinh được hướng nghiệp ngay từ năm học đầu cấp, nhiều em đã tham gia các hoạt động khởi nghiệp bằng các cuộc thi Khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp bằng cách bán hàng trực tuyến trên các nền tảng …Đối với các Trường Cao đẳng, Đại học truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên là điều quan trọng, góp phần tiếp thêm nghị lực đi đến thành công. Vì thế, cùng với đội ngũ giáo viên, các trường cần thường xuyên mời những người có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực kinh doanh để chia sẻ cho học sinh, sinh viên. Bài giảng nên được kết hợp và thực hiện bởi giảng viên đến từ các doanh nghiệp, qua đó tăng tính thực tế và truyền đạt kinh nghiệm giúp các em khởi nghiệp thành công hơn. Mặt khác, với mong muốn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, có tri thức và nguồn khởi nghiệp chuyên nghiệp chất lượng cao, cần có sự đầu tư bài bản của Nhà nước, sự vào cuộc và kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan.
Đặc biệt, cần kết nối các địa phương với các trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương và mong muốn, nhu cầu của người dân; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng những sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, cần khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục, bảo đảm học đi đôi với hành.
Trong năm học 2023 - 2024, trên địa bàn Tỉnh Cà Mau các hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên được tổ chức như: Hội thi “Ý tưởng đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp sinh viên” do Hội sinh viên Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức. Cuộc thi bao gồm tất cả các lĩnh vực như Công nghiệp, chế tạo sản phẩm Nông – Lâm – Ngư nghiệp, Giáo dục và đào tạo, Dịch vụ du lịch, Khoa học công nghệ v.v.; các ý tưởng, mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới trên nhiều lĩnh vực….vv;
Sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Tỉnh cũng tích cực tham gia Hội thảo Chuyên đề khởi nghiệp: Thách thức và Cơ hội phát triển bền vững tỉnh Cà Mau trong tương lai được tổ chức vào ngày 14/12/2023. Cũng trong năm 2023, Hai dự án ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên Trường cao đẳng cộng đồng Cà Mau: Ý tưởng “Xây dựng trợ lý ảo thông minh cho cơ quan, doanh nghiệp” và Ý tưởng “Liliti handmade – Móc, Thêu, Trang trí hoa, Thú các sản phẩm thủ công theo xu hướng hiện đại” được vào vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Ý tưởng học sinh, sinh viên Khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Lần II năm 2023.
Các hoạt động khởi nghiệp đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo sinh viên. Nhiều ý tưởng sáng tạo, dự án khởi nghiệp tiềm năng đã được hình thành và phát triển. Một số dự án đã đạt được những thành công bước đầu, tạo động lực, niềm tin cho sinh viên trên con đường khởi nghiệp. Ngoài các cuộc thi khởi nghiệp mà sinh viên tham gia, tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau sinh viên các ngành học như Thủy sản cũng tham gia khởi nghiệp bằng việc làm hồ cá cảnh cho các đơn vị, trường học trên địa bàn Tỉnh nhà, sinh viên ngành Kinh tế như Quản trị kinh doanh, Kế toán khởi nghiệp với môn học Kĩ năng bán hàng bằng việc bán các mặt hàng trên các trang Facebook, Zalo, Tiktok, sinh viên ngành Công nghệ thông tin khởi nghiệp bằng công việc nhận chạy quảng cáo cho các trang Fanpage, Facebook, Titok…
Hiện tại cuộc thi Khởi nghiệp “Ý tưởng HSSV Khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Lần III năm 2024” đang diễn ra. Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) sắp tới sẽ tổ chức Sự kiện CamaUP’24 với chủ đề: “ Khởi nghiệp xanh – Xu hướng phát triển bền vững” và chủ trì Cuộc thi khởi nghiệp Cà Mau 2024 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của khởi nghiệp; Tìm kiếm các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc, tiềm năng để ươm tạo và kết nối với các nhà đầu tư và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tại Cà Mau.
Hình 2: Sản phẩm đan móc len của sinh viên trường Cao đẳng Cộng Đồng Cà Mau. Ảnh TG
Những cuộc thi trên hứa hẹn tiếp tục là nơi phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của học sinh sinh viên trên địa bàn tỉnh, giúp phát hiện và ươm tạo những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo đồng thời quản bá những ý tưởng, dự án hay và gắn kết vào thực tế. Qua cuộc thi, giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế để đúc kết kinh nghiệm, kiến thức về kinh doanh, xây dựng ý tưởng và tìm ra con đường lập nghiệp trong tương lai. Thông qua các hoạt động này, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp mà còn được rèn luyện các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề... Đây là những kỹ năng cần thiết để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, đặc biệt là trong khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các Đoàn, Hội của trường Đại học, Cao đẳng, Phổ thông trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khởi nghiệp thông qua các kênh truyền thông khác nhau như website, mạng xã hội, các ấn phẩm tuyên truyền. Thành lập nhiều Fanpage trao đổi phương pháp học tập, nghiên cứu hiện đại, hiệu quả; xây dựng ngân hàng học liệu, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tổ chức các hoạt động tuyên dương, hỗ trợ, khuyến khích, cổ vũ sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, đề xuất các ý tưởng, phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Hình 3: Sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên ngành Thủy sản. Ảnh TG
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên toàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Số lượng học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp còn hạn chế so với quy mô học sinh, sinh viên của các nhà trường; một số hoạt động chưa thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Nguyên nhân của tình trạng này do công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, chưa tiếp cận được đông đảo học sinh, sinh viên…Để khắc phục những hạn chế trên, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động khởi nghiệp đến đông đảo học sinh, sinh viên. Đồng thời, cần đổi mới nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn. Bên cạnh đó, các trường cần phối hợp các đơn vị chức năng để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong quá trình khởi nghiệp như: hỗ trợ về mặt bằng, vốn, tư vấn pháp lý…
III. Kết luận
Việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên không chỉ giúp các em nhận ra tiềm năng của bản thân, phát triển kỹ năng và kiến thức mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp là vô cùng cần thiết.
Phạm Thị Huyền – Võ Thị Thanh Nữ - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau