- Tên dự án: “Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) toàn đực bán thâm canh tại Cà Mau”
- Dự án thuộc chương trình ứng dụng khoa học vào sản xuất và đời sống năm 2022.
- Đợn vị chủ quản: Sở khoa học và công nghệ Cà Mau
- Đơn vị thực hiện: Phân viện NCTS Nam Sông Hậu chủ trì, Thạc sỹ Vũ Hồng Như Yến làm chủ nhiệm
- Thời gian thực hiện: 6 tháng 6/2022-12/2022
- Địa Điểm thực hiện: Xã Trí Lực, Huyện Thới Bình
- Nội dung thực hiện: Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực mật độ 6 con/m2 bán thâm canh trong ruộng lúa tại Cà Mau.
1. Yều cầu hệ thống công trình nuôi tôm càng xanh xen canh với trồng lúa
1.1. Hệ thống công trình ương
+ Vị trí ao thiết kế có thể nằm ở vị trí bên ngoài vuông/ruộng hoặc có thể nằm ở đầu kênh cấp bên trong vuông hoặc cuối vuông (hình 1).
+ Ao/lưới có diện tích chiếm khoảng 5-10% diện tích vuông/ruộng.
+ Ao/lưới được xây dựng đảm bảo độ sâu mực nước tối thiểu từ 1,2-1,4 m. Bờ ao chắc chắn, đảm bảo khả năng giữ nước tốt và hạn chế rò rĩ nước.
+ Hệ thống cấp thoát nước chủ động và đảm bảo các tiêu chí cần thiết cho nuôi tôm.
+ Có hệ thống tạo oxy cho ao ương
1.2. Hệ thống công trình nuôi tôm càng xanh xen canh với trồng lúa
- Ruộng nuôi phải đảm bảo yêu cầu cấp, thoát nước và bờ phải chắc chắn, giữ được nước; thiết kế mương bao quanh (và mương phụ nếu cần) theo nhiều dạng khác nhau tùy hiện trạng sẳn có, chiếm tỷ lệ từ 30-35% diện tích vuông/ruộng, trong đó cần chú ý:
+ Mương bao quanh vuông/ruộng được thiết kế theo hướng mở rộng thêm chiều rộng, với độ rộng trung bình khoảng 4-6m.
+ Có thể thiết kế thêm mương bên trong vuông, (mương phụ) với độ rộng nhỏ hơn hoặc bằng mương bao, dao động từ 2-6m.
+ Gia cố bờ bao đủ lớn, độ rộng mặt bờ từ 3-4m, và giữ được nước ổn định trong đầm, hạn chế tối đa rò rỉ nước, đảm bảo giữ được mực nước ở mương tối thiểu từ 1,2-1,4m, và mực nước trên trảng từ 0,5-0,6m.
+ Trên mặt bờ duy trì sự hiện diện của cây cỏ hoặc hoa màu, cây ăn trái.
Hình 2: Mặt cắt ngang vuông/ruộng nuôi tôm
2. Chuẩn bị ao ương và ruộng nuôi tôm, trồng lúa
Ao/ruộng nuôi
- Cải tạo nền, đáy ao: Sên vét bùn đáy toàn bộ hệ thống mương, gia cố lại đê bao (bùn có thể được chuyển lên bờ hay rãi đều trên trảng); Tận dụng nước mưa rửa mặn ruộng, ao và chuẩn bị đất cho vụ trồng lúa (san bằng trảng, dọn cỏ..).
- Xử lý phèn: Sử dụng vôi đá CaO, CaCO3 để khử trùng đáy và trung hoà phèn (pH), tùy theo độ phèn của đất sử dụng lượng vôi khác nhau. Thông thường nếu đất không bị phèn thì bón vôi từ 40 - 50 kg/ha rãi đáy mương, bờ bao, đối với những ao, mương mới đào phải chú ý xử lý phèn cẩn thận lượng vôi sử dụng từ 50 – 100 kg/ha.
- Diệt cá tạp: sử dụng 10 kg Saponin/1.000 m3(trời mưa sử dụng liều cao hơn 20 kg Saponin/1.000 m3) hoặc dây thuốc cá xây nhỏ liều lượng 3-4 kg/1.000 m3. Thuốc phải được ngâm trước từ 2-3 giờ trước khi tạc, bỏ xác.
- Chuẩn bị nước ương nuôi: Sau khi chuẩn bị ao xong tiến hành lấy nước vào ao, diệt khuẩn (đối với nước ao ương), bón phân gây màu, và kiểm tra các yếu tố thủy lý, hóa để điều chỉnh về ngưỡng thích hợp trước khi thả nuôi.
+ Đối với ao ương cần phải diệt khuẩn: Sử dụng thuốc diệt khuẩn (Iodin, BKC, TCCA, Viof, CK..), liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
+ Sau 3-4 ngày kiểm tra độ trong đạt 30-40 cm, nếu không đạt tiến hành bón phân DAP, NPK + Ure hoặc Lân hay cám gạo để gây màu nước, với liều lượng (DAP: 1-1,5 kg/1.000 m3/lần, NPK+Ure: 1+2 kg/1.000 m3 hoặc Lân: 1-1.5 kg/1.000 m3) và bón liên tục 3-5 ngày đến khi đạt, sau đó giảm lượng phân xuống còn ½ liều ban đầu định kỳ 3-5 ngày sử dụng lại (lưu ý: khi màu nước có độ trong cao hơn 40 cm thì sử dụng liều 2).
+ Trước khi thả tôm 1-2 ngày sử dụng vi sinh để tạo hệ vi sinh vật có lợi phát triển, khống chế các vi khuẩn gây hại, ổn định môi trường.
+ Các yếu tố môi trường nước phù hợp cho việc thả giống:
Chỉ tiêu | Ngưỡng thích hợp |
pH | 7,2-8,5 |
Nhiệt độ (oC) | 27-31oC |
Độ kiềm (mg/L) | > 90; <160 |
Độ trong (cm) | 25-30 |
Độ mặn (‰) | 0-10 |
- Song song với thời gian cải tạo ruộng, tiến hành dọn cỏ xung quanh bờ và trên trảng để chuẩn bị cải tạo trảng cho vụ trồng lúa.
Việc cải tạo ao ương và chuẩn bị nước được thực hiện trước từ 2-2,5 tháng, nhằm ương dưỡng tôm giống trước để tranh thủ kịp mùa vụ. Nên duy trì sự hiện diện của các loại cây nông nghiệp trên bờ bao (để giảm sự trôi của phèn, phù sa... Sản phẩm từ cây có thể bổ sung làm thức ăn cho tôm, nhằm giảm chi phí ).
3. Kỹ thuật chọn giống và ương, nuôi tôm càng xanh:
3.1. Kỹ thuật chọn giống và thả giống ương
- Tôm giống (Postlarvae) được chọn mua ở cơ sở sản xuất, mua bán uy tín, tôm giống được sản xuất theo công nghệ tôm toàn đực và đánh giá cảm quan đạt kích cỡ đồng đều, hoạt động nhanh nhẹn, không bị tổn thương phụ bộ, màu sắc trong.
- Tôm giống sau khi vận chuyển về đến nơi nuôi được thuần hoá độ mặn, pH, nhiệt độ nước trước khi thả. Bọc chứa tôm được ngâm trong nước ao ương 10-15 phút, sau đó mở bọc cho nước vào để tôm từ từ bơi ra ngoài. Tôm càng xanh thường tỷ lệ hao hụt khoảng 5 % trong thời gian vận chuyển 5-8 giờ. Nên thả tôm lúc trời mát và thả nhiều điểm trong ao.
- Thời gian ương trong ao (mật độ: 40-60 con/m2) từ 60-65 ngày tùy điều kiện thời tiết và khả năng phát triển của tôm, sau đó chuyển ra ruộng nuôi tiếp tục đến đạt kích cỡ thương phẩm. Sử dụng phương pháp kết hợp như kéo lưới, đặt lú, đặt sàng ăn, chài và khai bờ để bắt, chuyển tôm sang ruộng nuôi.
3.2. Chăm sóc và quản lý
- Thức ăn và chế độ cho ăn: Thức ăn được xem là yếu tố quan trọng giúp tôm phát triển nhanh trong giai đoạn đầu của vụ nuôi và tăng trưởng ổn định giai đoạn sau. Việc quản lý thức ăn cho tôm càng xanh như sau:
Đối với thời gian ương: Cho ăn 3 cử/ngày tại các thời điểm 6h, 10h30, 17h. Khẩu phần thức ăn cho tôm ăn trong ngày như sau:
+ Ngày đầu tiên cho ăn với lượng 150 - 200 g/100.000 PL. Sau đó, mỗi ngày tăng thêm khoảng 10%. Khi cho tôm ăn nên rải đều khắp xung quanh ao.
+ Sử dụng khoáng trộn thức ăn, liều 3 g/kg thức ăn, 1lần/ngày, trộn vào lần cho ăn lúc 18h.
Đối với nuôi trong ruộng: Sử dụng phân NPK + Ure (0,5 – 1 kg/1.000 m3) hoặc lân: 0,5 kg/1.000 m3 bón tạo thức ăn tự nhiên.
Cho ăn: Từ giai đoạn II, sử dụng thức ăn công nghiệp (CN) dạng viên có hàm lượng đạm 30% và cho ăn theo định mức (50%) dựa trên khối lượng cơ thể tôm. Có thể kết hợp sử dụng thức ăn tươi tại địa phương (bắp, cá tạp, ốc bươu vàng,…). Cho ăn 1 lần/ngày vào lúc chiều mát có thể xen kẻ 1 cử thức ăn CN với 1 cử thức ăn tươi. Thức ăn được rải điều quanh mương hoặc từng cụm.
Bảng: Thức ăn cho tôm theo giai đoạn tăng trưởng
Tháng tuổi | Lượng TA áp dụng cho Tôm -lúa (% trọng lượng thân) |
1 | 12 |
2 | 10 |
3 | 5 |
4 | 3 |
5 | 2 |
6 | 1 |
Sử dụng khoáng trộn thức ăn, liều 3 g/kg thức ăn, 3 ngày/1lần, trộn vào lần cho ăn lúc 18h.
- Quản lý môi trường: Đo các yêu tố chính pH, kiềm, độ mặn, NH3 …(5-10 ngày/lần). Áp dụng các biện pháp kỹ thuật kịp thời điều chỉnh các yếu tố môi trường về ngưỡng hợp lý, tránh sự biến động lớn và đột ngột có thể gây sốc cho tôm. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khẻo tôm nuôi.
Theo dõi chất lượng, quản lý nước:
Trong thời gian ương, nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy, lý, hóa của môi trường nước nuôi để kịp thời xử lý. Cụ thể:
Yếu tố | Chỉ số | Cách xử lý |
pH | > 8.5 | Thay nước hoặc sử dụng mật đường kết hợp với vi sinh |
< 7.0 | Dùng vôi CaCO3 5 – 10 kg/1.000 m3 hoặc CaO 2 kg/1.000 m3 | |
Nhiệt độ | > 35ºC | Tăng mực nước trong ruộng lên hoặc sử dụng Ure: 2 kg/1.000 m3 |
< 25ºC | Tăng mực nước kết hợp với sử dụng vôi CaO 2 kg/1.000 m3 | |
Kiềm | > 80 mg/l | Dùng Dolomite 4 – 8 kg/1.000 m3 |
< 120 mg/l | Thay nước | |
NH3 | > 0.03 | Thay nước kết hợp sử dụng vi sinh |
Mực nước | < 1.2m | Cấp thêm nước |
Độ trong | > 30 cm | Thay nước hoặc sử dụng vi sinh |
Độ mặn | > 15‰ | Cấp thêm nước ngọt vào |
- Đới với ao ương:
+ Sử dụng vi sinh xử lý nước giúp làm sạch môi trường 0.5 kg/1.000 m3, tần suất 10 ngày/lần.
+ Sử dụng khoáng để giúp tôm nhanh cứng vỏ sau lột xác, tránh ăn thịt lẫn nhau, liều lượng 500g/1.000m3, tần suất 10 ngày/lần.
+ Sử dụng vôi nhằm ổn định môi trường. Liều lượng bón vôi khoảng 10 kg/1.000 m2, định kỳ 2 lần/tháng.
- Đối với ruộng nuôi:
+ Sử dụng vi sinh xử lý nước giúp làm sạch môi trường 1 kg/10.000 m3, xen kẻ với vi sinh EM đã ủ 30 lít/10.000 m2, tần suất 10 ngày/lần.
+ Sử dụng khoáng tạt để giúp tôm nhanh cứng vỏ sau lột xác, tránh ăn thịt lẫn nhau, liều lượng 2,5 kg/10.000m3, tần suất 10 ngày/lần.
+ Sử dụng vôi để ổn định môi trường, liều lượng 50 kg/ha, tần suất 1 lần/tháng.
- Định kỳ đo các yếu tố môi trường, thích hợp nhất cho tôm càng phát triển là: pH 7,2-8,5 ; Nhiệt độ 27-32 oC ; Độ kiềm > 90 mg/l ; Oxy > 3 mg/l ; NH3-N < 0,5 ; Độ sâu mực nước trên trảng 40-50 cm.
- Quản lý mức nước trong ruộng theo giai đoạn phát triển của lúa và nên giữ nước ngập ruộng để tôm có điều kiện lên ruộng tìm thức ăn. Thường xuyên thay nước để kích thích tôm lột vỏ tăng trưởng.
Theo dõi tôm nuôi:
+ Hàng ngày tiến hành theo dõi tập tính của tôm như: Phản xạ, sự biến đổi màu sắc của cơ thể, mang tôm và khả năng bắt mồi, những phụ bộ và hệ thống gan tụy... để kịp thời xử lý.
+ Định kỳ 1 tháng/lần kiểm tra tốc độ tăng trưởng của tôm để có biện pháp tăng cường và quản lý sức khỏe tôm nuôi
+ Bên cạnh đó việc quản lý sức khỏe tôm cũng cần quan tâm đến những biểu hiện lâm sàn của một số bệnh như hiện tượng đóng rong, hiện tượng nhiễm khuẩn, hiện tượng đục cơ, chậm lớn ...
Lưu ý: không được sử dụng thuốc nông dược cho cây lúa khi có tôm (chỉ sử dụng những nông dược có nguồn gốc từ sinh học). Nên bố trí một số cụm chà cứ 4-6 m/1 cụm, nhằm tạo nơi trú ẩn cho tôm khi lột xác, chà là nơi để các loại tảo bám phát triển đây là thức ăn cho tôm. Thường xuyên kiểm tra lưới gièo, bờ, cá tạp...để có biện pháp xử lý.
Phòng bệnh cho tôm:
Trên cơ sở hiểu biết những biểu hiện lâm sàng của bệnh và những biểu hiện khác thường của tôm tiến hành thực hiện ngay các biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp như:
+ Tăng cường quản lý môi trường bằng cách sử dụng định kỳ vôi, phân, vi sinh định kỳ.
+ Điều chỉnh lượng thức ăn hoặc bổ sung lượng men tiêu hóa, vitamin C, khoáng trộn thức ăn.
+ Trong điều kiện không thể điều trị thì tiến hành thu hoạch sớm, nhằm hạn chế xảy ra bệnh và thất thoát do tôm chết không thể thu được và tránh lây lan bệnh sang những vuông nuôi khác.
+ Một số bệnh thường gặp như:
Loại bệnh | Dấu hiệu | Nguyên nhân | Cách phòng và trị |
Mất phụ bộ | Chân và chùy bị gẩy | Do bị tác động khi lột xác hoặc trong quá trình hoạt động | Tạo môi trường tốt bằng cách thay nước, dùng vi sinh... bổ sung thức ăn có chất lượng |
Đen mang | Mang bị đen | Nền đáy bị dơ | Bón vôi CaCO3 với liều 10-20 kg/1.000m2, sau 1 ngày dùng vi sinh. Nếu có điều kiện thì thay nước. |
Đốm đem | Mang, chân, râu, đuôi bị đốm đem, năng hơn có thể bị lở loét | Nền đáy có nhiều vi sinh vật có hại phát triển | Đẩm bảo chất lượng nước tốt. Dùng hóa chất diệt khuẩn sau 3 ngày dùng vi sinh. |
Đục thân | Cơ thân bị đục một phần hoặc toàn cơ thể | Thiếu các khoáng vi lượng hoặc bị vi rút | Luôn giữ chất lượng tốt, bổ sung thêm các khoáng chất vào trong thức ăn, sử dụng khoáng tạt điều khắp mương liều 5-10 kg/1.000 m3 |
Đóng rong | Vỏ bị rong bám bên ngoài | Nền dáy dơ và tảo phát triển nhiều | Sử dụng BKC vào lúc trưa nắng, sau 3 ngày sử dụng vi sinh. Nếu có điều kiện thì nên thay nước |
3.3. Thu hoạch
- Sau 5,5 – 6 tháng có thể thu một lần. Dụng cụ thu có thể là các lú thưa đặt trong mương, chài, mò bắt, kích thích nước mới, xổ cạn bắt bằng tay.
Ths. Vũ Hồng Như Yến; Ths. Ngô Minh Lý; Ths. Mai Xuân Hương