Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường các tuyến sông khu vực nội ô TP.Cà Mau.

       Thành phố Cà Mau (TP. Cà Mau) là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Cà Mau, TP. Cà Mau cách thành phố Hồ Chí Minh 349 km, cách thủ đô Hà Nội 2.085km. Với dân số khoảng 315.000 người, được chia làm 10 phường và 7 xã. Với đặc điểm là một độ thị thuộc vùng sông nước, nên trên địa bàn TP. Cà Mau là nơi hội tụ của hơn 20 con sông lớn nhỏ, trong đó phải kể đến những nhánh sông chính như: sông Gành Hào, kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, sông Tắc Thủ, sông Ông Đốc... Do tập quán sinh sống lâu đời của cộng đồng dân cư vùng sông nước, cho nên các sông rạch ở TP. Cà Mau ngoài chức năng giao thông đường thủy, lưu chuyển hàng hóa; cung cấp nguồn nước phục vụ cho sản xuất và đời sống, thì sông rạch là nguồn tiếp nhận nước thải của toàn bộ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của cư dân và nước thải của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP. Cà Mau. Đặc biệt, bờ sông còn là nơi làm nhà ở để sinh sống của khoảng 6.500 hộ dân. Bên cạnh đó hàng ngày, tại một số đoạn sông còn là nơi hợp chợ để giao thương mua bán rất tấp nập, những đặc điểm này đã tạo ra cho TP. Cà Mau một nét văn hoá hết sức riêng biệt, mang đậm dấu ấn của người dân vùng sông nước Cà Mau. Tuy nhiên cũng chính vì những đặc trưng đó, đã gây áp lực không nhỏ lên môi trường sinh thái của các tuyến sông rạch trong nội ô TP. Cà Mau.

Vớt rác trên sông Cà Mau - Ảnh Khánh Phương


       1. Thực trạng môi trường các tuyến sông, rạch khu vực nội ô TP. Cà Mau:

       Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước mặt trên một số tuyến sông, rạch thuộc khu vực nội ô TP. Cà Mau là khá nghiêm trọng. Nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm hữu cơ và chất rắn lơ lửng cao, dòng chảy bị ảnh hưởng và bồi lắng xảy ra với tốc độ khá nhanh. Mức độ ô nhiễm rõ ràng nhất là đoạn sông từ Cống Cà Mau đến ngã ba Hoà Trung, kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, sông Cái Nhúc, kênh Thống Nhất, kênh Ba Khoanh, Kênh Mới, kênh Hội Đồng Nguyên, Kênh Đường Củi... Nước sông bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị; hoạt động sản xuất, nhất là nuôi trồng thủy sản và đời sống của nhân dân của TP. Cà Mau và các khu vực của các huyện lân cận.

       Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nguồn nước mặt, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường trên các tuyến sông, rạch trong khu vực nội ô TP. Cà Mau vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa kiểm soát hiệu quả chất lượng nguồn nước mặt trên các tuyến sông, rạch công cộng. Theo kết quả quan trắc mẫu nước mặt tại một số tuyến sông, rạch trên địa bàn khu vực nội ô TP. Cà Mau (vào tháng 10/2018) của Sở Khoa học và Công nghệ thì giá trị các thông số như: DO, BOD5, COD, Amoni, Phosphat, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng coliform ở hầu hết các điểm quan trắc đều vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).

       2. Những nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường các tuyến sông, rạch khu vực nội ô TP. Cà Mau:

       Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường các tuyến sông ở khu vực nội ô thành phố Cà Mau là do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Mật độ nhà ở, nhiều chợ và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ven sông tập trung cao. Tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng sức ép của gia tăng dân số. Việc kiểm soát phát thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản chưa chặt chẽ. Nước thải của các cơ sở có quy mô nhỏ, kinh doanh xăng dầu, kho bãi vật liệu xây dựng, các chợ: phường 2, phường 4, phường 6, phường 7... có lượng nước thải tương đối lớn nhưng chưa qua xử lý, trực tiếp thải xuống các sông rạch.Tình trạng nhà ở lấn chiếm lòng sông, nhiều nơi lòng sông, rạch bị thu hẹp, gây cản trở dòng chảy, đồng thời thường xuyên xả rác, nước thải trực tiếp ra sông rạch. Hoạt động sinh sống ven sông đã tạo nguồn thải khá lớn vào sông, rạch, đặc biệt là chất thải rắn trôi nổi trên sông và không phân hủy như thùng xốp, túi nhựa; gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và mỹ quan đô thị. TP. Cà Mau chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.Với dân số của TP. Cà Mau khoảng 315.000 người, ước tính nước thải sinh hoạt phát sinh khoảng 30.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, TP. Cà Mau chưa đầu tư hệ thống thu gom, tách nước mưa với nước thải sinh hoạt, chưa đầu tư nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

       Bên cạnh đó, nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản dọc theo các tuyến sông nhưng việc kiểm soát nguồn thải chưa thật sự chặt chẽ. Dọc theo các tuyến sông là nơi tập trung 18 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản, dược phẩm thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường, với lưu lượng thải khoảng 10.000m3/ngày đêm. Các công trình cống, kho bãi, nhà ở và khu dân cư ven sông lấn chiếm làm dòng chảy bị thu hẹp và bồi lắng. Các tuyến sông, kênh, rạch trong nội ô TP. Cà Mau dễ bị bồi lắng do phù sa và chất thải, khả năng luân chuyển nước kém nên các chất ô nhiễm tích luỹ ngày càng trầm trọng. TP. Cà Mau có 04 công trình cống thủy lợi tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, kết hợp với nhiều công trình, kho bãi lấn chiếm khu vực đất bảo lưu ven sông, thu hẹp lòng sông, nên dòng chảy yếu, khiến chất ô nhiễm ngày càng tích tụ, khả năng tự làm sạch rất hạn chế. Ngoài ra, ý thức chấp hành và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận cộng đồng dân cư và doanh nghiệp chưa cao,chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường. Nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các nhà máy chế biến thủy sản dọc theo các tuyến sông chưa chấp hành tốt Luật BVMT, mặc dù các cơ sở đã có hệ thống xử lý nước thải, nhưng việc vận hành hệ thống đôi khi mang tính chất đối phó với cơ quan chức năng, vẫn cố tình xả nước thải chưa xử lý ra môi trường; giải pháp lắp đặt camera và điện kế điện tử để theo dõi hệ thống xử lý nước thải theo quy định của pháp luật xả thải dưới 1.000m3/ngày đêm, được thực hiện với hình thức khuyến khích nên các doanh nghiệp không tự nguyện lắp đặt.

       3. Giải pháp kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên các tuyến sông, rạch khu vực nội ô TP. Cà Mau:

       Để kiểm soát, quản lý và khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường các tuyến sông, rạch ở khu vực nội ô TP. Cà Mau phải có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, nhiều ngành chức năng khác nhau; bên cạnh đó phải lồng ghép áp dụng đồng thời nhiều nhóm giải pháp về quản lý và công nghệ với nhau, bao gồm cả giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Các nhóm giải pháp cụ thể được đề xuất bao gồm:

       - Đối với nhóm giải pháp công trình:

       Cần đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, tách nước mưa với nước thải sinh hoạt và xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho TP. Cà Mau. Đồng thời phải kiểm soát và xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn thải: Ứng dụng công nghệ Jokaso không qua bể tự hoại; công nghệ hầm ủ biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm siêu thâm canh ở khu vực ven TP. Cà Mau; sử dụng ao hồ nhân tạo hoặc đất ngập nước xử lý nước thải. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung, hoặc ứng dụng công nghệ xử lý nước thải công nghiệp tại nguồn ở các nhà máy, xí nghiệp trong khu vực thành phố Cà Mau và các vùng lân cận.

       Cải thiện sức chịu tải môi trường nước mặt của các dòng sông bằng cách định kỳ nạo vét khơi thông các dòng chảy các tuyến sông, kênh đang bị bồi lắng, ô nhiễm để tăng lưu lượng nước, pha loãng chất ô nhiễm, tăng khả năng tự làm sạch của các dòng sông. Chủ động, linh hoạt trong khai thác, vận hành các cống thủy lợi một cách hợp lý. Di dời hoặc tháo dỡ các công trình cống thủy lợi không còn công năng sử dụng, giải tỏa các điểm lấn chiếm lòng sông để lưu thông luồng lạch, trao đổi nước, giảm thiểu ô nhiễm do tích tụ chất thải. Đầu tư thêm tàu vớt rác trên sông để tăng địa bàn và tần suất vớt rác trên sông. Quy hoạch, chỉnh trang lại hành lang ven sông và có phương án di dời dân cư tập trung ven các sông chính ở nội ô TP. Cà Mau. Ứng dụng công nghệ giám sát và kiểm soát nguồn thải bằng cách, lắp đặt hệ thống camera giám sát để phát hiện và xử phạt hành vi vứt rác ra sông; trang bị hệ thống giám sát tự động để kiểm soát việc xả thải của doanh nghiệp và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tập hợp quản lý.

       - Đối với nhóm giải pháp phi công trình:

       Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của cộng đồng cư dân sống ven sông và mua bán trên sông; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, ứng dụng mô hình quản lý môi trường nước sông dựa vào cộng đồng dân cư ở nội ô TP. Cà Mau. Rà soát, đánh giá khả năng tiếp nhận và sức chịu tải môi trường của một số tuyến sông; xây dựng bản đồ phân vùng ô nhiễm nước để kiểm soát, quản lý chất lượng nước theo phân khu tự nhiên các dòng sông chính, không theo khu vực hành chính. Áp dụng biện pháp kinh tế bằng cách cho vay vốn để xây dựng các công trình xử lý chất thải.

       Tăng cường giám sát của cộng đồng về bảo vệ môi trường và chia sẻ thông tin trong việc kiểm soát và quản lý chất lượng của nguồn nước. Thiết lập đường dây nóng thông qua các phương tiện thông tin liên lạc như: điện thoại, hộp thư điện tử, mạng xã hội để người dân phản ánh các hành vị vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường thủy, lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch; xử lý vi phạm phát thải gây ô nhiễm nguồn nước mặt; xử phạt các dịch vụ “Rút hầm cầu” không phép xả thải trực tiếp ra sông, rạch.

       4. Đề xuất thực hiện một số chương trình, dự án để bảo vệ môi trường các tuyến sông, rạch khu vực nội ô TP. Cà Mau:

       Để quản lý và bảo vệ môi trường các tuyến sông khu vực nội ô TP. Cà Mau có hiệu quả lâu dài, thì cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau cần xem xét thực hiện nhiều công trình, dự án nhằm quản lý, kiểm soát và bảo vệ môi trường các tuyến sông khu vực nội ô thành phố Cà Mau. Trong đó trọng tâm và ưu tiên trước mắt thực hiện một số công trình, dự án cụ thể như sau:

       Chính quyền thành phố Cà Mau xây dựng và thực hiện Dự án bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng - CBEM (Community Based Environment Management), nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và triển khai các công cụ cần thiết để kiểm soát, quản lý các loại chất tại nguồn phát sinh.Mô hình CBEM đã được ứng dụng rộng rãi tại các nước như: Hoa Kỳ, Thụy Điển, Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil, Philippines... Tại Việt Nam, mô hình CBEM được ứng dụng thành công để cải thiện và bảo vệ môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm; bảo vệ môi trường địa bàn Phường 3, Quận 11, TP. Hồ Chí Minh. Mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng cũng được triển khai thực hiện thành công tại nhiều tỉnh như: Khánh Hòa, Nghệ An, Đồng Tháp.

Xử lý ô nhiễm môi trường các tuyến sông khu vực nội ô TP.Cà Mau

       Xây dựng và triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống xử lý nước thải phân tán cho một số cụm dân cư ven sông, khu dân cục bộ chưa có hệ thống thoát nước chung, khu vực chợ, nhà hàng, khách sạn, phòng khám,… để giảm thiểu tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra các dòng sông. Công nghệ khả thi có thể nghiên cứu ứng dụng là công nghệ xử lý nước thải tại nguồn (Jokaso) Nhật Bản. Thành phố Cà Mau và ngành chức năng có liên quan rà soát, đề xuất danh mục các công trình bức xúc cần nạo vét, mở rộng luồng lạch, khơi thông dòng chảy các tuyến sông trong nội ô thành phố Cà Mau bị bồi lắng, tích tụ nguồn ô nhiễm. Lắp đặt hệ thống camera quan sát tại một số điểm nóng thường xảy ra tình trạng xả rác, xả thải ra môi trường để quản lý, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

       Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường trong khu vực nội ô thành phố Cà Mau một cách căn cơ và bền vững lâu dài, trong thời gian tới cần ưu tiên kêu gọi đầu tư hoặc bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước để xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho thành phố Cà Mau; xây dựng và cải tạo hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt tập trung để xử lý và các công trình có liên quan khác. Xem xét ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải sinh hoạt tiên tiến hiện nay như: Công nghệ sinh học tăng trưởng bám dính; Bể sinh học hiếu khí Aerotank; Bể sinh học kỵ khí UASB; Công nghệ đệm sinh học di động (MBBR); Công nghệ AAO (Yếm khí - Thiếu khí - Hiếu khí); Công nghệ màng lọc sinh học MBR, …Tuỳ theo điều kiện cụ thể về lưu lượng, thành phần và nồng độ chất thải có thể áp dụng riêng lẻ hay kết hợp các công nghệ trong cùng một hệ thống xử lý. Ngoài ra, trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cần áp dụng công nghệ lắp van tự động 1 chiều cho các cống thoát nước ra sông, tránh triều cường xâm nhập gây ngập cục bộ và ô nhiễm môi trường cho khu vực nội ô thành phố Cà Mau.

ThS.Đoàn Hữu Nghị