Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường. Việc phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan, đặc biệt là ngành thủ công mỹ nghệ. Du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo ra nhiều việc làm và có thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động trong ngành du lịch đang tồn tại rất nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, nếu lao động trong ngành du lịch Việt Nam không nhanh chóng chuẩn bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết thì có thể sẽ thua ngay trên sân nhà. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp bách đặt ra cho các cơ sở đào tạo ngành du lịch.
I. Thực trạng của ngành Du lịch Việt Nam
Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn về nhiều mặt để phát triển du lịch, có điều kiện thiên nhiên phong phú, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp và độc đáo, nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, giàu bản sắc nhân văn, nguồn lao động dồi dào thông minh, cần cù và giàu lòng nhân ái. Trong những năm gần đây, ngành du lịch đã có những đổi mới, từng bước phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện bước đầu thu hút khách nước ngoài và kiều bào về thăm Tổ quốc, giới thiệu đất nước, con người và tinh hoa của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế; đáp ứng một phần nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân trong nước, bước đầu đã thu được kết quả nhất định về kinh tế.
Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển, lượng khách quốc tế đến cũng như khách du lịch nội địa ngày càng tăng. Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế. Điều này được minh chứng thông qua số lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình trên 12% mỗi năm. Thị phần khách quốc tế đến Việt Nam trong khu vực và trên thế giới không ngừng tăng lên. Từ chỗ chiếm 4,6% thị phần khu vực Đông Nam Á; 1,7% thị phần khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và 0,2% thị phần toàn cầu vào năm 1995 đến 2016 Du lịch Việt Nam đã chiếm 8,2% thị phần khu vực ASEAN; 2,4% khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và 0,68% thị phần toàn cầu.
Bên cạnh đó, hệ thống di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận liên tiếp gia tăng về số lượng là các trọng tâm trong thực tiễn xây dựng sản phẩm, thu hút khách du lịch. Các sản phẩm như tham quan cảnh quan vịnh Hạ Long, tham quan di sản văn hoá Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn; du lịch mạo hiểm khám phá hang động Phong Nha-Kẻ Bàng, du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Né, Phú Quốc, du lịch sự kiện Nha Trang... ngày càng thu hút được sự quan tâm lớn của khách du lịch trong và ngoài nước. Các lễ hội được tổ chức ở quy mô lớn đã trở thành những sản phẩm du lịch quan trọng, như: lễ hội Chùa Hương, lễ hội bà chúa Xứ, festival Huế, carnaval Hạ Long, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, festival hoa Đà Lạt... Những sản phẩm và những giá trị nổi bật của điểm đến Việt Nam dần được hình thành và định vị tại các thị trường khách du lịch mục tiêu. Các khu, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch là những điểm nhấn quan trọng hình thành sản phẩm du lịch được định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển ngành du lịch.
Sự phát triển không ngừng của ngành Du lịch góp phần vào GDP Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP). Tổng đóng góp của du lịch vào lĩnh vực việc làm toàn quốc (gồm cả việc làm gián tiếp) là hơn 6,035 triệu việc làm, chiếm 11,2%. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành Du lịch tạo ra là 2,783 triệu (chiếm 5,2% tổng số việc làm). Đồng thời xét về cơ cấu doanh thu ngoại tệ trong xuất khẩu dịch vụ, doanh thu của ngành du lịch chiếm trên 50% trong xuất khẩu dịch vụ của cả nước, đứng đầu về doanh thu ngoại tệ trong các loại hoạt động dịch vụ “xuất khẩu”, đồng thời có doanh thu ngoại tệ lớn nhất, trên cả các ngành vận tải, bưu chính viễn thông và dịch vụ tài chính. So sánh với xuất khẩu hàng hóa, doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ du lịch chỉ đứng sau 4 ngành xuất khẩu hàng hóa là xuất khẩu dầu thô, dệt may, giầy dép và thủy sản. Thêm nữa, với tư cách là hoạt động “xuất khẩu tại chỗ”, du lịch lại đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cho xã hội mà hiện nay chưa tính toán hết được.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, một số nội dung tiêu chí là ngành kinh tế mũi nhọn chưa đạt hoặc đạt nhưng chưa bền vững, như: Chiến lược phát triển thị trường khách chưa rõ ràng, thiếu tính khoa học và không nhạy bén với sự biến động của kinh tế và chính trị nên khi có diễn biến xảy ra đã không chủ động và không lường hết tác động đến thị trường khách; chiến lược kinh doanh của các công ty du lịch thiếu bền vững và lâu dài về thị trường khách du lịch quốc tế, đang còn bị động phụ thuộc vào một vài thị trường khách lớn; kích cầu du lịch nội địa chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh còn thấp... Nguyên nhân của tình trạng trên là bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan như: Hệ thống chính chính sách, vai trò quản lý, năng lực đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu,... còn do sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương chưa được phát huy đầy đủ; nhận thức về phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đầu tư du lịch còn hạn chế và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; một số chính sách có liên quan đến du lịch còn bất cập, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch; vấn đề an ninh an toàn cho khách du lịch còn chưa được đảm bảo…
II. Thực trạng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu Chiến lược đề ra, một trong những yếu tố quan trọng nhất cần quan tâm đầu tư đó là yếu tố con người. Nhiều năm qua, ngành du lịch đã có những cố gắng trong phát triển nguồn nhân lực và đã đạt được những kết quả nhất định.
Hiện nay, số lượng cơ sở đào tạo từ Trung ương đến địa phương tham gia vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch và sinh viên tham gia học tập các chuyên ngành du lịch ngày càng gia tăng góp phần quan trọng cung cấp nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Số lượng nhân lực ngành du lịch có xu hướng tăng, phản ánh vai trò quan trọng của ngành và tính hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động du lịch. Nhân lực ngành du lịch cũng là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào thành tựu xây dựng phát triển Ngành; bước đầu xây dựng được thương hiệu du lịch Việt Nam và những sản phẩm du lịch mang lại giá trị mới cho đất nước và xã hội.
Song hành cùng những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều cống hiến và những nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân tuy tuổi cao, vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tạo và cống hiến, đã xuất hiện những lao động trẻ, được đào tạo cơ bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm, trình độ nhiều mặt và năng lực, cống hiến ngày một nâng cao, cố gắng tìm tòi cái mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp thu nhanh kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2021, ngành Du lịch đã có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh; 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất phòng trung bình năm của toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 5%; hàng triệu lao động du lịch bị mất việc làm.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Trong khi đó, hàng năm các trường chỉ đào tạo 20.000 sinh viên. Tỉ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch, gần một nửa không biết ngoại ngữ. Nhân lực ngành du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức. Số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ “đầu đàn” làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ, kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học; năng lực sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của Ngành.
Hình 1: Nghành hướng dẫn viên du lịch. Ảnh nguồn Internet
Một bộ phận nhỏ chưa tích cực tự học, còn ngại học, kết quả làm việc không cao. Nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu còn thiếu nhiều nhân lực. Nguồn nhân lực ngành Du lịch hiện đang cần bổ sung ở một số vị trí như cán bộ tham mưu quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển Ngành; đặc biệt thiếu chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật, nghiệp vụ du lịch.
III. Một số giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho ngành Du lịch trong bối cảnh hiện nay
1. Yêu cầu nhân lực ngành du lịch
Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1509/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Nghiên cứu nhu cầu nhân lực du lịch để xác định quy mô, ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực du lịch đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó nêu rõ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch đến 2025 tầm nhìn 2030, cụ thể như sau:
a. Yêu cầu đối với số lượng lao động
Theo dự báo của Quy hoạch phát triển nhân lực du lịch đến năm 2020, nhu cầu về lực lượng lao động ước tính lên tới 870.000 người và tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm 6%. Năm 2025 số lao động các loại làm việc trực tiếp trong ngành du lịch ước tính theo nhu cầu dự báo là trên 1.165.000 người với tốc độ tăng trưởng là 6,2% năm.
b. Yêu cầu đối với chất lượng lao động
Cùng với yêu cầu về số lượng, yêu cầu về chất lượng lao động của ngành du lịch rất cần thiết để đảm bảo mục tiêu đặt ra.
Yêu cầu chung về chất lượng lao động thể hiện ở các mặt sau đây:
- Đảm bảo qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ lao động du lịch được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm;
- Tinh thần thái độ phục vụ chu đáo đúng mực;
- Có năng lực ngoại ngữ, tin học đảm bảo yêu cầu của từng nghiệp vụ cụ thể;
- Đảm bảo lực lượng lao động cân đối giữa các ngành nghề, vùng miền trên toàn quốc và các khu vực.
Trong đó, yêu cầu thứ nhất thể hiện cụ thể ở việc người lao động đó hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất (đối với cán bộ quản lý), thực hiện đúng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật theo từng nghiệp vụ cụ thể, phát huy khả năng độc lập và tinh thần phối hợp, làm việc nhóm.
Yêu cầu thứ hai thể hiện ở việc tạo dựng cho đội ngũ trực tiếp trong ngành du lịch một tinh thần tận tuỵ với công việc không ngại khó không ngại khổ, chu đáo góp phần thỏa mãn nhu cầu của khách một cách tốt nhất trong khả năng cho phép, tạo được ấn tượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Yêu cầu thứ ba thể hiện ở việc theo từng chuyên môn nghiệp vụ trong Ngành, đòi hỏi lao động phải có năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp, đảm bảo phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất và là điều kiện để thực hiện được các yêu cầu ở trên.
Yêu cầu thứ tư thể hiện ở việc không để tình trạng tranh giành lao động gây xáo trộn thị trường lao động du lịch, do sự phân bố không đồng đều về nhân lực du lịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, của các đơn vị sự nghiệp và cơ quan nhà nước trong quản lý phát triển du lịch, tác động trực tiếp đến chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch.
Về chất lượng đào tạo phải đảm bảo học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo du lịch và người lao động đã qua các đào tạo hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác tìm được việc làm trong ngành Du lịch đúng với chuyên ngành đào tạo, được cơ sở sử dụng lao động thừa nhận và cuối cùng là phải đáp ứng được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của vị trí công việc.
c. Yêu cầu đối với cơ cấu ngành nghề lao động
Cơ cấu lao động phải đảm bảo hợp lý giữa các trình độ đào tạo: đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề; giữa các loại công việc: quản lý, giám sát và lao động nghiệp vụ; giữa các ngành nghề, lĩnh vực: khách sạn, nhà hàng, lữ hành, các dịch vụ khác; giữa các nghề: lễ tân, phục vụ buồng, nấu ăn, hướng dẫn viên, điều hành tour, nhân viên đại lý…; giữa các vùng miền trong toàn quốc.
Về cơ cấu lao động theo lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, số lao động du lịch chủ yếu làm việc trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, cơ cấu dự báo năm 2020 như sau: Khách sạn, nhà hàng ăn uống chiếm 50,4%; lữ hành, vận chuyển khách chiếm 15,1% và dịch vụ giải trí, dịch vụ khác chiếm 34,5%.
Hình 2: Thống kê nhu cầu tuyển dụng ngành nhà hàng khách sạn. Ảnh nguồn Internet
d. Yêu cầu đối với ngành nghề lao động mới
Một số ngành nghề hiện nay và dự báo trong tương lai sẽ cần nhiều nhân lực nhưng các cở sở đào tạo du lịch trên cả nước chưa đào tạo, hoặc đào tạo chất lượng chưa cao, gồm:
Quản lý du lịch,
Điều hành Tour,
Hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm,
Lĩnh vực Spa và du lịch chăm sóc sức khoẻ,
Caddy phục vụ sân gôn,
Marketing Du lịch,
Lĩnh vực kinh doanh Bất động sản du lịch (Condotel),
Hướng dẫn du lịch có ngoại ngữ hiếm (Tiếng Myanma, Inđônêxia, Ả-rập)…
2. Một số giải pháp phát triển nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng và yêu cầu của địa phương
Trên cơ sở phân tích thực trạng và yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu, ngành nghề trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định và đề xuất một số giải pháp phát triển nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng và yêu cầu của ngành trong bối cảnh hiện nay, cụ thể:
- Giải pháp thứ nhất: Hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo lĩnh vực du lịch;tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhân lực ngành Du lịch;tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao hình ảnh nghề nghiệp du lịch.
– Giải pháp thứ hai: Huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt các tập đoàn lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch;tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là thu hút các doanh nhân, nghệ nhân, lao động nghề bậc cao tham gia đào tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đào tạo tại doanh nghiệp du lịch.
– Giải pháp thứ ba: Củng cố tăng cường năng lực và hoàn thiện mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các trình độ đào tạo, ngành nghề đào tạo và phân bố vùng, miền hợp lý, phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch quốc gia. Cơ cấu lại mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch; chú trọng đầu tư cho các cơ sở đào tạo chuyên về du lịch trực thuộc Bộ VHTTDL; quan tâm các cơ sở đào tạo khác có đào tạo du lịch; đa dạng hóa các cơ sở đào tạo du lịch. Xây dựng chuẩn trường đào tạo du lịch; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên du lịch; sửa đổi và phát triển chương trình đào tạo.
– Giải pháp thứ tư: Chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn của nhân lực du lịch, phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế tạo để điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch.
– Giải pháp thứ năm: Áp dụng chính sách ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút các chuyên gia, nhà giáo có trình độ, kinh nghiệm và uy tín trong nước và quốc tế về giảng dạy tại các trung tâm đào tạo, đồng thời áp dụng các chính sách ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để hỗ trợ sinh viên, lao động quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo sau đại học các chuyên ngành du lịch tại các nước có du lịch phát triển.
– Giải pháp thứ sáu: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến vào công tác nghiên cứu, thống kê phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch.Tăng cường công tác thống kê và nghiên cứu khoa học phát triển nhân lực ngành Du lịch; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng, khai thác hiệu quả công nghệ thông tin để thúc đẩy công tác đào tạo nhân lực ngành Du lịch; thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu về nhân lực ngành Du lịch. Xây dựng và phổ biến các chương trình đào tạo trực tuyến lĩnh vực du lịch dựa trên các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đã được ban hành.
– Giải pháp thứ bảy: Khuyến khích việc tạo lập kết nối bền vững, hợp tác cùng phát triển giữa các thành phần của “Hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp” bao gồm: các cơ sở đào tạo du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các tổ chức nghiên cứu – phát triển; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của các cơ sở đào tạo du lịch phù hợp với CM 4.0.
– Giải pháp thứ tám: Tăng cường hợp tác ba nhà trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đào tạo phát triển nhân lực du lịch. Khuyến khích các cơ sở đào tạo du lịch và cơ sở nghiên cứu có đào tạo du lịch lập cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ; phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo; tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành Du lịch; tăng cường thu hút vốn, công nghệ tiên tiến nước ngoài phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch./.
3. Kết luận
Nguồn lực con người luôn là yếu tố quyết định đến sự phát triển của tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, công tác đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực còn gặp nhiều hạn chế. Đó cũng là thực trạng của nhân lực trong ngành du lịch ở nước ta hiện nay. Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhân lực ngành du lịch có vai trò quyết định không chỉ cho riêng sự phát triển du lịch mà còn góp phần không nhỏ vào việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhiều năm qua, ngành Du lịch đã có những cố gắng huy động cộng đồng, các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của quốc tế cho phát triển nhân lực. Công tác phát triển nhân lực ngành Du lịch mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết. Vì vậy, việc phát triển nhân lực ngành Du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực và hiệu quả hơn vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức của đất nước là một việc làm cần thiết, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.
Phạm Thị Huyền - Giảng viên Khoa khoa học Cơ bản
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trang web Vietnambiz.vn
2. Trang web Vietnamtourism.gov.vn
3. Giáo trình Kinh tế vi mô - Học viện Tài chính
4. Tạp chí Tài chính
5. Tổng cục Thống kê (2022), Du lịch nhiều địa phương khởi sắc trong dịp tết nhâm dần, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/03/du-lich-nhieu-dia-phuong-khoi-sac-trong-dip-tet-nham-dan.
6. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.