Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) được hiểu là nơi diễn ra các giao dịch mua bán các sản phẩm KH&CN (bản quyền, bí quyết, sáng kiến và các dịch vụ liên quan đến hoạt động KH&CN). Khác với hàng hóa thông thường có tính hữu hình, có thời hạn sử dụng, khả năng sử dụng giới hạn bởi một người, một nhóm người cụ thể thì hàng hóa “khoa học và công nghệ” được xem là loại hàng hóa “đặc biệt”, không có tính hữu hình, có giá trị sử dụng lâu dài và khả năng sao chép, sử dụng rộng rãi mà không làm giảm giá trị, chất lượng.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, KH&CN đã và đang trở thành động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, phát triển KH&CN không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đối với tỉnh Cà Mau - một địa phương có nhiều tiềm năng nhưng cũng gặp không ít thách thức, việc phát triển thị trường KH&CN trở nên vô cùng quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, so với các tỉnh thành lớn, thị trường KH&CN tại Cà Mau vẫn còn nhiều hạn chế, cả về quy mô và chất lượng. Bài tham luận này sẽ trình bày về thực trạng, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm phát triển thị trường KH&CN tại tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
I. THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH CÀ MAU
Thời gian qua, hoạt động KH&CN đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giá trị các yếu tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2020 là 39,39% (ước tính bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 45%) cho thấy mức đóng góp khá cao của KH&CN vào tăng trưởng GRDP của tỉnh so với trung bình cả nước . Khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực, cung cấp cơ sở dữ liệu, luận cứ khoa học, phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực; hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như công nghệ, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ chính đáng quyền lợi người tiêu dùng, phát triển tài sản trí tuệ, tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao các tiến bộ KH&CN đến người dân từng bước được nâng lên.
Về thị trường KH&CN, hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có sàn giao dịch KH&CN. Tuy nhiên, Sở KH&CN đã chủ động trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển thị trường KH&CN, cụ thể: Sở đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 07 tổ chức và 04 doanh nghiệp KH&CN. Đối với hoạt động điều tra, khảo sát cung cầu công nghệ, từ năm 2018 đến nay Sở KH&CN đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Cà Mau thực hiện 02 cuộc điều tra khảo sát vào năm 2018 và 2023. Kết quả, năm 2018 đã tiến hành khảo sát nhu cầu công nghệ của 300 tổ chức, cá nhân trong tỉnh; kết quả khảo sát cung cầu công nghệ đối với các ngành nghề: trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị; đã tiến hành khảo sát nhu cầu công nghệ của 30 doanh nghiệp của tỉnh ở 07 nhóm lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp gồm: Chế biến xuất khẩu thủy sản, nông nghiệp và thủy sản, trồng, khai thác rừng và chế biến gỗ, y dược, môi trường và đô thị, chế biến và sản xuất bột cá, in ấn. Qua việc nắm bắt nhu cầu công nghệ nêu trên, đơn vị đã tiến hành khảo sát và tìm kiếm những công nghệ phù hợp trong và ngoài tỉnh thông qua các sự kiện kết nối cung cầu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, khai thác cổng thông tin cung cầu công nghệ của Trung tâm Thống kê KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh, sự giới thiệu công nghệ của các đơn vị tại địa phương và tìm kiếm trên Internet để tư vấn chuyển giao và kết nối cung - cầu công nghệ phục vụ cho sản xuất và đời sống của tổ chức và cá nhân trong tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, thông qua kết quả khảo sát về nhu cầu và khả năng cung ứng về công nghệ của tổ chức và cá nhân, đơn vị đã tổ chức 01 cuộc Hội thảo Kết nối cung cầu công nghệ với chủ đề “Ứng dụng công nghệ tự động hóa để phát triển một số ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau”. Hội thảo đã giới thiệu một số nội dung cho cán bộ quản lý và các tổ chức, cá nhân liên quan về công nghệ số và tem truy xuất nguồn gốc; giới thiệu các chuyên đề về tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Năm 2023, đã tổ chức điều tra, khảo sát 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, chủ thể OCOP đang hoạt động (gọi chung là doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh Cà Mau, sau đó chọn ra 05 doanh nghiệp để hỗ trợ tư vấn cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ. Trong tổng số 100 doanh nghiệp thực hiện điều tra, khảo sát, có 95 doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin. Trong 95 doanh nghiệp khảo sát, có 16 doanh nghiệp có nguồn cung công nghệ; 58 doanh nghiệp có nhu cầu công nghệ; 25 doanh nghiệp có nhu cầu về đổi mới sáng tạo và đồng đổi mới sáng tạo.
Tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực cho các tổ chức KH&CN trực thuộc Sở như Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Cà Mau, Trung tâm Phân tích, Kiểm nghiệm Cà Mau, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Qua 06 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phân tích, Kiểm nghiệm đã được trang bị, đầu tư các trang thiết bị cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện dịch vụ phân tích, kiểm nghiệm phù hợp theo ISO 17025 và các quy định của phòng thí nghiệm chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước . Trung tâm đã từng bước được hoàn thiện và nâng cao năng lực thử nghiệm, đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm, kiểm nghiệm về các chỉ tiêu liên quan đến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, môi trường, bệnh học thủy sản...
Trong hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, Sở KH&CN đã phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam cho Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau và Công ty Cổ phần CAMIMEX GROUP . Trong năm 2023, Sở KH&CN đã tổ chức kết nối giữa Công ty Cổ phần CAMIMEX GROUP với Công ty TNHH Khoa học nuôi trồng Thủy sản và Môi trường SAEN trong chuyển giao Hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn RAS và cung cấp oxy tươi. Trong hoạt động đào tạo, tập huấn, Sở KH&CN đã phối hợp với Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) tổ chức 01 lớp tập huấn cập nhật kiến thức về thẩm định, chuyển giao, thương mại hóa công nghệ cho 50 học viên là cán bộ, công chức quản lý của các sở, ngành liên quan, công chức quản lý về KH&CN cấp huyện, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tổ chức 01 cuộc Hội thảo hỗ trợ tìm kiếm, kết nối cung cầu công nghệ cho doanh nghiệp với 60 đại biểu tham dự. Trong hoạt động hội nhập quốc tế, Sở KH&CN đã hợp tác với Trường Đại học Arizona - Hoa Kỳ thực hiện Dự án Nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh thủy sản (đã cử 01 cán bộ tập huấn chuyên sâu tại Phòng thí nghiệm bệnh thủy sản của Đại học Arizona về nội dung tìm hiểu cơ bản và chuyên sâu về chẩn đoán bệnh thủy sản bằng phương pháp mô học, Realtime PCR và giải trình tự gene và nghiên cứu sơ bộ về nguyên nhân gây chết trên cua (Scylla sp.) tại Cà Mau bằng phương pháp mô học, Realtime PCR và giải trình tự DNA hoặc RNA để tìm tác nhân gây bệnh trên cua)…
II. NHỮNG RÀO CẢN LÀM HẠN CHẾ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KH&CN
Bên cạnh những mặt tích cực thì thị trường KH&CN còn gặp phải một số khó khăn, thách thức sau:
- Xuất phát điểm KH&CN của tỉnh thấp, là địa phương xa các thành phố lớn có KH&CN phát triển, thị trường KH&CN đang từng bước hình thành, với rất ít sản phẩm (chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp) và ít hoạt động giao dịch KH&CN; là thị trường phát triển chậm nhất so với các thị trường hàng hóa và dịch vụ khác; tỉnh chưa có sàn giao dịch KH&CN tập trung. Về đặc điểm doanh nghiệp, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, đến năm 2022 tỉnh Cà Mau có 3.842 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 5,9% vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 0,45% cả nước. Đặc trưng của doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa tuổi đời còn non trẻ, các doanh nghiệp lớn của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp khí, điện, đạm, chế biến thủy hải sản, năng lượng tái tạo… chiếm số lượng cũng không nhiều. Nhu cầu về công nghệ của doanh nghiệp nhìn chung còn rất thấp, do hiện nay mức độ hội nhập quốc tế của phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh chưa cao, chưa thực sự đối đầu cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài, nên sức ép phải tìm kiếm, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến chưa phải là yêu cầu cấp bách. Ngoài ra, trình độ nhân lực lao động tại đa số các doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu lao động có chuyên môn cao; cùng với sự thiếu nhận thức về tầm quan trọng về đổi mới công nghệ cũng là các yếu tố kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
- Về nguồn cung công nghệ: Hiện nay, số lượng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh rất ít, thực hiện nhiệm vụ chính là giảng dạy, đào tạo nghề (Phân hiệu Đại học Bình Dương - Chi nhánh tỉnh Cà Mau, Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc,...), chưa tham gia nhiều vào các hoạt động nghiên cứu khoa học. Về phía các viện, trung tâm nghiên cứu, trên địa bàn tỉnh hiện có Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu (thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ thủy hải sản) và Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ,…những đơn vị này thực hiện các hoạt động chủ yếu nghiên cứu giống cây trồng, các dịch vụ KH&CN…nhưng chưa nhiều. Các nhiệm vụ KH&CN chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp, làm mất cân đối trong nghiên cứu và chuyển giao KH&CN; giá trị nghiên cứu sâu, rộng và giá trị tăng thêm trong thực hiện đề tài, dự án chưa cao. Bên cạnh đó, việc chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu, sàn giao dịch tập trung về KH&CN để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà khoa học trong tỉnh nói chung, cả nước nói riêng có thể tiếp cận, quảng cáo, khai thác thông tin về nguồn cung KH&CN, tiếp cận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng là điểm hạn chế.
- Về tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: Theo thống kê tại địa phương hiện có 07 tổ chức hoạt động KH&CN ; các tổ chức này trực thuộc các cơ quan nhà nước, làm nhiệm vụ quản lý nhà nước; đồng thời, kiêm nhiệm việc cung cấp dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong giao dịch liên quan đến hoạt động KH&CN. Nhìn chung, số lượng, trình độ, năng lực của các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN vẫn chưa tương xứng. 07 tổ chức hoạt động KH&CN trong tỉnh đều là cơ quan nhà nước, không có tổ chức KH&CN ngoài công lập. Mặt khác, chưa có tổ chức nào có nhiều kinh nghiệm, đủ năng lực trong việc thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá và giám định công nghệ.
- Về doanh nghiệp KH&CN: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 04 doanh nghiệp KH&CN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ về sản xuất thiết bị dùng trong quản lý ao nuôi thủy sản, kiểm, đếm số lượng con giống, sản xuất giống thủy sản và các sản phẩm đồng hành từ tôm bao gồm đầu và vỏ tôm. Các sản phẩm của các doanh nghiệp này hỗ trợ trong công tác quản lý trại nuôi, minh bạch trong mua bán giống thủy sản (tôm thẻ và tôm sú giống), tạo ra các giá trị gia tăng phục vụ nhiều ngành công, nông nghiệp khác nhau, đồng thời góp phần giảm thiểu gánh nặng môi trường; qua đó, tạo được con giống có chất lượng cao, góp phần giảm chi phí trong công tác quản lý, tăng lòng tin đối với khách hàng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhìn chung, doanh nghiệp KH&CN chậm hình thành và phát triển, có ít doanh nghiệp KH&CN được thành lập, các chính sách ưu đãi chưa thật sự hấp dẫn doanh nghiệp; đồng thời trình tự thủ tục giao quyền sử hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước cho doanh nghiệp còn tương đối khó khăn.
III. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KH&CN TRONG THỜI GIAN TỚI
Để phát triển thị trường KH&CN của tỉnh, trong giai đoạn tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:
- Tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH&CN gắn với Quy hoạch định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2050 theo chiều sâu; trong đó chú trọng nắm vững các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 04 như công nghệ sinh học; công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông lâm thủy sản; công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; công nghệ tái chế, tái sử dụng rác thải đô thị; công nghệ xử lý rác thải công nghiệp; công nghệ xử lý nước thải; các công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Có chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trong các viện, trường; có chiến lược đầu tư đúng đắn về con người và chính sách trọng dụng nhân tài để phát huy tiềm lực con người. Trong lĩnh vực giáo dục, cần đổi mới phương pháp dạy, học, chú trọng đào tạo STEM, đào tạo để phát huy khả năng sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn của học sinh, sinh viên.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực,... phát triển thí điểm vườn ươm công nghệ; triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải phát triển theo hướng bền vững, có môi trường, tổ chức hoạt động bài bản, thường xuyên để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp.
- Kết nối các tổ chức trung gian, chuyên làm nhiệm vụ môi giới trên thị trường KH&CN, sàn giao dịch công nghệ. Việc tham gia kết nối cung cầu thị trường KH&CN, còn có vai trò của các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ trung gian, môi giới nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện, trường nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, gắn tìm kiếm các giải pháp về công nghệ của doanh nghiệp với ứng dụng các nghiên cứu, phát minh của viện, trường.
- Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên gia phát triển thị trường KH&CN, nâng cao vai trò của phòng chuyên môn và các tổ chức hoạt động KH&CN nhằm giúp các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Tăng cường mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc đặt hàng, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất. Tỉnh cần đẩy mạnh các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, nhà khoa học, viện trường; trong đó nhà khoa học, viện, trường đóng vai trò nghiên cứu, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào R&D; tham quan, học tập các mô hình thành công ở các tỉnh thành khác, như mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,… nơi các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế lớn.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về KH&CN, tìm kiếm, kết nối với doanh nghiệp các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của tỉnh.
- Xây dựng, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu, sàn giao dịch tập trung về KH&CN để tất cả doanh nghiệp, tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, cá nhân trong tỉnh có thể tiếp cận, khai thác thông tin về nguồn cung KH&CN, tiếp cận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; để nhà khoa học có thể quảng bá, tìm sự hợp tác của doanh nghiệp cho đề tài nghiên cứu của mình./.
Ths. Huỳnh Quốc Khánh - Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau