1. Mở đầu
Hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động có vai trò rất quan trọng đối với Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Hợp tác với doanh nghiệp để đổi mới và cập nhật chương trình đào tạo, điều chỉnh trong tổ chức triển khai đào tạo là con đường hiệu quả nhất để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát triển năng lực dạy nghề của đội ngũ giảng viên. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng những đòi hỏi, những yêu cầu cụ thể về năng lực nghề nghiệp của người lao động trong một khoảng thời gian nhất định.
Thời gian qua, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đã đạt được một số kết quả nhất định (trong nhiều lĩnh vực), mặc dù vậy, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp của Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau còn khó khăn ở nhiều mặt như: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất – trang thiết bị dạy học, chương trình đào tạo chưa hợp lí, chưa phù hợp với sự phát triển của thực tiễn sản xuất, kinh doanh; giữa các cơ sở đào tạo nghề chưa tăng cường liên kết, phối hợp với nhau và với các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động để nâng cao chất lượng trong đào tạo.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Quân “cả doanh nghiệp và nhà trường cần nhìn nhận rõ mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi (win - win) để cùng “thắng”. Việc hợp tác với nhà trường sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề như: Có nguồn nhân lực ổn định, có năng lực phù hợp ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời, doanh nghiệp giải quyết được nhiều bài toán về chi phí đào tạo, xây dựng giáo trình và các chi phí khác, nhất là ở một số lĩnh vực cần đầu tư nhiều trang thiết bị tốn kém. Khi hợp tác với các trường là đã có sự quan tâm, đầu tư và sử dụng chung cơ sở vật chất tốt để đào tạo, huấn luyện... Các trường đào tạo nghề kết hợp với doanh nghiệp từ đầu vào tới đầu ra, đào tạo gắn thực hành sẽ chủ động cung cấp nhân lực tốt nhất cho doanh nghiệp”.
Thật vậy, việc hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực giữa Nhà trường và Doanh nghiệp sẽ mang lại rất nhiều lợi ích từ nhiều phía. Bài viết này sẽ trình bày thực trạng hoạt động hợp tác doanh nghiệp của Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường đào tạo gắn với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
2. Thực trạng hoạt động hợp tác doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau
2.1. Quy mô đào tạo
Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau tổ chức đào tạo 06 ngành cao đẳng chính quy, 04 ngành trung cấp chính quy, 04 ngành trung cấp vừa làm vừa học và 05 ngành sơ cấp, đào tạo nghề nông thôn. Cụ thể như sau:
- Cao đẳng chính quy: Sư phạm mầm non, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh, Công nghệ thông tin, Nuôi trồng thủy sản.
- Trung cấp chính quy: Kế toán doanh nghiệp, Du lịch sinh thái, Chăn nuôi – Thú y, Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ.
- Trung cấp vừa làm vừa học: Trung cấp nghệ thuật biểu diễn kịch múa (ca kịch dù kê), Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn.
- Trình độ sơ cấp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Kỹ thuật sản xuất giống thủy sản (Nuôi vỗ cua đém thành cua gạch, Ương cua biển), Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản nước ngọt, Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn, Kỹ năng bán hàng, Cài đặt và sửa chữa máy tính.
Ngoài ra, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau thực hiện liên kết đào tạo 02 ngành đại học vừa làm vừa học, 08 ngành đại học liên thông, 02 ngành đại học văn bằng 2, 04 ngành sau đại học. Cụ thể như sau:
- Đại học vừa làm vừa học: Kế toán, Công tác xã hội
- Đại học liên thông: Sư phạm Mỹ thuật, Âm nhạc, Toán, Lịch sử, Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non.
- Đại học văn bằng 2: Luật, Ngôn ngữ Anh.
- Sau đại học: Quản lý kinh tế, Giáo dục tiểu học, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính.
Hội thảo phối hợp đào tạo
2.2. Thực trạng hoạt động hợp tác doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực
Từ ngày đầu thành lập, hoạt động hợp tác doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đã được Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đặc biệt quan tâm và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng. Nhà trường đã thành lập Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và Hợp tác doanh nghiệp để phụ trách công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp, là kênh tiếp nhận nhu cầu đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, triển khai nhiệm vụ đào tạo theo đặt hàng, truyền thông thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp về chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Số lượng đơn vị đã và đang có hoạt động hợp tác là:
- 131 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.
- 17 đơn vị là sở, ban, ngành trong tỉnh Cà Mau.
- 09 đơn vị là trường mẫu giáo, trường tiểu học.
Tuy nhiên, hoạt động hợp tác chỉ dừng lại ở mức độ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên đến thực tập tốt nghiệp trong thời gian ngắn và tham quan về quy trình hoạt động, nguyên tắc làm việc, mô hình sản xuất,... chưa thực hiện được hoạt động hợp tác đào tạo chuyên sâu như cử sinh viên và giảng viên đến doanh nghiệp để đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kĩ năng nghề nghiệp, kiến thức thực tiễn, khả năng hợp tác, khả năng sử dụng ngoại ngữ,... Chưa xây dựng được chương trình đào tạo kép, bộ phận chuyên môn thiếu kỹ năng trong quan hệ với doanh nghiệp.
Về phía Nhà trường vì nhiều lý do, chưa thực hiện đa dạng các hình thức hợp tác như: liên kết đào tạo, đào tạo theo đặt hàng, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho giảng viên – cán bộ quản lý và người của doanh nghiệp tham gia giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất – trang thiết bị dạy học.
Về phía doanh nghiệp thì chưa tận dụng triệt để chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp như: chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, ưu đãi về thuế suất và thuế giá trị gia tăng.
Mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ (cả về trách nhiệm và quyền lợi). Cụ thể: Doanh nghiệp chưa đặt ra những ngành, nghề nên cân nhắc ưu tiên đào tạo, sẽ có nhu cầu tuyển dụng trong thời gian nhất định,... Nhà trường thì vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của mình chứ chưa thực sự đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động phải dành một khoản tài chính và thời gian để đào tạo bổ sung cho sinh viên mới tốt nghiệp ra trường.
Hoạt động giới thiệu, đảm bảo việc làm cho sinh viên khi ra trường thì vẫn chưa tìm được cơ chế phối hợp với doanh nghiệp. Đây cũng là một thực tế cần tính đến trong quá trình hợp tác với doanh nghiệp.
2.3. Một số giải pháp hợp tác với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực
2.3.1. Một số giải pháp chung
- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Nhà nước và Hướng dẫn của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh việc gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Cần có bộ phận chuyên môn hỗ trợ về hoạt động kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
- Hội đồng trường, Hội đồng khoa: Đặc biệt chú trọng cơ cấu thành viên là đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội nghề nghiệp, Khu công nghiệp, Doanh nghiệp,… có liên quan chặt chẽ đến ngành nghề đang đào tạo của Nhà trường.
- Kiện toàn bộ phận chức năng làm nhiệm vụ đầu mối hợp tác đào tạo với doanh nghiệp; thiết lập kênh thông tin để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, tiếp nhận nhu cầu đào tạo theo đặt hàng, chủ động đề xuất ký kết các chương trình hợp tác với doanh nghiệp.
- Xây dựng cơ chế phối hợp với doanh nghiệp; chương trình, kế hoạch, quy trình, cách thức thực hiện và gắn trách nhiệm của các bên liên quan, của các khoa chuyên môn, của giảng viên về hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.
- Xây dựng ngành nghề đào tạo kép theo hướng 60% đào tạo tại trường và 40% đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp. Đồng thời, xác định lại các ngành nghề đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của thị trường lao động, đổi mới nội dung và chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về: năng lực nghề nghiệp, năng lực sử dụng công nghệ thông tin, năng lực giải quyết vấn đề và năng lực hợp tác,... đối với sinh viên khi ra trường.
2.3.2. Một số giải pháp cụ thể
a) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công văn số 886/TCGDNN-ĐTCQ ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp về việc đẩy mạnh việc gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Gồm 02 nội dung quan trọng: về công tác tổ chức, kết nối doanh nghiệp; về thực hiện các chương trình hợp tác với doanh nghiệp.
b) Bộ phận chuyên môn thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Hỗ trợ các điều kiện cần thiết để các cơ sở đào tạo kết nối với doanh nghiệp. Dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo, cơ cấu ngành nghề, đặt hàng của doanh nghiệp để các cơ sở đào tạo chủ động kết nối, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
c) Hội đồng trường, Hội đồng khoa: Ban hành nghị quyết, kế hoạch hành động kết nối với doanh nghiệp; xúc tiến ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp về các nội dung:
- Liên kết đào tạo với doanh nghiệp, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, hợp tác xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho giảng viên – cán bộ quản lý và người của doanh nghiệp tham gia giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất – trang thiết bị dạy học.
- Đặt văn phòng đại diện của các khoa chuyên ngành, tổ bộ môn tại doanh nghiệp.
- Tổ chức giảng dạy, thực hành, thực tập, thực tế tại doanh nghiệp.
- Xây dựng giải pháp, kế hoạch chi tiết từng khóa học trên cơ sở có sự đồng thuận của doanh nghiệp.
- Xây dựng định mức phụ cấp hoặc tiền lương cho người hướng dẫn của doanh nghiệp, tiến tới việc mời doanh nghiệp về giảng dạy tại trường.
- Xây dựng định mức phụ cấp hoặc tiền lương cho sinh viên, giảng viên làm ra sản phẩm đạt quy cách trong quá trình thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
d) Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và Hợp tác doanh nghiệp: Chủ trì thực hiện hoạt động kết nối giữa cơ sở đào tạo – doanh nghiệp. Cụ thể:
- Tổng hợp nhu cầu, dự báo nguồn cung – cầu lao động của các doanh nghiệp trong ngắn hạn – trung hạn – dài hạn.
- Tiếp cận, tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp để tham mưu lãnh đạo nhà trường. Công khai các thông tin trên website, facebook, youtube, zalo,...
- Thực hiện nhiệm vụ kết nối các chủ thể của cơ sở đào tạo – doanh nghiệp: sinh viên – giảng viên – đại diện bộ phận chuyên môn của doanh nghiệp.
- Tiếp nhận đặt hàng của doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp.
- Thực hiện hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên theo chủ trương của Nhà nước.
e) Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội nghề nghiệp, Khu công nghiệp, Doanh nghiệp,…:
- Cử đại diện tham gia vào Hội đồng trường, Hội đồng khoa.
- Tham gia vào quá trình đào tạo tại doanh nghiệp, đánh giá quá trình học tập của sinh viên và chương trình đào tạo của nhà trường.
- Cam kết nhu cầu nguồn nhân lực, đặt hàng nhà trường về quy mô lao động và có chính sách cho người học làm việc tại doanh nghiệp.
- Hỗ trợ việc làm cho sinh viên trong thời gian học và sau tốt nghiệp.
f) Xây dựng ngành nghề đào tạo kép theo hướng 60% đào tạo tại trường và 40% đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp: Trường sẽ tập trung đào tạo các học phần, các mô-đun lý thuyết, thực hành cơ bản, còn lại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các mô-đun kỹ năng nghề tại doanh nghiệp cho sinh viên. Thống nhất nội dung chương trình đào tạo theo hướng giảm thời gian đào tạo lý thuyết, tăng thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Xây dựng hình thức kiểm tra, đánh giá tại doanh nghiệp.
3. Kết luận
Hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, quy luật cung cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích từ ba bên: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp. Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ – TB&XH, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân “để đáp ứng tốt nhu cầu về nhân lực có chất lượng cao, thời gian tới, đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp là đơn vị sử dụng người lao động có tay nghề cao thì chính họ phải là người tham gia sâu nhất vào quá trình đào tạo nghề đó. Vì vậy, nhà trường và doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhất nhằm xây dựng, phát triển mối gắn kết bền vững này”.
Có thể khẳng định, hoạt động hợp tác giữa Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có vị trí đặc biệt quan trọng, là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, có nhiều lí do khách quan khác nhau, nên vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, cần đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong hoạt động đào tạo có sự phối hợp với các doanh nghiệp./.
Đỗ Thị Viễn Hương, Phan Thế Danh - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (2020). Công văn số 886/TCGDNN-ĐTCQ ngày 24 tháng 4 năm 2020 về việc đẩy mạnh việc gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
[2] Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (2018). Công văn số 589/TCGDNN-ĐTCQ ngày 29 tháng 3 năm 2018 về việc đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
[3] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2018). Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về trình độ đào tạo sơ cấp, Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về đào tạo thường xuyên, Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2017 quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
[4] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2017). Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2017 quy định về liên kết chương trình đào tạo.
[5] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2017). Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 quy định việc thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.
[6] Bộ Tài chính (2017). Thông tư số 11/VBHN-BTC ngày 15 tháng 15 năm 2017 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
[7] Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 193/2015/TT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng.