So với cả nước, tỷ lệ học sinh, sinh viên (HS, SV) Cà Mau ra trường không có việc làm trong những năm qua vẫn đang là con số khá khiêm tốn, nhưng trong thời điểm đất nước ta bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, thì không có việc làm ở thanh niên thực sự là một vấn nạn xã hội, là một thách thức của phát triển, làm mất đi các cơ hội được làm việc, cống hiến và quyền được phát triển của thanh niên, làm tổn thương tinh thần và trói buộc năng lực của những người đang nuôi nhiều khát vọng tốt đẹp cống hiến cho địa phương, đất nước và cho tương lai tươi sáng của bản thân. Tuy nhiên, HS, SV Cà Mau sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc trái ngành đào tạo không chỉ gây thiệt hại cho bản thân HS, SV, gia đình và xã hội về kinh tế mà còn gây lãng phí nguồn lực đào tạo.
1.Mở đầu
Việc làm nói chung, việc làm cho HS, SV sau khi tốt nghiệp ra trường nói riêng là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Hiện nay HS, SV sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm là một thực trạng đáng báo động, trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Vì vậy, để tìm được việc làm đã khó mà có được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo lại càng khó khăn hơn. Thất nghiệp không chỉ gây thiệt hại cho HS, SV, gia đình và xã hội về kinh tế mà còn gây lãng phí nguồn lực tri thức của đất nước.
Việc khảo sát, thống kê HS, SV có việc làm đúng ngành nghề, trái ngành nghề để nhằm định hướng khắc phục trong chỉ tiêu đào tạo, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp nhu cầu xã hội. Đồng thời, qua khảo sát nhu cầu thực tế để dự báo nhu cầu tương lai nhằm hoạch định được chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Cà Mau và có những giải pháp việc làm cho HS, SV tỉnh Cà Mau sau khi tốt nghiệp.
2. Thực trạng khảo sát việc làm của HS, SV Cà Mau sau khi tốt nghiệp
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 1200 người gồm 3 nhóm đối tượng: HS, SV Cà Mau đã tốt nghiệp giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017 (1.000 người); Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và các nhà quản lý đơn vị, doanh nghiệp (200 người); Đây là 3 nhóm đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến tỷ lệ HS, SV có việc làm sau khi ra trường cũng như chất lượng công việc, mức độ đáp ứng nhu cầu công việc của họ sau khi tốt nghiệp ra trường.
Ở 03 nhóm đối tượng này, từng nhóm lại được khảo sát đánh giá qua nhiều chỉ tiêu liên quan đến việc làm, như độ tuổi, trình độ, chuyên ngành… để tìm ra nguyên nhân quyết định cho vấn đề thiếu việc làm, cụ thể:
2.1. Đối với học sinh, sinh viên:
Trong số 1000 người tham gia khảo sát, nam giới là 401 người chiếm 40,1%, nữ giới là 599 người, chiếm tỷ lệ 59,9%. Độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là trên 25 đến 30 tuổi, với số lượng tham gia là 382 người (38,2%), họ là những người đã tốt nghiệp và đi làm trong các đơn vị. Nhóm có số lượng lớn thứ hai là từ 20 đến 25 tuổi, với 305 người, chiếm tỷ lệ 30,5%, phần lớn họ đã tốt nghiệp cao đẳng. Cuối cùng là những người dưới 20 tuổi với 132 người (13,2%), phần lớn họ tốt nghiệp các trường trung cấp nghề.
Các chỉ tiêu liên quan được khảo sát đánh giá như: Trình độ học vấn, Chuyên ngành, Yếu tố chọn trường, chọn nghành ảnh hưởng đến việc làm…
Thấy rằng tỷ lệ người có việc làm như sau: 874 người (87,4%). Có việc làm đúng ngành nghề được đào tạo 52,3%, còn tỷ lệ lớn số người làm trái nghề đào tạo. Không có việc làm: 126 người (12,6%). Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với những sai lệch trong đào tạo giữa nhu cầu xã hội cần với định hướng trong đào tạo của các cơ sở đào tạo, dẫn đến lãng phí lớn về nguồn lực. Số lượng việc làm tại các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ cao nhất với 564 người (56,4%), thứ hai là làm việc trong các đơn vị HCSN với số lượng 155 người (15,5%), đứng thứ ba là Doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ 13%, làm nghề tự do chiếm 9% còn lại là làm việc tại hộ gia đình chiếm 6,1,%.
Qua khảo sát cũng thấy nguyên nhân HS, SV ra trường thất nghiệp trong đó có yếu tố tự thân của mỗi sinh viên. Mỗi sinh viên cần có sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó để có thể đạt được ước mơ của mình. Bên cạnh đó, nếu sinh viên được định hướng nghề nghiệp trước khi học và nắm vững kiến thức chuyên môn khi tốt nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp sẽ được khắc phục. Ngoài ra, kỹ năng mềm cũng là yếu tố cần thiết mà mỗi sinh viên nên trang bị để có nhiều cơ hội hơn khi xin việc làm.
Mong muốn của học sinh, sinh viên đối với cơ sở đào tạo
HS, SV rất muốn các cơ sở đào tạo quan tâm đến các yếu tố như: Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu công việc của xã hội; Tạo được động lực cho HS, SV trong học tập hướng về khởi nghiệp; Chương trình đào tạo tập trung vào các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm công việc của người học.
Cũng như đánh giá về thực trạng chất lượng giáo dục, thực trạng chính sách hỗ trợ HS, SV khởi việc khá thấp. Điều đó cho thấy các cơ sở đào tạo chưa đầu tư đúng mức cho vấn đề này. Trong các yếu tố trên, giá trị cao nhất thuộc về yếu tố "Hỗ trợ các cơ sở đào tạo về nguồn lực trong đào tạo HS, SV nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và tạo cho họ động lực khởi nghiệp". Thứ hai là "Thiết lập cơ chế tuyển dụng lao động tại địa phương đối với các nhà đầu tư", thứ ba là yếu tố "Thiết lập được hệ thống thông tin kết nối và dễ dàng truy cập giữa cơ sở đào tạo, nhà tuyển dụng và HS, SV"… Trong số các yếu tố, giá trị cao nhất thuộc về "Nhiều hoạt động về việc làm được tổ chức thường xuyên". Giá trị cao thứ hai là yếu tố "Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp được thực hiện thường xuyên thông qua các tổ chức và các phương tiện truyền thông". Cả hai yếu tố trên là những tín hiệu tích cực và các tổ chức đào tạo cần phát huy hơn nữa. Yếu tố có giá trị thấp nhất là "Các nhà đầu tư đến địa phương gia tăng tạo ra nhu cầu về việc làm".
2.2. Kết quả khảo sát giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý
Đây là nhóm đang có việc làm, nhưng qua các chỉ tiêu khảo sát về Độ tuổi, Trình độ chuyên môn, Cơ sở vật chất, Công tác tuyển sinh, Chương trình đào tạo, Về đội ngũ giáo viên… cũng cho thấy nhiều vấn đề đáng suy nghĩ có liên quan đến việc làm sau khi ra trường. Cụ thể:
Trong số 100 người tham gia khảo sát, nam giới là 48 người, nữ giới là 52 người. Phân bố của các độ tuổi của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tham gia khảo sát. Chiếm tỷ lệ cao nhất là độ tuổi trên 35 đến 45 tuổi, với số lượng tham gia là 38 người (38%), họ là những người đã có thâm niên giảng dạy và quản lý giáo dục. Nhóm có số lượng lớn thứ hai là trên 45 tuổi, với 32 người, chiếm tỷ lệ 32%, cũng giống như nhóm trên họ là những người có thâm niên công tác trong giảng dạy và quản lý giáo dục. Nhóm thứ ba có độ tuổi trên 25 đến 35 tuổi với 21 người, chiếm 21%. Cuối cùng là những người trên 20 tuổi đến 25 với 19 người người (19%), phần lớn họ là giáo viên trẻ.
Về nguyên nhân học sinh, sinh viên ra trường thất nghiệp:
Đa số cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do hai yếu tố: bản thân HS, SV chưa nỗ lực cố gắng (48%) do công tác hướng nghiêp chưa tốt (41%). Đây là 2 vấn đề có liên quan đến tình trạng thất nghiệp của HS, SV khi tốt nghiệp ra trường và các nhà quản lý giáo dục cần quan tâm giải quyết.
2.3. Kết quả khảo sát cán bộ quản lý các doanh nghiệp
Mức độ hài lòng đối với học sinh, sinh viên
Chỉ có 48,1% trả lời công việc phù hợp tại đơn vị so với các chuyên ngành mà sinh viên được đào tạo, 10,1% trả lời là chuyên ngành gần với nhu cầu công việc và 41,8% cho rằng chuyên ngành đào tạo mà sinh viên được đào tạo không phù hợp với nhu cầu công việc và phải đào tạo lại. Đây là vấn đề tạo ra lãng phí lớn cho người học và người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo cần có giải pháp xử lý vấn đề này.
Về kiến thức:
Mức độ hài lòng rất thấp của các nhà tuyển dụng đối với kiến thức của HS, SV sau khi tốt nghiệp. Yếu tố hài lòng cao nhất thuộc về “Kiến thức về luật pháp và quy định của nhà nước”. Giá trị thấp nhất thuộc về yếu tố “Kiến thức chuyên môn nghiệp vụ” hài lòng thấp. Thấp thứ hai là “Kiến thức văn hóa - xã hội”. Đây là những điểm yếu mà các cơ sở đào tạo và HS, SV cần khắc phục để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng và gia tăng cơ hội việc làm cho HS, SV sau khi tốt nghiệp.
Kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng khác:
HS, SV chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng: Khả năng tự học, tự rèn luyện; khả năng thích nghi, hội nhập và phát triển; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc độc lập. Cả ba yếu tố này đều đạt mức không hài lòng và cần có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm nâng cao năng lực làm việc cho học sinh sinh viên.
Đánh giá về thái độ của học sinh, sinh viên:
Các nhà tuyển dụng chưa đánh giá cao thái độ của HS, SV khi nhận việc tại các đơn vị. Không hài lòng “Có khả năng chịu áp lực công việc cao”. Đây là điểm yếu nhất trong thái độ của HS, SV và cần đưa vào giải pháp trong đào tạo.
Về khả năng đáp ứng trong năng lực chuyên môn của HS, SV: Trong số 100 người tham gia khảo sát điều tra, tỷ lệ trả lời như sau: Đáp ứng nhu cầu công việc có thể sử dụng ngay (32%); cơ bản đáp ứng nhưng phải đào tạo thêm (57%); phải được đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung ít nhất 06 tháng (7,2%); không đáp ứng được sau khi được đào tạo lại (3,8%). Kết quả trên cho thấy về cơ bản năng lực chuyên môn của HS, SV còn yếu và khi tiếp nhận họ các tổ chức phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu công việc.
3. Các giải pháp
3.1. Phân luồng giáo dục, hướng nghiệp đào tạo nghề
Việc phân luồng hướng nghiệp cho HS đóng vai trò rất quan trọng đối với việc chọn nghề, không chỉ giúp các em chọn đúng ngành nghề mà mình yêu thích, mà trong tương lai mỗi em còn chính là nguồn lao động đóng góp cho xã hội.
Để làm tốt được điều này công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cần có sự quan tâm sẻ chia từ chính những người hiểu rõ ngành nghề đào tạo, có tầm nhìn, kiến thức về chính nhóm lĩnh vực mà mình tư vấn, ý thức trách nhiệm cũng như tính trung thực và khách quan. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng HS từ bậc trung học cơ sở, bảo đảm cho HS có định hướng đúng về ngành nghề đào tạo, có hoài bão, động cơ, thái độ học tập nghiêm túc. Nếu phân luồng tốt thì sẽ khắc phục cơ bản được tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ".
Mỗi HS phải xác định niềm đam mê, khả năng của mình phù hợp với chuyên ngành gì và tình hình sử dụng lao động ngành đó ở địa phương mình dự định làm việc. Phải tự nhận thức được khả năng của mình về nhiều mặt để từ đó có được quyết định chính xác nhất trong khâu chọn lựa nghề nghiệp. Để được hướng nghiệp, chọn nghề, chọn trường đúng, HS cần phải đặc biệt quan tâm và chú ý đến nhiều yếu tố quan trọng như là:
- Cần chọn nghề theo năng lực của bản thân: Yếu tố đầu tiên để chọn lựa nghề nghiệp chọn trường đó chính là căn cứ vào năng lực bản thân, kết quả học tập và nhất là việc dựa vào những môn xét tuyển, thi tuyển sinh đầu vào theo ngành mà HS định học.
- Chọn nghề theo sở thích bản thân: Thông qua những sở thích của bản thân và được các cơ sở đào tạo tư vấn tuyển sinh hỗ trợ giải đáp những thắc mắc sẽ giúp HS hiểu được bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, trường nào để chọn cho phù hợp.
- Chọn nghề theo nhu cầu thị trường lao động: HS có thể tìm hiểu về xu hướng chọn nghề nghiệp trong từng giai đoạn để có sự phân tích chính xác hơn về nhu cầu thị trường lao động xác định được ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, đi học vì yêu thích nghề đã chọn.
Mỗi cá nhân HS sẽ có con đường cho riêng mình nhưng có những điểm chung mà mỗi người cần là: ngoại ngữ, kỹ năng, tay nghề và khả năng nhanh nhạy về nguồn thông tin, niềm đam mê công việc.
3.2. Nâng cao chất lượng đào tạo và khuyến khích khởi nghiệp.
Trong hệ thống các cơ sở đào tạo của Cà Mau hiện nay, đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định trực tiếp đến chất lượng đào tạo, coi phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề là một trong những giải pháp trọng tâm quyết định đến sự phát triển và nâng cao chất lượng dạy nghề. Chính vì vậy, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, trong đó có đội ngũ giáo viên dạy nghề. Do đó, việc đầu tiên và cấp bách là phải chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo nghề để hình thành đội ngũ giáo viên có đủ năng lực để đào tạo chương trình chuyển giao từ nước ngoài. Ngoài ra, tăng cường các hình thức liên kết, trao đổi giảng viên giữa các trường nghề danh tiếng nhằm nâng cao trình độ cho giảng viên và trình độ đào tạo tay nghề cho các HS, SV.
Các chương trình đào tạo hiện nay, cần được thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương.
Cần hướng đến xây dựng theo mô hình đào tạo nghề hiện đại trên thế giới với hệ thống tổ chức quản lý hiệu quả cao của một số nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế, cụ thể mô hình đào tạo:
- Mô hình đào tạo của Kosen (Nhật Bản): Kosen là mô hình đào tạo kỹ sư thực hành chất lượng cao được Nhật Bản áp dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước, qua đó đáp ứng được các yêu cầu nhân lực ngày càng cao của các doanh nghiệp, đảm bảo 100% SV tốt nghiệp có việc làm.
- Mô hình đào tạo nghề “Kép” (Đức) là hình thức học lý thuyết và kỹ năng ở trung tâm đào tạo và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 - 3,5 năm. Học lý thuyết được tiến hành trên các module thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình. Khi xuống doanh nghiệp, học viên hoàn toàn thực hành các kiến thức, kỹ năng đã được học tại trường trên máy móc.
Từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Đề án 844). Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" và Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã xây dựng Kế hoạch 26 triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua năm 2017 và Thủ tướng cũng ban hành Quyết định 1665/QĐ-TTg hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, trường dạy nghề… Cùng lúc, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội SV, Hội liên hiệp thanh niên, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội doanh nghiệp trẻ, các trường đại học… đã có những đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được triển khai trong năm 2018.
Vì vậy các cơ sở đào tạo ần xây dựng những mô hình “ươm tạo khởi nghiệp” cho HS, SV và kết nối với doanh nghiệp như một yêu cầu tất yếu để phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá SV đạt chuẩn đầu ra trước khi họ tham gia vào thị trường lao động.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những chủ trương chính sách nêu trên sẽ tạo thuận lợi cho những dự án khởi nghiệp tốt và tạo việc làm cho người lao động qua đào tạo. Vì vậy trong quá trình đào tạo, HS, SV cần được rèn luyện kỹ năng tham gia thị trường lao động hiện đại, đặc biệt là kỹ năng khởi nghiệp, tự tạo viêc làm cho mình và cho người khác; kỹ năng thích ứng và sự linh hoạt để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của từng doanh nghiệp, ngành sản xuất, cả ở trong nước và khu vực; phải có trình độ ngoại ngữ, tin học để có cơ hội tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp kinh doanh trong thời kỳ hội nhập.
3.3. Liên kết giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động.
Cần tạo động lực để thu hút nhân tài theo hướng quan tâm đúng mức tới lợi ích kinh tế và danh dự cá nhân gắn với tinh thần dân tộc; thay đổi tiêu chí, chế độ tuyển dụng, đãi ngộ; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân lực chất lượng cao, công bằng trong việc chọn lựa người tài.
Tạo điều kiện cho người lao động tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực tại doanh nghiệp; có chính sách thích hợp nhằm tạo môi trường thực tập cho HS, SV khi còn học ở nhà trường.
Nếu như trước đây HS, SV chỉ có cơ hội tìm việc làm ở các đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước, thì hiện nay có hơn 4.540 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau; sự đóng góp của các doanh nghiệp đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho HS, SV mới tốt nghiệp. Đây cũng được xem là hệ thống đào tạo nghề cho học HS, SV… Do đó, doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhà trường kết nối, hợp tác nhằm giúp SV tiếp cận với các môi trường thực tế. Trong đào tạo, nếu có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, sẽ góp phần giảm tải được áp lực về nguồn nhân lực, cũng là động lực để nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động, góp phần đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của doanh nghiệp. Việc hợp tác với các cơ sở đào tạo là cách hữu hiệu để tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu sử dụng và cũng là thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Vì vậy phải tạo được cầu nối giữa cơ sở đào tạo và các nhà tuyển dụng thông qua các hợp đồng ký kết; Thiết lập được các cơ sở thực hành kỹ năng nghề nghiệp tại các doanh nghiệp; Xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá SV đạt chuẩn đầu ra trước khi họ tham gia thị trường LĐ phải có sự tham gia của doanh nghiệp.
3.4. Cơ chế chính sách của địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm giải quyết việc làm cho HS, SV.
Đối với tỉnh Cà Mau đã chuyển từ mô hình tổ chức Hội chợ việc làm sang mô hình các Phiên giao dịch và Sàn giao dịch việc làm, đến nay một số mô hình Sàn giao dịch việc làm đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Cà Mau, hình thành thị trường lao động ổn định, bền vững, tin cậy và hiệu quả. Vì vậy cần tăng cường các phiên giao dịch để thu hút đông đảo số người trong độ tuổi lao động tham gia, người lao động và người sử dụng lao động có cơ hội gặp nhau.
Qui hoạch ổn định các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn (2020 - 2025), tầm nhìn 2030; phù hợp yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Hình thành hệ thống đào tạo nghề theo 3 cấp bậc trình độ đào tạo (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng); Chú trọng sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở đào tạo và các cơ quan, doanh nghiệp nơi sử dụng nguồn nhân lực. Cung cấp thông tin về thị trường lao động; Xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo từng giai đoạn...
Ngoài ra địa phương cần quan tâm:
- Hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo để có chính sách hiệu quả trong công tác phân luồng HS sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học tại các trường trung cấp, trường cao đẳng.
- Hỗ trợ chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, HS, SV cần được sự quan tâm hỗ trợ, định hướng từ nhiều phía, nhiều ngành liên quan, sự hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, đầu ra sản phẩm…
- Đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm của tỉnh Cà Mau, được tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, để có thể kết nối cung - cầu lao động phù hợp với tình hình thực tế của thị trường lao động hiện nay.
- Các ngành cần có chính sách, hỗ trợ các bên hợp tác với nhau như: quy định trong chính sách thuế, ưu đãi đầu tư, xếp hạng doanh nghiệp… đối với các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nhân lực.
4. Kết luận
Qua nghiên cứu thực trạng việc làm của HS, SV Cà Mau sau khi tốt nghiệp ra trường (giai đoạn 2013-2017) có thể coi là một trong những vấn đề nan giải cần quan tâm của các ngành, các cấp đó là có sự “lệch pha” trong đào tạo và nhu cầu việc làm của địa phương. Những ngành hiện nay đã bão hoà không cần nhiều lực lượng lao động nhưng chiếm tỷ trọng cao trong đào tạo như Kế toán, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Tài chính ngân hàng…. Những ngành có thế mạnh của tỉnh Cà Mau, ngành kinh tế mũi nhọn và những ngành cần nhiều lao động có kỹ thuật cao như Nuôi trồng thuỷ hải sản; Chế biến thủy sản; Công nghiệp Khí - điện - đạm, và Du lịch, Nông - Lâm nghiệp phục vụ 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Chính vì vậy, HS, SV Cà Mau tốt nghiệp ra trường làm việc trái với ngành nghề được đào tạo chiếm tỉ lệ khá cao; điều đó không những gây lãng phí trong đào tạo mà còn đem lại cho xã hội năng xuất lao động không cao.
Các cơ sở đào tạo cần quan tâm hơn nữa đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho các cơ sở đào tạo nghề, cần rà soát cập nhật xây dựng lại nội dung chương trình đào tạo cho sát với thực tiễn nhu cầu xã hội, giảm lý thuyết, tăng thực hành nghề nghiệp. Gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Tạo điều kiện cho HS, SV có nhiều cơ hội để giao lưu, làm việc với các công ty, doanh nghiệp để họ có dịp tiếp xúc với các nhà tuyển dụng học hỏi kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp, xác định mục tiêu phấn đấu rõ ràng hơn.
Trong quá trình học tập HS, SV cần tích cực học tập rèn luyện tiếp thu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của mình, tham gia các lớp đào tạo kỹ năng, các hoạt động xã hội, để nâng cao các kỹ năng cơ bản như: giao tiếp tự tin, làm việc theo nhóm, kỹ năng tìm việc, bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng về vi tính, ngoại ngữ. Tăng cường công tác thực hành, thực tập chuyên môn để tạo cho mình thế mạnh khi tìm kiếm việc làm.
HS, SV tỉnh Cà Mau tốt nghiệp ra trường không có việc làm hoặc làm việc không đúng ngành nghề được đào tạo là một thách thức lớn trong sự phát triển của địa phương, nó tác động đồng thời đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, giải quyết việc làm cho HS, SV tốt nghiệp ra trường không phải là việc làm “một sớm, một chiều”, và không chỉ bằng một chính sách hay một biện pháp, mà phải được thực hiện đồng bộ cả hệ thống các giải pháp phát triển trong tiến trình thực thi chiến lược phát triển tổng thể của địa phương. HS, SV Cà Mau tốt nghiệp ra trường không có việc làm, làm việc trái ngành nghề phải được coi là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi những quyết sách đúng đắn của các ngành, các cấp địa phương về giáo dục - đào tạo và cả lao động - việc làm ./.
Ks. Nguyễn Văn Thước - ThS. Nguyên Quang Thuần