TIỀM NĂNG RONG BIỂN GÓP PHẦN NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ
NGÀNH THỦY SẢN TỈNH CÀ MAU
Nuôi trồng thủy sản đã và đang phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây và đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của con người. Theo dự đoán thủy sản là nguồn cung cấp thủy sản chính vào năm 2030, khi nhu cầu toàn cầu tăng nhanh nhưng việc đánh bắt thủy sản gần như đã đạt mức tối đa không thể tăng thêm. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản có thể tạo ra sinh kế và nuôi sống dân số toàn cầu ước đạt 9 tỷ vào năm 2050[1].
Sự phát triển nhanh của ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang thách thức như ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, dư lượng kháng sinh, kim loại nặng và các hóa chất khác trên các sản phẩm thủy sản và nhiều tác động khác liên quan đến môi trường [2]. Chất thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản như thức ăn dư thừa, chất thải của tôm cá nuôi có chứa một lượng lớn các thành phần có gốc nitơ gây ô nhiễm nguồn nước, nền đáy, gây ra hiện tượng phú dưỡng vùng ven biển, tảo nở hoa và giảm đa dạng sinh học của môi trường nước xung quanh. Mặt khác, sự phát triển của các hệ thống nuôi trồng thủy sản thâm canh đã sử dụng một lượng lớn bột cá và dầu cá làm thức ăn cho các đối tượng nuôi, dẫn đến sự cạnh tranh với các mục đích sử dụng khác và đang gây ra vấn đề khai thác quá mức trên toàn cầu. Nhu cầu bột cá và dầu cá ngày càng cao, nguồn cung hạn chế, sự thay thế một phần bột cá và dầu cá trong thức ăn thủy sản là rất cần thiết cho sự phát triển bền vững. Trước tình hình đó, vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải coi nuôi trồng thủy sản là một thành phần trong hệ sinh thái thủy sinh và lập kế hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Để phát triển nuôi trồng thủy sản thực sự bền vững, những yếu tố quan trọng phải thực hiện được, đó là không được tạo ra sự mất cân bằng đáng kể đối với hệ sinh thái, sự mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản bền vững phải đảm bảo bền vững kinh tế - nuôi trồng thủy sản phải là một ngành kinh tế khả thi với triển vọng dài hạn tốt, bền vững xã hội và cộng đồng - nuôi trồng thủy sản phải có trách nhiệm xã hội và đóng góp cho phúc lợi cộng đồng[3]. Do đó, rong biển nuôi không chỉ là nguồn dinh dưỡng dành riêng cho con người.
Hình: Rong biển
Trồng rong biển còn là biện pháp thúc đẩy sự phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Khi nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng và trở thành một ngành công nghiệp, trồng rong biển là một giải pháp để cải thiện chất lượng nước, tạo ra một nguồn năng lượng bền vững và nguồn phụ gia tự nhiên[3]. Đây chỉ là một vài cách mà nghề trồng rong biển toàn cầu đang góp phần vào sự bền vững trong nuôi cá, tôm và các ngành công nghiệp khác. Trồng rong biển sẽ bổ sung oxy vào môi trường nước qua quá trình quang hợp của chúng. Rong biển có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa (nitơ, phốt pho…), các chất thải hữu cơ (thuốc nhuộm, các hợp chất phenol…) và vô cơ (ion kim loại nặng, fluoride..) trong nước thải từ các hệ thống nuôi thủy sản, từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp khác thông qua một quá trình gọi là xử lý sinh học[4]. Rong biển là một giải pháp tự nhiên, an toàn để cải thiện chất lượng nước vùng ven biển, đặc biệt là gần các khu vực nông nghiệp, nơi dòng chảy từ phân bón và các hóa chất có thể gây ô nhiễm đáng kể cho môi trường. Trồng rong biển kết hợp với các đối tượng thủy sản khác vừa có thể làm thức ăn trực tiếp cho chúng vừa có tác dụng xử lý nước, cải thiện môi trường nuôi nhờ vai trò lọc sinh học của rong biển. Trồng rong biển có thể qiải quyết sinh kế bền vững, lâu dài, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ven biển. Sử dụng rong biển như là nguồn protein và lipid làm thức ăn cho tôm, cá sẽ tạo ra cơ hội lớn để giảm áp lực lên cả hệ sinh thái trên cạn và dưới biển[5]. Rong biển là một trong những nguồn cung cấp polysaccharides hiệu quả, dễ sản xuất nhất và chi phí thấp. Polysaccharides ly trích từ rong biển giàu các hợp chất hoạt tính sinh học (polyphenol, flavonoid) có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn. Polysaccharide ly trích từ rong biển được sử dụng như chất phụ gia bổ sung vào thức ăn cho tôm, cá: kích thích tăng trưởng, tăng hệ miễn dịch, tăng khả năng chống chịu stress và kháng bệnh tốt hơn. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có diện tích tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha; trong đó, có hơn 86.000 ha sản xuất tôm – lúa, tôm – rừng, tôm – cua – cá, gần 186.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và khoảng 6.700 ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành nuôi rong biển tại Cà Mau. Để có định hướng phát triển bền vững và hiệu quả ngành rong biển, sáng ngày 26/5/2025, đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau do ông Quách Văn Ấn - Phó Giám đốc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc cùng GS. TS. Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cùng đại diện các đơn vị nhằm Hợp tác thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững. Định hướng phát triển ngành thủy sản bền vững trong giai đoạn mới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau mong muốn cùng Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu, triển khai các mô hình nuôi trồng tích hợp theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính (NetZero); đồng thời phát triển nhiều dự án, chương trình hợp tác nghiên cứu mang tính liên ngành, liên lĩnh vực; hướng đến xây dựng chuỗi giá trị ngành thủy sản và đổi mới sáng tạo trong sản xuất. Đặc biệt là các điều kiện tiềm năng rong biển góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành thủy sản tỉnh Cà Mau.
Hình: Trường Đại học Cần Thơ hợp tác thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau
Sau chuyến làm việc cùng trường Đại học Cần Thơ, đoàn Sở Khoa học và Công nghệ tham dự Hội nghị thượng đỉnh công nghệ Pháp tại Việt Nam. Tại Hội nghị, do ông Quách Văn Ấn - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã có buổi trao đổi và làm việc cùng các chuyên gia về phát triển bền vững tại ngành thủy sản.
Hình: Đoàn Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau
trao đổi và làm việc cùng các chuyên gia về phát triển thủy sản xanh bền vững
Sau Hội nghị, ông Phan Thanh Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) đã mời đoàn Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau làm việc và trao đổi các thành tựu của Công ty, đặc biệt là đã có những đề xuất về việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm từ rong biển.
Do đó, việc ứng dụng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào rong biển là tiềm năng góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành thủy sản tỉnh Cà Mau trong thời gian tiếp theo.
Hình: Đoàn Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau
trao đổi và làm việc cùng các chuyên gia về phát triển thủy sản xanh bền vững
Lê Tố Trâm
Trung tâm Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau
[1] http://www.worldbank.org/en/topic/environment/brief/sustainable-aquaculture/
[2] Brijesh K. Tiwari, Declan J. Troy, 2015. Seaweed Sustainability: Food and Non-Food Applications. Academic Press: 488].
[3] Bjerregaard Rasmus, Valderrama Diego, Radulovich Ricardo, Diana James, Capron Mark, Mckinnie Cedric Amir, Cedric Michael, Hopkins Kevin, Yarish Charles, Goudey Clifford, Forster John, 2016. Seaweed aquaculture for food security, income generation and environmental health in Tropical Developing Countries (English). Washington, D. C.: World Bank Group.
[4]http://documents.worldbank.org/curated/en/947831469090666344/pdf/107147-WP-REVISED-Seaweed Aquaculture-Web.pd
[5] http://www.worldbank.org/en/topic/environment/brief/sustainable-aquaculture
[6]http://documents.worldbank.org/curated/en/947831469090666344/pdf/107147-WP-REVISED-Seaweed Aquaculture-Web.pd