Tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển tỉnh Cà Mau.

      I.  ĐẶT VẤN ĐỀ
      Cà Mau là tỉnh cực Nam của Việt Nam, thuộc đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông và phía Tây giáp Vịnh Thái Lan. Tỉnh Cà Mau có vị trí khá đặc biệt với ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước, phía biển Đông có chiều dài 107km, phía Tây thuộc Vịnh Thái Lan có chiều dài 147km; diện tích vùng biển tỉnh Cà Mau rộng khoảng 80.000km2, vùng đặc quyền kinh tế tiếp giáp các nước trong khu vực. Trên biển có 10 đảo thuộc 03 cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc; đặc biệt, cụm đảo Hòn Khoai có vị trí rất quan trọng án ngữ ở cửa Vịnh Thái Lan, nằm giữa vùng Biển Đông và Vịnh Thái Lan, gần đường hàng hải quốc tế rất thuận lợi phát triển kinh tế hàng hải; kết hợp với nguồn tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng, phong phú, tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế biển.
      Tỉnh Cà Mau có 23 xã, thị trấn giáp biển thuộc 06 huyện: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh. Đây là vùng chuyển tiếp giữa đất liền với biển, có nhiều cửa sông lớn thông ra biển như: Gành Hào, Hố Gùi, Bồ Ðề, Rạch Gốc, Ông Trang, Bảy Háp, Cái Đôi Vàm, Mỹ Bình, Ông Đốc và Khánh Hội. Vùng đất ven biển được bao bọc bởi dải rừng ngập mặn hình thành một khu đệm giữa biển và đất liền, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất, ngăn chặn xói lở bờ biển, chống lại gió bão và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Cà Mau có 02 hệ sinh thái mặn, ngọt và có độ che phủ rừng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, có 02 Vườn Quốc gia, Khu Ramsar và được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu vực ven biển, trên biển diễn ra nhiều hoạt động liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên biển như: Hàng hải, du lịch, khai thác thuỷ sản, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo; phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá…. Khai thác tài nguyên biển đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
      II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN Ở CÀ MAU
      Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển, những năm qua tỉnh Cà Mau đã tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng nhiều dự án, công trình nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển. Đến nay, kinh tế - xã hội trên tuyến biển đã có những kết quả tích cực và góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
      2.1. Về kinh tế thủy sản
      - Khai thác hải sản: Tính đến ngày 16/12/2024, Tổng số phương tiện đăng ký là 4.457 phương tiện với tổng công suất 665.823 KW (Lũy kế). Số lượng tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12m là 1.367 phương tiện với tổng công suất 67.033 KW, tàu có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m là 1.539 phương tiện với tổng công suất 187.355 KW, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 1.551 phương tiện với tổng công suất 411.435 KW. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2024 ước đạt 237.000 tấn, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 0,64% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tôm khai thác 10.000 tấn, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 2,88% so với cùng kỳ.
      - Cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá: Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương cùng với sự quyết tâm đầu tư cho lĩnh vực thủy sản của tỉnh Cà Mau, đã tạo điều kiện cho tỉnh từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá phụ vụ cho ngành thủy sản:
      + Về hệ thống cảng cá: Đã đầu tư xây dựng 07 cảng cá, trong đó có 05 cảng cá đã đưa vào hoạt động (trong số này có 02 cảng cá được Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác và 01 cảng cá cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng).
      + Về hệ thống khu neo đậu tránh trú bão: Với 04 khu neo đậu tổng sức chứa lên đến gần 1.400 tàu cá cơ bản đáp ứng cho tàu thuyền khai thác quay về neo đậu an toàn, tránh trú khi có giông bão xảy ra, giảm thiệt hại về người và tài sản.
      - Nuôi trồng thủy sản trên biển và vùng ven biển: Thực hiện Kế hoạch 229/KH-UBND ngày 16-12-2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển nuôi hải sản trên biển và ven biển tỉnh Cà Mau giai đoạn năm 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Năm 2023 thực hiện đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghề nuôi biển cho ngư dân và cán bộ quản lý ở các địa phương. Hiện nay, vùng ven quanh các cụm đảo mới nuôi cá lồng bè, vùng ven biển nuôi hào, nghêu, sò huyết: Xung quanh Đảo Hòn Chuối hiện có 33 chủ hộ nuôi với 75 bè (262 lồng), đối tượng nuôi là cá bớp; nuôi nghêu ở xã Đất Mũi với diện tích khoảng 28ha, sản lượng  khoảng 400 tấn/năm; nuôi hàu lồng trên sông, rạch, ven biển có 1.150 lồng nuôi hàu với tổng diện tích nuôi trên 1.100m2, sản lượng thu hoạch hàng năm từ 250 đến 300 tấn.
      - Chế biến thủy sản: Toàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp với 41 nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản, có thiết bị và công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới. Tổng công suất thiết kế khoảng 250.000 tấn (tôm nguyên liệu)/năm.Các doanh nghiệp luôn chú trọng mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mặt hàng, từng bước nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; hầu hết các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn để xuất hàng vào các nước phát triển như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada, EU …; sản phẩm thủy sản của tỉnh Cà Mau đã xuất khẩu qua 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hằng năm trên 01 tỷ USD (trong 03 năm gần đây).
      2.2. Về du lịch
      Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển du lịch được chú trọng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Đề án Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi; ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV; xây dựng Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, trình Bộ Xây dựng thẩm định; mời gọi đầu tư, tập trung phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau. Xác định sản phẩm du lịch là then chốt trong quá trình phát triển du lịch, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch; đầu tư xây dựng và mở rộng điểm du lịch văn hoá, lịch sử tại các khu di tích trong tỉnh,... Đến nay, tỉnh Cà Mau đã có 23 khu, điểm du lịch (kể cả hộ du lịch cộng đồng), tăng trưởng du lịch bình quân từ năm 2021 - 2023 đạt khoảng 20%. Đặc biệt, năm 2023, khu Du lịch Mũi Cà Mau đón 311.079 khách, trong đó khách trong nước 310.837 khách, khách quốc tế 260 khách, tổng thu trên 9 tỷ đồng.
      2.3. Về năng lượng tái tạo
      Tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển ngành điện, đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng cho địa phương và không gây ra các tác động về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển. Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi của tỉnh, với mục tiêu xuất khẩu khoảng 2.000MW vào năm 2031 và dự kiến tăng lên 4.000MW vào năm 2040.
Hiện tại, tỉnh có 16 dự án điện gió, tổng công suất 1.000 MW; trong đó, 14 dự án 800 MW được cấp chủ trương đầu tư (05 dự án đưa vào vận hành thương mại, với tổng công suất 170MW). Tính từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã giao khu vực biển cho các tổ chức để khai thác năng lượng gió với diện tích trên 6.000 ha, thu về ngân sách trên 100 tỷ đồng. 
      Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các dự án điện gió đã được Bộ Công Thương phân bổ đã được cập nhật trong Quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, trong Quy hoạch tỉnh, còn có các khu vực điện gió tiềm năng phát triển gần bờ và ngoài khơi nối lưới: Điện gió gần bờ với tổng công suất 3.562MW tại các huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh. Điện gió ngoài khơi với tổng công suất 5.100MW tại các huyện: Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Trần Văn Thời.
      Ngoài điện gió, tỉnh còn quan tâm đầu tư phát triển năng lượng mặt trời, sinh khối, sản xuất năng lượng mới từ năng lượng tái tạo (năng lượng Hydrogen). Theo Quy hoạch tỉnh, các khu vực có tiềm năng phát triển điện gió để sản xuất Hydro tại các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển với khả năng sản xuất Hydrogen 32.248 tấn/năm.
      2.4. Về kinh tế hàng hải
      Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, trong danh mục cảng biển Cà Mau có bến cảng Hòn Khoai, cảng Năm Căn, cảng Sông Đốc. Để triển khai thực hiện quy hoạch nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 18/7/2023 thành lập Tổ công tác chuẩn bị các điều kiện và xúc tiến đầu tư Cảng biển Hòn Khoai, tỉnh đề xuất Bộ Giao thông vận tải quan tâm, hỗ trợ trong kêu gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án và nghiên cứu, đề xuất quy hoạch Cảng biển Hòn Khoai; xem xét bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi, làm cơ sở nghiên cứu phương án kết nối giao thông và quy hoạch chi tiết, quy hoạch phát triển vùng đất, vùng nước Cảng biển Hòn Khoai; chỉ đạo nghiên cứu, sớm cải tạo, nâng cấp Cảng Năm Căn và thực hiện nạo vét luồng hàng hải Năm Căn - Bồ Đề để tàu có trọng tải đến 10.000 tấn có thể ra vào Cảng Năm Căn. Trong thời gian tới, tiếp tục khai thác, phát triển các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo theo Thông tư số 24/2022/TT-BGTVT ngày 13-10-2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, như các tuyến: Sông Đốc - Nam Du - Phú Quốc, Khai Long - Hòn Khoai,…
      2.5. Về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị ven biển
      Tỉnh có 03 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 661,86 ha và Khu kinh tế Năm Căn, diện tích 10.801,95 ha. Trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, có tổng số 50 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 20.290,53 tỷ đồng (trong đó, có 03 dự án FDI, vốn đăng ký 1.984,86 tỷ đồng, tương đương 86,31 triệu USD). Đã thu hút 03 nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Khánh An, Khu công nghiệp Hòa Trung và Khu công nghiệp Sông Đốc. Theo Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 17-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, giai đoạn đến năm 2030, thành lập mới 09 Cụm công nghiệp ven biển.
      Hiện tại, tỉnh đang tập trung đầu tư để phát triển đô thị Sông Đốc và đô thị Năm Căn trở thành đô thị loại III vào năm 2025; phát triển đô thị Sông Đốc trở thành đô thị mạnh về kinh tế biển vào năm 2030. Ngoài ra, tỉnh đề ra mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, các đô thị sinh thái ven biển cơ bản đạt đô thị loại IV, bao gồm các đô thị: Đất Mũi, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển); Sông Đốc, Khánh Bình Tây (Huyện Trần Văn Thời); Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân). Đô thị chuyên ngành dịch vụ thủy sản: Khánh Hội (huyện U Minh); đô thị chuyên ngành năng lượng, công nghiệp thủy sản và logistics: Tân Thuận (huyện Đầm Dơi).
      2.6. Khó khăn, hạn chế
      Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tập trung phát triển kinh tế biển còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Tiến độ triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh còn chậm, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các khu đô thị ven biển phát triển chậm so với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nên công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư phát triển kinh tế biển còn hạn chế. Cà Mau có ngư trường rộng, là một trong những ngư trường trọng điểm cả nước, những năm gần đây nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, cơ cấu ngành nghề khai thác thủy sản chưa hợp lý,chưa có giải pháp chuyển đổi nghề phù hợp, tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra; có chiều dài bờ biển lớn, diện tích biển rộng, năng lượng nắng, gió lớn nhưng chưa có nhiều dự án phát huy tiềm năng năng lượng sạch; có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo nhưng hầu hết các khu vực có tiềm năng đều liên quan đến đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nên rất khó thu hút đầu tư, khai thác phát triển tiềm năng du lịch.
      III. TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI
      Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 40-CTr/TU, ngày 30-6-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó thống nhất quan điểm chỉ đạo “Đối với tỉnh Cà Mau,phát triển kinh tế biển phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển" và các định hướng lớn gồm: (1) Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển có nhiều tiềm năng, lợi thế như kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch biển, kinh tế hàng hải; (2) Tiếp tục đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và các đô thị ven biển; (3) Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. 
      3.1. Về thủy sản
      Vùng biển tỉnh Cà Mau có diện tích ngư trường thăm dò, khai thác khoảng 80.000 km2,là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước; đáy biển thoai thoải, độ sâu trung bình từ 30 đến 50 mét, nơi sâu nhất khoảng 80 m. Theo số liệu điều tra gần đây, trên vùng biển của tỉnh Cà Mau, các nhà khoa học đã xác định được 661 loài, 319 giống thuộc 138 họ; trong đó, trữ lượng cá nổi ước tính khoảng 320.000 tấn, cá đáy khoảng 530.000 tấn. Tại khu vực Biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau, có khoảng 237 loài cá thuộc 137 giống và 82 họ đã được xác định. Ngoài ra, tại vùng bờ của tỉnh, đã ghi nhận được 39 loài thân mềm hai mảnh vỏ, trong đó có một số loài có giá trị kinh tế cao.
      Trên biển có 03 cụm đảo gần bờ, vùng ven biển có khoảng 87 con sông ăn thông ra biển, vùng ven biển có nhiều bãi triều, có nhiều giống loài thủy sản hai mảnh vỏ; điều kiện khí tượng thủy văn tương đối ổn định, ít chịu gió bão, vùng biển  có nguồn lợi hải sản phong phú, tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, rất thuận lợi cho phát triển ngành thủy sản của tỉnh. Ngoài ra, vùng biển của tỉnh còn là trung tâm tàu thuyền các tỉnh đến khai thác và giao dịch thuỷ sản, tạo điều kiện phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
      3.2. Về du lịch
      Tài nguyên du lịch của tỉnh Cà Mau rất đa dạng, phong phú và có sự khác biệt, đặc điểm riêng, bao gồm: Vị trí địa lý điểm cực Nam của Tổ quốc; ba mặt giáp biển (cả Biển Đông và Biển Tây); có các cụm đảo gần bờ như Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, quanh các cụm đảo có khoảng 65ha rạn san hô; vùng ven biển có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ, là 02 vùng lõi quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, riêng vùng đất ngập nước Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là Khu Ramsar thứ 2088 của thế giới. 
      Ngoài ra, Cà Mau cũng là vùng đất hội tụ nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa như: Khởi nghĩa Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc - Trung tâm Chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12, đây là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia; còn có các lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa biển, nhân văn, đặc trưng riêng của con người vùng sông nước Cà Mau. Từ vị thế đó, tạo điều kiện để phát triển về du lịch và dịch vụ.
      3.3. Về dầu khí
      Trên vùng biển Cà Mau đã phát hiện có trữ lượng dầu khí khá lớn, nhiều triển vọng khai thác và phát triển công nghiệp dầu khí. Theo báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển khí khu vực Tây Nam Bộ, ở thềm lục địa Tây Nam gồm nhiều lô thăm dò, khai thác dầu khí. Đây là những lô có trữ lượng và tiềm năng đáng kể về khí thiên nhiên. Chỉ riêng các khu vực đang thăm dò, khai thác và một số lô có tài liệu khảo sát đã cho thấy, trữ lượng tiềm năng khoảng 172 tỷ m³ khí, đã phát hiện 30 tỷ m³. Dự báo, sản lượng khai thác các mỏ khí có thể đạt khoảng 8,25 tỷ m³/năm. Đây là nguồn tài nguyên quý của đất nước, là điều kiện để phát triển công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng (cụm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Khu công nghiệp Khánh An,…), hiện đang thăm dò và chuẩn bị khai thác các lô 46, 50, 51, lô B. 
      3.4. Về hàng hải
      Vùng biển Cà Mau nằm trong vùng biển Tây Nam Bộ - tiếp giáp với nhiều nước như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia nên vùng biển này có vai trò là cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, cụm đảo Hòn Khoai gần đường hàng hải quốc tế, nằm ngay cửa Vịnh Thái Lan, trên đảo có Hải Đăng do Pháp xây dựng, đây cũng là nơi để các tàu vận tải biển làm điểm định hướng đi các nước khác, có vị trí rất thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau nói riêng, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
      3.5. Về năng lượng tái tạo
      Với địa hình bờ biển dài 254km, có 03 mặt giáp biển, với tốc độ gió biển trung bình 6,3m/s - 7m/s ở độ cao từ 80m - 100m, diện tích thềm lục địa gần 80.000 km2, vùng biển thoai thoải, nông nên rất thuận lợi cho phát triển điện gió, điện sóng. Theo đánh giá, tổng công suất các nguồn điện gió tiềm năng 15,3GW (khoảng 8,5GW điện gió ngoài khơi và khoảng 6,8GW điện gió gần bờ và trên bờ). Nguồn điện gió ngoài khơi dồi dào, có thể sử dụng để xuất khẩu sang các nước khu vực, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn có tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời, điện khí với tổng công suất tiềm năng khoảng 2,85GW.
      3.6. Về dịch vụ, đô thị ven biển
      Tỉnh Cà Mau rất có tiềm năng về phát triển đô thị, dịch vụ ven biển dựa trên đặc điểm về dân cư và kết cấu hạ tầng ven biển. Dân số tỉnh Cà Mau hơn 1,2 triệu người, trong đó dân số của 06 huyện ven biển 703.992 người, chiếm 58,24% dân số toàn tỉnh; riêng khu vực các xã, thị trấn ven biển có 282.655 người, chiếm 23,38% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,15% dân số các huyện ven biển. Khu vực ven biển có một số xã, thị trấn có mật độ dân số cao hơn mức trung bình của toàn tỉnh (229 người/km2) như: thị trấn Sông Đốc (1.134 người/km2), thị trấn Cái Đôi Vàm (635 người/km2), thị trấn Rạch Gốc (252 người/km2), xã Khánh Hội (312 người/km2). Hệ thống giao thông vùng ven biển được ưu tiên đầu tư xây dựng, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng các đô thị ven biển. Đây là những lợi thế lớn để phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển. 
      Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã không ngừng nỗ lực triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế biển. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, kinh tế biển tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, quá trình thực hiện còn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; sự quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời của các bộ, ngành Trung ương, tin tưởng rằng tỉnh Cà Mau sẽ hiện thực hóa khát vọng vươn ra biển lớn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam./.

Ks. Võ Minh Luân - Sở Nông nghiệp và Môi trường Cà Mau