Tiền Giang: Mô hình trồng khoai mỡ leo giàn của nông dân huyện Tân Phước.

       Cùng với khóm, khoai mỡ là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), để phát huy thế tương thích của khoai mỡ với vùng đất phèn này, hiện nay một số nông dân nhạy bén ở các xã Tân Hòa Đông, Phú Mỹ, Hưng Thạnh, Tân Hòa Thành chuyển cách trồng khoai mỡ bò lan trên đất sang trồng leo giàn. So với cách trồng truyền thống thì trồng khoai mỡ theo cách mới này có nhiều ưu điểm, như: Tận dụng diện tích mặt đất, mật độ trồng dày, dễ thoát nước, cây quang hợp tốt nên hạn chế sâu bệnh, dịch hại, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.
       Phong trào trồng khoai mỡ leo giàn xuất phát từ xã Phú Mỹ, sau đó lan rộng ra các địa phương khác vùng Đồng Tháp Mười. Từ vài hécta, sau một năm, diện tích trồng khoai mỡ leo giàn toàn huyện Tân Phước hiện đạt trên 100 héc ta. Qua sản xuất thực tế, khoai mỡ leo giàn cho năng suất cao hơn khoảng 10% so với cách trồng truyền thống, củ đẹp, tỷ lệ củ bị sượn hay bị mục đầu thấp, diện tích trồng khoai mỡ leo giàn ngày càng được nông dân huyện Tân Phước mở rộng. Để né lũ, trồng khoai mỡ leo giàn thường được nông dân xuống giống khoảng đầu tháng 9, thu hoạch vào dịp cận Tết Nguyên đán, lúc này giá bán khoai mỡ tăng cao và không bị dội chợ.
       Mặc dù không có thâm niên trồng khoai mỡ nhưng ông Trần Văn Hồng, ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Mỹ lại là người tiên phong trồng khoai mỡ leo giàn. Trên nền đất trồng dưa hấu, ông Hồng rất thuận lợi khi áp dụng kỹ thuật trồng khoai mỡ cho leo giàn. Tuy nhiên, đối với cách trồng mới này, ông Hồng phải chuẩn bị giống thật kỹ, vì mật độ trồng dày, bình quân mỗi công đất trồng 3.000 dây, nhiều hơn gấp đôi so với cách trồng bò lan trên mặt đất. Để có thu hoạch quanh năm trên diện tích 08 công đất, ông Hồng xuống giống khoai mỡ nhiều đợt. Khi mới xuống giống, ông Hồng thường xuyên bồi bùn cho liếp để cây con đủ dinh dưỡng phát triển tốt, sau đó, cứ một tháng bồi bùn hai lần, nhằm tăng thêm diện tích mặt liếp, tạo điều kiện cho củ khoai phát triển tối đa, tăng năng suất, sản lượng khi thu hoạch.
       Vụ khoai mỡ vừa qua, ông Hồng thu lãi được 140 triệu đồng, cao hơn so với các loại rau màu khác, nhất là trồng khoai mỡ leo giàn chi phí, thuốc bảo vệ thực vật giảm hơn rất nhiều, góp phần cải tạo đất. Riêng giàn dây có thể sử dụng trồng 03 mùa khoai hoặc cũng có thể trồng các loại rau màu dây leo khác như: Khổ qua, dưa leo hay đậu đũa...
       Theo các thương lái, do có nhiều nhà hàng, công ty thu mua để chế biến bột sữa nên khoai mỡ hiện đang có giá bán cao, tạo phấn khởi cho nông dân trồng khoai mỡ trên địa bàn huyện Tân Phước.