Ứng dụng công nghệ biofloc trong sản xuất giống và ương giống tôm sú (penaeus monodon)

       I. Đặt vấn đề

       Giải pháp cho nghề sản xuất giống tôm sú theo hướng an toàn sinh học thì việc ứng dụng công nghệ biofloc trong ương ấu trùng tôm sú để tạo ra con giống tốt, an toàn sinh học phục vụ cho nghề nuôi là rất cần thiết. Công nghệ biofloc trong nuôi trồng thủy sản được xem là công nghệ sinh học theo hướng mới. Theo Avnimelech (2006) và Ray et al. (2012) cho thấy trong hệ thống nuôi trồng thủy sản thâm canh khi có bổ sung nguồn carbohydrate cho thấy nhiều lợi ích (i) cải thiện chất lượng nước, giảm áp lực của nghề nuôi đến môi trường, (ii) do vậy có thể tăng mật độ nuôi và cho năng suất cao (iii) ít bùng phát dịch bệnh do vi khuẩn có khả năng tạo chất kháng khuẩn poly-β-hydroxybutyrate (PHB), (iv) nhờ đó giúp tôm tiêu hóa tốt và lớn nhanh điều này giúp tiết kiệm thức ăn cũng như giảm chi phí thuốc hóa chất phòng trị bệnh. Việc ứng dụng công nghệ biofloc trong sản xuất giống và ương giống tôm sú để tạo ra con giống sạch bệnh, an toàn sinh học là nhu cầu cấp thiết.

       II. Nội dung

       2.1. Khái quát chung về biofloc

       Biofloc là các cụm kết dính gồm vi khuẩn, vi tảo, động vật nguyên sinh và các vi sinh vật khác cùng với các mảnh vụn hữu cơ kết thành các hạt biofloc có đường kính 0,1 đến vài mm, trong đó vi khuẩn dị dưỡng chiếm ưu thế so với các thành phần trong biofioc (Avnimelech et al. 2015)

DSC02736 (Medium)

Hình 1: Thành phần và hạt biofloc

       Để biofoc hoạt động tốt thì phải tạo điều kiện tối ưu cho vi khuẩn phát triển tốt trong môi trường nuôi thủy sản. Các vi sinh vật dị dưỡng sử dụng cacbon hữu cơ: tinh bột, rỉ đường, chất thải của sinh vật trong môi trường nuôi để tạo protein trong sinh khối thông qua đó sẽ hấp thu nitơ hòa tan.

       Bằng phương pháp bổ sung cacbon vào bể ương để kích thích sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng, Nitơ sẽ được hấp thu thông qua việc tổng hợp protein của vi sinh vật (Avnimelech 1999). Biofloc là công nghệ xử lý nước thông qua việc bổ sung cabon vào hệ thống ương tôm. Việc hấp thu nitơ thông qua sự phát triển của vi khuẩn sẽ làm giảm hàm lượng ammonium nhanh hơn so với quá trình nitrat hóa (Hargreaves 2006).

       Theo Avnimelech (2012), biofloc không những có tác dụng cải thiện chất lượng nước mà còn là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho tôm. Biofloc có hàm lượng đạm khá cao (25- 50% trọng lượng khô) và là nguồn vitamin, khoáng cần thiết cho tôm, đặc biệt là phospho.

       Xác định nguồn carbohydrate để bổ sung vào hệ thống biofloc được xem là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy quá trình tạo biofloc (Browdy et al. 2012). Có thể bổ sung trực tiếp các chất như đường cát, tinh bột, acetate, glycerol và bột tảo khô (Taw Nyan, 2010).

       2.2. Các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ biofloc trong sản xuất giống và ương giống tôm sú

       Theo Châu Tài Tảo và ctv (2016) ương ấu trùng tôm sú theo công nghệ biofloc với các nguồn cacbon khác nhau là bột gạo, bột mì, rỉ đường và không bổ sung nguồn cacbon (đối chứng). Kết quả nghiên cứu cho thấy chiều dài postlarvae 15 (13,5±0,1mm), tỷ lệ sống (50,4±5,1%) và năng suất (75.656±7.688 con/lít) ở nghiệm thức bổ sung rỉ đường lớn hơn so với nghiệm thức đối chứng và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05), trong khi so với nghiệm thức bổ sung bột gạo và bột mì thì khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

        Theo Châu Tài Tảo (2017) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ biofloc trong sản xuất giống tôm sú (Penaeus monodon) nhằm xác định tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm sú ở các mật độ ương và thời điểm bổ sung nguồn carbohydrate trong hệ thống có và không có biofloc. Kết quả nghiên cứu cho thấy tăng trưởng về chiều dài ở giai đoạn PL15 của thí nghiệm khi bổ sung nguồn cacbohydrate ở giai đoạn Mysis-3 và PL2 thì chiều dài trung bình tổng của PL15 ở hệ thống có biofloc luôn lớn hơn khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với hệ thống không có biofloc, riêng ở thí nghiệm bổ sung nguồn cacbohydrate ở giai đoạn PL6 thì trung bình tổng chiều dài của PL15 khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với không có biofloc. Qua kết quả cho thấy ương ấu trùng tôm sú từ Mysis-3 theo công nghệ biofloc ở mật độ 200 con/L là tốt nhất

       Trần Ngọc Hải và Lê Quốc Việt, (2016) khi ứng dụng công nghệ biofloc ương tôm sú giống với các mật độ khác nhau (1.000; 2.000 con/m3; 3.000 và 4.000 con/m3), độ mặn 15‰, tỷ lệ C:N = 15:1 và sử dụng nguồn cacbon từ bột gạo để bổ sung tạo biofloc. Kết quả cho thấy, ương giống tôm sú theo công nghệ biofloc ở mật độ 2.000 con/m3 đạt kết quả tốt nhất.

       2.3. Kết quả chuyển giao qui trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc tại tỉnh Cà Mau

       Kết quả triển khai thực nghiệm ở 6 cơ sở trong 2 đợt cho thấy hầu hết các cơ sở đều có sử dụng bể ương tôm bằng xi măng với thể tích nước là 7 m3, mỗi cơ sở có nhiều khu sản xuất, mỗi khu sản xuất có từ 15-18 bể ương.