I. Đặt vấn đề:
Cà Mau có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, với ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254 km với trên 80 con sông đổ ra biển. Vì thế, phần lớn diện tích Cà Mau có nguồn nước mặn, lợ với chất lượng khá tốt đáp ứng nhu cầu phát triển của nuôi tôm nước lợ với 279.348 ha, sản lượng tôm ước đạt 154.200 tấn, chiếm 20% sản lượng tôm nuôi của cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 741,8 triệu USD (Báo cáo Sở NN&PTNT).
Trong những năm gần đây nghề nuôi tôm đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là nuôi tôm theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh. Với những điều kiện thuận lợi đó, trong thời gian qua nghề nuôi tôm của tỉnh ngày càng phát triển và không ngừng mở rộng diện tích nuôi. Qua đó, giải pháp nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 03 giai đoạn theo hướng an toàn sinh học ngoài việc giúp giảm rủi ro và chi phí sản xuất hợp lý còn giúp phát triển nuôi tôm thâm canh ở Cà Mau đạt hiệu quả và bền vững như có: (i) Hệ thống nuôi, quy trình nuôi được cải thiện để giảm thiểu tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, tối ưu hóa trong quy hoạch bố trí diện tích đất để nuôi tôm thâm canh (ii) Có quy trình công nghệ phù hợp để áp dụng vào mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng theo hướng: Ổn định năng suất, sản lượng kết hợp với tối ưu hóa chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận; sử dụng bền vũng tài nguyên nước để giảm thiểu tác động đến môi trường; (iii) Tạo ra sản phẩm sạch, không nhiễm hóa chất, kháng sinh để phục vụ cho xuất khẩu của thị trường khó tính. Chính vì vậy dự án Ứng dụng công nghệ sinh học nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh 03 giai đoạn tại Cà Mau triển khai thực hiện là phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương hiện nay.
II. Nội dung
2.1 Khái quát chung về ứng dụng công nghệ sinh học nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 03 giai đoạn
Ứng dụng công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 03 giai đoạn an toàn sinh học là biện pháp hiệu quả giúp rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm, năng suất, giảm chi phí cho vụ nuôi, giúp người dân tiếp cận công nghệ nuôi, áp dụng thực tiễn vào sản xuất để ứng phó với sự biến đổi bất thường của khí hậu, môi trường, dịch bệnh,... qua đó nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Nuôi tôm theo quy trình công nghệ 03 giai đoạn nhằm giải quyết vấn đề cụ thể như:
- Giai đoạn 01 (ao ương): Với mật độ cao được chăm sóc kỹ, có thể có mái che mưa, ổn định môi trường, tăng sức chống chịu của tôm con, tăng tỷ lệ sống và tăng trưởng bình thường trong điều kiện nuôi mật độ cao.
- Giai đoạn 02 (ao nuôi tôm lứa): Nuôi 30 ngày tuổi, chuyển từ ao ương sang có diện tích lớn hơn, mục đích giảm mật độ ương nuôi, để tôm phát triển bình thường, tăng tỷ lệ sống.
- Giai đoạn 03 (ao nuôi tôm thương phẩm): Sau thời gian nuôi ao tôm lứa thì tiến hành chuyển tôm sang ao nuôi thương phẩm với mật độ thưa hơn, giảm sức ép về môi trường, dịch bệnh (diện tích gấp 2 lần ao nuôi tôm lứa), mật độ nuôi giai đoạn này 180 - 200 con/m2. Thời gian nuôi 30 – 60 ngày.
2.2 Các kết quả ứng dụng học trong nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt HDPE hiện nay:
Dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannmei) siêu thâm canh 03 giai đoạn theo công nghệ Semi – Biofloc tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân” (2020 do Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư chủ trì); Công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh 02 giai đoạn trong ao lót bạt HDPE 100%: Hiện nay, mô hình nuôi tôm 02 giai đoạn trong ao lót bạt HDPE 100% đang phát triển rộng ở ĐBSCL đặt biệt tại tỉnh Cà Mau do kiểm soát được vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và ít rũi ro hơn các mô hình nuôi khác. Nuôi tôm trong ao lót bạt HDPE 100% chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Ao nuôi được lót bạt hoàn toàn, đáy ao có hố si phong, lắp đặt hệ thống quạt, oxy đáy, hệ thống cho tôm ăn tự động,…Nhờ mô hình đầu tư khá hiện đại và khép kín nên có thể thả nuôi thâm canh với mật độ khá cao. Trung bình mật độ thả nuôi từ 200 - 250 con/m2, tôm sau 100 - 105 ngày thả nuôi là có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ từ 45 - 30 con/kg, năng suất đạt khoảng 45 - 50 tấn/ha.
Thông qua kết quả của các mô hình nuôi trước đây thì mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn được lựa chọn để triển khai thực hiện trong dự án này là có sự kế thừa, chọn lọc và cải tiến hơn trong quá trình nuôi.