Cà Mau, tỉnh ven biển ở cực Nam của Việt Nam, trong những năm gần đây đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi kinh tế với trọng tâm là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng các thách thức về môi trường, xã hội, và kinh tế, phát triển kinh tế bền vững đã trở thành mục tiêu ưu tiên trong các chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và địa phương, trong đó có Cà Mau. Cà Mau, với lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đang tích cực chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển bền vững. Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Cà Mau không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường và thúc đẩy công bằng xã hội.
Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh Cà Mau
Để thúc đẩy sự phát triển của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp bền vững, chính quyền Cà Mau đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực xanh và công nghệ cao, được triển khai rộng rãi. Ngoài ra, các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường bộ, và các khu công nghiệp cũng đang được đẩy mạnh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển và hội nhập với nền kinh tế quốc gia và quốc tế.
Hình 1: Trang thông tin điện tử khởi nghiệp của tỉnh Cà Mau (Nguồn: https://camaustartup.com)
Chính quyền tỉnh cũng tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi, cải thiện thủ tục hành chính và cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mới. Các sáng kiến này nhằm mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, giúp Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế năng động và bền vững trong khu vực.
Triển khai Chỉ thị số 09/CT-TTg, ngày 18/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 06/11/2017 về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025, nhiều hoạt động hỗ trợ về thủ tục hành chính, pháp lý, các lớp tập huấn đào tạo về sản xuất, sản phẩm, công nghệ mới, quản lý kinh doanh, tài chính, chuyển đổi số… cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ với đa dạng hoá đối tượng đã và đang được thực hiện sâu sát. Gần đây nhất, thực kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 15/4/2024 của Ban Chỉ đạo hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh về Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2024 các dự án khởi nghiệp đạt giải tại các cuộc thi đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền và các tổ chức tài chính và thử sức tại các sân chơi quốc tế (Công ty WESOLIFE). Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đào tạo và tiếp cận nguồn vốn đã giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho các sáng kiến khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực bền vững.
Vai trò của khởi nghiệp sáng tạo và tác động đến phát triển kinh tế bền vững
Khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại Cà Mau. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, và bảo vệ môi trường đang ngày càng phát triển. Những doanh nghiệp này không chỉ tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới mà còn góp phần tạo dựng một nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu lãng phí tài nguyên và bảo vệ hệ sinh thái.
Cà Mau hiện đang thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời, tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu và địa hình. Các dự án năng lượng này không chỉ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mà còn tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho người dân.
Hình 2: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng lãnh đạo các đơn vị thực hiện nghi thức khởi động Ngày hội khởi nghiệp CAMAUP’24
Nguồn: Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau
Các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp kết hợp với các chương trình tập huấn chuyên sâu thường xuyên được tổ chức định kỳ để tìm kiếm và hỗ trợ các sáng kiến khởi nghiệp mới và hiệu quả, tiêu biểu là sự thành công của chuỗi sự kiện thường niên “Ngày hội khởi nghiệp CamaUP’22”; “CamaUP’23”; “CamaUP’24” đã đưa sự kiện khởi nghiệp của Cà Mau thành chuỗi sự kiện khởi nghiệp với quy mô cấp vùng và càng ngày càng mở rộng hơn nữa.
- Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản
Nông nghiệp và thủy sản luôn là ngành chủ đạo của Cà Mau. Tuy nhiên, với sự biến động của thị trường và các yếu tố môi trường ngày càng khắc nghiệt, việc áp dụng đổi mới sáng tạo trong các ngành này là cần thiết để duy trì và phát triển bền vững. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và trồng trọt, đang được triển khai mạnh mẽ tại Cà Mau.
Một trong những xu hướng nổi bật là việc áp dụng công nghệ IoT (Internet of Things) và Big data trong quản lý và điều khiển quá trình sản xuất, như hệ thống điều khiển tự động trong các trại tôm và ứng dụng công nghệ AI trong quản lý chất lượng nước ở các trang trại nuôi tôm công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ giúp tăng năng suất, giảm đáng kể hao phí sức lao động của con người, mà bên cạnh đó còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn.
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng vào phát triển mô hình nông nghiệp xanh và sạch, khuyến khích việc sản xuất các sản phẩm nông sản, thủy sản hữu cơ, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
- Đối với việc phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc thù của tỉnh Cà Mau
Sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã mang lại nhiều kết quả rõ rệt, một trong những kết quả nổi bật là đã giúp các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau nâng cao giá trị so với kinh doanh truyền thống trước đây, hàng loạt sản phẩm đã được nâng tầm và có vị thế nhất định thông qua công nghệ chế biến, đóng gói hiện đại và phát triển thương hiệu. Có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu:
+ Ba khía Đầm Dơi: Các mô hình sản xuất khép kín với quy mô lớn và theo tiêu chuẩn của các vùng thị trường lớn đã đưa Ba khía trở thành một trong những sản phẩm nổi tiếng đến từ Cà Mau. Là sản phẩm tiêu biểu phát triển đi lên sau phong trào khởi nghiệp sáng tạo và được Ban chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh quan tâm định hướng trở thành sản phẩm OCOP. Sản lượng sản phẩm của hợp tác xã tăng từ 10 đến 15 tấn/năm lên từ 45 đến 50 tấn/năm, doanh thu hàng năm tăng từ 15% đến 30% kể từ sau khi tham gia OCOP, với đa dạng hoá sản phẩm từ mắm ba khía, rêu ba khía, ba khía trộn sẵn…
+ Các sản phẩm từ tôm, cua Cà Mau: Từ sản phẩm tôm, cua tươi sống truyền thống nổi tiếng, hiện nay việc chế biến thành các sản phẩm như tôm, cua đông lạnh, cua lột, chả tôm, chả cua, nem cua, bánh phồng tôm, bánh phồng cua cũng đã góp phần làm đa dạng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
+ Các sản phẩm dược liệu quý: từ việc chủ động mở rộng vùng nguyên liệu các nhà khởi nghiệp sáng tạo dần đã đưa các nguồn dược liệu quý trở thành một trong những thế mạnh trong hệ sinh thái của tỉnh nhà như các sản phẩm từ cây nông nghiệp mặn (HALOFAI); trà xạ đen, các sản phẩm từ mật ong, trái nhàu, trái giác, trái sơ ri; đông trùng hạ thảo… ngày càng xuất hiện nhiều và có vị thế nhất định trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Cà Mau.
Hình 3: Dự án Nước mắm từ đầu tôm tại chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Cà Mau 2024
Nguồn: Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau
- Đối với phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường
Cà Mau đang từng bước khai thác tiềm năng du lịch sinh thái thông qua việc tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Những địa danh nổi bật như rừng ngập mặn, vườn quốc gia Mũi Cà Mau và hệ thống các khu du lịch sinh thái đang trở thành những điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách. Mô hình du lịch sinh thái không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống.
Hình 4: Mô hình du lịch sinh thái tại Cà Mau. Nguồn: Cà Mau-Eco
Song song với phát triển du lịch, tỉnh Cà Mau còn chú trọng đến các chương trình bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là rừng ngập mặn. Đây là khu vực giữ vai trò thiết yếu trong việc chống sạt lở bờ biển, duy trì đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các dự án trồng và khôi phục rừng ngập mặn được triển khai đồng bộ, hiệu quả, định kỳ, giúp cải thiện chất lượng môi trường và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế, việc bảo tồn rừng ngập mặn còn mang tính chiến lược dài hạn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng rõ nét, các nỗ lực này giúp Cà Mau xây dựng hình ảnh một địa phương xanh, sạch, và phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là động lực để tỉnh khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững lâu dài.
Kết luận
Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đóng vai trò cốt lõi trong hành trình phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Cà Mau. Việc đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, kết hợp phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách của địa phương, đang giúp Cà Mau chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn gặp không ít thách thức trong việc nâng cấp hạ tầng, bảo vệ môi trường và tăng cường sự kết nối vùng. Với chiến lược phát triển phù hợp và tầm nhìn đúng đắn trong kỷ nguyên mới, Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy mạnh các cải cách, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có và đưa đổi mới sáng tạo trở thành động lực then chốt cho mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Ths. Sử Huỳnh Anh - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau
Tài liệu tham khảo:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2023). Chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam.
Tỉnh Cà Mau (2024). Chiến lược phát triển du lịch sinh thái tỉnh Cà Mau 2024-2030.
Cục Thống kê tỉnh Cà Mau (2024). Báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau năm 2024.
Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau (2024). Báo cáo kết quả triển khai các dự án phát triển kinh tế bền vững tại Cà Mau.