dự án sản xuất thử nghiệm cấp cơ sở: “ nuôi cá nước ngọt (cá lóc; channa striata) trên địa bàn xã tân ân, huyện Ngọc Hiển ”

       Đa dạng hóa mô hình nuôi ở địa phương là một phần quan trọng của việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Điều này có thể áp dụng cho nhiều loại nguồn lợi dựa vào tình hình địa phương và nguồn tài nguyên có sẵn. 
       Tân Ân là xã có tiềm năng lớn với diện tích tự nhiên là 6.245,28 ha. Có tiềm năng và địa hình thuận lợi cho phát triển nông nghiệp thủy sản ngọt hóa để cung cấp cho huyện. Hiện nay, địa phương đang hình thành khu vực ngọt hóa với diện tích  khoảng 30.000m2 trải dài theo tuyến lộ bê tông trên địa bàn ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân. Đây cũng là một lợi thế phát triển thêm đối tượng nuôi mới, đặc biệt là nuôi cá nước ngọt và trồng cây ăn trái... Xuất phát từ nhu cầu và tình hình sản xuất tại địa phương gặp không ít trở ngại và biến động như: môi trường không ổn định, dịch bệnh trong sản xuất như hiện nay... Thời gian qua, người dân trên địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển đã tận dụng những khu đất trống từ đất biền ven sông hay khu chứa bùn khi sên vét, cải tạo vuông nuôi tôm hàng năm tích lũy được để canh tác làm vườn rau, nuôi cá và trồng cây ăn trái... phục vụ cho bữa ăn hàng ngày cũng như hỗ trợ về thực phẩm cần thiết cho cuộc sống, mỗi khi hết con nước xổ vuông... Đây cũng là mô hình nhằm cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời buổi hiện nay. 
       Điển hình là mô hình từ dự án Nuôi cá nước ngọt (Cá lóc; Channa striata) trên địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển” được thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 do Uỷ ban nhân dân xã Tân Ân là cơ quan chủ trì và Trần Thanh Đồng chủ nhiệm dự án. Đây là mô hình sản xuất thử nghiệm mới trên vùng mặn, với đối tượng mới, nghề nuôi mới nhưng tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của địa phương. Mục tiêu của dự án sản xuất thử nghiệm là từng bước chuyển đổi dần phương thức sản xuất của của người dân trên địa bàn, tận dụng điều kiện sẵn có, công nhàn rỗi cũng như nguồn thức ăn cá tạp ở địa phương, thực hiện áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất hiệu quả hơn. Đặc biệt, là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Kỹ thuật nuôi đơn giản, ít tốn công chăm sóc, ít rủi ro. Mô hình nuôi thành công sẽ được tập huấn cho người dân ở địa phương giúp cho người dân nâng cao kiến thức và áp dụng tiến bộ khoa học mới vào thực tiễn sản xuất, nhằm giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Ngoài ra, việc áp dụng mô hình: Nuôi cá nước ngọt (Cá lóc) tại xã Tân Ân còn góp phần đa dạng phương thức nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng cường lợi ích kinh tế cho người dân, tăng thêm thu nhập, tạo điều kiện phát triển kinh tế theo nông hộ với mức chi phí vừa phải phù hợp với điều kiện kinh tế của hộ dân. 
       Dự án đã thực hiện các nội dung: (i) Chủ nhiệm dự án và cơ quan chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khảo sát chọn lựa 15 hộ dân để thực hiện dự án đảm bảo về các điều kiện như: có diện tích phù hợp, có vốn đối ứng, có ao nuôi và trang thiết bị sản xuất, có nhiệt huyết trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có nhân lực để thực hiện dự án. (ii) Phối hợp với các đơn vị có liên quan thành lập tổ hợp tác sản xuất của dự án. (iii) Tiến hành thực nghiệm sản xuất tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi và cán bộ kỹ thuật quản lý trực tiếp để nắm vững quy trình kỹ thuật (Có 27 người tham dự).
       Dự án được triển khai trong thời gian 6 tháng với quy mô thực hiện dự án là 1.500m2/ 15 hộ có diện tích mặt đất trống để xây dựng ao chắc chắn không bị mội, rò rỉ và đặc biệt là không bị nhiễm phèn, mặn. Mật độ nuôi 30 con/m2/; tỷ lệ sống ≥ 40%; năng suất ước đạt ≥ 13.500kg/vụ nuôi; kích cỡ thu hoạch 1 – 2con/kg, sau 6 tháng nuôi. Sau thời gian nuôi từ 5- 6 tháng khi cá đạt kích cỡ 1 –2con /kg thì tiến hành thu toàn bộ. Bên cạnh đó, một vài hộ đã thu tỉa và kết thúc dự án đã thu đồng loạt. Lợi nhuận thực tế của dự án là 271.590.000 đồng, bình quân mỗi hộ lãi 18.106.000 đồng của vụ nuôi. Dự án nuôi cá nước ngọt (cá lóc) tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân thành công đã tiết kiệm được chi phí sản xuất bởi: quy trình sẽ sử dụng những thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học đúng cách, đúng liều và đúng thời gian, được các nhà chuyên môn hướng dẫn đối với từng loại cụ thể; các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học nằm trong danh mục được phép lưu hành của cấp có thẩm quyền, nguồn thức ăn (cá phân) dồi dào nên tránh được những lãng phí không đáng có trong sử dụng thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học; góp phần giảm chi phí sản xuất. 


 

Ảnh. Thu hoạch cá lóc hộ ông Phan Quốc Tiến, thời gian nuôi 5 tháng 26 ngày. Dùng lưới kéo thu hoạch, cá đạt kích cở 500-700g/con thu hoạch 1.130kg, giá bán 50.000/kg (Tg)

       Hiệu quả của dự án trong việc nuôi cá nước ngọt (cá lóc) đã nâng cao được năng suất, chất lượng, hạn chế dịch bệnh, sản phẩm khi thu hoạch không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất độc hại, tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương; cải thiện bữa ăn hàng ngày, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi. Mức đầu tư cho mô hình phù hợp, nên giá thành sản xuất để tạo ra sản phẩm vừa phải, đây là ưu điểm góp phần mang lại hiệu quả kinh tế của mô hình. Đồng thời việc ứng dụng quy trình nuôi cá nước ngọt (cá lóc) thành công sẽ góp phần mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt (cá lóc) của huyện; về lâu dài, mô hình sẽ nhân rộng cho các hộ dân trong khu vực đã quy hoạch ngọt hoá. Việc phát triển nhân rộng sẽ tạo được công ăn việc làm cho người dân, giảm thiểu số lao động nhàn rỗi; góp phần xoá đói giảm nghèo cũng như tăng cường về an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực triển khai dự án được ổn định.
       Kết quả của dự án khi thành công sẽ tác động mạnh mẽ về mặt kinh tế- xã hội, cụ thể là khuyến khích hình thành mô hình sản xuất mới, dẫn đến sự phát triển mô hình nâng cao năng suất với quy mô lớn hơn và nhân rộng cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã và các địa phương khác có điều kiện đất đai giống như xã Tân Ân. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án người dân tham gia sản xuất không chỉ được hỗ trợ về kiến thức khoa học công nghệ mà lợi nhuận thu về cũng giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần; đồng thời có khả năng tạo thêm việc làm, mô hình sản xuất mới cho huyện từ đó góp phần ổn định kinh tế, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Thông qua kết quả dự án đạt được, cơ quan chủ trì sẽ đúc kết và hoàn chỉnh tài liệu kỷ thuật áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại huyện Ngọc Hiển. Từ đó tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng mô hình tại các vùng nuôi có điều kiện phù hợp trên địa bàn.

Thanh Đồng và Thảo Đang